TÌM LẠI ĐƯỢC TẤM CHÂN TÌNH - Lê Công Mẩn -

TÌM LẠI ĐƯỢC TẤM CHÂN TÌNH

                                                                                               Lê Công Mẩn

Có ai hạnh phúc hơn khi còn có được người thầy để thăm viếng trong ngày 20 -11. Nhìn thấy bạn tôi đóng thùng trong bộ đồ vía, khệ nệ ôm thùng quà đến nhà bảo:

-      Mầy có đi thăm thầy cô không?

Tôi ngập ngừng…do dự… mà thăm ai?  Thăm ở đâu bây giờ ?

Từ lúc còn là học sinh tiểu học, tôi đã được học hành đàng hoàng nghiêm túc với một nhóm giáo viên đầy tâm huyết từ Bắc vào Nam. Quý thầy mở một trường tiểu học nằm trong khuôn viên trường Trung học cơ sở Đức Trí tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi lên cấp hai trường tiểu học bị giải thể, mấy thầy đi tứ tán mỗi người một phương. Lúc đó tôi còn bé quá chưa có suy nghĩ xem thầy ở đâu, thầy làm gì sau đó.

Đến khi lên đại học, ra trường đi dạy. Khi trở về trường thăm thầy cô cũ, những thầy cô đã từng dạy tôi cũng không còn ai ở lại trường. Thậm chí khi tôi hỏi thằng bạn thân đã ở lại trường công tác, nó cũng chẳng nhớ đến những thầy cô đã dạy chúng tôi trong thời gian qua. Tôi cảm thấy hụt hẫng, chẳng có được đường dây mối nhợ nào để lần ra thầy cô cũ của tôi nữa.

Tôi cảm thấy nghèn nghẹn khi bạn hỏi.

Thấy tôi đứng chết trân, nó giục:

-         Không đi thì theo tao, nhanh lên!

Tôi riu ríu làm theo lời nó, chay vào nhà đóng thùng lại cho bảnh tỏn, liếc nhìn vào gương xem có nghiêm túc hay chưa, vuốt lại mấy sợi tóc trên trán … thì ra nó cũng đã nhuốm sương rồi, sửa lại cổ áo cho nó ngay ngắn. Đây  là lần đầu tiên tôi đi thăm thầy cô "của nó” sau 40 năm ra trường. Tôi cảm thầy hồi hộp lạ lùng. Đây cũng là lần đầu tiên bạn tôi đến thăm cô của nó sau 40 năm giải phóng.

Chúng tôi dừng xe lại trước một căn nhà lụp xụp  giữa trung tâm thành phố Sài Gòn. Trong nhà không thấy ai, cửa rào bằng gỗ và kẽm gai được khóa cẩn thận. Bạn tôi gọi điện thoại cho cô  : "Dạ thưa cô, tụi em là học trò đến thăm cô”.

Một lát sau, từ trong nhà một phụ nữ mảnh khảnh, tóc bạc trắng, làn da xanh xao từ từ đi ra mở cổng. Cô chăm chú nhìn chúng tôi rồi hỏi : " Có phải em là Võ Bá Khương học lớp Muc Súc không?

Chúng tôi đứng lặng người! Tự nhiên mũi nghe nồng, mắt nghe cay cay!

Cô ơi hơn 40 năm xa cách mà cô vẫn nhớ như in không sai một chữ nào : " Võ Bá Khương”.

Bạn tôi , Võ Bá Khương. Nó vẫn đứng chết lặng không nói được lời nào, mắt nó chợt đỏ!

Không ngôn từ nào diễn tả được tâm trạng của chúng tôi lúc đó.

 Từ xưa đến giờ, chỉ có học trò tôn kính thầy cô, nhớ rõ tên của từng người thầy cô đã dạy dỗ mình nên người, chứ rất hiếm hoi có thầy cô nào mà nhớ học trò sau 40 năm xa cách mà lại nhớ tên của học trò đến từng chữ lót, nhớ cả những thói hư tật xấu mà học trò đã từng mắc phải và quậy phá thầy cô như thế nào, nhớ cả chổ ngồi của bạn nữa.

Thương quá cô ơi! Tại sao chúng em không tìm ra cô sớm hơn để không phải lãng phí thời gian mấy mươi năm được sưởi ấm bởi tình thầy cô đã dành cho tụi em. Em, bản thân em đang sống trong cơn khát! Em khát khao lắm một tình thầy trò chân thật, đong đầy yêu thương. Em, bản thân em không phải là học trò của cô, nhưng em xin cô cho em mạo muội nhận cô là cô giáo của em, và từ nay cho phép em thỉnh thoảng ghé thăm cô nếu có thể.

Cô Hà Kim Phụng, cô giáo dạy môn Mục Súc của trường Nông Lâm Súc Định Tường, cô đã một đời tận tụy với học sinh, sau năm 1975 cô đã nghỉ dạy, cô làm đủ nghề để sống nhưng lúc nào cũng theo chăm ngôn : " Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Hiện tại cô vẫn sống theo chăm ngôn ấy  giữa đời sống đầy bon chen và náo nhiệt, mặc dù cuộc sống của cô không được may mắn như những người khác .

                                       


Võ Bá Khương và cô Hà Kim Phụng

Anh Lê Công Mẫn và cô Hà Kim Phụng


Cô Hà Kim Phụng