Ngày 8 tháng 9 là ngày lễ kỷ niệm Sinh nhật Đức Mẹ Maria
Dịp này, tôi nhớ lại một chặng dừng chân trong hành trình "thăm mùa lúa chín Tây Bắc” cách đây một tuần. Khi còn ở phía Nam, cụ thể là Bình Định, tôi có viếng thăm Tiểu chủng viện Làng Sông nằm ở thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. (gọi Làng Sông, vì bao quanh là vùng ruộng đồng, sông nước).
Được biết nơi đây lưu dấu hành trình đầu tiên của chữ quốc ngữ, là một trong 3 cơ sở in sách quốc ngữ tại Việt Nam. Đây còn gọi là nhà in Đông Đàng Trong, một trong 3 nhà in lớn nhất thời bấy giờ, cùng với nhà in Đàng Ngoài và Tây Đàng Trong.
Nhà in Làng Sông do các Giáo sĩ Dòng Tên phụ trách, được xây dựng khoảng năm 1868 và bị phá hỏng năm 1885. Năm 1904, nhà in Làng Sông được Đức cha Damien Grangeon Mẫn cho tái thiết, giao cho cha Paul Maheu làm giám đốc. Cha Paul Maheu học nghề in tại Hong Kong, thông thạo về kỹ thuật in ấn nên được cử về nhà in Làng Sông để điều hành hoạt động in ấn. Nhà in Làng Sông hoạt động cho đến khoảng năm 1936, sau đó dời về Quy Nhơn.
Giáo phận Quy Nhơn đã sưu tập được trên 200 đầu sách của nhà in Làng Sông, trong đó có các cuốn rất ý nghĩa về mặt giáo dục như Tập đọc, tập đánh vần ABC, tục ngữ An Nam...
Hiện nay, Giáo phận Quy Nhơn đang quản lý 2 cơ sở liên quan đến chữ Quốc ngữ đó là Nước Mặn và Làng Sông cùng ở huyện Tuy Phước. Việc các giáo sĩ Dòng Tên đến và lập cơ sở tại Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện tuy Phước hiện nay) được coi là bắt đầu quá trình phôi thai, hình thành chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ 17. Và hơn 200 năm sau đã có nhà in Làng Sông.
Trong năm 1922, dưới sự điều hành của linh mục Maheu, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng tờ Lời Thăm (bán nguyệt san) được 1.500 bản, phát hành cả Đông Dương.
Bên trong phòng trưng bày nhà in Làng Sông lưu giữ hàng trăm tài liệu, sách vở. Đầu thế kỷ 20, nhà in phát triển mạnh; nhiều cây bút lớn miền Nam như Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Đức cũng gửi bản thảo ra tận nhà in này.
Cũng xin nói thêm: Phép Giảng Tám Ngày là một quyển sách giáo lý Công giáo Rôma do linh mục thừa sai Alexandre de Rhodes (tức Đắc Lộ) biên soạn bằng chữ Quốc ngữ, được in tại Roma, Ý vào năm 1651 cùng với Từ điển Việt-Bồ-La. Đây được xem là quyển sách văn xuôi tiếng Việt đầu tiên được in bằng chữ Quốc ngữ. (Sách hiện còn lưu trữ trong Hang Thánh tại nhà thờ Mằng Lăng, Phú Yên).
Nguyễn Thành Trung
Khuôn viên của Nhà in Làng Sông