Tôi
đã gặp Phạm Duy lúc ông về Việt Nam, trong ngôi nhà khá vắng người, ông
nói: "Bài nào viết ra tôi đều thích cả, nhưng trong đó
"Thuyền viễn xứ” là một trong những bài tôi thích nhất. Tiếc là tôi
không gặp lại được tác giả bài thơ hay đó. Nó là kỷ niệm của một thời
đất nước loạn ly, những kẻ xa quê lòng luôn hướng về quê cha đất tổ”.
Nói
về thơ và nghệ thuật làm thơ, nhà thơ Huyền Chi cho biết: "Tôi thích
tất cả các nhà thơ. Trong thơ, tôi rất trọng vần điệu. Không
có bài nào của tôi không có điệu. Có người hỏi tôi thế nào là bài thơ
hay? Tôi nói rằng: ý thì nhiều mà không có vần điệu thì bài thơ vẫn
phải là bài thơ hay. Trong thơ phải có nhạc. Không có vần điệu, thơ chỉ
như câu văn ngắn, không phải thơ. Có vần điệu
mới có nhạc, có thơ”.
Có
một vài bài báo viết về tác giả Huyền Chi nhưng việc gặp được bà không
hề dễ dàng bởi hầu như chưa bao giờ thấy Huyền Chi xuất hiện
trong một sự kiện âm nhạc hay thơ văn nào mấy chục năm qua. Một lần
tình cờ, một nghệ sĩ nhiếp ảnh là con người bạn của bà Huyền Chi nói với
tôi về tác giả "Thuyền viễn xứ”: "Theo mình biết, cô Huyền Chi vẫn làm
thơ, nhưng cô ấy không xuất bản”.
Nhờ
có sự giới thiệu, tôi đã tìm gặp được tác giả bài thơ đã trở thành lời
nhạc đi vào lòng nhiều thế hệ, nhưng vừa gặp cô đã bảo:
"Tôi chẳng có gì mà kể cả đâu”. Rồi câu chuyện trở nên nóng hơn xung
quanh tập thơ duy nhất ấy. Cô bảo: "Từ năm 1975 tới nay tôi thất lạc tập
thơ của mình và cũng chẳng hy vọng một ngày lại nhìn thấy nó. Sau khi
chồng tôi mất, tôi buồn lắm, các con tôi bảo
tôi nên chơi facebook. Tôi vào thế giới ảo, không lấy tên thật, nhưng
có đưa tác phẩm của mình lên, ấy thế mà một số bạn đọc nhận ra tôi và họ
từ Mỹ gửi tặng tôi một bản phô tô tập thơ của mình. Tôi không còn gì
sung sướng hơn khi hơn 40 năm mới nhìn lại tác
phẩm tâm huyết của cuộc đời mình, dù chỉ là bản phô tô từ giấy in rất
xấu thời đó”.
Tác
giả Huyền Chi năm nay đã 84 tuổi. Cô vẫn dạy Anh văn, một cách để rèn
luyện trí nhớ, theo cách cô nói. Cô vẫn làm thơ, viết hồi
ký, nhưng không phải để in mà để ghi lại những nỗi lòng mình. Cầm tập
thơ của mình trên tay, cô lật giở cho tôi đến trang thơ in bài "Thuyền
viễn xứ”. Giọng đọc của cô du dương, vần điệu, nhưng rất khúc chiết,
mạnh mẽ:
Lên khơi, sương khói một chiều
Thùy - dương rũ bến tiêu - điều ven sông
Lơ - thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha dáng lụa hồng giăng ngang
Có thuyền viễn xứ Đà - Giang
Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa
Thi
sĩ Huyền Chi (12/2017). Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
"Những
năm 1951-1952, lúc ấy cô làm thư ký tòa soạn mục thơ cho một tờ báo, cô
vừa làm vừa học. Lúc đó cô có in tập thơ đầu tiên. Thình
lình ông Phạm Duy vào. Ông ấy quen bà chủ nhà in, bà ấy giới thiệu. Cô
mới đưa cho ông tập thơ vừa in xong. Ông Duy mới nói cô viết ký tặng cho
ông ấy và sau này ông thích ông sẽ xin phép phổ nhạc. Đó cũng là lần
gặp gỡ duy nhất giữa hai chúng tôi”. Tác giả
"Thuyền viễn xứ” kể về những ngày tháng lúc cô mới 18 tuổi và tự bỏ
tiền ra in tập thơ đầu tiên.
Một
nhà thơ nữ mới 18 tuổi đã in thơ, phụ trách mục thơ của một tờ báo là
chuyện khá hiếm vào những năm 1950. Thi sĩ Huyền Chi yêu
thơ từ nhỏ: "7 tuổi đã biết chép thơ rồi” – cô nói. Bố cô làm giám đốc
hỏa xa 3 tỉnh, ông tên Hồ Văn Ánh. Cô quê gốc Bắc Ninh, sinh năm 1934,
khi ấy ông cụ do công việc duy trì đường hỏa xa, ông đi từ Bắc vào Nam.
Đi tỉnh này mấy năm, qua tỉnh khác mấy năm.
Sinh cô ở Sài Gòn mà gia đình thì ở Phan Thiết. Ông cụ yêu thơ nên đặt
tên các con là Nghiên, Thư. Đến cô con gái nhỏ này ông đặt tên là Hồ Thị
Ngọc Bút. Cô bảo: "Khi làm thơ, ban đầu tôi lấy bút danh Khánh Ngọc,
sau đó lấy bút danh Huyền Chi”.
Cuộc
đời gia đình cô ly tán như biết bao gia đình thời kỳ chống Pháp. Cô kể:
"Cha cô về Bắc và chết ngoài Bắc năm 1947. Ngoài Bắc khi
ấy còn bà nội ở Bắc Ninh. Bà hấp hối, kêu cả nhà về. Lúc đó anh của cô
bị bệnh, má cô nói là để về sau, để chồng ra Bắc trước. Ngoài Bắc có
chiến sự giữa Việt Minh và Pháp, cha không vào Nam được. Năm 1954 cha
viết thư vào bảo "Mình (má cô) phải về, con thì
đứa nào về được thì về”. Lúc đó mình má cô về Phù Lưu (Bắc Ninh). Sau
bà cụ mất trước, bà cụ mất sau. Còn cô thì ở lại Sài Gòn, cha mẹ mất mà
không nhìn thấy mặt”.
Về
bài thơ, tác giả cho tâm sự: "Cô buồn mà viết bài đó, trước khi sông
Gianh chia đôi đất nước. Cô viết khoảng năm 1951-1952. Đà Giang
là mình tưởng tượng thôi, chứ lúc viết thì không ra Bắc được. Hồi đó
chính trị khó khăn nên mình không nói rõ hết mọi sự về thân phận của cô
là người gốc Bắc”.
"Có
người nghe bài hát của Phạm Duy phổ nhạc, hỏi rằng "cố lý” có phải một
địa danh ở Bắc không, xin thưa, cố lý chỉ có nghĩa là quê
xa thôi. Phù Lưu, Bắc Ninh mới là quê của tôi. Lúc nhỏ vì bố làm nghề
hỏa xa nên năm nào cũng được ra Bắc nghỉ hè, về quê. Trong bài hát có
hình ảnh mái đầu bạc là mô tả mẹ của cô”.
"Sáu mùa mưa gió phũ phàng
Bến sông quay lại hướng làng nẻo xa
Mái đầu sương tuyết mẹ già mong con”.
Cô
Huyền Chi trầm ngâm: "Sau khi nhận thư của bố tôi bảo má tôi phải ra
Bắc, bà đã bỏ sạp vải trong chợ Bến Thành ra với chồng, kể
từ đó, tôi một thân một mình ở Sài Gòn, thương cha, nhớ mẹ, một mình
lủi thủi nơi đất khách quê người. Tôi lập gia đình và bỏ luôn nghiệp làm
thơ vì phải bận rộn cùng chồng nuôi 7 đứa con dại”.
Tác
giả bài viết và nhà thơ Huyền Chi.
Năm
1954 thi sĩ lập gia đình khi mới đôi mươi. Chồng nhà giáo, đông con,
phải giúp chồng làm kinh tế. Cô mở hiệu sách bán và dạy Anh
văn.
Trong
cuộc đời ta, ai cũng muốn trở thành người nổi tiếng và nổi tiếng đôi
khi cũng có nhiều cái lợi. Huyền Chi không nghĩ như vậy.
Cô bảo: "Tôi rất sợ hư danh, tôi không muốn nổi tiếng. Sau khi Phạm Duy
phổ nhạc, bài hát rất nổi tiếng, những bản in của bài hát được bán khắp
nơi, ai cũng hỏi Huyền Chi là ai vậy? tôi không bao giờ xuất hiện và
tôi cũng không nhận một đồng tác quyền nào
từ bài hát này trước 1975, mặc dù tôi biết rằng số tiền nhuận bút khi
ấy rất lớn. Phạm Duy không tìm được tôi, nên trên nhiều bản in của bài
hát ấy có ghi dòng chữ Phạm Duy nhắn gửi: Huyền Chi cô ở đâu?”.
Tôi
nói với cô Huyền Chi rằng khi Phạm Duy còn sống, trong vài lần trò
chuyện cùng tôi, ông cũng nói rằng bài "Thuyền viễn xứ” là một
trong những bài hát mà ông viết ra rất nhanh, cảm xúc và rất yêu thích.
Tiếc rằng không gặp lại được tác giả bài thơ.
Cô
Huyền Chi tủm tỉm cười, gật đầu bảo: "Tôi biết nhạc sĩ Phạm Duy đi Mỹ
rồi trở về định cư ở Việt Nam. Thông qua một người bạn, ông
ấy viết thư cho tôi, bày tỏ ý định muốn gặp lại tôi. Nhận được thư, đọc
xong, tôi xé quẳng vào thùng rác. Tôi không muốn gặp ông ấy, hay đúng
hơn là tôi không muốn trở thành một người nổi tiếng làm gì”.
Cuộc
đời của thi sĩ Huyền Chi thật không dễ dàng. Sau khi lấy chồng, cô phải
làm đủ thứ việc để nuôi con và không làm thơ nữa. Sau
năm 1975, cô được ông anh cho một ít ruộng để làm, mưu sinh, bởi khi ấy
không ai cho dạy thêm, dạy kèm. Cô bảo: "Vì chúng tôi có ruộng nên
không vào diện được cấp gạo. Tiếng có ruộng mà có ai biết cấy trồng gì
đâu, trong nhà có lúc không còn gì ăn. May rồi
cuộc sống cũng dần thay đổi, tôi lại được đi dạy Anh văn ở các trung
tâm, từ đó cuộc sống dần qua lúc cùng cực”.
Tuổi
84, cô Huyền Chi vẫn đọc, vẫn viết, như thỏa mãn niềm đam mê đã bị bỏ
lỡ một thời. Cô bảo: "Tôi viết thơ và đăng trên facebook
của mình, nhờ thế mà tôi tìm được đứa cháu bên Pháp hơn 40 năm không
gặp. Nó về Việt Nam nhiều lần tìm tôi, đăng báo tìm tôi mà không gặp
nhau. Nhờ mò mẫm trên mạng mà nó tìm ra tôi, cũng nhờ tôi đăng lại bài
"Thuyền viễn xứ” trên facebook, nhiều người vào
bình luận mà nó tìm được tôi”.
Người
cháu ấy là con anh trai của cô Huyền Chi. Người anh trai đã mất từ lâu,
đứa cháu chỉ biết thông tin về cô của mình chính là tác
giả bài thơ "Thuyền viễn xứ”, cứ thế mà nó mò mẫm tìm cô. Lúc tôi tới
gặp cô, người cháu cũng đang ở Việt Nam. Cô Huyền Chi vui vẻ bảo: "Cháu
tôi đã có cả quốc tịch Pháp và Việt Nam, nó rất hay về Việt Nam thăm, ở
cùng tôi. Tôi rất vui vì nhờ bài thơ Thuyền
viễn xứ mà cô cháu tôi đã tìm được nhau sau gần nửa thế kỷ thất lạc”.
Tập
thơ của tác giả Huyền Chi có tên "Cởi mở” do Nxb Xây Dựng, Huế in. Tập
gồm 24 bài thơ, do tác giả tự xuất bản, tự biên tập và tự
mang đi bán. "Lúc đó thơ người ta nói về tình thôi. Lúc ấy cô viết tập
thơ này không có bài nào là thơ tình, một phần vì chưa yêu, một phần vì
muốn làm những vấn đề thời sự” - nhà thơ tiết lộ.
Cô
ở trong một nhóm thơ văn nhạc gồm những người trẻ, cô làm phó hội thơ,
mọi người gửi thơ tới, cô sửa để đăng. Sau khi lấy chồng
vẫn viết thơ và truyện ngắn một thời gian nữa, rồi lo việc gia đình nên
bỏ hẳn sáng tác.
Hơn
40 năm mới nhìn thấy lại tập thơ của mình, nhà thơ Huyền Chi bùi ngùi:
"Thời đó chỉ dám in 500 cuốn, không dám in nhiều. Cô làm
cô tự in tự bán. Lúc đầu bán chậm, sau lần lần người ta biết họ mua, họ
tìm cô xin chữ ký, cô sợ mình thành người nổi tiếng nên lánh đi, không
gặp độc giả nữa”.
Tập
"Cởi mở” được viết trong thời điểm mà cô gọi là "thời kỳ máu lửa”:
"Người Việt Nam ta bắt đầu đứng lên công khai mà chống Pháp,
cô ủng hộ phong trào dân ta nổi lên chống Pháp, lúc đó phong trào đang
máu lửa. Người Bắc vào Nam nhiều, nên người ta rất thích thơ của cô.
Thời chiến tranh mình không thể nói thẳng ra, phải mượn hình ảnh để nói,
chẳng hạn trong bài "Thuyền viễn xứ” có câu:Ngàn câu hát buổi quân hành/ Dặm trường vó ngựa đăng - trình nẻo xưa”.