LÒNG TỰ TRỌNG TỪ VĂN HÓA XẾP HÀNG
Xếp hàng là một nét văn hóa thể hiện sự tôn trọng người khác và sự giáo dục của bản thân. Đất nước càng văn minh, phát triển thì xếp hàng là một thói quen giống như hít thở vậy và việc chen ngang là một hành động rất không bình thường.
Sáng thứ bảy 30/12 vừa rồi, tôi tranh thủ đi làm thẻ căn cước công dân và được chứng kiến nét đẹp ứng xử của người dân ở buổi làm việc cuối cùng năm 2017.
Có lẽ nhiều người cũng giống như tôi bận công việc vào ngày thường và chọn ngày cuối tuần để đi làm giấy tờ tùy thân, nên chưa đến 8h mà phòng chờ ở trụ sở công an quận đã khá đông người.
Đang lần lượt mời từng người dân làm thủ tục nhập thông tin cá nhân thì anh công an cáo lỗi do có việc đột xuất và xin phép ra ngoài, rồi nhờ một đồng nghiệp đến giúp tiếp tục công việc.
Người đồng nghiệp này sau khi mời hết những người có nhu cầu làm thẻ căn cước công dân trong xấp sổ hộ khẩu mà cán bộ tiếp dân trước đó đang làm đã lấy tiếp chồng sổ khác để gọi tên.
Nhưng, đáng lẽ phải lật ngược chồng sổ hộ khẩu từ dưới lên (người dân đặt theo thứ tự ai đến sớm để ở dưới, ai đến sau đặt lên trên), anh công an này lại cầm quyển sổ trên cùng trước và gọi tên một em gái mà tôi đoán đang là học sinh lớp 9 nhờ bộ đồng phục học sinh em đang mặc.
Tôi tưởng em học sinh này sẽ hớn hở lên làm thủ tục ngay để đỡ mất thời gian chờ đợi, ai ngờ em lại đính chính: "Dạ cháu đến sau cùng ạ. Những quyển sổ xếp ở dưới là của các cô bác vào trước chú ạ!”.
Nghe em nói vậy, những người đang ngồi chờ đều công nhận cô bé nói đúng về thứ tự xếp sổ, nhưng họ đều muốn "đặc cách” cho cô bé này được làm thủ tục trước, xem như là phần thưởng dành cho văn hóa xếp hàng của cô bé.
Ngay sau đó, tôi lại bất ngờ khi cô học trò nhỏ đã cảm ơn và lễ phép từ chối sự ưu tiên ấy. Em nói ai cũng có việc bận hết, nên đảm bảo công bằng là điều cần nhất. Em còn chỉ về hướng một phụ nữ đang có thai và gợi ý cần ưu tiên cho người sắp làm mẹ ấy.
Thế rồi không hẹn mà gặp, nhiều người trong phòng đều đồng ý, đã đề đạt ý kiến với anh công an rằng không cần theo thứ tự nữa, cứ giải quyết cho phụ nữ có thai trước, người lớn tuổi và học sinh trước, cánh đàn ông, nhất là thanh niên, xin… bao chót. "Ý dân là ý trời”, anh cán bộ đã làm theo với nụ cười thật tươi.
Bắt chuyện với em, tôi biết em tên Nguyễn Thị Kim N., đang học ở một trường THCS tại Thủ Đức, TP.HCM, nhân được nghỉ học hai tiết đầu đã đón xe buýt đến đây làm căn cước công dân. Ứng xử của em đã kịp để lại bài học sâu sắc về lòng tự trọng cho những người có mặt hôm ấy.
Trời se lạnh, song tôi thấy căn phòng nhỏ trong trụ sở công an một quận vùng ven TP.HCM hôm ấy bỗng ấm áp hẳn lên. Cảm động hơn khi người khởi động "lò sưởi” ấy lại là một cô bé tuổi đời còn rất nhỏ.
Chợt nghĩ, dẫu rằng đây đó vẫn còn rất nhiều những hình ảnh chưa đẹp trong cuộc sống hằng ngày, song cái tốt vốn là bản chất của người Việt, chỉ cần được đánh thức là sự tử tế lại lan tỏa, như cách cô bé ấy đã làm được bằng sự trung thực của mình.
Một lần, lúc chờ đổ xăng, tôi thấy vì quá đông khách nên chị nhân viên định bán cho một thanh niên vừa dắt xe vào do không nhớ đến lượt ai, nhưng anh đã từ chối và nhờ chị giải quyết cho những người đến trước.
Mới đây, khi xếp hàng chờ tính tiền trong siêu thị, tôi cũng chứng kiến cô gái trẻ đã nhường vị trí của mình cho một chị dắt theo con nhỏ đứng ngay sau lưng. Những sự nhường nhịn đó quả thật làm lòng người ấm áp.
Xếp hàng – một thói quen văn hóa thể hiện sự văn minh
Văn hóa xếp hàng là cách sắp xếp trật tự theo hàng, lối. Tại các nước văn minh như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc,… chúng ta luôn bắt gặp những dòng người xếp hàng dài dọc theo các quán ăn, quầy bán vé, khu vui chơi giải trí, siêu thị, các bến chờ xe buýt, tàu điện ngầm,… Những hình ảnh ấy đã rất bình thường, là một thói quen thuộc về văn hóa công cộng, một điều được hiểu là tất yếu trong cuộc sống hàng ngày. Mọi lúc, mọi nơi, họ đều xếp hàng. Từ người già, thanh niên đến trẻ nhỏ, ai nấy đều mỉm cười với nhau trong những hàng dài chờ đợi, không một ai cố tình chen lấn. Tất cả mọi cá nhân đều bình đẳng với nhau, ứng xử tôn trọng quyền lợi của người khác.
Ở Việt Nam, trước đây, khá nhiều người có tâm lý "ngại” xếp hàng, phần vì muốn "nhanh một chút”, phần vì "người ta chen được thì mình cũng chen được” hay thậm chí là "không ai xếp hàng mà mình xếp thì… kỳ” (!) Tuy nhiên, cùng với sự phổ biến của nền văn minh đô thị trong đời sống ở Việt Nam, việc xếp hàng cũng bắt đầu trở thành thói quen. Giờ đây, nhiều người Việt đã có tâm lý khá thoải mái và sẵn sàng xếp hàng ở nơi công cộng.
Hãy xếp hàng như một nếp văn hóa đẹp, đi từ căn bản để trở thành một người tốt
Có lẽ, ai trong chúng ta cũng bắt đầu chuỗi ngày đến trường với những lần xếp hàng ra vào lớp. Ký ức và thói quen đó đã xa dần và phai mờ trong môi trường giáo dục ngày nay.
Giáo dục ngày nay chưa nhấn mạnh về nội dung: học để làm một con người tốt. Học làm người, dạy làm người, ấy là giáo dục nhân bản. Ngày xưa thế hệ ông bà tuy nghèo nhưng vẫn giữ những chuẩn mực đạo đức xã hội rất nghiêm ngặt. Ngày nay, những giá trị đạo đức ấy đang mất dần đi. Cụ thể là giới trẻ hiện nay không còn xem trọng những chuẩn mực như kính trên nhường dưới, quan tâm đến người khác ở nơi công cộng, giữ yên lặng, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, hay có ý thức bảo vệ của công… Những mất mát này hình thành qua thời gian, có lẽ cũng đã nửa thế kỷ rồi.
Giáo dục cảm quan về giữ gìn lợi ích chung ở nước ta cũng rất kém. Trong khi đó, đây là một nội dung quan trọng trong giáo dục công dân: có ý thức giữ gìn lợi ích chung người ta mới trở thành một người tốt, công chức tốt, lãnh đạo tốt.
Ở các nước, việc giáo dục từ trong gia đình rất được xem trọng. Một người mẹ phải biết dạy con về rất nhiều loại ý thức: ý thức mình vì mọi người, ý thức thưởng phạt công bằng, ý thức giữ gìn các chuẩn mực đạo đức để được xem là người tốt… Mẹ dạy con được như thế vì ngày xưa mẹ cũng từng được dạy như thế. Nay ở nước ta có những ông bố bà mẹ trẻ, bản thân họ không tích lũy được những giá trị ấy thì làm sao họ dạy con cho được.
Chẳng hạn, trong nhà cha mẹ chiều chuộng con quá mức, con muốn gì được nấy thì đứa con sẽ không có ý thức nhường nhịn. Và từ những ý thức nhỏ sẽ hình thành hành vi lớn, từ hành vi sẽ hình thành thói quen, từ thói quen hình thành tính cách và tính cách quyết định số phận. Định mệnh của một dân tộc thế nào cũng là bắt nguồn từ công tác giáo dục các ý thức đạo đức tưởng chừng như rất nhỏ ấy.
Giáo dục trên các phương tiện truyền thông cũng rất quan trọng, như chương trình giáo dục ý thức giao thông có chiếu cảnh một cụ ông đi xe máy liếc mắt nhìn hai cô gái, rồi cụ bà đứng chỉ tay chửi cụ ông ngay trước bàn dân thiên hạ. Giáo dục giao thông là đúng, nhưng đem việc hai ông bà già chửi nhau giữa phố coi như chuyện bình thường là tiêm nhiễm vào người trẻ một hành vi không đẹp.
Nếu chú ý quan sát cuộc sống đang diễn ra quanh mình, tôi tin rằng mỗi người lớn chúng ta đang từng ngày học được những bài học về sống tử tế, sống đẹp từ chính con trẻ.
Và theo tôi, dạy trẻ con sống tử tế, sống có văn hóa không hề khó, cái khó là người lớn chúng ta có gương mẫu thực hiện những điều mà mình dạy con trẻ hay không thôi!
Là một phụ huynh, ai trong chúng ta lại không từng chứng kiến cảnh mỗi sáng tại cổng trường có đứa bé muốn tìm thùng rác để bỏ vỏ hộp xôi, hộp sữa nhưng bố mẹ vì muốn tiện lợi lại giằng và vứt luôn xuống đất?
Có ai chưa từng thấy cảnh mẹ bảo con tranh thủ ăn nhiều đồ ăn dùng thử miễn phí ở siêu thị tới mức đứa trẻ ngây thơ hỏi: đồ miễn phí nên cố ăn nhiều hả mẹ?
Có ai chưa từng thấy cảnh ông bố bắt con trai tè vào gốc cây ở công viên dù thằng con mắc cỡ đòi tìm nhà vệ sinh chứ nhất quyết không tiểu ngoài đường?
Có ai trong chúng ta trong lúc vội vàng chở con đi học đã từng vượt đèn đỏ khi không có công an trước sự ngỡ ngàng hay phàn nàn của con tại sao ba/mẹ lại làm vậy?
Có ai đã không ít lần bối rối trước những câu hỏi: "tại sao người ta lại vứt rác ra đường hả mẹ? Tại sao người ta lại không bảo vệ môi trường sống?”
Có rất nhiều… những câu chuyện ấm áp tình người đang được viết nên mỗi ngày bởi những cô bé, cậu bé học trò còn ngây thơ trong sáng, và những bạn sinh viên trẻ với nhiệt tâm xây dựng đất nước mình cũng sớm văn minh như nước bạn. Hãy lắng lại đôi phút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện mà bạn nghe thấy, quan sát được xung quanh để chúng ta cùng thấy cuộc đời còn có rất nhiều mảnh ghép thú vị khác.
Đó thực sự là những bài học quý giá và thuyết phục nhất để con trẻ của chúng ta học được lối sống tử tế, văn hóa. Nếu mỗi ông bố bà mẹ, mỗi người lớn chúng ta gương mẫu, sống tử tế thì lẽ dĩ nhiên con trẻ nhìn vào sẽ tự giác học theo mà không cần phải đợi nhắc nhở. Nhân lên điều tử tế là việc trong tầm tay của tất cả chúng ta.
Theo TTO
http://tinhhoa.net/cau-chuyen-co-be-lop-9-day-chung-ta-long-tu-trong-tu-van-hoa-xep-hang.html