CÂU CHUYỆN VỀ LÚA MÙA TƯ VIỆT (Đã được đăng trên Web Mekong Ogranics)


CÂU CHUYỆN VỀ LÚA MÙA TƯ VIỆT
(Đã được đăng trên Web Mekong Ogranics)



   Nó may mắn được sống giữa hai nền sản xuất lúa: truyền thống và hiện đại. Khi Việt Nam vươn lên top đầu các cường quốc xuất khẩu gạo với những giống lúa ngắn ngày, kỹ thuật tiên tiến thì rau đồng không còn là của trời cho, cá đồng không nuôi thì không có mà ăn. Môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm vây quanh, nhiều loài sinh vật trên bờ, dưới nước biến mất nhanh chóng. Chính vì vậy, vào những năm cuối của thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, những ký ức mùa gió bấc đã hun đúc cho Nó một ước mơ: trồng lại lúa mùa xưa để được trở về với tuổi thơ, mùa gió bấc đi bắt cá hầm, cá cạn, đốt rơm lúa mùa nướng cá!


   Festival lúa gạo Sóc Trăng (11/2011) là một dấu mốc sâu sắc trong cuộc đời, không chỉ giúp Nó có niềm tin hơn về ước mơ của mình mà còn giúp Nó định hướng những việc cần làm và phải làm để biến ước mơ thành hiện thực.


    Mười năm đã trôi qua. Một khoảng thời gian không ngắn nhưng cũng chưa đủ dài để ước mơ giữ gìn văn hoá lúa mùa xưa của Nó đơm hoa kết quả trọn vẹn.

   
    Mười năm qua, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các lão nông tri điền và nhứt là sự hỗ trợ đắc lực của Mekong Ogranics (Úc Châu) Nó đã đổ hết tâm trí, sức lực, tiền của để lập nên một trang trại lúa mùa nho nhỏ, sản xuất thuận theo tự nhiên như ông bà xưa và phát triển theo định hướng đa dạng sinh học. Một bộ sưu tập tương đối đầy đủ các loại nông cụ, dụng cụ rất sống động, đến lượt thì phải ra đồng, hết việc chùi rửa đem vô trưng bày chớ hổng phải "hiện vật cấm sờ” như nhiều nơi khác.
    Do vậy, Lúa mùa Tư Việt Farm tuy chưa hoàn chỉnh nhưng đã tạo được sự thích thú cho khách tham quan, giảng viên, sinh viên các trường đại học đến nghiên cứu, tham quan, học tập về lúa mùa và văn hoá lúa mùa. Vui hơn nữa, Nó không đơn độc , một cộng đồng 39 hộ đã hưởng ứng trồng lúa mùa cùng với Nó với diện tích 41 ha.


   Mười năm qua, Nó đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Trường Đại học Cần Thơ), Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn (Trường Đại học An Giang) trồng, khảo nghiệm hơn 30 giống lúa mùa xưa với 5 giống đã có gạo bán trên thị trường.


   Mỗi giống gạo lúa mùa đều mang hương vị của "hồn đất, tình người” qua 6 tháng dãi dầu mưa nắng. Gạo Ba bụi nhai kỹ sẽ cảm được vị ngọt từ đất, ăn với các món chế biến từ mắm cá đồng hay ba khía trộn, gặp lúc trời mưa lâm thâm thì cơm hết nồi hổng hay. Gạo Chim rơi mềm, thơm nhẹ, thích hợp nhiều lứa tuổi, nếu nấu cháo trắng ăn với củ cải muối bóp dấm ớt và tép rang thì khó có gạo nào so được. Lúa Móng chim vàng chịu được phèn, đất thấp trũng nhưng lại cho hột gạo mềm, ngọt cơm nên đã một thời gắn bó với người dân xứ U Minh và Sóc Trăng (nơi có đồng bào Miền Bắc di cư 1954). Gạo Châu hồng vỏ thượng thừa về dinh dưỡng, ăn thường sẽ bổ, khoẻ đến mức được đặt tên là Châu Hạng Võ (đã có người nghiên cứu giống này lâu năm phán như vậy và khẳng định hổng phải ông bà mình khoái truyện Tàu mà đọc trại thành Châu Hạng Võ!). Châu hồng vỏ là loại gạo thơm từ trong bếp đến bến sông, nấu ăn bằng gạo lức mới tận hưởng hết mùi thơm và vị ngọt của nó, kẹt lắm thì xay trầy trầy cho dễ nấu chớ xay trắng thì "hương đồng gió nội” bay đi hết rồi!
    Còn nhiều giống ngon nữa nhưng luôn chín trễ (hơn 6 tháng) thuộc đẳng cấp của trung nông và địa chủ, chỉ những người không bao giờ biết giáp hạt mới trồng để dành ăn, Nó đang tiếp tục thử nghiệm, phục hồi để hoàn chỉnh nhánh Cơm thuộc mục ăn uống trong văn hoá lúa mùa!
    Nó cũng trút hết tâm huyết để góp phần nhỏ bé trong việc nhìn nhận, lưu giữ văn hoá lúa mùa qua việc xuất bản hai cuốn sách nhỏ: Đời sống lúa mùa ở quê tôi (lần đầu 2018, tái bản 2021), Minh Lương-Cù Là quê hương tôi và đang nỗ lực hoàn thành dự thảo Thương lắm lúa mùa ơi.
    Mười năm qua, Nó đã đi trên con đường chưa được gọi là đường, sụp hầm, té giếng, lên bờ thì ít xuống ruộng thì nhiều, có lúc muốn buông xuôi… Nhưng tình yêu lúa mùa và bạn bè cùng chí hướng đã giữ Nó lại.
    Festival lúa gạo lần này, Nó đến với tâm thế của một người nông dân mang tên gọi Tư Lúa Mùa. Dự thi không quan trọng. Nó chỉ muốn mỗi ngày có thêm nhiều người, nhứt là giới trẻ, hiểu thêm về lúa mùa và văn hoá lúa mùa để cùng nhau giữ gìn một di sản quý báu mà ông cha đã để lại trên vùng đất này!

Lê Quốc Việt