(Truyện Hay Mỗi Ngày - TRUYỆN CỰC NGẮN - Đọc Xong Ngẫm Nghĩ)
Ngày Mai Biết Còn Không ?
Chú tôi bị bệnh nhưng còn đi tới lui được. Nghe tin người bạn bệnh nặng, Chú tới nhà thăm. Ông bạn mừng rỡ cảm động nói: - Tôi bệnh, anh cũng bệnh mà còn ráng tới thăm tôi chi cho cực nhọc vậy. Chừng nào mình mạnh rồi thăm nhau cũng được mà! Chú nói: - Ngày mai biết còn không! Sợ bạn hiểu lầm, Chú tiếp lời: - Tôi nói đây không phải nói anh mà nói cả tôi nữa đấy. Đến thăm anh chớ biết đâu tôi lại chết trước anh "Ngày mai biết còn không!". Bây giờ còn thăm nhau được cứ thăm anh đừng ngại gì cả!Chẻ Đá Anh thợ chẻ đá đục một hàng lỗ nhỏ trên một phiến đá. Anh bắt đầu kê lưỡi đục vào mỗi lỗ, dùng búa đóng nhẹ một cái. Anh cứ đóng qua lại như thế hồi lâu rồi anh để lưỡi đục vào lỗ ngay giữa phiến đá, đóng mạnh một cái. Phiến đá tách làm đôi. Người hàng xóm đứng xem, ngạc nhiên nói: - Sao anh không để ngay giữa đục một cái cho tách ra mau, cần chi đục tới lui cho nhọc? Anh thợ đá cười bảo: - Nãy giờ không có búa nào vô ích cả! Nếu không có những lần đục trước thì chẳng bao giờ búa cuối cùng này tách đá ra được.
Về Tây Phương Một lần nọ Bác Hai về viếng chùa Tây An và thăm mấy cô cư sĩ tu thuở trước. Lâu quá mới gặp lại, ai nấy đã già cả hết rồi! Mấy cô mừng Bác và trách: - Sao lâu ghê anh không về đây chơi. Thỉnh thoảng anh ghé qua để khuyến tấn tụi em tu tiến, đặng có về Tây phương, chứ ở cõi Ta bà này nhiều chuyện bực ơi là bực! Bác nói:
- Thôi về trển làm chi! Ở trần này mà biết thương yêu, tha thứ và đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau cũng vui rồi. Về Tây phương mà người ngồi cao, người ngồi thấp rồi háy nguýt nhau cũng vậy hà!
Tự Vận Có một người buồn phiền về chuyện gia đình. Anh quyết định tự vận, đêm ấy anh viết thư tuyệt mạng xong, vừa bưng ly độc dược lên uống, anh chợt nhớ đến mấy người bạn cư sĩ ở núi Cấm. Anh liền nghĩ lại: "Thôi, kể như mình đã uống và đã chết rồi! Mai mình đi tu quách cho xong, ai làm gì đó thì làm." Hạ quyết tâm xong, lòng anh rất yên ổn. Sáng hôm sau anh lên núi Cấm tu. Xế chiều, anh em kéo nhau lên đỉnh vồ Bồ Hong ngồi nhìn xuống núi, anh nói: - Hồi hôm, nếu tôi uống ly nước đó thì bây giờ đã chôn cất xong rồi, ai về nhà nấy, riêng mình thì nằm dưới lòng đất lạnh, việc đời thì vẫn cứ trôi qua!
Xịt Sâu Tội Không ? Bác Tư có làm bốn công lúa Thần Nông. Có cô cư sĩ đến hỏi: - Anh làm lúa có xịt sâu không? - Có chứ! Bác đáp. - Xịt vậy có tội không? - Tội chứ, giết người ta mà! - Tội sao anh làm? - Không làm, để người khác làm mình ăn, đã có tội mà còn thêm tánh xấu: "Tánh ăn gian" nữa!
Giận Quá Không Đánh Đứa cháu chạy honda ôm. Vợ chồng nó có một thằng con thôi; mà thằng bé cũng quậy phá lắm! Một hôm, nó quấy rầy gì đó, ba nó bắt cúi xuống, lấy roi ra xong, bỗng bảo: - Thôi đi chơi đi! Thằng bé mừng quá bỏ chạy. Vợ nó nói: - Sao anh không đánh nó vài roi, cho nó chừa, còn bảo nó đi chơi nữa! - Giận quá nên không đánh!
Cho Thêm Có lần tôi mua khoai, người bán cân rồi còn lại vài củ họ bảo: "Thôi cho ông luôn đó!". Những củ cho thêm này hồi nãy mình chê, lựa bỏ lại, thế mà bây giờ thấy nó tốt, vì của cho thêm đâu có tính tiền. Tôi nghĩ đời sống mình từ đây kề về sau kể như là Trời cho thêm, nên dù nó có đen tối, èo ọt gì cũng quý. Tôi tự an ủi thế và cám ơn Trời Phật. Hồi còn trẻ, mỗi ngày qua, tôi thấy tiếc nuối vì đã chết đi hết một ngày; bây giờ già rồi ngược lại, mỗi lần trong bóng hoàng hôn buông xuống, tôi mừng tự nhủ: "Vậy là mình sống thêm được một ngày nữa!"
Ăn Cực Dạo đó, Anh Năm và mấy người bạn làm rẫy ở kinh Cụ Hội. Trời mùa đông năm ấy rất lạnh. Sáng sớm, mấy người bạn nấu cơm ăn dưới ghe. Có ông lão trên 50 tuổi, đang dậm dấu mò cá dưới kinh. Thấy có lửa ông lội lại, ngồi nép sau lái ghe tránh gió và lấy thuốc ra hút. Vấn thuốc xong, ông với tay lấy que củi đang cháy dở trong lò và nói: - Cho mồi nhờ điếu thuốc nha! Vì lạnh quá, tay ông run run, khó khăn lắm ông mới châm được điếu thuốc. Liếc nhìn thấy Anh Năm ăn cơm với dưa leo chấm tương hột, ông nói: - Ăn cực quá vậy? Anh Năm đáp: - Ăn vậy chớ sướng hơn ông đó ! Lời nói đúng ngay vào cảnh sống, ông ta thấm thía than: "Vợ con đùm đeo phải ráng chớ biết sao!"
Dạy Tu Mà Không Tu Một cô đến than phiền với một tu sĩ: - Con còn đứa con gái út mười sáu tuổi, nó không thích tu hành, cứ ham đua đòi theo vật chất xa hoa. Con khuyên lơn ngọt ngào thì nó còn nghe chút đỉnh, còn hễ rầy la thì nó làm dữ, cự cãi lại. Có khi không dám cự bằng lời lẽ, thì nó ra nhà sau dằn xán đồ đạc tỏ ý bất mãn. Con rất buồn phiền vì đứa con nầy, không biết phải làm sao. Mình dạy nó tu mà nó không chịu tu! Vị tu sĩ mĩm cười nói: - Còn nó cũng dạy cô tu mà cô không chịu tu!
Kiếm Cái Kéo Thuở ấy tôi độ 16 tuổi. Một hôm má tôi đang trò chuyện với khách. Em gái tôi đến bên nằn nì đòi cái kéo đặng cắt đồ chơi. Bận tiếp khách, má tôi làm lơ bỏ qua. Em tôi cứ vặt vặt áo của má tôi và đòi hỏi mãi. Giận quá má tôi đập tay xuống bàn rút cây thước giơ lên dọa đánh, miệng la mắng: "Có khách mà mầy làm lu bu, dao kéo gì? Tao đập chết bây giờ!" Vừa làm dữ, vừa dằn cái rổ may xóc xóc lên. Tưởng làm gì dữ lắm, không ngờ má tôi lục kiếm cái kéo đưa cho con.
Chuyện Vui Một nhà thông thái ngồi giữa đám đông và kể một câu chuyện cười. Mọi người phá lên cười. Một lúc sau, Ông kể đi kể lại câu chuyện đó. Đến lúc không còn ai trong đám đông cười nữa, ông mỉm cười và nói: - Một câu chuyện vui không thể làm chúng ta cười nhiều lần, vậy tại sao chúng ta lại buồn mãi vì một chuyện không vui?
Nhà Văn Nữ Trong những tác phẩm của chị, gia đình có sự mất mát chia lìa thì nhân vật "người chồng" luôn… bị chết trước vợ. Anh giận, cho rằng chị ám chỉ mình. Chị bảo: "Nếu trang viết là cuộc đời thì em chỉ muốn anh không phải chịu nỗi buồn của người còn lại." Vậy mà chị ra đi trước anh. Trơ trọi một mình, anh mới thấm thía nỗi chống chếnh, quạnh hiu của một tâm hồn lẻ bạn.
Sống Như Lục Bình Có một đệ tử than phiền với vị tu sĩ: -Thiệt! Bây giờ không biết sống làm sao cho yên, nay bắt mai thả hoài! Vị tu sĩ nói: -Thôi, "sống như lục bình" vậy! Có trôi đâu, tấp đâu thây kệ, lục bình đâu có quyền đòi hỏi một bến đỗ an toàn. Chỉ một lượn sóng nhỏ, một làn gió nhẹ cũng đủ làm nó tan tác. Thế mà nó vẫn nẩy nở và trổ bông được. Vậy là nó đã thể hiện được sức sống của nó rồi. Còn mình sống giữa biển trần đầy sóng gió cũng thế. Đâu ai chịu cho mình một bến đỗ an nhàn! Thôi thì kiếp phù sinh có truân chuyên trôi giạt thế nào cũng mặc. Điều quan trọng là làm sao tâm hồn mình trưởng thành và thăng hoa là được rồi. (ST)