LÀM RUỘNG NGÀY XƯA (Bài 6: MÙA THU HOẠCH) - Đào Dũng Tiến -

LÀM RUỘNG NGÀY XƯA
(Bài 6: MÙA THU HOẠCH)

Đào Dũng Tiến   
  Cuối tháng 8 đầu tháng 9, đã có những ngọn gió chướng non về qua đồng ruộng.
     Gió chướng non là một quà tặng đặc biệt của đất trời dành cho miền Tây, sau một thời gian dài mát mẻ, ẩm ướt của mùa gió nam hoang dã.
     Người ta thoáng cảm thấy chúng giữa lòng sông rộng một đêm khuya tháng 7. Chỉ phơn phớt một vài ve vuốt nhỏ, suốt ngày còn lại vẫn chừa cho gió nam.
     Qua đầu tháng 8, nó mang đến một mùi vị hiu hắt nhớ nhung, se se lạnh cho người nông dân thả trâu sớm trên đồng.
     Tháng 9, không còn kềm chế được, nó lộ liễu lắm rồi. Tràn lên cả những bàn trà sáng của mấy ông già cô quạnh.
     Ai ai cũng tự nhiên thấy nhớ nhớ một mùa xa. Nhớ một cái gì đó yêu thương lắm mà không nói được.
     Vài ngày sau ngộ ra là nhớ tết.
     Lúc nầy lúa trên đồng cũng vào thời kỳ con gái. Đẹp vô tư và tràn thanh xuân. Đủ cao lớn để không còn ngại những con nước rong vừa qua đỉnh điểm. Mưa ít hơn, nắng nhiều lên và ngày dần ngắn lại.
    Tháng 10, lúa bắt đầu có đòng đòng đất. Nghĩa là, nếu từ từ và cẩn thận xé một tép lúa cho đến khi thấy được phần lõi ở bên trong, ta sẽ thấy một ngòi bông rất nhỏ đã định hình.
    Tháng 11, thân lúa đã có những bắp đòng to. Nhìn mặt ruộng, thấy lá lúa dựng lên, cao thấp không đều. Lúa đang ở thời kỳ so le lá.
    Giữa tháng 11, lúa trổ lác đác. Đi trên bờ ruộng thoáng nghe hương thơm của lúa. Nghe tiếng cá rọt rẹt như báo cho nhau nước đồng sắp cạn. Cuối tháng lúa đua nhau trổ rộ. Đầu tháng chạp, một vài đám đã cong trái me.
    Những trà lúa mùa sớm giữa tháng chạp đã cho thu hoạch. Mùa chính giáp Tết, mùa muộn phải ra giêng.
    Chủ ruộng dọn lại sân lúa. Dẫy cỏ thật sạch và bằng phẳng, rồi kêu trâu giẫm đạp cho dẽ dặt.
    Lúa chín vào tới cậy, những hạt lúa trong cuống bông đã no đầy và ngã vàng thì cho cắt lúa.
    Cũng phải đo công cắt như hồi cấy, và đo công 12 tầm lớn.
    Thợ cắt bỏ lúa nằm dài trên ruộng. Chủ ruộng cho người gom lại thành bó lớn để trâu vào cộ.
    Cộ là một nông cụ đặc biệt có một sàn xe nằm trên 2 thanh trượt dài. Khác với cày trục luôn sử dụng trâu cặp, cộ lúa chắc do nhẹ không mất sức nhiều nên chỉ dùng một trâu.
    Người theo cộ đánh trâu vào ruộng. Cộ từ sân lúa cộ ra. Họ ôm những bó lúa đã được gom đống, chất lên sàn cộ, vốn có 4 cây trụ đứng ở 4 góc để giữ lúa chất cao.
    Cộ đầy, họ đánh trâu kéo lúa về sân và bắt đầu từ giữa sân, chất thành bả lúa to tròn dần.
    Chủ ruộng tuỳ theo ruộng mình nhiều ít, sân lúa rộng hẹp mà định số bả lúa.
    Khi đủ một bả thì ngừng cộ cho trâu đạp lúa.
——-
    Không biết vì sao ở quê tôi luôn đạp lúa vào buổi chiều để chạng vạng tối là ra rơm?
    Xế trưa, khi đã cho trâu ăn no và tắm trâu sạch, người ta ken một hàng ngang 4 - 5 con trâu rồi đánh cho trâu đi vòng vòng trên bả lúa. Luôn đánh theo giọng ví, nên con trâu trong cùng bên trái là quan trọng nhất. Sợi dây mũi của nó là sợi dây chỉ huy.
    Đánh trâu đạp lúa cũng phải có kỹ thuật. Tay mơ chỉ làm cho rối mà không rụng hết hạt lúa.        Đánh cho trâu đi đều một vòng giáp sân, chuyển qua đánh xỏ rế, là đánh cho trâu đi những vòng tròn nhỏ, nội tiếp và tịnh tiến trên bả lúa.
    Mặc dù trước khi lên bả, bầy trâu đã được cho đi bộ vài dòng để chúng bỏ bớt đi những thứ nặng bụng, nhưng mà một hồi cũng nghe người đánh trâu: dòoo!..ỉa. Nghe vậy thì thằng nhỏ được phân công, đang ngồi chực bên ngoài, quơ vội cái thúng có lót sẵn rơm chạy nhanh vào hứng cứt trâu, không cho nó rơi xuống lúa. Đó là trâu ỉa, còn chúng đái thì thôi đành chịu. Đằng nào lúa cũng phải phơi.
    Cho trâu đạp giáp một vòng xỏ rế thì ngừng cho dân làm rơm xốc trở bả lúa gọi là bắt bó.
Dân làm rơm rất đông, có khi cả 20 - 30 người, họ đứng giáp vòng bả lúa với cây mỏ sải trên tay. Họ vừa giũ rơm, moi những mớ lúa bị trâu đạp kẹt bên dưới lên, vừa nối nhau đi tới.
    Giáp vòng xong họ ra nghỉ, cho trâu đạp tiếp, đến khi nào chín lúa, không còn hạt dính trên thân rơm thì trở vô ra rơm.
    Ra rơm khác hơn bắt bó. Mục đích là giũ, tách và đưa rơm ra bên ngoài. Chọn một hướng dưới gió và bắt đầu từ hướng đó, những người làm rơm đứng thành 2 hàng. Người đứng trước xốc rơm lên giũ rồi hất về phía sau. Người kế đó cũng làm như vậy cho đến cuối cùng, những hạt lúa đã hoàn toàn rơi hết xuống sân thì hất rơm ra ngoài.
    Tuỳ bả lúa lớn nhỏ nhưng thường thì khoảng 11 - 12 giờ đêm hoàn tất. Dưới ánh đèn măng-xông đốt sáng ruộng, chủ ruộng và dân làm rơm quây quần ăn cháo khuya. Cháo gà và dĩ nhiên là rượu đế, ai không uống thì ăn, những ông uống được, thôi khỏi nói, 1 - 2 giờ mới xong.
    Trong cái đêm làm rơm nầy có mấy cái thú vị mà không nhắc tới sẽ thiếu sót. Một là tắm lửa. Làm rơm bụi lúa bám vào người cộng với mồ hôi gây ngứa ngáy khó chịu. Ở giữa đồng nước đâu để tắm? Thế là chế ra cách tắm lửa. Họ đốt một đống rơm vừa tầm để nhảy qua rồi nhảy lại. Làm 4 - 5 lần như thế mà hết ngứa thật.
    Hai là soi chim. Ngày ấy chim trời cá nước đúng là dầy đặc. Ra rơm ăn cháo xong, 4 - 5 người với những cây roi mót nhỏ, phân công một người đội đèn (măng-xông), họ đi ruồng trong ruộng vừa cắt lúa. Đủ thứ chim nghe tiếng động và thấy ánh sáng đèn thì giật mình bay lên, hay chạy lủi. Họ dùng roi phang theo hoặc ví chim rồi bắt chúng. Cúm núm, vỏ vẻ, óc cao, chằng nghịt… thôi thì đủ hết. Mê săn bắt có khi đến 2 - 3 giờ sáng mới chịu về.
    Trên sân lúa mênh mông, mọi người về hết. Má tôi lui cui dọn dẹp chén bát, Ba tôi lom khom cào gom, quét dọn thành quả một mùa lao động. Hai người cứ việc nầy việc nọ mà không chịu nghỉ.
     Mà công việc có xong đâu, rất nhiều chuyện phải làm để cho hạt lúa thật sạch thật khô mới chuyển được về nhà.
     Mà sao cái bùi ngùi trên sân lúa, trên đồng đã gặt xong vẫn theo mãi tôi hoài
"Rồi mùa tóoc rả rơm khô
Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm.”

Tháng 8/ 2021,
•vẫn còn ly cách, ủa lộn!.. cách ly!


Gặt lúa


Cộ lúa


Giê lúa để loại lúa lép