CẢ ĐỜI MẸ ĐÃ CHO ĐI MÀ KHÔNG CẦN NHẬN LẠI - Trần Văn Hảo St -

                CẢ ĐỜI MẸ ĐÃ CHO ĐI MÀ KHÔNG CẦN NHẬN LẠI


Ba mẹ chia tay nhau từ khi tôi còn rất bé, khoảng thời gian thơ ấu không hề dễ chịu… Tôi sống với mẹ bên nhà ngoại. Mẹ làm thợ may trong một con xóm nhỏ xíu, muốn đi ra thị trấn phải mất hai mươi phút đi đò. Từ ngày mẹ và ba thôi nhau, bà ấy bắt đầu làm việc vất vả nuôi tôi không thiếu thứ gì, bà thương tôi thiếu thốn tình cảm so với người khác. Còn ba, ba là người thành phố, đôi lần về thăm tôi là tôi đu cổ ba không buông, ba về mà đứng ở đầu ngõ khóc sướt mướt, khiến mẹ tôi cũng khóc theo, cầm lòng không đặng.
Từ nhỏ tôi đã được ba nuông chiều, đi đâu cũng trên vai ba, đêm ngủ thì ngủ trên bụng ba, ăn cơm thì phải chờ có ba mới chịu ăn. Tôi bắt đầu đâm ra ghét mẹ, tại sao mẹ bắt tôi về đây để phải xa ba. Hồi ấy, ngu ngơ ai hiểu, mẹ cũng có nỗi khổ tâm mà không bao giờ tôi thấu hiểu hết. Một hôm nọ, cô giáo cho đề văn: “Hãy tả bữa cơm gia đình em.” Tôi bắt đầu viết, một bữa cơm như trước đây, có ba có mẹ, những bữa cơm ba luôn là người gạt hết xương cá gắp cho tôi, mẹ thì cố bới cơm ém xuống cho tôi ăn được nhiều, nhưng sực nhớ lại, tôi viết: “Bữa cơm gia đình em hôm nay không còn có ba, lâu thật lâu ba mới về thăm em một xíu rồi đi, ba không còn muốn ăn cơm với mẹ và em nữa.” Hôm ấy, cô giáo gọi tôi ở lại, không hiểu sao, mắt cô ươn ướt, đưa tay vuốt tóc tôi nhẹ nhàng rồi đến gặp riêng mẹ tôi. Tôi thấy mẹ khóc, rồi ngoại khóc, buổi chiều hôm ấy, mẹ không ăn cơm mà nằm im trong phòng, có lẽ mẹ bệnh…
Tôi đòi mua một chiếc xe đạp để đi học cho tiện, mẹ bảo chiếc xe đạp cũ còn xài tốt thì xài đi. Tôi nằng nặc mua chiếc xe mới như con Út Tiên hàng xóm có, mẹ im lặng, nói là mẹ không có nhiều tiền như vậy. Tôi giận dỗi bỏ vào phòng nằm, không nói chuyện với mẹ suốt một tuần liền. Tự dưng, trưa hôm đó mẹ đi đò lên thị trấn mua một chiếc xe đạp giống y chang của Út Tiên, mới cáu, bóng loáng. Tôi mê lắm, cứ xăm xoe nó, ngồi thử và cười thích chí. Buổi chiều, mẹ ngồi lặt mấy cọng rau đắng nấu canh cua, tôi chợt thấy mẹ mất đi đôi bông tai, mẹ cười nói: “Nó chật rồi, mẹ tháo cất.”đồng tiền của mẹ.
Trong cái xóm nhỏ này, ai cũng nghèo, nên hiếm hoi năm thì mười vận mới có người đến may đồ, còn trả giá tới lui rồi chê mắc chê rẻ. Tiền tôi đi học ngày càng nhiều, mẹ bắt đầu nhận thêm đơm lá, mỗi ngày mẹ nhận lá xanh về cắt, gọt rồi xỏ lá đơm thành cái mái tranh lợp nhà. Tay mẹ sần rát, những nốt chai cứ to dần lên, lưng mẹ khòm đi và cong lại. Bà ngoại nắm tay mẹ mà xót xa, nước mắt lăn dài trên đôi mắt già nua cằn cỗi. Tôi bắt đầu lớn, hiểu dần ra gia cảnh của mình, tự thấy mặc cảm với bạn bè. Chúng nó có ba, còn tôi, thì không. Ba tôi suốt ngày chỉ biết đến công việc, ông thăm tôi ít lại, còn tôi thì lầm lì im lặng mỗi khi ông về. Tôi tự nhận thấy mình thật bất hạnh, thua thiệt mọi thứ với bè bạn. Tuổi mới lớn cứ thích đua đòi, thích có điện thoại này kia, muốn được trang điểm, làm điệu. Mẹ tôi lại còng lưng đi đơm từng chiếc lá, sửa từng cái áo cái quần cho khách chắt mót mua cho tôi. Nhưng, số tiền mẹ làm không nhiều, chỉ mua được cho tôi những thứ bình thường, có hôm, tôi giận liệng điện thoại vô góc: “Người ta xài tới điện thoại gì rồi mà mẹ còn mua cho con cái cũ rích vầy!” Mẹ nhìn tôi, có vẻ thoáng buồn, tôi thì làm trận làm thượng, nổi giận đùng đùng xách xe chạy qua nhà bạn chơi. Đêm ấy, tôi không thèm về nhà, còn mẹ thì đội mưa đội gió đi kiếm tôi khắp nơi. Hôm sau, mẹ ngã bệnh nặng còn tôi thì không chút gì hối hận, cứ như “lỗi tại mẹ, ai bảo mẹ không giàu bằng mẹ người ta.” Mẹ lụm chiếc điện thoại của tôi, gắn pin, chùi sạch sẽ bụi để lại trên bàn học. Tôi thấy nó, càng bực mình, hất tay rớt đất, nứt cái màn hình. Chiều hôm đó, mẹ mượn cô Sáu tiền mua cho tôi cái điện thoại mới xịn, còn bà, nhặt lại từng miếng nhựa mua keo về dán, gắn vô xài rồi cười: “Có cái để gọi cho con.” Tôi không quan tâm lắm, chỉ có điện thoại mới để đua theo bạn bè là tôi vui. Chiếc áo rách chút xíu tôi đã vứt đi, còn mẹ, chiếc áo mẹ mặt tránh nắng thì không tìm được chỗ nào lành cả, nó chằng chịt những chỉ là chỉ. Tôi bảo mẹ vứt đi nhiều lần, mẹ cứ nói: “Còn xài được để xài chứ con.”
Rồi ngoại mất đi, để lại mẹ và tôi chơ vơ giữa căn nhà lạnh lẽo. Tôi viện đủ cớ đi học, họp nhóm để tụ tập chơi bời với bạn bè, bỏ mẹ ở nhà một mình. Có hôm còn viện lí do ngủ lại nhà bạn mai đi học cho sớm, mẹ cũng ừ rồi dặn dò đủ kiểu, tôi cùng bạn lại đi chơi thâu đêm suốt sáng, hôm sau nghỉ luôn học vì mệt. Còn mẹ tôi, cứ ngày ngày ngồi đơm lá trước hiên, ngóng ra cửa coi con mình về chưa. Đôi lúc tôi thấy dáng mẹ thoáng ngoài cửa, vội tắt điện thoại vờ ngủ vì không thích mẹ hỏi han trò chuyện, câu chuyện mẹ kể cũ mèm mà cứ lục đi lục lại chuyện hồi bé của tôi, mẹ lén mở cửa phòng, đưa tay vuốt tóc rồi hôn lên má tôi nhẹ, rồi từ từ ra khỏi phòng khép cửa lại, tôi cau có: “Đâu có phải trẻ lên ba đâu!”
 
Tôi quyết định không thi đại học mà đi làm, mẹ khuyên răn đủ các kiểu là con đi học đi, mẹ lo được, lo cho con mười hai năm rồi không nhẽ bốn năm không lo được, tôi ngán ngẩm thi vô một trường tít trên thành phố. Ngày tôi lên thành phố đi thi, mẹ mang cơm, mang nước đủ các kiểu, tôi bực mình: “Có phải là đi tị nạn đâu mẹ!” Mẹ im lặng, cười cười rồi gói ghém bỏ vô giỏ bàng. Trưa giải lao, mẹ mở hộp cơm cho tôi ăn, tôi bướng bỉnh không ăn, mẹ dỗ dành ăn được một xíu, phần dư mẹ ăn. Khi bà ăn cơm, tôi cố gắng xích ra xa, vờ như không quen biết gì đến mẹ, mẹ cũng biết, nhưng bà vẫn ăn cơm, rồi cũng ngồi im nơi đó, như sợ con mình bị người ta chê có bà mẹ quê mùa.Tôi đậu đại học, mẹ mừng không thể tả xiết, thịt mấy con gà mà bà để dành tết làm một mâm cúng tổ tiên, rồi bày ra cho tôi và bạn bè ăn say sưa. Sau khi ăn xong, còn cổ cánh và xương vụn vụn, mẹ kho lại với dưa chua và ăn cơm: ” Mẹ thích ăn mấy cái này, nó ngon lắm.”
Đi học, dường như hai, ba tháng tôi với về nhà một lần, còn mẹ cứ động viên: “Con học đi, mẹ lo được.” Tôi bắt đầu ăn chơi sa đọa, viện đủ thứ tiền để đi chơi, ăn uống hả hê. Cuộc sống Sài Gòn xô bồ quá, tôi quên mất mẹ ở quê, suốt ngày lao vào những cuộc chơi vô nghĩa. Cho đến một hôm mẹ lên tận cửa phòng trọ:
- Trời ơi! Mẹ lên chi vậy?
- Lên thăm con. Bốn tháng rồi con chưa về nhà. Con đi đâu về trễ vậy?
- Con…đi học. Ca đêm. Mẹ không cần phải lên như vậy đâu.
- Thôi, thấy con lành lặn được rồi, mai mẹ về sớm.
Mẹ đi vào phòng trọ, quét dọn đủ các kiểu khi tôi quá mệt, lăn đùng ra ngủ, mẹ lại dọn dẹp sạch sẽ rồi nằm xuống cạnh tôi. Sáng sớm, tôi lật đật gọi mẹ dậy đưa bà ra bến xe để đi cho rảnh nợ. Ít hôm, tôi hết tiền mà chưa đến ngày mẹ gửi tiền, tôi đành vác mặt về quê dù chẳng muốn tý nào. Về đến quê mới biết, sáng mẹ bán bánh mì ngoài chợ. Tôi nổi giận đùng đùng, khi mẹ xách giỏ bánh mì dư về nhà, liền to tiếng:
- Bộ thiếu thốn lắm hay sao mẹ đi bán bánh mì làm gì!
- Thì…có thêm đồng ra đồng vô. Giờ ít ai may đồ quá!
- Mẹ tính bôi tro trét trấu cái nhà này hả? Mẹ làm như vậy con có mặt mũi nhìn ai nữa! Người ta nhìn vô nói con là con bà bánh bánh mì! Con bà đơm lá!
- Trời ơi là trời! “Bốp” Mẹ đưa tay tát tôi một cái. Lần đầu tiên bà đánh tôi, mẹ bắt đầu giận, tôi thấy tay bà run lên: – Tao bán bánh mì, đơm lá, nuôi mày ăn học mười mấy năm trời mà giờ mày phụ ân phụ nghĩa! Khi sinh mày ra, mày sinh khó, vẫy vùng, thập tử nhất sinh mới có mày. Nuôi mày lớn lên còng lưng cho mày tiền để đua đòi, mày không có ba tao sợ mày thua thiệt bạn bè. Tao cho mày đi học nhiều chữ để về nhà chửi mẹ mắng cha hả?
- Ai kêu bà sinh tôi ra cuộc đời này làm gì để hứng chịu nghèo khổ!
 


Tôi vác vali chạy ra bến xe mà nước mắt lưng ròng, bắt chuyến xe tàn lên Sài Gòn mà tự hứa sẽ đi làm, không cần đồng tiên của mẹ để bị bà xỉ vả. Tối hôm đó, mẹ có gọi cho tôi chục cuộc, tôi không nghe máy mà tắt ngang, cúp nguồn. “Cứ như bà và tôi chẳng còn gì nữa!” Tôi chuyển nhà trọ, kiếm việc làm thêm tại một tiệm cơm. Công việc không như tôi nghĩ, mỗi bữa nghỉ giải lao của công nhân xong, tôi rửa chén đến cứng đờ đôi tay, bưng cơm không kịp khách bị bà chủ chửi như tát nước vào mặt, nhưng nhịn nhục để kiếm từng đồng tiền đóng tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền gửi xe, đủ các loại tiền. Khi tôi tự kiếm tiền, bắt đầu cảm thấy sức nặng của đồng tiền, ngoài xã hội, lấy tiền của họ phải đánh đổi bằng sự nhịn nhục và mồ hôi, bằng những ngày làm việc không ngừng nghỉ, cúi gằm mặt khi bị mắng chửi vô cớ, không giống như tiền của mẹ, chỉ xòe tay mà lấy, đồng tiền mẹ đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, ngẫm lại, thấy đồng tiền mẹ cho tôi nó lớn đến mức, có chết ngay bây giờ, cũng không trả được hết. Tôi muốn về nhà, muốn nhìn mẹ, nhưng nghĩ về quá khứ đã làm nhiều chuyện khiến mẹ đau lòng, đôi chân tôi dừng lại ở bến xe về miền tây, sợ điều gì đó, sợ lắm!
Hôm nay, tôi mất việc ở quán cơm, bà chủ nói không trả tôi một xu khi tôi nghỉ ngang như vậy, tôi chán nản bỏ ra công viên ngồi ngắm đường phố. Thời gian dài thật, những ngày tháng tự lập khó khăn thật, tôi bắt đầu nhớ mẹ nhiều lắm. Không biết mẹ ra sao, có kiếm tôi không, có nhớ tôi nhiều không, chắc mẹ khóc nhiều lắm. Nghĩ đến đó, nước mắt tôi tự rơi lã chã. Một cậu bé chạy đến, quần áo xộc xệch, mặt mũi lấm lem:
- Có gì ăn không?
- Em đói hả?
- Ừ.
- Đợi chút, ăn bánh mì nha. Nó im lặng gật đầu. Thọc tay vô túi còn có hai chục ngàn, tôi bấm bụng nhịn đói mua cho nó ổ bánh mì thịt béo ngậy. Nó ngồi bệt xuống đất, ngấu nghiến ổ bánh mì một cách ngon lành, tôi lấy làm thương hại:
- Ba má đâu mà để em đói vậy? Nó vẫn im lặng, khi ăn nửa ổ bánh mì nó xé, còn nửa ổ, nó gói cẩn thận lại rồi cột chặt, tôi thắc mắc:
- Bộ bánh mì dở hay sao em ăn không hết?
- Không phải, chừa cho má.
- Ủa, má em đâu?
- Ở đằng kia. Tôi theo chân thằng bé đến dưới một góc công viên.
Đằng đó, có một người phụ nữ trung niên khắc khổ nằm trên tấm ni long to, thở khò khè: – Ủa, thằng Lượm về hả?
- Dạ. Con có bánh mì cho má nè.
- Thôi, con ăn đi, má không đói.
- Con ăn một nửa no rồi, còn một nửa má ăn đi rồi mai con xin thêm tiền mua thuốc cho má. Người phụ nữ mò mẫm ổ bánh mì, cầm ăn ngon lành, thằng bé ngồi kế bên vẻ còn đói nhưng ngó lơ chỗ khác. Tôi thấy mình thật nhỏ bé so với nó, quá nhỏ bé so với khối hiếu thuận của một thằng bé thất học lêu lỏng, trong khi tôi học trường này trường nọ, bằng này bằng kia, tim tôi tự dưng thốt thảng, tôi cũng có mẹ mà! Mẹ tôi cho tôi nhiều hơn người khác, vậy mà tôi sống chỉ biết đòi hỏi cho mình, không biết làm gì cho mẹ cả. Tôi chạy thật nhanh đến cửa hàng bánh mì rút tiền dằn túi mua cho hai mẹ con thêm hai ổ bánh mì, hai chai nước. Họ cảm ơn tôi rối rít. Đi bộ dọc về trên đường, tôi quyết định gọi về nhà… Một hồi chuông, hai hồi chuông… Tôi im lặng chờ đợi, run tay cầm cập…
- A lô?
- Mẹ!
- Con hả? trời ơi, con ở đâu? Mẹ xin lỗi hôm đó mẹ không nên đánh con. Con về đi, mẹ nhớ con lắm!
- Mẹ, con biết từ nhỏ con đã bất hiếu, ích kỉ cho bản thân mà không suy nghĩ cho mẹ, mẹ ơi, xã hội này nó không tốt với con như mẹ đâu, đồng tiền con làm ra, khi cầm nó, con mới hiểu mẹ cực khổ ra sao! Mẹ, con…con xin lỗi mẹ. Mẹ ơi, con muốn làm lại từ đầu.
- Mẹ vui lắm. Gần hai mươi năm rồi…cũng không quá muộn, con biết quay về là được. Mẹ có lên tìm ba để tìm con, ba cũng lo cho con lắm!
- Mẹ, ngày mai, con về quê với mẹ, nha mẹ!
Theo: Sóng Xô