Tâm sự
CHUYỆN MẤT, CHUYỆN CÒN
--------------------------------------------------------------------------
Gần đây, có dịp qua lại đường Nguyễn Hữu Cảnh, dựa tường
xưởng Ba Son ngày xưa, là con đường nơi chốn phồn hoa, thỉnh thoảng
thấy bày bán lan rừng, làm tôi nhớ lại một câu " Sài Gòn cái gì cũng có
" Dĩ nhiên là lan rừng cũng phải có. Nhớ ngày nào, hình ảnh những giò
lan được bày bán ở những Kiosque có tên có hiệu trên đường Nguyễn Huệ ,
đa phần là thành phầm chứ không bán mớ bán sô như bây giờ. Nhìn mớ lan
bày bán đó, chính là lan rừng .Tôi cũng tự nhủ, tự an ủi, tự mừng cho ý
nghĩ của mình " lan rừng của ta vẫn còn, rừng vẫn còn "
Tôi sinh ra
ở rừng vùng rừng thiêng nước độc, thấy rừng, hiểu biết về rừng rất sớm,
tấm bé đã nghe tiếng chim kêu vượn hú, đã biết sợ hải trước rắn rết,
cọp beo, …những con thú chỉ nghe tên mà chưa từng được thấy, do người
lớn nói lại cho rằng dữ dằn đó, được che dấu bởi rừng.
Riêng tôi,
nhớ rừng hơn cả là từ những bụi lan, những bụi lan mà ngày đó chúng tôi
thấy nó ra hoa và tỏa mùi thơm bất luận nơi đâu, bởi dân cư thưa thớt,
làng mạc sơ sài, nhà cửa núp bóng cây rừng, mà cây rừng nào lại không có
lan. Nói không ngoa có lẻ nhóm trẻ đầu tiên xứ này hái lan là chúng
tôi, không phải là người khởi xướng, bởi chúng tôi bắt chước các anh chị
sinh viên trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao, do những lần vào xem đá
banh thấy các bụi lan được giăng mắc làm đẹp theo các lan can nhà ngủ do
các anh chị thu hái quanh vùng.
Để rồi địa bàn hoạt động của chúng
tôi vùng rừng thuộc trường Nông lâm mục, trước cái đình làng, dọc theo
đường lộ, ở đó có những cây chò, cây giẻ. Thoạt đầu chỉ hái những cây
quen thuộc thấy đươc hoa, như cây bá khế, bá tím ( bá có nghỉa là bám
vào, một cây bám vào thân cây khác vì có dáng như trái khế gọi là bá
khế, Còn bá tím là cây hoa cho bông màu tím) Cây giống sả gọi là lan sả
, cây giống kim máy may nhỏ gọi là tiểu kim lan, lớn gọi là đại kim
lan.. nôm na là như thế. Cây bá khê sau được gọi hoa lồng đèn vì chùm
hoa tự lồng đèn, cuối cùng từ hình dáng hoa và màu sắc tựa thủy tiên nên
có tên chính thức là lan thủy tiên. Cây lan sả thì gọi là trường kiếm….
Quá dễ để tìm hoa ngày ấy, vì màu trắng vàng của những chùm hoa, vì mùi
thơm ngào ngạt giữa không gian tĩnh lặng và cũng có thể nhìn thấy
những sợi rể trắng bám trên vỏ cây, tự nhiên như có một qui cách chọn
lan của chúng tôi, cây nào thân có đốt, rể trắng thì cho hoa đẹp, sau
này mới biết đó là lan thuộc giống Drendrobium. Cây quí nhất ở rừng Blao
vẫn còn đứng vị trí hàng đầu hiện nay là Đại ý Thảo, còn có tên là
Quần Tiên Hội tên này do ông giáo Huỳnh Cữu đặt khi thấy hoa của nó quá
đẹp nên nâng nó lên hàng tiên với tên gọi đủ là Chư Tiên Quần Nghị có
nghĩa các vị tiên hội nghị sau này chỉ còn gọi Quần Tiên Hội.
Như
chừng chúng tôi chỉ có hai ba mùa tìm kiếm lan nơi đó và cũng vào cuối
năm chủ yếu để kịp dùng cho ngày xuân sắp đến. Một phần cũng vì hết lan
và nơi đó người ta bắt đầu đắp đập chận nước, rồi dân định cư vào chặt
phá cây gỗ để làm nhà, một phần phải theo cái học . Đành phải rời chỗ ở
thân quen, rời sân chơi tuổi nhỏ, rời vườn trà, rời khu rừng cho lan
quen thuộc để lên tận Di Linh .
Nên rừng cây buồn, rừng cây rụng lá. Mất một mãng rừng, mất một mãng đời thơ ấu trong tôi?
Ở Di Linh, với rừng ở Sông Trao, rừng núi Lỡ, Rừng Trại Cùi, rừng Gia
Bắc, rừng Lan Hanh đã ít nhiều lưu dấu những buổi lùng sục của chúng
tôi, loại rừng vùng này khác với ở Blao, sắc mộc chính là giẻ và cà chí
loại cây cho vỏ sần sùi là chỗ ở thích hợp của kiến với những loại lan
đặc trưng là Nhất Điểm Hồng, Kim Điệp, Long Tu, Long nhãn và đặc sắc
nhất là Dạ Hạc. Thật lòng mà nói lan như cỏ đâu đâu cũng có, trên cây,
trên đá, trên đất với các loại Long Nhãn, Thạch Tùng, Tử Cán.. còn ở đầm
lầy thì có Hạc Đỉnh, Trúc Lan..
Từ giai đoạn 1958- 1960 việc chơi
lan bắt đầu rỏ nét, một người chuyên đi rừng lấy lan xem như là nghề,
nghe nói ông ta về cung cấp cho người mua từ Sài gòn, thời ấy người ta
quen gọi là ông ba Lùn. Phần chúng tôi số lan hái được trong những buổi
nghĩ học đều chuyển về nhà ở Bảo Lộc ba tôi đóng chậu, má tôi gùi bán
cho người dân tại chỗ và cả khách qua lại Sài Gòn Đà lạt.
Rồi chiến
tranh bắt đầu như một xích khóa vô cùng uy lực, vô hình khóa cứng mãng
rừng ngày nào nơi chúng tôi dong ruổi tìm lan, từ đó đổi cả cái hồn
nhiên thơ ngây, để lo cho sự học, lo cho cuộc đời trai trẻ của trời
chinh chiến,
Vẫn biết rằng trên những thảm rừng ngày xưa theo
chuyện của đất trời loài lan vẫn phát triển và xuân về vẫn nẩy lộc đơm
hoa, riêng tôi không gì quí báu hơn, khi trở lại nhà vào những ngày cận
tết còn được chăm chút những giò Thủy Tiên, Hoàng Phi Hạc hay Quần Tiên
Hội dấu tích của rừng Bảo Lộc, đến Dạ Hạc, Long Tu, Kim Điệp xuất
thân từ đồi núi Di Linh , nó còn ở đây, còn cho hoa đón tết đã trở
thành bảo vật, là chứng tích ghi dấu tháng ngày thơ ấu của mình.
Những khu rừng ngày nào, như như dần mất trong tôi không còn cho mình
cơ hội rong chơi cũng như khó có cơ duyên nào nhìn thấy được một giò
lan mọc tự nhiên trên núi ngàn nữa .
May thay ngành chơi lan
xứ này dù khó khăn vẫn trên đà phát triển vì nhờ có một lực lượng hỗ
trợ rất tích cực, đó là những anh em của núi rừng, người dân tộc Koho.
Nhờ thế mà hầu như tất cả các chủng loại phong lan, địa lan thuộc vùng
cao nguyên Lâm Viên, Di Linh được những người anh em của núi đồi tìm
kiếm cung cấp cho các vườn lan cho các nhà nuôi lan nghiệp dư khắp xứ.
Rồi Quê hương im tiếng súng, niềm vui vỡ òa. Ở cái tuổi trung
niên lại nhớ về thời thơ ấu nghĩ rằng sẽ có những ngày rảnh rỗi lội rừng
thư giản tìm lan.
Trong ngày tháng đầu khó khăn ấy lo cái ăn cái
mặc, nào ai nói đến chuyện lan chuyện kiểng, vậy mà trong luc vắng nhà
vì sợ chuyện bom chuyện đạn, những cây lan yêu quí tưng tiu bấy lâu nay
không còn nữa, trong lúc hoảng loạn nguời ta lo cơm lo gạo lo bạc lo
tiền, sao lại có người lại nghĩ đến bông hoa? Mình không giữ được thì
người khác giữ giùm ,vui lòng như thế và trong tôi không còn nữa những
dấu ấn ngày xưa, vì những giò lan đã mất.
Đầu năm 1976 nhóm doanh
nhân Sài Gòn ra tìm tôi với chủ ý là cùng cộng tác tư vấn cho việc lập
hơp tác xã Nông nghiệp Đại Bình xây dựng mô hình kinh tế mới, tôi lại
đạp rừng lần này là cánh phía nam, dưới chân núi Spung theo dòng suối
Đại Bình, hình ảnh đã mất đi bao năm của những ngày đầu biết cây lan ở
rừng Nông Lâm Mục như chừng sống lại, Thủy tiên, Hoàng phi hạc nở trắng
rừng hoa thơm ngào ngạt, ngoài cái mục tiêu chính làm tìm đất mở mang
nông nghiệp nhưng trong tôi nhem nhúm chuyện trở lại nơi đây với những
giò lan đang mời gọi..
Nào ngờ, vòng quay cuộc sống đã cuốn trọn
mình vào trong đó, mãi cho đến đầu thập niên 1990 một tiếng ầm chấn động
cả thị trấn Blao vào lúc 1 giờ chiều, đó là vụ lở núi Spung nghe nói
đất trôi xuống tận suối Đại Bình và vùi lấp mất mấy người là câu trả lời
của tự nhiên mà người anh em Koho gọi sự trả thù giận dữ của thần núi
vì cây cối đã bị chặt phá tan hoang, mình mới sững sờ nhớ lại ngọn núi
thâm u ngày nào sáng sương mù che khuất trưa mới thấy nguyên hình , giờ
đây vì nhu cầu cuộc sống cây rừng đâu hết, dành cho vườn trà, vườn cà
phê, và có cả nhà cửa đường đi lối lại, có nghĩa là mơ ước một ngày nào
đó trở lại với những giò lan trong tôi vĩnh viễn không còn.
Rừng núi mất, hoa lan cũng mất?.
Rồi bất ngờ cuối năm đó, Trần văn Lâu người Hóc môn cùng học với tôi
năm 1963, hơn ba mươi năm mới gặp lại, anh đi với một nhóm người Đài
Loan và cho tôi biết mục đích của chuyến đi và nhờ tôi cộng tác việc thu
mua hai loại địa lan Tử Cán và Hài, mua theo ký với giá 7.000 đồng đối
với Tử Cán còn 14.000 đồng với Lan Hài. Trời ơi, tôi mới vở lẽ ra bây
giờ hoa lan bán sô rồi, trước giờ mua bán lan chúng ta tính loài, tính
từng giò , từng bụi, từng bông sao bây giờ rẻ rúm như vậy ? Dĩ nhiên là
giá đó giúp cho một số người có việc kiếm ra tiền dễ hơn tìm trầm, đãi
vàng tìm đá quí. Điều đó chứng tỏ rằng ở nước ngoài người ta biết rằng
lan rừng Việt Nam quý lan rừng Việt Nam còn, còn nhiều. Tôi đem chuyện
này nói chuyện với vài nơi chuyên nuôi lan vùng này nhờ họ giúp, thì
họ cười và nói " chuyện này xưa rồi, tôi đã đóng hang bao nhiêu tấn để
chở đi rồi ông ạ ! " không lâu sau đó, cái phong trào hái lan rừng đặc
chủng Việt Nam bán ra nước ngoài cũng dứt , để bắt đầu rầm rộ thời mở
cửa với lan nhập nội của Thái Lan và cả của Đài Loan với nhiều chủng
loại kể cả những loài giống như lan của mình hay lan của mình nhập lại ?
Không rỏ người ta không mua nữa hay nguồn lan của mình không còn ?
Tại Đà Lạt tự hào là thành phố hoa, trong đó hoa lan cũng là một thế
mạnh, các nhà các vườn trồng lan được cung cấp đều đặn lan rừng từ
những người anh em miền núi, ngoài ra họ còn bán trực tiếp trên hè phố
phổ biến rộng rải cho du khách như một giới thiệu đặc sản địa phương.
Hiện nay, tại thành Phố Hồ chí Minh thấy xuất hiện bán lan mới thu hái
ở vỉa hè, người bán cho biết gốc gác từ tây nguyên, từ Nghệ An, từ
Tam Đảo, từ nước bạn Lào. Tại Bảo lộc cũng thế theo những chuyến xe Bắc
Nam cũng được chở vào buôn bán xuất xứ cũng cho là ở Nghệ An, trên dãy
Trường Sơn giáp giới với Lào, rồi cũng có nguồn cho rằng từ Đắc Nông Đắc
lắc.. và nhiều thành phố khác trên đất nước này chắc cũng có bày bán,
như thế có nghĩa là lan rừng ta còn rất dồi dào. Xét cho cùng nói là
còn, nhưng phải khai thác từ xa, nơi ấy còn núi còn rừng, nơi ấy là
ngặt nghèo là hiểm trở ?
Trở lại chốn ở của mình đồi núi trơ huơ vì
rừng không còn nên sông suối cũng cũng chết theo, từ những con suối gần
gủi thân quen Đại Lào, Đại Bình, Đại Ròn, Đại Nga ngày nào bờ trải cát
vàng, dòng nước trong xanh là nơi tắm giặt, nay chỉ còn một lạch nhỏ
dòng nước lúc nào cũng ngầu đục, chắc cua cá chẳng còn.
Cái thác
nước Đam Rông có lẽ là thắng cảnh đầu tiên của Bảo Lộc phát hiện từ năm
1960 mới được dùng như một cảnh thiên nhiên, là nơi đón nhận của các
cuộc trại thanh niên hay chỗ lui tới của học sinh trong những ngày nghỉ
học, dòng suối không rộng, lượng nước không nhiều, khoảng năm 1980 vì
nhu cầu điện đã ngăn dòng tich nước làm thuỷ điện, coi như dòng thác đã
mất. Để rồi cho đến nay, hằng năm chỉ được sống lại trong những tháng
mùa mưa, ai đó từng một lần ngắm khi còn hoang vu, hãy trở lại đây
nhìn lúc thác chết khô hay lúc ào ào sống lại sẽ thấy thương thấy
tiếc cho một cảnh quang được thiên nhiên ưu ái ban tặng.
Đên thác
Bobla của thị trấn Di Linh biết được từ 1958 do đồn điền trà Bobla
thiết lập, trong chiến tranh bị bỏ hoang, Sau này có một đôi lần khai
thác rồi cũng bỏ hoang. Cảnh quang nơi đây còn khá hoang vu , thuận lợi
là sát bên quốc lộ, gần khu dân cư, nếu có một trạm dừng chân, một khu
sinh thái chắc chắn sẽ là điểm đến của các tours lữ hành vì không gian
vẫn còn, dòng nước vẫn trôi, thác nước vẫn đỗ , quí báu vô cùng vì nó là
tác phẩm của thiên nhiên.
Nói đến Gougah, chừng như vừa bị khai
tử cách đây mấy năm bởi thủy điện Đại Ninh. Còn nữa Pongour hùng vĩ đến
Pren và Cam Ly thơ mộng ngày nào bây giờ cũng giao động lúc ào ào , lúc
rỏ rẻ lại còn thêm cái ô nhiểm làm cho khác nhàn du chỉ dám nhìn không
còn vui đùa với dòng nước mát .
Núi rừng không còn, thì chim chóc
cũng mất, nào có lâu la gì mới đây thôi, đàn cưởng, đàn sáo, đàn cu đất,
đàn két.. mỗi lần bay , tối trời, như một đám mây.Thời ấy ai mà chú ý
đến chào mào, là loại háo ăn ổi, đu đủ, mít chín.. ngày đó người ta
nuôi két, nuôi nhồng, nuôi cưỡng nuôi sáo tập cho chúng nói tiếng người.
Chào mào bị bỏ quên, loài chim không giá trị, nó làm tổ khắp nơi,
thường ở bụi lùm, có đôi có cặp, ngay cả trong các bụi trà thấp lẻ tè
mà bọn trẻ chúng tôi phát hiện được tổ thì chỉ rón rén dùng tay bụm cửa
tổ là có thể chộp được chim, xin lỗi cũng chỉ nhổ lông rồi nướng, nhai
vài miếng. Ngày nay, chào mào tự nhiên lên hạng, giá trị một con có thể
bạc chục triệu, việc nuôi chim là lối chơi thời thượng, ta vẫn thấy
những cuộc thi tiếng hót chào mào của những nghệ nhân của những câu lạc
bộ.
Ở cái tuổi bảy mươi, tôi đang sống ở cái vùng trời mà
tôi đã sinh ra, và tôi chỉ còn nhớ được từ những gì thấy những gì đã
biết và đã sống trong khoảng 60 năm trở lại.
Là cố tật hay thói
quen của người Á Đông ? Ngày đó buổi sáng bị đánh thức bởi tiếng chim
kếu vượn hú, nhìn mặt trời để tính giờ, ban đêm không dám ra khỏi nhà sợ
cọp sợ heo rừng và cả rắn rết. Cái vùng trời ngày ấy sao to quá, mất
một buổi để tắm suối Đại Bình hay suối Đại Lào hay loanh quanh trong
làng, trong rừng cây của Nông Lâm mục, không phải là nó quá xa xôi, mà
chính là phải đi bộ, rồi cảnh trí trên cây thì lan nở , dòng sông thì
cát trắng, nước trong như bắt con người phải quẩn quanh quyến luyến?
Sao những ngày thơ nó đẹp thế dù cuộc sống thiếu thốn nghèo nàn? Cái
vùng trời ấy to lớn quá, thần tiên quá, bây giờ sao thấy nhỏ hẹp ? Dòng
sông, đình làng, chùa, nhà thờ, cái trường xưa mình đi học, những con
đường … vẫn còn. Mà mình thấy như đã mất ?
Bảo lộc đang
những ngày lập đông, những buổi sáng đôi lúc có sương mù trời gây lạnh.
Theo vỉa hè cạnh quôc lộ gần đây lại thấy bày bán lan rừng, đúng thế,
vì nhìn kỷ thì đủ loaị có tên tuổi như Thủy Tiên, Kim Điệp, Dạ Hạc, Ý
Thảo.. đến những cây không biết tên, biết hoa hoặc hoa không đẹp, những
loại mà ngày xưa chúng tôi không hái. Nay thì được hái tất được giới
thiệu để bán. Người bán chủ yếu vẫn là các anh chị người sắc tộc Koho,
xuất xứ lan là ở Bảo Thuận Di Linh,
******
Lan rừng vẫn còn, nhưng cái còn nhỏ nhoi quá!
Ngọn núi to lớn kia vẫn còn, nhưng chỉ là ngọn đồi trơ trọi.
Các dòng sông suối vẫn còn , nhưng là lạch nước không trong, dòng sông nhỏ lại.
Thác nước kia vẫn còn nhưng dòng chảy lúc ì ầm giận dữ, lúc khô trơ.
Ngày cũ sẽ qua đi cùng Chuyện Mất
Ngày mới sẽ đến, với chữ Thêm : Thêm tuổi, thêm con, thêm tiền tài,
thêm sức khỏe…thêm công trình, thêm khu sinh thái, thêm một cây trồng,
thêm một giống hoa….ước gì thêm mãi.
Mong chuyện Còn của thiên
nhiên, của núi, của rừng, của cây, của hoa, của ong bướm, của chim
muông… sẽ mãi hòa theo cùng tháng ngày năm mới !