FESTIVAL LÚA GẠO
Lê Quốc Việt
CHẶNG ĐƯỜNG 10 NĂM CỦA TƯ LÚA MÙA!
Hồi đó, Festival lúa gạo Sóc Trăng, năm 2011.
Những năm cuối của thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, những ký ức mùa gió bấc đã hun đúc cho Nó một ước mơ: trồng lại lúa mùa xưa để được trở về với tuổi thơ, đi bắt cá hầm, cá cạn, đốt rơm nướng cá!
Thượng tuần tháng 11 năm 2011, ở Sóc Trăng có Festival lúa gạo. Nghe mấy thằng bạn rủ đi tham quan Nó mừng húm, đi liền.
Nó đi hết từng gian trưng bày của các tỉnh nhưng chỉ có những gian hàng lúa gạo mới giữ chân Nó ở lại lâu do yêu cầu công việc cơ quan và cũng vì một ước mơ thầm kín của Nó.
Và lâu nhứt, lưu lại nhiều hình ảnh nhứt là khu trưng bày hình ảnh các giống lúa mùa và bộ sưu tập nông cụ, dụng cụ sinh hoạt gia đình, dụng cụ bắt cá của ông cha mình thời lúa mùa.
Có thể nói, đó là một chuyến đi thật sự có ý nghĩa đối với Nó. Chuyến đi này không chỉ giúp Nó có niềm tin hơn về ước mơ của mình mà còn giúp Nó định hướng những việc cần làm và phải làm để biến ước mơ thành hiện thực.
Bây giờ, festival lúa gạo Vĩnh Long, năm 2021 (31/12/2021- 05/01/2022).
Mười năm đã trôi qua. Một khoảng thời gian không ngắn nhưng cũng chưa đủ dài để ước mơ giữ gìn văn hoá lúa mùa xưa của Nó đơm hoa kết quả trọn vẹn.
Mười năm qua, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các lão nông tri điền và nhứt là sự hỗ trợ đắc lực của Mekong Ogranics (Úc Châu) Nó đã lập được một trang trại lúa mùa nho nhỏ, sản xuất thuận theo tự nhiên và phát triển theo định hướng đa dạng sinh học. Trang trại tuy chưa hoàn chỉnh nhưng có thể đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, tham quan, học tập về lúa mùa và văn hoá lúa mùa.
Điểm khác biệt ở đây là các loại nông cụ, dụng cụ rất sống động, đến lượt thì phải ra đồng, hết việc chùi rửa đem vô trưng bày chớ hổng phải "hiện vật cấm sờ” như nhiều nơi khác.
Phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Trường Đại học Cần Thơ), Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn (Trường Đại học An Giang) trồng, khảo nghiệm hơn 30 giống lúa mùa xưa, thành lập được Tổ hợp tác trồng lúa mùa với quy mô ban đầu 41 ha với 5 giống đã có gạo bán trên thị trường.
Góp phần nhỏ bé trong việc nhìn nhận, lưu giữ văn hoá lúa mùa qua việc xuất bản hai cuốn sách nhỏ: Đời sống lúa mùa ở quê tôi (lần đầu 2018, tái bản 2021), Minh Lương-Cù là quê hương tôi và đang nỗ lực hoàn thành dự thảo Thương lắm lúa mùa ơi.
Festival lúa gạo lần này, Nó đến với tâm thế của một người nông dân mang tên gọi Tư Lúa mùa. Trong top 10 giống lúa mùa chất lượng cao do Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long xếp hạng, Nó đã có đến 6 giống: Nàng thơm Chợ Đào (sẽ đổi tên do đổi vùng trồng), Châu hồng vỏ (Châu Hạng Võ), Tàu hương, Tiêu hương, Thơm nút đít, Thơm lùn.
Tuy nhiên, việc tổ chức festival lúa gạo vào thời điểm cuối năm như từ trước tới nay sẽ không có cơ hội cho hoa hậu lúa mùa dự thi bởi hầu hết các giống lúa mùa ngon chín vào Tháng Chạp Âm lịch (năm nay 25 tết sẽ có gạo lúa mùa ở top đầu ra mắt thị trường), có giống ăn Tết xong mới gặt; Việc dùng gạo lúa mùa củ dự thi là không thể, do mùi thơm đặc trưng của các giống lúa kéo dài không quá 6 tháng (tốt nhứt là 4 tháng trở lại).
Dự thi không quan trọng. Nó chỉ muốn nhiều người, nhứt là giới trẻ, hiểu thêm về lúa mùa và văn hoá lúa mùa để cùng nhau giữ gìn một di sản quý báu mà ông cha đã để lại trên vùng đất này!
P/S:
Hội chợ kết nối cung cầu tại Phú Thọ từ 02-05/12/2021 vừa qua, Tư lúa mùa đã được bà con, bạn bè tại TP HCM tiếp đón rất nồng nhiệt.
Đáp lại sự thịnh tình đó, Tư lúa mùa được sự hỗ trợ của HTX chuỗi cung ứng thuỷ sản VỀ QUÊ, sẽ tiếp tục tham gia Hội chợ Khuyến mại năm 2021 do Sở Công Thương thành phố HCM tổ chức từ ngày 22-26/12/2021 cũng tại nhà thi đấu Phú Thọ với sản phẩm gạo lúa mùa và khóm Tắc Cậu sấy mộc (đại diện Lê Thị Út, 0961133169).
Lúa mùa Tư Việt rất vui được phục vụ quý vị tại Phú Thọ và tại Vĩnh Long!