LÀM RUỘNG NGÀY XƯA
(Bài 3: GIỐNG LÚA VÀ Ủ LÚA GIỐNG)
I. GIỐNG LÚA MÙA
Có nhiều loại giống lúa mùa. Nhìn chung chúng có những đặc điểm giống nhau là: không kén đất, ít bị sâu bệnh do một năm chỉ làm một vụ, đất canh tác có thời gian nghỉ, cắt đứt dòng sinh trưởng phát triển của chúng. Bản thân cây lúa không kháng sâu bệnh, lâu lâu bị thì…đi luôn! Trổ bông vào thời kỳ ngày ngắn, năng suất kém nhưng cơm ngon.
Có những loại hạt tròn như: Nàng Trích, Nàng Tây Đùm, Nàng Loan, Nàng Tây Cụt, Hoà Bình…năng suất trung bình 13 đến 15 giạ/ công tầm cắt. Cơm ngon nhưng không ngon bằng các loại hạt dài.
Các giống hạt dài, gạo ngon có tiếng như: Nàng Hương, Nàng Thơm, Nàng Nhen, Vỏ Trà, Ba Túc, Móng Chim, Tàu Bún…năng suất không cao, trên dưới 10 giạ một công, nông dân ít trồng. Chỉ một số bà con có đất nhiều mới dành riêng cho chúng một khu 5 - 10 công để có gạo ngon ăn Tết, giỗ quãy….
Lưu ý là cho đến khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm lập ra Cục Túc Mễ và sau đó là các Trung tâm khảo cứu Nông Lâm Mục thì không có cơ quan nào có trách nhiệm trông coi việc lúa giống của người dân. Việc chọn giống, trao đổi lúa giống là việc tự làm của nhà nông. Nên tên giống lúa mạnh ai nấy gọi. Có tình trạng ở nơi nầy nó tên vầy, về nơi khác lại mang tên khác…
(. Hình 1, các loại giống lúa mùa ở miền Tây xưa.)
Bà con có ý thức dành giống cho mùa sau ngay từ khi thu hoạch. Họ sẽ chọn trong ruộng, khu nào trúng nhất, đều bông nhất, không có lẫn cỏ dại và giống khác, gặt đập riêng, phơi riêng làm giống. 5 - 6 năm gì đó mới đổi giống một lần, mà khi đổi cũng lựa chọn rất cẩn thận.
Lúa giống sau khi phơi khô, nhà nào nhiều thì ví trong bồ riêng, nhà nào ít cũng để trong bao riêng, không cho lẫn lộn.
Đối với nhà nông lúa giống là quý nhất, bán gì thì bán không được bán lúa giống. Khi nói :” nghe lời thằng A, thằng B là bán lúa giống” đồng nghĩa nghe lời ông đó thì trong nhà không còn thứ gì, mà mùa sau chết luôn không gieo trồng gì được nữa. Ghê vậy đó.
II. NGÂM Ủ GIỐNG
Sau khi sắp xếp công việc và định được ngày gieo mạ, trước đó 4 ngày (-4 ), bà con đem lúa giống ra phơi một nắng gọi là thức giống. Tên gọi nầy cực kỳ chính xác vì các giống lúa mùa sau khi thu hoạch và phơi khô sẽ đi vào tình trạng ngủ nghĩ (miên trạng), do đó khi đem lúa ra để trồng trọt, tức là bắt chúng hoạt động trở lại thì gọi là đánh thức. Thật ra sau 5 - 6 tháng, hạt lúa cũng đã sẵn sàng nhưng đề phòng một số "em” ngủ nướng cũng tốt phải không?
Phơi nắng một ngày rồi để qua đêm. Sáng hôm sau (-3 ), ngâm giống. Nhà nào làm ruộng ít, giống ít ngâm trong lu, vại. Nhà nào làm ruộng nhiều, lượng giống nhiều, để lúa trong bao và ngâm luôn dưới mương, rạch. Khi đổ lúa vào ngâm thì dùng tay đảo lúa lên, vớt bỏ hết các hạt lúa nổi do lép, lừng. Ngâm trong bao cũng phải mở miệng bao ra để làm việc nầy, xong cột lại.
Số lượng lúa giống tuỳ theo đất ít nhiều và căn cứ vào diện tích ruộng mạ. Một hồi đất mạ gieo một giạ giống. Nhớ là phải có lượng lúa bù vào chỗ lúa lừng lép đã vớt bỏ đi.
Giống ngâm một ngày đêm vớt lên, rửa qua nước sạch cho hết chua rồi đổ ra ủ. (-2 )
Vuông ủ lúa được ví chung quanh bằng ván hay thân cây chuối, có đóng cọc kềm cho cố định. Lấy lá chuối tươi trải ra, lót 2 - 3 lớp thật dày. Đổ lúa vào và trang cho đều, bề dày khoảng 10 - 15 cm. Xong đậy lại cũng bằng 2 - 3 lớp lá chuối. Dùng tấm nylon hay bao bố phủ lên trên để tạo độ ấm nóng ban đầu cho hạt giống.
Ủ giống một ngày đêm thì "ngót” (-1 ). Ngót giống là tưới nước mát cho giống. Sau 1 ngày ủ, lúa giống đã "nứt nanh” và sinh nhiệt rất nóng. Nếu không tưới, phần trên của vuông ủ giống sẽ ra rễ rất mạnh mà phần dưới lại êm re, rễ ra ngắn hoặc là không ra. Ngót giống xong cũng phải đậy đệm lại cẩn thận.
Xổ giống, ngày (-0 ), ngày gieo mạ, sáng sớm mở vuông ủ ra xổ giống vì lúc nầy, rễ lúa đã đan xen nhau rất chặt. Phải dùng tay để bứt giống cho rời ra. Có vậy, khi gieo mạ xuống đất, hạt giống mới trải đều trên mặt ruộng.
Vì một lý do gì đó ( trời mưa, trâu kẹt..) không gieo mạ được trong ngày, cũng phải xổ giống ra cho rễ lúa tạm dừng không phát triển. Ngày hôm sau, giá nào cũng phải gieo, không trễ được nữa.
Xổ giống xong đong lại bằng thúng để chia cho đều theo số líp mạ.
Người ta bưng thúng rải cho 2 líp 2 bên. Rải đều 2 -3 lượt cho hết số thúng giống đã định.
Nên nhớ là trong suốt thời gian nầy, miệng khai nước của vuông mạ luôn mở để chắt nước trong ruộng cho thật khô. Không khô phải tìm cách tát ra.
Một hai ngày đầu, khi giống chưa bám rễ xuống đất, nếu trời mưa bất tử phải đấp miệng khai lại ngay. Hết mưa, đợi lúa giống chìm xuống đất mới khai nước lại.
ĐÀO DŨNG TIẾN
Ngày giãn cách thứ 22