CÔN BEÄNH
1. Từ lúc ba đứa con lần lượt có gia đình, mỗi đứa một nơi với cuộc sống riêng tư thì Tân không còn đi buôn nữa. Anh đã lớn tuổi, tiền bạc chẳng còn là nhu cầu bức thiết như trước. Nghỉ bán, Tân rơi vào sự thảm hại của sự nhàn rỗi buồn chán. Anh không chuẩn bị một công việc khác thích hợp, hoặc giả một thú vui nào cho khuây lãng tuổi xế chiều, “Nhàn cư vi bất thiện”. Tư tưởng bi quan buồn chán của Tân dưới một góc nhìn tâm lý cũng là sự bất thiện của tâm hồn?. Chính nó dìm nội tâm vào cô đơn, trầm cảm.
Căn nhà trống vắng hắt hiu, các con đều ở xa, đứa gần một hai tuần, đứa xa đôi ba tháng mới về, cũng chỉ một hai buổi lại đi. Chim đủ lông, cứng cánh rời tổ bay xa cũng là lẽ thường tình, sao Tân vẫn thấy chạnh lòng. Còn với Hằng, vợ Tân, lại luôn khắc khẩu, khắc tính không thể dung hoà thông cảm dù có 30 năm chung sống. Tại sao hai kẻ không có tình yêu, chẳng hiểu nhau mà vẫn trói buộc với nhau suốt đời? Có phải nghiệp chướng? Lúc còn trẻ, những gây gỗ, xung đột giữa hai người xảy ra luôn, suýt đổ vỡ, chia lìa. Định mệnh hay trách nhiệm với các con lôi kéo để không tan rã, để không xẻ nghé chia đàn. Bây giờ cả hai tuổi đã cao, không còn xung đột nữa. Khi phải chịu đựng tình trạng quá lâu, người ta trở thành chai sạn, quen đến chẳng còn muốn thay đổi. Và im lặng là tỏ thái độ đã nhập vào bản tính của Tân. Có bạn lâu ngày không gặp hỏi Tân lúc này làm gì?, anh trả lời “làm thinh”, bạn lại bảo Tân đùa.
Nói cái gì? Có ai để chuyện trò tâm sự. Tân sống với tâm trạng hụt hẫng, thấy dòng thời gian trôi chậm chạp như tắc nghẽn. Mỗi ngày như mọi ngày. Câu hỏi thường mọc ra ám ảnh: Làm gì?, sống ra sao?. Câu hỏi bế tắc không có lời giải đáp. Cuộc sống trở nên vô vị và cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì!. Nỗi bi quan đè nặng lên nội tâm Tân, anh không tìm được sự xẻ chia, dần dà trở thành xa lạ với chung quanh, tách biệt cùng không gian mình sống. Anh tự giam nhốt mình.
Cùng nỗi cô đơn trầm cảm, sức khoẻ của Tân đã có vấn đề. Sức khoẻ suy sụp làm nặng hơn cơn bệnh tinh thần. Ở tuổi 65, Tân bị cao huyết áp và suy tim, căn bệnh trước kia người ông và ba Tân mắc phải, suốt ngày Tân nghe mệt, cứ nằm lì lịch hết giường tới võng. Hơn hai tháng trước, anh có đi khám ở Đại học Y Dược. Nghe kể về tình trạng đông nghẹt người khám bệnh ở đó Tân đón xe đi lúc khuya, đến nơi tờ mờ sáng nhưng đã có nhiều người rồi . Chen chúc đóng tiền bắt số và ngồi chờ đến trưa mới đến lượt. Bác sĩ đặt ống nghe, hỏi đúng ba câu chẩn đoán, Tân bị nhồi máu cơ tim trước vách, cho toa thuốc dài ngoằng. Ra ngoài nộp toa, đóng hơn triệu bạc, lại chờ đến xế trưa. Về nhà uống thuốc cả tháng không suy giảm nên Tân ngừng lại.
Thời gian gần đây cơn đau nhói nơi ngực trái xảy ra thường hơn, đau xuyên thấu đến cơ sườn sau lưng. Trái tim như bị vật nhọn đâm vào, lại thêm nhức đầu, tê cứng hai hàm, xuất vã mồ hôi. Đó là biểu hiện của nhồi máu cơ tim, Tân ôm ngực cảm thấy cái chết rất gần. Cuộc đời lặng lẽ nhạt nhòa, có danh phận bạc tiền chi mà ham hố, nuối tiếc. Tân không lo sợ trước cái chết, nhưng mỗi lần nghĩ đến là nỗi cô đơn cùng cực tràn ngập tâm hồn. Đến một mình rồi cũng đi một mình, Tân biết mình có thiên hướng u buồn nên chẳng nhìn sự việc giản dị, lạc quan, mà cứ nghĩ ngợi bế tắc rối mù, từ hư vô con người bước đến rồi lại đi vào một chốn bí ẩn xa xăm làm gì? Câu hỏi không lời giải đáp. Cõi trần ngắn ngủi phù du, con người lại gây bao điều khổ lụy, hạnh phúc hiếm hoi mà nước mắt tràn đầy!
Tân rất khốn khổ mỗi lúc trân mình chịu đựng cơn đau . Địa ngục ở chính trần thế lúc con người bị bệnh tật hoành hành thân xác, bao nhiêu người coi thường cái chết phải chịu khuất phục trước tra tấn. Không chịu nổi thường bị tra tấn nên Tân định đi khám lại dù rất ngán ngại, khám mà sợ phải nằm viện, chỉ muốn uống thuốc tại nhà. Tân rất dị ứng với không khí nơi bệnh viện, phòng cấp cứu, anh sẽ chọn cái chết hơn là phải nằm đằng đẵng ở nơi ấy. Đó là một nơi mang sắc thái lạ lùng, vừa lạnh lẽo trắng bạch, vừa hỗn độn phập phồng. Trước kia mỗi lần phải ở bệnh viện trông nuôi ba má, Tân đều bị cái trạng thái bất an, ngầy ngật khó chịu, cảnh xô bồ quá tải của bệnh viện tuyến trung ương. Bệnh nhân chen chúc hai người một giường cá nhân, còn thân nhân nuôi bệnh nằm lăn, ngồi lết bên ngoài hành lang, cái khung canh ấy làm liệt rũ sinh khí cả người khoẻ mạnh.
2. Dân gian có câu: “ghét của nào trời cho của ấy”. Trời ở đây là sự run rủi, buộc mình phải chấp nhận chịu đựng cái mình chán ghét dị ứng với nó. Đúng như có một sự xếp đặt đưa Tân gặp lại em học trò cũ và chính em ấy dẫn đưa Tân vào nằm bệnh viện.
Tân gặp Hường trong dịp tham dự buổi họp mặt một nhóm cựu học sinh trường Trung học Nông Lâm Súc, buổi họp do Hương tổ chức. Hương từ Mỹ trở về sau nhiều năm xa cách quê nhà, cả hai em đều học trường Nông Lâm Súc Định Tường, nơi Tân dạy học ngày xưa. Sau tháng 4/1975, ngôi trường bị tiếp quản rồi giải thể , thầy trò tứ tán. Tân “mất dạy”, ra ngoài bươn chải, lao đao vất vả với đủ nghề: làm mướn, họa hình, bán dạo,… Công việc anh làm lâu dài nhất là lấy quần áo may sẵn vào các xã xa bỏ mối các sạp vải, tiệm tạp hoá, có lẽ nhờ sự “mất dạy” mà các con anh được “dạy”, được ăn học. Thấm thoát đã hơn 30 năm, bao biến chuyển đổi thay, thầy trò đã thành U60, U70, mái tóc điểm bạc, giây phút gặp lại đầy xúc động và ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì một số khuôn mặt đã thành xa lạ, quên bẵng vóc dáng, họ tên. Cố nhớ, cố moi móc quá khứ, những hình ảnh ngày xưa, nhắc lại bao kỷ niệm khi vồn vã hỏi thăm nhau về cuộc sống hiện nay. Hường hiện ở Sài Gòn, có chồng và hai con, làm trong một bệnh viện, em hỏi chuyện gia đình sức khoẻ của Tân và anh thật tình kể về tình trạng sức khoẻ không tốt của mình, Hường cho Tân địa chỉ, số điện thoại và dặn: “Thầy phải thu xếp lên Sài Gòn, em sẽ đưa thầy đến một bác sĩ quen chuyên khoa về tim mạch để khám và chữa trị. Nếu trị vài ngày thì thầy ở nhà em.”. Tân gật đầu và nghĩ là do sự xúc động, quan tâm của tình thầy trò lâu ngày gặp lại. Không ngờ cái gật đầu ấy lại thành sự thật len vào lòng Tân mối ân tình.
Mười ngày sau buổi họp mặt ấy, cơn đau lại nổi lên. Thôi thử ghé nhờ Hường đưa đến ông bác sĩ này xem sao? Cái câu “phước chủ may thầy” ngẫm sâu chẳng phải hoàn toàn vô lý. Tân lên Sài Gòn vào ngày thứ bảy cuối tuần, ghé nhà đứa con trai và chiều hôm ấy nó chở anh tìm Hường. Vợ chồng Hường nhiệt tình đưa Tân đến phòng khám tư của bác sĩ quen, anh bác sĩ hỏi Tân:
- Chú đau ra sao?
- Tôi bị đau nơi ngực trái, mấy ngày gần đây xảy ra thường xuyên. Cơn đau kéo dài khoảng năm đến mười phút.
- Có những biểu hiện nào khác kèm theo lúc ấy?
- Hai quai hàm tê cứng, đầu hơi nhức và xuất mồ hôi.
Bác sĩ liền đo huyết áp, chụp ống nghe ở ngực và ở lưng, nghe nhịp tim rồi dùng máy ghi điện tâm đồ cho Tân. Xong, anh bác sĩ nhìn Tân lo lắng .
- Chú bị suy tim nặng lắm, mấy lần bị nhồi máu nhưng rất may mắn, bây giờ chú phải nhập viện ngay.
Anh bác sĩ viết giấy giới thiệu cho Tân vào phòng cấp cứu bệnh viện Nguyễn Trãi, nơi anh và Hường công tác, đây là bệnh viện cấp thành phố, chủ trì về bệnh tim mạch. Khi Tân đứng lên, đứa con vội choàng tay đỡ và dìu ra. Thái độ hành xử của người ta có khi khác ngay, thay đổi ngay chỉ qua phán xét của ai đó. Mới vừa rồi nó thấy Tân vẫn bình thường, để anh tự lên ngồi xe, nhưng qua lời nói của bác sĩ, Tân liền biến thành một bệnh nhân nguy kịch. Hường đứng ngoài cửa cũng nghe hết, nói:
- Em đưa thầy nhập viện.
Tân bất ngờ với những diễn biến vừa xảy ra, chưa có sự chuẩn bị tinh thần, tiền bạc, nên muốn hoãn lại.
- Hay để đến thứ hai.
- Không được, dứt khoát em không để thầy về. Thầy đừng ngại, em làm ở bệnh viện này nên quen biết. Mọi việc thầy để em lo.
Thế là Tân phải vào phòng cấp cứu ngay buổi chiều hôm đó và bắt đầu sống trên chiếc giường sắt chuyên biệt có bánh xe gắn dưới chân nên dễ dàng xoay trở, nệm giường có thể nâng cao hay hạ thấp. Một cô y tá đưa Tân thay bộ y phục màu trắng và qua bộ y phục Tân đã trở thành bệnh nhân của bệnh viện.
Phòng cấp cứu tim mạch dài, rộng, có trên 20 giường kê hai hàng dọc theo tường. Trên giường đều có bệnh nhân mang những ống dây nhựa lủng lẳng ghim mắc dây truyền dịch, dây thở oxi. Điều đầu tiên Tân phải chịu đựng cho quen sự vướng víu của những ống dây và không gian màu trắng.Tân như bị dìm nhận vào vùng trắng lạnh lẽo, ngộp thở. Đèn neon mở sáng suốt ngày, từ trần chiếu loá vào tường sơn trắng, rồi tấm khăn trải giường, đồng phục người bệnh, y phục bác sĩ, y tá đều trắng toát. Sao không là màu hồng, hãy sơn tất cả tường trần của bệnh viện thành màu hồng, trang phục của bác sĩ, y tá cũng thành màu hồng. Tân tin màu hồng có tác dụng tâm lý, làm tinh thần bệnh nhân hưng phấn, đỡ mệt mỏi hơn.
Phòng cấp cứu bệnh tim nặng không cho người nhà ở trực tiếp trong phòng. Những bệnh nhân không thể tự mình xuống giường tiêu tiểu được thì nhờ y công gọi thân nhân ở ngoài vào. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh nằm trên giường không đi lại cử động mạnh, tránh xúc động. Bệnh tim là bệnh dễ gây đột tử, người bệnh đứng bên bờ vực thẳm, sinh mạng rất mong manh. Đây là lúc bác sĩ cố gắng đẩy họ xa bờ vực.
Suốt đêm ấy Tân không tài nào ngủ được, nằm mỏi mê, chập chờn, nếp sinh hoạt thường bị đảo lộn không thể thích ứng. Trong phòng hầu hết là người già, tiếng kêu rên , tiếng ho, khạc nhổ và tiếng ú ớ mê sảng cứ vang lên. Tân nghĩ đến đứa con đang bên ngoài, có lẽ suốt đêm nó cũng không ngủ.
Sáng hôm sau cô y tá mở cửa phòng sớm vì là ngày chủ nhật. Các thân nhân chờ sẵn ùa vào, họ vội vã đến vây bên giường người bệnh, hỏi han đến không kịp trả lời, bởi mục đích của việc thăm là hỏi. Trong phòng nhiều người trở nên xô bồ , ồn ào như cái chợ, là chợ thì đủ hạng người.
Con Tân báo tin cho mọi thành viên trong gia đình, nên cả hai con gái cùng chồng, con dâu, vợ Tân và cả đứa cháu mới 20 tháng tuổi đều có mặt. Có lẽ họ đi sớm, một sự hội tụ đầy đủ hiếm có. Từ trước đến nay Tân có bao giờ được quan tâm lo lắng đến như vậy! Tự dưng một ý nghĩ lạ lùng là sẽ rất thuận tiện để tổ chức đám ma cho anh! Xác Tân được mang về nhà, các con, dâu, rể mua quan tài , đồ tẩm liệm, dọn bàn che rạp, rước thầy tụng,…. Khách đến viếng loe hoe vài người và hôm sau Tân được mang thiêu (lúc sống anh có trối với gia đình như vậy). Rồi các con anh ai trở về nhà nấy, tất cả mọi sinh hoạt trở lại bình thường,….. Trí tưởng tượng của Tân bị cắt đứt vì tiếng nhắc nhở mọi người ra ngoài, chỉ một người được ở với bệnh nhân mà thôi. Thế là những đứa con bước vào trước mặt Tân rồi đi ra. Tân lại thấy giống như việc thân nhân đến giở tấm khăn phủ mặt người chết nhìn lần cuối, Tân nhớ nhất là đôi mắt tròn xoe của đứa cháu gái có lẽ ngạc nhiên vì thấy khung cảnh lạ lùng. Đời người trải qua các cửa: sinh, lão, bệnh, tử. Tại nơi đây. Phòng cấp cứu đủ ba cửa.
3. Thế là đã 4 ngày trôi qua, thời gian như cuốn trôi mọi chuyện. Cái gì đến thì lặng lẽ đến, cái gì đi thì lặng lẽ đi, nào phải muốn hay không muốn mà được.
Hàng ngày bác sĩ khám hai lần: sáng và chiều, đặt ống nghe nhịp tim. Bác sĩ trẻ thường hỏi người bệnh, có câu tưởng chừng không chút liên quan gì đến bệnh trạng, còn bác sĩ lớn tuổi chẳng mấy khi mở miệng, nhân viên nói nhiều nhất lại là các y công. Xen giữa hai lần khám là các y tá đến đo thân nhiệt, huyết áp, điện tâm đồ, thay dịch truyền, trích máu xét nghiệm, chích thuốc, phát thuốc rồi các sinh viên thực tập cũng làm một số việc như vậy, các bệnh nhân bận rộn không yên vì các công việc của họ.
Trưa và chiều vợ Tân hay đứa con nào có mặt lên canteen mua hộp cơm, chai nước chờ giờ mở cửa đem vào. Giờ thăm nuôi phòng rất đông, Tân thích quan sát chung quanh, cũng đầy hỉ nộ, có nước mắt, có nụ cười. Có thân nhân của bà nằm bên trái Tân là quan lớn hay đại gia gì đó, họ khoa trương đẳng cấp sự giàu có của gia đình mình, coi bệnh của bà cụ quan trọng nhất phòng, chi tiền để được ưu tiên mọi thứ. Họ khoe đang lo hồ sơ thủ tục để đưa sang Mỹ điều trị. Thấy trò rởm đời kia, Tân nghĩ đến cái phù du mong manh của một kiếp người. Một vị vua hay kẻ ăn mày vào phút cuối cũng chỉ là cái rùng mình thở lướt.
Bốn ngày, Tân vẫn chưa tìm được giấc ngủ bình thường. Hàng đêm, nằm chập chờn mê mỏi, cứ nhớ về quá khứ, cái quá khứ lặng lờ, vui ít buồn nhiều. Những quãng đời đã sống cùng bao khuôn mặt người thân, những lỗi lầm mình đã tạo ra… Rồi thấy rằng chính nhờ cơn bệnh này mà tình vợ chồng, nghĩa cha con được khơi gợi biểu lộ, được trân trọng giữ gìn. Bây giờ trong gia đình Tân là nhân vật được quan tâm, anh ngồi lại vị trí tinh thần quan trọng trong gia đình, cái vị trí mà bình thường nó nhạt nhoà, chìm lắng. Con người chỉ thấy cần thiết trân trọng những gì sắp mất, sắp xa lìa! Cái câu: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” nghe vậy mà xốn xang.
Rồi tình bạn bè như thân thiết hơn, gần gũi hơn. Khi tình cảm mở ra, con tim giao hoà thì cục sắt vô tri cũng cũng lên tiếng. Vâng, chính thế mà chiếc điện thoại di động của Tân rung đến bốn, năm lần mỗi ngày, chẳng bù trước kia nó lặng câm bất động có khi cả tháng. Đó là những cuộc gọi thăm hỏi của bạn bè, một niềm vui nhỏ len vào lòng. Cái cảm giác lẻ loi cô độc như lúc ở nhà không còn ám nặng lòng Tân. Ít ra trong cái nhìn của bạn bè, Tân còn đủ chuẩn mực để họ thương nhớ, nghĩ đến.
Đến ngày thứ sáu, Tân muốn xin về. Cả năm ngày qua cơn đau nhói nơi ngực đã không xảy ra, như vậy là do thuốc uống hàng ngày đã có hiệu quả, thế tại sao Tân phải nằm kéo dài ở đây? Chịu tù túng bực bội trên chiếc giường và khung cảnh không thể nào thích ứng nổi. Tân xin về điều trị tại nhà, uống thuốc và kiêng cữ mọi thứ theo chỉ dẫn. Lúc bác sĩ đến khám, ông có vẻ bất ngờ trước đề nghị xin xuất viện của Tân. Ông nói: “Bệnh của ông rất nặng, tôi không thể cho về, nhưng nếu ông cương quyết, viết giấy cam kết tôi sẽ ký. Tôi khuyên ông hãy suy nghĩ”. Đến chiều bác sĩ ấy đi cùng bác sĩ khác và người này nói với Tân: “Chúng tôi đã xác định bệnh của chú, phần động mạch vành bên phải đã tắc nghẽn, hai động mạch vành bên trái cũng trong tình trạng sơ hoá. Cơn nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Nếu may mắn thì chú cũng sống tối đa hai năm nữa, nhưng nếu được can thiệp bằng cách đặt stent vào mạch vành bên phải thì tuổi thọ kéo dài năm năm hay hơn, nhưng phải tuân thủ tốt việc uống thuốc đều đặn và mọi kiêng cữ về bệnh tim. Chi phí ca mổ 40 triệu, gia đình chú có khả năng không?”. Tân im lặng. Bác sĩ hỏi tiếp: “Chú có bảo hiểm y tế?”, câu hỏi làm Tân nhớ tấm bảo hiểm y tế mà đứa con rể mua cho anh đã lâu và chưa bao giờ sử dụng đến. Tân trả lời: “Có”, “Vậy chú chỉ trả 40%, tôi nghĩ gia đình cố gắng được, chú quyết định rồi cho người nhà đến gặp tôi”.
Đêm ấy, Tân trằn trọc nghĩ ngợi, nếu mổ phải trả 16 triệu. Một số tiền lớn đối với Tân mà hiện nay anh không còn buôn bán hay có một thu nhập nào chỉ để kéo dài cái sống ba năm? Tân biết các con mình sẵn lòng cung ứng tiền bạc , dù có cao hơn giá đó, mặc dù chúng không dư giả gì. Điều làm Tân ray rứt là những gì sau đó…
Sau đó, hàng ngày anh phải uống thuốc trong suốt năm năm (đời anh còn năm năm sao?). Tiền thuốc mỗi tháng cả triệu bạc. Tân phải chấm dứt những thói quen ham muốn trước đây. Trước tiên là thuốc lá, Tân đã hút và ghiền gần năm mươi năm! Bao nhiêu lần muốn bỏ mà chẳng được, bây giờ thì phải được rồi. Kế đến là bia rượu, cà phê. Lâu lâu gặp bạn thân mà: “Đầu trò tiếp khách trầu không có. Bác đến chơi đây ta với ta” chỉ nói chuyện suông thì cũng nhạt nhẽo mất vui. Ngoài ra còn kiêng cữ làm tim đập mạnh, cả sinh hoạt tình dục! Tân không thể làm bất cứ công việc nặng nhọc. Tóm lại, cuộc sống từ đây chỉ còn loanh quanh ăn ngủ với cái đầu khốn khổ sống như loài động vật, như con khỉ đột bị nhốt trong chuồng! Trước đây cuộc sống có cô đơn buồn chán, nhưng chí ít mình Tân gánh chịu, chẳng phiền luỵ đến ai. Bây giờ thêm mặc cảm với vợ con, thấy cái sống của mình là sống thừa, sống bám chỉ gây tiêu tốn cho người thân mà chẳng ích gì. Như vậy sống hai năm hay kéo dài thêm vài năm thì có nghĩa gì? Giá trị đời người đâu phải sống lâu, sống thọ. Với những trăn trở bi quan ấy, Tân quyết định không mổ mà xin xuất viện.
Tân điện cho gia đình, kể lại lời bác sĩ và ý định của mình. Hôm sau vợ và các con Tân có mặt. Ai cũng phản đối, vợ anh thì khóc, Tân xốn xáng trước nước mắt của vợ. Anh hiểu dù không hoà thuận nhưng tận đáy sâu còn có cái tình cái nghĩa. Thế nên việc muốn sống muốn chết của mình bị ràng buộc vào người khác. Đó là món nợ tình cảm đời người hay là cái nghiệp đeo mang! Sống khó mà chết cũng chẳng dễ, mấy đứa bạn thân biết cũng bảo: “Mày chỉ nghĩ đến mình. Rằng như vậy là nhẫn tâm với vợ con”, đứa có đạo nói: “Tôn giáo lên án việc tự hủy hoại thân xác. Thân xác này do cha mẹ sinh ra, cưu mang, nuôi dưỡng đằng đẵng xiết bao khổ nhọc nên mình không có quyền hủy hoại. Việc mắc bệnh tật không chữa trị, cố ý nuôi bệnh cũng là gián tiếp hủy mình, là mang tội”. Đứa khác đoán vì sợ gây tổn phí cho con của Tân nên hứa cho mượn vô thời hạn số tiền phải đóng, những tác động ấy lung lay ý nghĩ và Tân cho con mình định đoạt . Hai đứa con gái Tân vào gặp bác sĩ và ký tên vào giấy xin mổ.
4. Trong khi chờ ca mổ, Tân được chuyển ra phòng ngoài gần đó, phòng chỉ có tám giường. Ở đây thân nhân ra vào thoải mái. Người bệnh đã qua cơn nguy kịch, biết bệnh trạng của mình, không còn phải mang những ống dây nhựa. Trong phòng có sự cởi mở thân thiện giữa các người bệnh, Tân nhanh chóng rõ tên tuổi của người nằm hai bên. Thật ra nếu không làm quen thì cũng biết vì mỗi lần đẩy xe đến phát thuốc, cô y tá đều bảo người bệnh nói tên tuổi, đó là nguyên tắc để không phát lộn thuốc.
Phía trái Tân là giường bà cụ đã 70 tuổi, tên Thy, ông chồng lớn hơn bốn tuổi ở nuôi vợ. Nhìn hai mái đầu bạc trắng lụm cụm bên nhau lúc đời xế bóng mới cảm hết cái tình chồng vợ, cái nghĩa “bạn đời”. Tân se lòng khi nghĩ đến tình cảnh của mình bấy lâu, cũng hai vợ chồng thui thủi lại chẳng thuận thảo yêu thương, lại gây buồn chuốc khổ cho nhau!
Hàng ngày, ông chăm sóc cho bà từ miếng ăn, giấc ngủ. Buổi chiều nhạt nắng, trời trong, ông dìu bà ngồi xe lăn, tự tay đẩy dạo ngoài sân rộng phía trước, cử chỉ nhẹ nhàng như với đứa con bé bỏng. Ông coi việc mình làm là niềm vui, là món quà lễ vật nhận được vì hiểu rằng một mai bà mất đi ông sẽ rất lạc lõng cô đơn. Bà Thy cũng tỏ âu yếm nhắc nhở chồng nghỉ ngơi ăn uống, kẻo lại ngã bệnh thì chẳng ai lo. Ông giải bầy với Tân vì câu của vợ: “chẳng ai lo”.
- Hai vợ chồng tôi có bốn người con, trai gái đầy đủ. Chúng đều khá thành đạt, sẵn lòng đưa gởi tiền bạc, nhưng đứa nào cũng rất bận rộn công việc làm ăn nên không có thời gian ở nuôi hay thường đến thăm!
Ông nói tiếp với giọng buồn trách:
- Nào phải xa xôi, cơ ngơi nhà cửa của chúng tại thành phố vậy mà vợ chồng tôi vẫn ở riêng tư.
Cái thời gia đình truyền thống “tam tứ đại đồng đường” mà ông bà con cháu chung sống dưới một mái nhà đã hết và sẽ mất đi khi xã hội càng ngày càng phát triển. Tân nghe tình trạng nhiều người già ở các nước tiên tiến, vật chất dồi dào, tuổi thọ tăng cao nên xã hội rất nhiều người già nghỉ hưu. Không việc làm, họ bị cô lập và sống cô đơn, suốt ngày ru rú trong nhà hay bị con cháu đưa vào viện dưỡng lão. Tân tưởng tượng đến một vấn nạn lớn trong tương lai khi thế giới lúc nhúc ông già bà lão trầm tư, ngẩn ngơ, sống u buồn với lũ robot vô hồn phục vụ những sinh hoạt của họ. Bệnh viện tâm thần, tu viện và viện dưỡng lão xây dựng khắp nơi…
Nằm giường bên phải Tân là một phụ nữ 57 tuổi tên Hà. Đàn bà ở tuổi ấy đã thuộc hàng niên lão, nhưng sắc vóc của Hà, dù đang đau bệnh đã đánh lừa phán xét, trông cô chỉ độ 50. Hà nằm gần hai tháng rồi, cô bị nhồi máu cơ tim, biến chứng tiểu đường, cậu con trai tên Sơn ở đây lo cho mẹ, Sơn rất thương mẹ qua những thể hiện hàng ngày: thay đồ, lau rửa, đút từng muỗng cơm, viên thuốc… Tự tay làm vệ sinh cho mẹ chẳng hề ngại ngùng. Buổi tối em ngồi xoa chân, đấm bóp, giỗ giấc cho mẹ. Mỗi chiều Tân thường thấy một cô gái rất giống Sơn, ẵm đứa con cùng chồng vào thăm Hà. Họ quây quần trò chuyện rất nồng ấm, đó là tất cả thành viên trong gia đình Hà.
Sơn tỏ ra lễ phép và hay giúp đỡ Tân những lúc người nhà vắng mặt, lên canteen mua giúp hộp cháo, hộp cơm, rót hộ ly nước, đỡ xuống giường. Nhờ có Sơn nên Tân bảo vợ và các con không nhất thiết phải có mặt thường xuyên ở đây, hãy lo công việc của mình. Bao giờ đến ngày mổ hoặc có chuyện cần thiết anh sẽ gọi điện báo.
Ngay lúc vào phòng nằm gần Hà, Tân nghe lòng xao động. Hà có đôi mắt to buồn, làm xao xuyến người đối diện, khuôn mặt phúc hậu, hiền thục. Hẳn lúc trẻ Hà rất đẹp. Tình cảm là điều lạ lùng, có khi không giải thích được. Có phải từ vô thức, cái uẩn nào đã âm thầm tác động vào tình cảm hai người để mới gặp nhau đã thấy gần gũi tương thích, như đã quen biết lâu rồi? Và trong cảnh nằm dài, thời gian thừa mứa thế này, họ dễ dàng bộc lộ tâm sự chuyện đời mình. Nhập viện mới năm ngày mà thấy quá lâu, quá bức bối. Giờ buồn cười khi anh có ý muốn ca mổ hãy chậm lại.
Câu chuyện đời Hà rất giản dị, nhưng diễn biến không giản dị mà đầy nghi vấn, chẳng có cái hậu ngọt ngào. Hà lập gia đình từ tình yêu tìm gặp, như đến bến sông gặp con đò thì bước xuống. Gia đình hai bên không thuận mà chẳng cản ngăn. Thời gian đầu cũng đầy hạnh phúc và êm ả bình thường, những năm sau đó dù cuộc sống nhiều cơ cực trong cuộc mưu sinh. Lần lượt Giang và Sơn ra đời, những tưởng cuộc đời bình lặng trôi xuôi. Lúc Sơn được mười tuổi, bỗng người chồng bỏ đi rồi từ đó cắt đứt liên lạc, không thư từ tin tức gì! Giữa vợ chồng không có mâu thuẫn, bất hòa gì đến nỗi anh phải chia tay bỏ đi âm thầm như vậy! Hà hoang mang với bao nghi vấn: anh bị tai nạn mất xác không ai biết? Anh vượt biên? Anh vướng căn bệnh nguy nan không muốn lây lan phiền lụy vợ con? Hay anh đã phản bội, thay lòng? (Thỉnh thoảng Tân có đọc báo tin nhắn tìm người mất tích mà hầu hết chẳng biết nguyên do). Thời gian trôi đi, bao hy vọng chờ đợi một chút tin tức dù xấu nhất để an lòng chấp nhận. Giang và Sơn còn nhỏ, Hà vô cùng vất vả nuôi dạy chúng. Bây giờ chúng là niềm vui lẽ sống còn lại của Hà. Giang đã có chồng, Sơn đã tốt nghiệp phổ thông trung học thì Hà đổ bệnh, Sơn không thi vào đại học mà tìm việc làm để giúp mẹ chữa bệnh. Cách đây mấy tháng cơn bệnh thêm nặng, Hà phải vào bệnh viện, Sơn nghỉ làm để lo cho mẹ.
Nhắc lại chuyện buồn của mình, Hà nói:
- Đã hơn mười năm rồi, em vẫn có linh cảm anh ấy còn sống. Dù sao cũng nghĩa vợ chồng. Em trối dặn hai con lúc em nhắm mắt hãy đăng cáo phó trên báo, mong ba chúng nhận tin mà quay về để chúng không mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Tân thấy lạ lùng khó hiểu với hành vi của con người. Tại sao người chồng kia có thể dứt bỏ nhẹ nhàng người vợ hiền thục và hai đứa con như vậy? Họ cũng có một thời yêu thương và cuộc sống êm đềm. Tân cho rằng một kẻ vô trách nhiệm như vậy dễ dàng đánh mất lương tâm. Trước lòng bao dung cam chịu của Hà, có nỗi tức thương trỗi dậy và Tân nói với Hà, giọng phán xét:
- Không phải tất cả, nhưng có những đàn ông hèn nhát, chọn cách trốn tránh, cắt đứt quá khứ để giải quyết vấn đề riêng của mình. Và với những người vô trách nhiệm như vậy Hà còn mong chờ hy vọng chi cho nỗi đau thêm dày vò.
Hà buồn bã:
- Em nghĩ đến hai con, đến nỗi hụt hẫng tình cảm của kẻ mồ côi.
Là người có thiên hướng u buồn, nên qua tâm sự của Hà, Tân cảm thấy mình gần gũi nàng hơn. Lại một đêm trằn trọc thao thức, bất chợt Tân nhớ mấy câu thơ của Lưu Quang Vũ ứng hợp tâm trạng của mình:
“Xanh lên đời chốc lát
Mà tình cờ gặp nhau
Vừa ngắn ngủi vừa dài lâu
Lúc tan xuồng, lại mỗi người mỗi ngã…”
Quay sang Hà cũng chưa ngủ, không kềm được trào dâng, Tân nói với Hà:
- Một run rủi cho tôi với Hà gặp nhau, nằm bên nhau trong buổi xế bóng đời người. Ngày mai hay mốt có thể mình sẽ đi vào cõi hư vô hay trở về thường nhật bấy lâu. Dù thế nào thì những ngày nơi đây cũng coi như là kỷ niệm cuối đời. Xin là bạn thân với nhau một quãng đời, có khi một quãng ngắn mà lại rất dài. Cảm ơn Hà cho tôi một chút đời xanh lại cuối đường đời. Bạn bao lâu, được chừng nào hay chừng ấy!
- Thì mấy ngày qua mình chả là bạn sao, em thấy thời gian trôi nhanh quá, có lẽ em đang sống trong khu vườn địa đàng nào đó.
Ôi! Lời của Hà đủ xác nhận lòng nàng cũng rung động xiết bao, và giây phút ấy Tân thấu cảm riêng rất sâu sắc hai câu thơ của thiền sư Mãn Giác:
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Ngoài thềm vẫn nở một cành mai…”
Và Tân nói:
- Cảm ơn sự gặp gỡ này.
Rồi ngày mổ cũng tới, bác sĩ dặn Tân cữ ăn trước đó, vệ sinh chỗ háng. Anh phải chịu đến hai đợt mổ: mổ chụp mạch vành và mổ đặt stent. Đây là mổ nội soi kỹ thuật cao, không gây mê toàn thân mà chỉ gây tê nên Tân tỉnh táo, nhận biết tất cả. Tân bình thản chẳng thấy lo lắng dù sự bất trắc có thể xảy ra như lúc nông mạch sẽ làm vỡ cả động mạch gây tử vong tức khắc. Trước hai ca mổ Hường đều đến thăm khích lệ, động viên.
Vết mổ kín, nên chỉ một ngày sau tháo băng ở đùi và Tân xuất viện. Từng bị dị ứng với bệnh viện vậy mà bây giờ Tân lại bâng khuâng như chẳng muốn rời! Giây phút từ biệt Tân lại nhớ đến câu thơ: “Xanh lại lên đời chốc lát…”. Anh viết vội lên giấy và trao cho Hà, Hà liếc đọc và xúc động, rưng rưng:
- Anh về nhớ uống thuốc đều đặn, giữ lòng vui sống với vợ con.
- Cảm ơn, chúc Hà chóng bình phục.
Bỗng Hà có chút ngập ngừng rồi nói:
- Mai mốt có dịp lên Sài Gòn, mời anh ghé nhà cho biết. Em mong còn được gặp anh.
Hà đọc tên đường, địa chỉ. Số nhà có hai dấu sur, hẳn nằm trong một con hẻm. Vợ Tân quay nhìn Hà, cái nhìn chăm chăm nghi vấn? Đã biết bao lần Tân nghe câu nói khi từ giã một người quen “mai mốt ghé chơi”, “có dịp đến nhà mình”, Tân cho đó là câu xã giao mà người được mời chóng vánh quên đi và “cái dịp”, “cái mai mốt” ấy sẽ chẳng bao giờ có. Nhưng qua giọng nói và ánh mắt của Hà, Tân biết là lời mời thực sự chứ chẳng là xã giao buôi bãi.
5. Tân trở về nhà, bắt đầu cuộc sống với những viên thuốc hàng ngày, những kiêng cữ phải tuân thủ trong các sinh hoạt. Tân cố gắng không nghĩ ngợi hay hoạch định cho mình một lối sống ra sao. Điều quan trọng là thích ứng. Tân nhận ra mọi diễn biến của đời sống trước kia đều ngoài mong muốn, ý định của mình. Hãy để mọi sự đến và mọi sự sẽ trôi qua như việc Tân nằm bệnh viện, phải chịu ca mổ tốn kém, việc gặp gỡ và chia tay Hà. Ngẫm lại quá khứ mọi việc diễn ra như định mệnh! Vậy thì hoạch định cố sống thế này, cố sống thế nọ có được không? Biết bao danh ngôn của thánh hiền ai học và làm theo được? Như vậy cuộc đời con người có ý nghĩa không? Khi định mệnh xen vào chi phối?
Cơn bệnh không chỉ thay đổi sinh hoạt của Tân mà cả thái độ cư xử của vợ đối với anh. Hằng thường gợi chuyện để Tân nói, phá vỡ cái “làm thinh” ở anh trước đây, cô trở nên dịu dàng hơn, đảm đang lo cho chồng. Hằng nhắc nhở anh uống thuốc đúng giờ, hỏi anh thích ăn gì để mua nấu. Cô như muốn dồn tình cảm để chăm lo cho Tân để bù đắp lại những hời hợt nhạt nhẽo lúc trước. Cô lo sợ thời gian còn lại của hai người đã gần cạn! Cô nhìn thấy bóng chiều lay lắt.
Thời trai trẻ, trừ những tình cảm lãng mạn, bốc đồng, Tân có những mối tình thật sự yêu và được yêu tha thiết. Thế mà chẳng đến được với nhau dù không có trở ngại gì lớn! Rồi với một người không quen trước, không vì nhan sắc, không ngang trình độ mà lại “dính” nhau! Bây giờ tuổi lớn, đã qua “ngũ thập tri thiên mệnh”. Tân tin vào duyên số, tin không phải để bấm bụng chấp nhận một cách “hận đời” mà là thỏa hiệp cùng nó. Nhờ cơn bệnh, nhờ đứng giáp bờ sinh tử mà Tân yêu lấy số phận mình, còn muốn nói “cảm ơn”.
Cám ơn cũng đắng lòng cho người cùng kiếp nợ duyên. Đeo mang hơn 30 năm trời, một mai Tân nằm xuống, Hằng một mình cô độc xiết bao, cô ở với ai? Các con có gia đình riêng rẽ và tuổi trẻ có cách sống, suy nghĩ khác với người già. Liệu cô có vượt qua thói đời, sống chung đụng giữa mẹ chồng và nàng dâu, mẹ vợ và chàng rể.
Từ lúc vào bệnh viện cho đến hôm nay, tính cách hành vi của các con làm Tân suy nghĩ. Nhớ đến khi các con còn nhỏ, Tân thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm người cha. Trách nhiệm cha mẹ không chỉ lo cho con về mặt vật chất mà cả về tinh thần. Xã hội trước khi mở cửa đổi mới vô cùng khó khăn, người dân bị ngăn cấm đủ điều, thiếu thốn đủ thứ. Gia đình Tân từng đói, các con phải ăn độn, húp cháo lỏng qua bữa. Thời ấy nuôi được hai con học đại học là cả một nỗ lực quá sức của Tân, anh không còn tinh thần để nghĩ ngợi sâu xa ngoài chuyện phải kiếm tiền. Thế nên tính cách của các con tự phát triển theo thiên hướng của chúng. Và nên, hư, xấu, tốt của con được lý giải là có phần có phước hay vô phước, với Tân thế là có phước. Ba đứa con của Tân đều tốt nghiệp đại học dù chẳng thành đạt theo mô thức: có địa vị, nhà lầu mặt tiền, xe xịn, nhưng chúng đã thành người. Thành người đơn giản, sống lương thiện, không làm hại xã hội, biết nghĩ đến cha mẹ, lo cho tương lai.
Vâng, các đứa con đều quan tâm đến Tân. Chúng thăm hỏi thường vì nghĩ nội tâm ba mình đang dao động bất an, cần chia xẻ, chúng tranh thủ về thường hơn. Đứa nào cũng đưa tiền nài nỉ Tân lấy, bảo cất mua thuốc hay cần tiêu xài gì thì có. Đứa nào cũng muốn được làm điều gì đó cho Tân, giúp anh “sống vui, sống khỏe, sống có ích” trong những ngày còn lại…
Tất cả tình cảm, nghĩa cử của vợ con làm Tân rất xúc động và anh nghĩ lại trước đây sao mình có những ý tưởng hẹp hòi sơ cứng đến vậy? Trong nhiều gia đình biết bao nghịch cảnh xảy ra, những đối xử đau lòng giữa chồng vợ, cha con, Tân được thế này là phúc lắm rồi. “Tư tưởng xét lại” nên khi bóng hình Hà xuất hiện trong tâm tưởng làm Tân thấy mình có lỗi cùng vợ con như kẻ phản trắc thay lòng, Tân dùng lý lẽ phân tích nội tâm của mình. Vào tuổi hoàng hôn, tâm hồn, tình cảm con người bỗng hồi xuân, lóe rực để rồi phụt tắt. Vậy nếu không phải là Hà thì cũng sẽ là bóng hình ai đó mà Tân gặp hay đã gặp rồi. Đây chỉ là giấc mộng, sao lại để nặng lòng vì giấc mộng . Mình và Hà như hai khách lạ tình cờ chung một chuyến đò, thuyền cặp bến thì mỗi người mỗi ngã, níu kéo vướng víu mà chi…
Cũng từ hôm Tân về, một số học trò cũ hay tin, tổ chức đến thăm viếng tặng quà làm Tân hết sức cảm kích nhưng trong lòng mang nỗi e ngại. Trong cái e ngại của kẻ tự nghĩ mình đóng góp ít sao nhận được nhiều. Hương trở về Mỹ hay tin, điện hỏi thăm và sai đứa cháu mang quà đến, Tân biết do chính Hường loan báo. Hôm còn trong bệnh viện Tân dặn Hường đừng cho các bạn biết vì sợ các em chứng kiến cảnh y công xua đuổi nặng lời với người thăm, Tân ngại các em đi thăm xa xôi lại phải khó chịu vì điều ấy.
Tân bồi hồi nhận ra tình cảm thầy trò, bạn bè trong ngành Nông Lâm Súc trước đây sâu đậm, bền chặt mà ngành phổ thông ít gặp. Có lẽ vì số trường ít, lúc Tân học cả nước chỉ có ba trường ở những tỉnh trọng điểm: Huế, Bảo Lộc và Cần Thơ, Tân xuất thân từ trường Bảo Lộc, ngôi trường rất thơ mộng. Về sau được mở thêm ở Bình Dương, Tây Ninh, Định Tường… Giữa thầy trò không cách biệt nhau nhiều về tuổi tác. Trong sinh hoạt học tập gần gũi, tự nhiên nhất là giờ nông trại. Rồi cái màu áo đồng phục đặc trưng làm đậm thêm tình cảm đồng môn, Tân đã làm gì, đã “nuôi, cấy, trồng” gì trong những năm học để bây giờ gặt được, nhận được thân tình mến trọng của các học trò: Hường, Hạnh, Lâm Anh, Tuyết, Hương,…
Theo giấy hẹn, mười ngày sau Tân trở lên tái khám. Tân đòi đi một mình vì cho rằng mình đã bình phục. Vào bệnh viện, nộp sổ xong, thấy người chờ nhiều, Tân đến phòng cũ mình nằm cũng gần đó. Chỉ ông bà cụ Thy còn ở, những bệnh nhân khác đều lạ. Từ căn phòng này, ai trở lại cõi sinh, ai đi về cõi tử? Ông cụ bảo Tân về được bốn ngày thì Hà cũng xuất viện. Nhìn chiếc giường Hà nằm, Tân cảm xúc, bồi hồi, định khám xong sẽ tìm thăm Hà theo địa chỉ cô cho.
Một dằng co nội tâm khi ngồi đợi khám. Có nên hay không? Có nên hay không? Con tim và lý trí trì kéo đẩy xô. Hãy để Hà yên, trở về với cuộc sống của nàng. Đừng quấy động trái tim vốn đau bệnh của nàng. Cuối đời rồi, giờ ra chơi đã hết, khu vườn ảo diệu đã khép – Hà còn hai đứa con, hãy để nàng là thần tượng của con mình. Hình bóng người chồng chưa phai mờ, nàng vẫn nuôi hy vọng. Đừng phá vỡ bóng hình nọ, trám lại bóng hình kia, chỉ nặng nề thêm nghiệp chướng… Thế là tái khám, mua thuốc xong Tân vội vã đón xe về. Anh sợ nếu lưỡng lự cái máu bốc đồng thời trai trẻ lại nổi lên…
6. Mỗi ngày đi chợ, Hằng đều mua báo, một việc mà trước đây ít có. Hằng ít khi đọc sách báo, cô chỉ xem phim truyện Hàn Quốc. Bây giờ vì nghĩ đến Tân, muốn anh có cái giải khuây. Thói quen lúc cầm tờ báo Tân liếc qua tít lớn ngoài bìa rồi lật trang văn học nghệ thuật. Đọc hết những bài ở đây Tân mới xem tin tức thời sự, còn quảng cáo chẳng mấy khi nhìn đến nhưng hôm ấy chả biết sao anh lật trang quảng cáo và thấy ngay chữ cáo phó và tên người mất. Cái tên làm Tân thót người, hối hả chăm chú đọc. Không thể khác, không thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên lạ lùng cùng nhiều yếu tố. Đúng là Hà với họ tên, chữ lót, năm sinh, tên đường, số nhà và cả tên hai đứa con của Hà ghi bên dưới.
Vậy là Hà đã mất hai ngày rồi, hưởng dương 57 tuổi. Sơn và Giang đăng cáo phó như lời nàng trối dặn, nhưng chồng có còn trở về như hy vọng của nàng? Tân thẫn thờ suốt ngày hôm ấy. Tại sao mình không ghé thăm Hà, Tân tái khám cách nay một tuần, nếu ghé Hà, anh gặp nàng và thực hiện điều Hà mong muốn: “Mời anh ghé nhà. Em mong còn được gặp anh”. Tân hối hận như một người thất hứa, một kẻ phụ lòng với người đã mất, sẽ chẳng bao giờ được ghé thăm