BẾN ĐỖ CUỐI ĐỜI
By Ngân Bình
Họ đến với nhau vào tuổi xế xế chứ chưa đến (xế) chiều. Vì ở anh, phong độ của chàng phi công ngày nào vẫn còn phảng phất. Chị thì dáng cao gầy, thon thả, nét yểu điệu còn vương trên nét ngà thục nữ. Bao năm qua sống đời góa bụa, chị vẫn đẹp, dù đã qua tuổi thanh xuân. Nên, "lần đầu gặp em tinh tú quay cuồng”, khiến anh nhìn mãi cô thợ cắt tóc trong tấm gương trước mặt mà không cần biết tay thợ này có khéo hay không.
Anh đã "coi mắt” chị như thế qua lời giới thiệu của chị Phi, bạn anh. Chị và chị Phi là đôi bạn thân. Thỉnh thoảng, trong lúc trò chuyện với chị, chị Phi hay kể về gia đình của anh. Một gia đình thật hạnh phúc, với người chồng tốt, người vợ đảm đang, hiền lành và ba đứa con ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, thành đạt. Bỗng một hôm, chị Phi buồn bã báo tin "vợ anh bạn mà tôi hay kể chuyện cho chị nghe vừa qua đời”. Không biết anh là ai, nhưng chị cũng thấy thương cảm khi nhớ lại đoạn đường sầu thảm mà mình đã bước qua gần mười năm trước. Thời gian trôi, nỗi đau buồn của anh cũng nguôi ngoai dần theo năm, tháng. Tội nghiệp anh lẻ loi trong những bước đi về, nghĩ đến bạn mình cũng đêm ngày vò võ, nên chị Phi ngỏ ý làm nhịp cầu nối cho hai tâm hồn cô đơn có cơ hội gặp gỡ, an ủi lẫn nhau. Anh gật đầu đồng ý.
Thế là, anh hữu ý trong lúc chị vô tình. Vì khi trò chuyện với anh – một khách hàng đến cắt tóc- chị không hề biết anh là người đàn ông mà chị đã được nghe kể nhiều lần qua chị Phi. Thế nhưng, mọi sự ở đời đều bắt đầu bằng chữ duyên, nhất là hai người cùng một hoàn cảnh. Hoàn cảnh "người ở lại, khóc người ra đi vĩnh viễn”, nên họ dễ dàng trao đổi tâm sự.
Một buổi chiều tiệm vắng khách, chị tựa ghế, thơ thẩn ngắm những hạt mưa trắng xóa, mong manh như làn sương mỏng mà nghe lòng nao nao buồn. Chợt chuông điện thoại reo. Chị bắt máy. Tiếng anh vang lên, ngọt ngào thăm hỏi và kể lể chuyện gần xa. Bỗng giọng anh như trầm xuống:
– Trời mưa buồn… anh nhớ vợ anh quá.
Chị giật mình, không biết mình có nghe nhầm không. Anh nhắc lại lần nữa. Chị suýt bật cười "Ủa! Ðang "tán” tui mà, sao bỗng dưng nhắc tới vợ vậy cà?” Và để chứng tỏ mình cũng như anh, dù có ý tìm duyên mới nhưng vẫn không quên người cũ, chị đổi giọng não nề:
– Em cũng nhớ chồng em quá.
Cuộc nói chuyện kết thúc bằng một nỗi buồn. Nhưng nỗi buồn này có phải là… "Buồn như trong một ngày, hai đứa không gặp mặt” chăng? Chỉ có người trong cuộc mới biết!
Ngày qua, tháng lại, cuộc tình đã bén men nồng, nhưng anh vẫn còn đắn đo, chưa dám thố lộ cùng con. Anh sống với đứa con gái út trong căn nhà thênh thang. Hai cha con gắn bó hơn từ khi hai đứa con lớn lập gia đình và có đời sống riêng. Nhiều lần, sau cuộc điện đàm với chị, con bé nhìn nét mặt hớn hở của anh, dò hỏi:
– Daddy nói chuyện với ai mà vui vẻ, thân mật quá vậy?
– Một người bạn.
Một chút nghi ngờ trong ánh mắt dò xét của cô con gái tinh nghịch làm anh hơi bẽn lẽn. Lần thứ hai, cũng hỏi câu hỏi tương tự như thế, anh đánh bạo làm bài toán thử:
– Con có muốn biết người đó là ai không?
Con gái nhanh nhẩu đáp "Muốn!” Anh dừng một nhịp thở trong lời đề nghị với chút hồi hộp:
– Muốn thì gia đình mình sẽ có một buổi họp nghe con.
Một buổi chiều đẹp trời, anh cùng ba đứa con và một rể, một dâu đến tiệm ăn. Bên chiếc bàn nằm trong góc khuất, anh thận trọng đặt câu hỏi:
– Theo các con, ba nên quen với người phụ nữ mấy tuổi mới thích hợp?
Thằng con rể nhìn anh như thể đang đo lường, đong đếm và sau đó "phán quyết” một câu chắc nịch:
– Phải trên sáu mươi tuổi.
Câu nói làm anh chới với, vì chị chưa đạt tới số tuổi con anh yêu cầu. Nhưng anh vẫn mạnh dạn làm một cuộc hẹn để chị gặp gỡ các con. Trong buổi hội ngộ đầu tiên, khuôn mặt trẻ trung, và dáng dấp thon gọn của chị, có lẽ đã làm cho các con anh hơi bất ngờ. Với thái độ từ tốn, chậm rãi, anh nói:
– Dì đây là người ba muốn giới thiệu với các con. Dì còn đến năm năm nữa mới đủ tuổi sáu mươi như con yêu cầu. Nên… Ba muốn biết ý kiến của các con.
Con gái, con trai, dâu, rể, im lặng trong dáng vẻ suy tư. Không gian như cô đọng lại. Một sự yên ắng đáng lo ngại. Nhưng anh chị không phải chờ đến sốt ruột khi đứa con gái út mau mắn "chấp thuận”:
– Cho luôn!
Rồi nó cầm tay anh đặt lên tay chị. Anh vui như chưa từng bao giờ vui như thế. Anh mừng vì các con anh đã "bao dung” đối với quyết định của anh. Anh biết, anh có toàn quyền định đoạt cuộc đời mình mà không cần lệ thuộc vào sự chấp nhận hay phản đối của con cái. Nhưng với anh, con cái là một phần rất quan trọng trong cuộc đời mà anh không thể thiếu, nên khi buổi "ra mắt” được hoàn tất trong bầu không khí cảm thông, vui vẻ, anh xem đó là một món quà to lớn nhất, quý báu nhất mà các con đã dành cho anh.
Phần anh đã xong, trong khi chị vẫn ngần ngừ chưa thể có câu trả lời chắc chắn, vì con trai của chị đang thi hành nghĩa vụ quân sự tại Afghanistan. Ðứa con trai mà cách đây chục năm hơn thường hay nổi giận mỗi khi có ai chọc ghẹo "Má mày có bồ rồi”. Nó ném tất cả mọi thứ gần trong tầm tay rồi giận chị, bỏ cả bữa cơm chiều. Chị giao hẹn với anh:
– Nếu con em không đồng ý thì mình chia tay.
Anh hoảng hốt nài nỉ:
– Ðừng, đừng, để anh gặp con, nói chuyện cho nó hiểu. Nếu nó vẫn phản đối, anh sẽ năn nỉ cho đến khi nào nó bằng lòng.
Chị cảm động rơi nước mắt. Tình trong như đã và mặt ngoài cũng chẳng còn e, nhưng đối với chị niềm vui, hy vọng, tương lai của con là trên hết nếu chị phải đứng trước một sự lựa chọn. Và chị biết, sự lựa chọn nào cũng có ít nhiều mất mát.
Ngày chồng chị qua đời, chỉ có hai mẹ con thui thủi với nhau. Không một người thân thuộc, chị vất vả tìm nơi để gửi con sau khi đi học về vì chị còn phải đi làm, phải lo toan cho cuộc sống với những chi phí cần trang trải. Con chị lớn lên trong đơn độc nên tình thương duy nhất mà nó được hưởng là tình thương của mẹ. Bao la như biển lớn. Thiết tha như dòng suối ngọt ngào. Và cũng vì thế mà nó quyết chí bảo vệ, quyết chí không để ai cướp mất.
Ngày lại tiếp ngày, chị băn khoăn đắn đo, rồi bối rối âu lo, vì không biết phải nói với con như thế nào để nó hiểu mà chấp nhận anh. Mười hai năm, kể từ ngày chồng chị qua đời, cũng có nhiều người thật tâm muốn đến với chị, nhưng chị giả vờ như cô bé học trò ngây thơ trong bài hát Phượng Hồng, "Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu” để lập một hàng rào chắn ngang ranh giới tình bạn. Chị thận trọng trong quyết định bước tới một bước nữa, vì sợ lỡ như bước chân ấy không trọn đẹp cho phần đời còn lại thì làm sao chị đủ sức chịu đựng những lời chê cười của người đời vốn dĩ khắt khe.
Gặp anh, chị nhìn thấy ở anh đầy đủ tư cách của một người đàn ông đứng đắn, đàng hoàng. Về ngoại hình, về điều kiện vật chất, anh dư sức về Việt Nam cưới một cô vợ trẻ đẹp. Nhưng anh chọn chị như chọn cho mình một mái ấm vững vàng, một người bạn đời thủy chung, đến với anh vì tình yêu chứ không vì mục đích nào khác, và sẽ cùng anh đi hết cuộc đời còn lại bằng tình cảm chân thật. Chị sung sướng với niềm hạnh phúc đẹp như mơ đang chạm đến bàn tay chị, nhưng chị lại không được trọn quyền quyết định để nắm hay buông bởi vì chị còn phải tùy thuộc vào cái gật đầu hay lắc đầu của con. Chẳng biết thằng bé có biết là nó đang nắm giữ niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ của phần đời còn lại của chị. Cái phần đời mà chị hoàn toàn không biết sẽ còn dài hay ngắn. Nhưng chị biết, trái tim chị sẽ tan nát nếu buộc phải quay lưng làm người xa lạ với anh, người mà chị đang gửi gắm tất cả niềm yêu thương, hy vọng.
Rồi một ngày, con chị gọi điện thoại về từ vùng đất xa xôi, nơi nó đang đóng quân. Anh ngồi cạnh chị hồi hộp nghe ngóng.
– Má có bồ rồi phải không?
Chị bối rối ấp úng:
– Ai… ai nói với con?
– Má không cần biết ai nói. Má chỉ cần cho con biết, có hay không?
Ơi trời! thằng con vừa tròn hai mươi tuổi của chị mà giọng điệu tra hỏi sao giống một người cha nghiêm khắc. Vậy mà chị sợ. Y như sợ ba mình ngày xưa.
– Ơ..ờ… má có quen với chú này…
– Mà chú đó có thương má không?
– Có… chú… rất thương má.
– Má có biết, má bao nhiêu tuổi không?
Chị khép nhẹ đôi mắt, nghe nhịp thở của mình như nặng trĩu trong nỗi đau nhoi nhói.
-…
– Má già rồi đó, má với chú đó thương nhau sao không làm đám cưới đi.
Chị bật khóc, anh cũng rơm rớm nước mắt vì vui mừng. Tạ ơn Trời! Tạ ơn con! Chị nói thầm giữa những dòng nước mắt hạnh phúc trên khuôn mặt mà vài mươi phút trước đây còn hằn nét thấp thỏm, lo âu.
– Thời buổi bây giờ, con đặt đâu mình ngồi đó đi em.
Anh nắm tay chị. Cái nắm tay thật ân cần, âu yếm, thay lời thề nguyền gắn bó trong câu anh nói pha trò mà chị cho là duyên dáng nhất từ trước đến giờ.
Ngày tổ chức bữa tiệc ra mắt người thân, bạn bè, trong niềm hân hoan vì mơ ước đã thành sự thật, anh cảm động khi thấy các con của mình đến thật sớm, lăng xăng giúp anh chị chuẩn bị, sắp xếp mọi thứ để phòng tiệc thêm phần trang trọng, xinh đẹp. Nhìn các con lễ phép chào đón khách với nụ cười tươi tắn, thân mật, anh thầm cảm tạ Ơn Trên đã ban cho anh một diễm phúc tuyệt vời mà không phải người cha nào khi quyết định bước thêm bước nữa có được.
Trong phần cảm tạ quan khách, anh nghẹn lời "cám ơn các con”. Những đôi mắt không còn là trẻ thơ đã chớp nhanh trong ánh nước long lanh niềm cảm xúc. Tình phụ tử đẹp nhất là phút giây này. Phút giây mà những đứa con trưởng thành biết dẹp đi sự ích kỷ, độc đoán trong tình cảm để cha mình có cơ hội tìm niềm an ủi cuối đời.
Con của chị cũng kịp về tham dự ngày vui của mẹ. Thằng bé đeo riết lấy mẹ ngày nào, nay đã là một quân nhân chững chạc trong bộ quân phục chỉnh tề. Choàng lấy vai mẹ, con chị thì thầm lời chúc mừng. Nó chẳng khác nào một thiên thần đã cầm lấy thanh gỗ có ngôi sao lấp lánh, gõ nhẹ vào cánh cửa bọc nhung, màu hoa hồng đỏ, để cánh cửa chầm chậm mở toang cho anh chị bước vào khu vườn mang tên hạnh phúc. Thứ hạnh phúc rất quý báu đối với những người đã trải qua bao dâu bể của cuộc đời, đang kiếm tìm một bến đỗ bình an.
NB