Miếng đất hất cái tình – Thủy Điền -

Miếng đất hất cái tình – Tùy bút 


Sau ngày giải phóng một năm. Cô năm Nga trở lại quê nhà sau bao ngày xa cách, tuy nói về thăm nhà, nhưng nhà đâu nữa mà thăm. Nơi ấy bây giờ chỉ còn lại một mảnh vườn và nhiều cây ăn trái xanh um một trời. Vì những năm 65-66 giặc giả đã thiêu đốt trụi căn nhà ấy và gia đình cô phải tản cư đi nơi khác để sinh sống. Tình cờ cô gặp ba Thủy vợ sáu Oanh đang làm cỏ mấy gốc đu đủ trên mảnh đất nhà cô ngày xưa. Cô hỏi ?

– Vợ thằng Oanh bây khỏe hả, mấy đứa cháu chắc lớn cả, có đứa nào vợ con gì chưa ?

– Dạ, chị Năm mới về, em khỏe chị, các cháu lớn cả, nhưng em chưa làm sui với ai hết.

Chỉ câu trả lời ngắn gọn, rồi bỏ về, đóng cửa chặt và biến mất trong ngày hôm ấy và cũng chẳng một lời mời chị năm sang dùng nước; tThăm hỏi cha mẹ mình giờ ra sao. Cô Năm chưng hửng và tự hỏi? Cái con nầy đổi tính nhanh thế, rồi đành sang nhà người quen cạnh đó uống ly trà. Bà hàng xóm nói.

– Vợ thằng Oanh thấy bây về, sợ đòi đất lại, nên lánh mặt vậy thôi.

– Cô Năm bùi ngùi và ra về với nỗi buồn vô kể.

Cô Năm là người sanh đẻ tại xã Bà Ụt, thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang ngày nay. Nơi đây là quê ngoại của cô. Năm 1966 cũng chính chốn nầy từng hứng chịu rất nhiều đạn bom, nên gia đình cô phải di tản cùng những gia đình khác xuống tận cồn Rồng, Mỹ Tho để sinh sống tạm. Ở đây cô làm nghề quạt vôi, còn cha mẹ cô thì bán vôi dạo bằng ghe. Được năm năm định trở về quê Cai Lậy lại, nhưng giặc giã càng lúc càng nhiều, hơn nữa nhà cửa thì không còn, cha cô đành quay ngược, trở về Sóc Trăng quê ông, để sống bằng nghề làm ruộng. Hồi đầu thì mướn, nhưng sau nhờ luật « Người cày có ruộng « nên cha cô được làm chủ ba mẫu đất, canh tác cho đến ngày nay.

Sáu Oanh là em bạn dì ruột với cô Năm và cũng là em Út trong gia đình. Cha sáu Oanh chết trong những năm kháng chiến, sau khi mẹ sáu Oanh vừa sanh con xong và cũng mất ngay ngày hôm đó. Vì là dì ruột, nên mẹ cô Năm phải mang cháu mình về nuôi thế em mình trong những giây phút khó khăn và từ đó sáu Oanh là em út trong nhà. Khi sáu Oanh lớn lên, bà đi cưới vợ cho sáu Oanh là cô ba Thủy và ba Thủy chính thức là con dâu út của cha mẹ cô cho đến ngày nay. Trước khi lấy vợ, sáu Oanh đã từng tham gia cách mạng và là một cán bộ cao cấp của huyện Cai Lậy. Năm 72 sáu Oanh trên đường đi công tác qua xã Bình Phước, bị phục kích và hy sinh tại đó, chức vụ cuối cùng là Huyện đội trưởng huyện đội Cai Lậy. Sau ngày giải phóng, với chánh sách đãi ngộ cho những gia đình liệt sỹ, ba Thủy vợ sáu Oanh được nhà nước cấp cho hai mẫu vườn ở Xã Bà Ụt, đồng thời cũng được cấp giấy hưởng luôn phần đất của cha mẹ cô Năm, vì gia đình nầy đã tự động bỏ xứ đi rất lâu cộng sáu Oanh là con út trong gia đình. Ngoài ra, ba Thủy còn hưởng thêm phần đất đai của cha mẹ ruột cô đã chia từ trước nữa. Tất cả diện tích đất nầy, ba Thủy trồng toàn những thứ trái cây đắt giá, nhiều nhất là đu đủ, hàng năm thu nhập lợi tức rất cao.

Cô Năm về quê với mục đích là thăm lại cái quá khứ xa xưa, thăm ba Thủy và các cháu, chớ nào có ý định gì đâu. Bởi, một khi đã bỏ xứ ra đi, hơn nữa bây giờ ở Sóc Trăng cô có cả ba mẫu đất thênh thang, đang canh tác và cha mẹ cô chỉ còn mỗi mình cô. Nên cô đâu cần về lại Cai Lậy để chia năm, xẻ bảy với em mình.

Còn ba Thủy thì ngược lại, không nghĩ thế, chỉ nghĩ chị mình về để đòi lại, chia chát phần tài sản của cha mẹ ngày trước, nên khi gặp cô Năm về thăm đành lạnh lùng biến mất. Và, kể từ đó cho đến nay, cô Năm thề, cô không còn dòng họ với ai ở đây và cô cũng không bao giờ trở lại đất Bà Ụt nữa, vì « Miếng đất đã hất cái tình »mất rồi.

Thủy Điền