LÀM RUỘNG NGÀY XƯA ( Bài 5: CHĂM SÓC LÚA CẤY ) Đào Dũng Tiến

LÀM RUỘNG NGÀY XƯA

( Bài 5: CHĂM SÓC LÚA CẤY )
Đào Dũng Tiến

                Có thể là hình ảnh về cỏ, cây và đám mây       Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng, ngoài trời và văn bản

     Ở vùng nước ngập nông, con nước lên xuống theo thủy triều và hàng tháng chỉ có mấy ngày quanh rằm, 30, nước mới tràn lên đồng, nhưng ngập trong tầm 1 m trở lại, rồi xuống luôn trong ngày. Từ tháng 7 trở đi mới có những con nước như thế. Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ mà. Ruộng lớn đấp bờ vùng, nước nằm luôn trong ruộng. Tháng 11, tháng 12, nước kém dần để đi vào mùa khô.
Thành ra những ruộng mới cấy trong tháng 7, tháng 8 phải thường xuyên đi thăm. Chỗ nào nước tràn, cỏ rác lục bình trôi vào đè bẹp lúa, thì vớt ra. Đôi khi có những khúc bờ bể, nước đạp vào trong ruộng, huỷ hoại cả mấy hồi lúa. Có những vùng, nước cầm sâu hoài không chịu rút, lúa bị rong rêu trùm mền không phát triển được, phải cấy giậm lại.
     Trồng cây có câu thiệu: nhất nước nhì phân tam cần tứ giống. Chắc có bạn hỏi, các khâu khác ít nhiều cũng đã có rớ tới, riêng chuyện phân phướng sao không thấy nhắc?
     Như các bạn biết, phân vô cơ (phân hoá học) cho đến những năm 60 vẫn còn xa lạ với dân miền Tây. Một số chương trình khuyến nông của chính phủ cho không phân bón để xài nhưng người dân chưa khoái lắm.
     Phân hữu cơ như phân chuồng, phân dơi, đầu tôm, khô cá…đâu có nhiều, chỉ đủ cho những vùng chuyên canh rau màu. Trồng lúa diện tích mênh mông, lượng phân hữu cơ nào cho đủ. Mà có đủ cũng không có công sức đâu bón rải!
     Cho nên nông dân nếu muốn làm cho đất tốt cũng chỉ tập trung vào việc cày ải phơi khô đất và cày chôn cỏ rạ như một cách dùng phân xanh. Cái chánh để duy trì độ màu mỡ của đất là lượng phù sa từ nguồn nước ngập. Vùng đất gò không ngập nước khô cằn khác hẳn.
     Việc phòng trừ sâu bệnh cũng vậy. Lúa mùa ít bị sâu bệnh do canh tác một năm một vụ, đất có thời gian nghỉ ngơi và khô ải. Chứ thật ra khả năng chống chịu sâu bệnh của lúa mùa rất kém. Sâu sợ nhất là rầy nâu, bệnh ngán nhất là tiêm đọt sần (tuyến trùng). Không gặp thì thôi, gặp là trắng tay. May mắn là ít gặp.
     Cấy được một tháng ruộng lúa xanh tốt, bụi nở to, lá dài ra. Những ngọn gió nam cuối mùa thổi qua, lúa duềnh lên, chạy xa như sóng nước. Nông dân có một từ rất hay để diễn tả việc nầy: lúa giỡn gió. Nhớ là lúa trúng mới giỡn được gió nhe. Lúa thưa hay bị sâu rầy thì chịu.



     Ở giai đoạn mùa nước lên như thế, người nông dân có thêm một niềm vui. Con nít ban ngày đi nhấp cá rô. Người lớn ban đêm đi cắm câu.
     Ban trưa nắng nóng, cá thường rút vô các mé ruộng kế bờ vườn, là dịp cho mấy thằng nhỏ tan học, vừa chơi vừa kiếm thêm quánh cá kho cho nhà. Thằng nào cũng ráng tìm cho mình một đọt trúc thật thẳng thật đẹp dài chừng 3 mét. Nhợ và lưỡi câu cá rô bán đầy ở các tiệm tạp hoá, rẻ rề. Mồi câu mấy đứa siêng, cuốc trong vườn vài con trùn cơm trùn quắn. Mấy thằng "chuyên nghiệp” chỉ đi tay không ra đồng, chúng bắt cào cào, châu chấu hay ngắt lá lúa có ổ sâu quấn là cứ câu tới tới. Qua xế chiều một chút, thằng nào cũng có một nhúm cá rô rọt rẹt trong giỏ về khoe với Má.
     Ban đêm, việc cắm câu dành cho người lớn. Vào mùa nước ai cũng chuẩn bị cho mình một "bộ đồ nghề” câu cắm gồm: - 100 - 200 cần câu ngắn, được vót bằng thân tre già, dài chừng 1 m, đầu chuốt dẹp như lá lúa để có thể bẻ cong mà không gãy. Thân gọn và nhọn gốc để dễ cắm vào bờ lúa. - Một cái vợt hứng cá mắc câu đề phòng cá sẩy, - Một ngọn đèn chai tự chế có chân cắm để đi thăm câu.- Một cái giỏ đựng cá. Vậy là đủ bộ.
     Mồi câu buổi trưa đi cuốc theo các vệ đường bắt những con trùn hổ to bằng ngón tay út và dài cả gang tay. Có một điều ngộ là giống trùn hổ nầy chỉ có trong mùa nước lên, qua tháng chạp, tháng giêng là mất hút.
     Buổi chiều cắt trùn ra từng đoạn ngắn, đủ móc vừa lưỡi câu.
     Người câu từ chiều sớm 4 - 5 giờ đã vác câu đi. Họ thường đổi bến. Đêm nay cắm ruộng nầy, mai qua ruộng khác. Giáp đồng thì quay trở lại hoặc đi xa, sang đồng khác. Nhà nghèo đi câu đêm, sáng về cho vợ đi chợ cũng là một nguồn kiếm thêm. Thời tôi thơ ấu, cá tôm còn rất phong phú, mấy tay câu giỏi một đêm kiếm 5 - 7 ký cá lóc, trê là chuyện thường.
     Mùa câu cũng không kéo dài đâu. Lúa nở bít đồng, cao phủ đầu, gió chướng non kéo về rao rao là bó câu, phơi giàn bếp, đợi mùa sau nữa.

 
( Còn tiếp)