Nguồn gốc và ý nghĩa của tục Lì Xì - Trần Văn Phùng st -

Nguồn gốc và ý nghĩa của tục "lì xì"

Mọi người thường vui mừng khi nhận được những bao lì xì đỏ ngày tết nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nguồn gốc cũng như ý nghĩa của phong tục này.

Ý nghĩa của tục lì xì

Người Việt có phong tục, cứ giao thừa hoặc mùng 1 là cả nhà lại sum vầy. Con cháu mừng tuổi ông bà và ông bà lì xì lại con cháu để may mắn cả năm, kèm với đó là những lời chúc. Mặt khác, người tới chơi cũng được nhận lì xì từ chủ nhà hoặc ngược lại. Mừng tuổi không giới hạn trong ngày mùng 1 mà còn có thể kéo dài sang ngày mùng 2, 3 cho tới cuối dịp Tết, vào mùng 10.

Lì xì nhằm cầu chúc người nhận phát đạt, hạnh phúc. Thường mọi người sẽ bỏ tiền may mắn vào bao giấy màu đỏ. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn so bì hơn thua để dẫn đến xích mích hay chuyện không vui. Ngoài ra, bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc, cho đi nhiều lì xì bao nhiêu thì sẽ nhận lại được nhiều tài lộc bấy nhiêu. Hơn nữa, nó còn thay cho lời chào, lời chúc sức khỏe và mong một năm mới an lành, làm ăn tấn tới.

Chính vì vậy, số tiền trong mỗi bao lì xì ít nhiều không quan trọng. Đó là món quà tinh thần dịp đầu năm, như một biểu tượng tốt đẹp khiến bạn tin rằng 365 ngày tới của mình sẽ luôn an yên và sung túc. Thế nên, hãy coi trọng chính thông điệp mà những phong bao lì xì gửi gắm thay vì số lượng tiền bên trong chứa đựng.

Những phong bao mừng tuổi có thể gắn kết tình cảm giữa người với người. Qua bao nhiêu năm, đất nước ta dù có ít nhiều thay đổi song nét đẹp văn hóa này vẫn sẽ luôn được truyền giữ và là một phần không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của Việt Nam.


Nguồn gốc của tục lì xì

Hầu hết mọi người tin rằng Trung Quốc là nơi bắt nguồn tục lì xì. Chuyện kể rằng ngày xưa, ở Đông Hải có rất nhiều yêu quái gây hại bá tánh. Ngày thường, chúng sẽ bị thần tiên trấn yểm, tuy nhiên, nhân thời điểm giao thừa khi các vị thần về trời, chúng lại thỏa trí lộng hành, quấy rối trẻ em đang ngủ say. Lũ trẻ giật mình, khóc thét và sốt khiến bố mẹ chúng lo lắng, trông canh mà chẳng thể yên giấc.

Một lần, 8 vị tiên đi ngang thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng cũng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Không ngờ phép lạ ấy lại thật sự hữu dụng. Khi con quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến nó sợ phải bỏ chạy. Câu chuyện này nhanh chóng lan truyền khắp nhân gian. Từ đó, mỗi lần Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh và hành động đó chính là lì xì, hay còn gọi là mừng tuổi đầu năm mới.

Một câu chuyện nữa được lưu truyền cũng cho rằng tiền lì xì được biến thể từ tục "đặt áp tế tiền” - là những đồng tiền được xâu bằng chỉ đỏ, buộc lại theo hình con rồng hoặc thanh kiếm để ở giường hoặc nôi có thể chống lại tà ma và bảo vệ giấc ngủ cho trẻ nhỏ. Theo thời gian, mọi người để tiền trong những bao giấy màu đỏ và trao cho nhau dịp năm mới. Lâu dần, lì xì đã trở thành phong tục truyền thống gắn liền với ngày đầu xuân.

Khi tết Nguyên đán đang gần đến

thì những mẫu bao lì xì đang được giới trẻ truyền tay nhau, không phải chỉ để thể hiện sự "quan tâm” đến "thời thế” mà họ muốn dành cho nhau những tình cảm, tiếng cười hài hước từ cái nhìn sâu sắc về đời sống xã hội trong suốt một năm vừa qua.


                

Khác với những bao lì xì màu đỏ, vàng hay một vài gam màu cách điệu nhưng vẫn giữ màu sắc và in hình những chữ Hán, con vật may mắn như các năm trước, những bao lì xì đang được giới trẻ yêu thích và ủng hộ nhiệt tình mang tính "thuần Việt”.

Hình ảnh dân gian vẫn thu hút sự lựa chọn của nhiều người. Ngoài những câu chúc, có mẫu lì xì in hình "linh vật" của năm Mậu Tuất là con chó được cách điệu và mang tính thẩm mỹ cao.


 

Bên cạnh những bao lì xì đỏ với câu chúc quen thuộc như: "An khang thịnh vượng", "Chúc mừng năm mới", nhiều cơ sở sản xuất đã tung ra thị trường những mẫu mã hoàn toàn khác so với các năm trước.

Những câu nói "cửa miệng" dí dỏm của giới trẻ cũng được "chế" lại và in trên phong bao lì xì. Chất liệu và mẫu mã nổi trội hơn những mẫu bao lì xì phổ biến trước đây. Giá bao lì xì "made in Vietnam" này có giá khá bình dân. Một tệp lì xì gồm 8 chiếc dao động từ 15.000-40.000 đồng.

 

Cách thiết kế khá đơn giản với chất liệu giấy carton màu gỗ thân thiện, thêm những chi tiết nhỏ nhắn trang trí cùng những câu nói được cư dân mạng chia sẻ nhiều nhất năm qua là các yếu tố khiến phong bao lì xì Tết 2018 đang trở nên "hot”.

Vài năm gần đây, khách hàng có xu hướng chuộng những mẫu phong bao lì xì lạ và bắt mắt. Các cơ sở sản xuất cũng tìm cách cải tiến mẫu mã, chất lượng và nguyên liệu.

 

Kiểu chữ cải tiến cũng được áp dụng.

Ăn theo xu hướng đó, những "nhà thiết kế của năm" đã nhanh tay cho ra mắt những tác phẩm phong bao lì xì theo kịp xu hướng, tạo nên một cơn sốt bao lì xì "truất như chú Tuất" dù còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán.