SỐNG VỚI LŨ - Lâm Thanh Nghiêm

SOÁNG VÔÙI LUÕ



Mấy đêm rồi Trang nằm trằn trọc mãi đến khuya. Không khéo mẹ con chị sẽ đói. Năm rồi nước trầm đến hai tháng nên vụ đông xuân phải cấy muộn, thu hoạch trễ. Và nay thì hai công ruộng hè thu của Trang mới lác đác trổ đòng, còn hơn tháng nữa mới có thể gặt. Nếu mươi bữa, nửa tháng nước tràn về thì coi như mất trắng.

            Lúc sáng Trang thấy nước lên mấp mé bờ sông, lội đi thăm ruộng, phát hiện bèo cám tụ từng dề lớn, bông điên điển trổ vàng rực nhiều nơi. Cái hiện tượng báo nước dâng đó làm Trang càng thêm lo lắng.

            Mùa lũ về gợi nhớ đến Chân, chồng Trang, đến tai ương đổ xuống cho gia đình trong cơn lũ lớn năm 1996. Cũng như bao gia đình khác phải tìm cái ăn trong mùa nước nổi, mỗi chiều Chân đi giăng lưới, tối lấy đèn bình đi săn chuột, bắt ếch. Anh bảo cố gắng làm kiếm ít tiền để khi nước giựt xuống mướn chở đất đôn cao nền nhà, đổ mấy cây cột ximăng thay cột cây đã bị mối mọt xiêu vẹo. Và rồi tai họa đã ập đến trong buổi tối hôm ấy. Chân bị té hụt chân, gặp chỗ nước xoáy mạnh cuốn đi. Đến rạng sáng hôm sau bà con mới tìm được xác. Năm đó thằng Thật mới bảy tuổi, còn bé Đài vừa thôi nôi. Mới đó mà đã bốn năm rồi, cũng sắp đến ngày giỗ của anh. Trang bồi hồi nhớ lại thời con gái, năm tháng qua đi chẳng lo buồn nghĩ ngợi. Nhiều khi còn mong có lụt để được cùng bạn bè bơi xuồng đi hái bông điên điển, nhổ bông súng hay ngồi ngay trong nhà thả nhợ câu cá rô. Từ khi có chồng, có con, những lo toan vất vả đã kéo năm tháng vùn vụt qua đi.

            Từ lúc Chân chết, nỗi cực nhọc lo nghĩ của Trang càng tăng thêm. Gia đình hai bên đều nghèo không thể trông đợi nhờ vả vào ai. Với hai công ruộng, ba mẹ con có vun vén tiện tặn mấy cũng không đủ. Trang phải đi làm cỏ, cắt lúa thuê hoặc mua bàng về giã đan đệm bán mới tạm đắp đổi qua ngày.

            Điều lo sợ của Trang đã đến sớm hơn. Tuần trước, nước chỉ lấp xấp ngoài thềm ba mà chỉ hai ngày sau nước vào nhà ngập đến đầu gối. Hôm qua anh Tư Thắng, con bác Tám, chạy sang giúp Trang đóng cọc, ghịt lại cột nhà cho vững chắc, sợ trong lũ lụt thường hay có dông gió. Anh kê lại cái bàn thờ, nâng cao chiếc giường ngủ để có chỗ khô ráo cho ba mẹ con nằm. Anh còn đóng cho cái kệ tre làm chỗ đặt bếp nấu nướng. Trong nhà cũng chẳng có gì quí giá, mớ áo quần Trang cho vào bao nilông, cột treo lên đòn tay.

            Vậy là hai công lúa đã mất trắng, chỉ còn con heo chưa tới 30 kílô là tài sản duy nhất hiện nay của Trang cũng chẳng biết phải di dời đi đâu, đành bán non thôi. Đợt thu hoạch lúa đông xuân vừa qua lúa bị mất giá tới một nửa so với năm trước, nhưng Trang đành phải bán vì tiền phân, xăng, thuốc rầy đã mua chịu phải trả để còn có thể mua tiếp lo cho vụ sau. Rồi tiền quán của bà Năm Mai cũng gần 200.000 đồng. Mỗi lần sang mua đồ là bà Năm Mai than thở kẹt vốn, nhắc nhở Trang đến số tiền thiếu còn ghi trong sổ. Không riêng gì Trang mà hầu hết bà con nông dân ở đây đều mua chịu. Từ những vật tư để sản xuất như phân, thuốc đến các món đồ chi dùng hằng ngày như xà bông, mắm muối, bột ngọt đều mua trước trả sau. Tất cả chỉ trông chờ vào hạt lúa. Để không thiệt thòi cho mình, các chủ tiệm thường bán với giá cao hơn một chút hoặc tính thêm tiền lãi nếu chậm trả.

            Sau khi trả hết nợ nần, quán tiệm thì cũng cạn tiền. Giờ chỉ còn con heo lứa, bán đi thì nhín nhúc lắm cũng chỉ đủ ăn trong tháng. Sao đó làm sao ba mẹ con sống được trong khi cơn lũ này còn kéo dài cả hai tháng nữa.

            Phải quyết định thôi, phải có một chiếc xuồng để làm phương tiện sinh sống. Trang nghĩ đến đôi bông tai và chiếc nhẫn cưới của Chân. Đây là vật kỷ niệm quí giá của hai vợ chồng mà Trang cố gắng giữ gìn bấy lâu. Trang định sau này sẽ làm lễ hỏi cưới vợ cho thằng Thật. Cũng còn rất lâu, thôi thì sau này sẽ tính. Dù vậy, quyết định bán chúng đi cũng không khỏi làm Trang đau xót.

            Hôm ấy Trang thức thật sớm, nấu sẵn cơm nước, bắt cột con heo bỏ vào bao bố. Cõng bé Đài qua gởi bên nhà bác Tám, Trang sợ nó còn nhỏ quá, thằng Thật nhiều khi lơi lỏng trông em, rủi ro có bề nào … Lũ mới về hơn nửa tháng nay mà nghe tin có cả mấy chục người chết đuối, hầu hết là trẻ con. Trang trở về đánh thức Thật dậy, dặn dò nó phải leo ngồi trên giường coi nhà, không được lội đi câu. Xong xuôi Trang ra bờ sông đón đò đi chợ ngoài thị trấn.

            Tội nghiệp thằng Thật, mới 11 tuổi, đang học lớp 4, nhà trường cũng cho nghĩ học từ hôm nước về ngập lớp, ngập phòng. Nó biết nhà nghèo nên hay lặn lội đi câu, kiếm con cá, con ốc về giúp mẹ. Đi học chỉ có một bộ áo quần lành lặn duy nhất, không bao giờ nó mở miệng xin Trang một điều gì.

            Bán tất cả đôi bông, chiếc nhẫn và con heo được hơn 2 triệu đồng. Trang mua chiếc xuồng 1,7 triệu, còn 500.000 đồng sẽ làm vốn buôn bán như tính toán của Trang trong mấy đêm trằn trọc. Có chiếc xuồng, mỗi khuya cứ bốn giờ Trang thức dậy, ẵm bé Đài còn say ngủ qua gởi nhà bác Tám để được yên bụng, hơn nữa bé Đài cũng có con anh Tư Thắng cùng tuổi làm bạn. Trang bơi xuồng dọc theo xóm mua gom cá, ếch, chuột mà các nhà giăng câu, soi được lúc tối. Những ngày ít cá ếch, Trang mua cả bông súng, đọt chạy, điên điển, nói chung là những đặc sản trong mùa nước. Trang chở ra chợ thị trấn bán lại cho các bạn hàng, đến trưa mới bơi xuồng trở về, mỗi ngày cũng kiếm được từ 15.000 – 20.000 đồng.

            Buổi trưa hôm nọ Trang đi bán về ghé rước bé Đài, nghe bác Tám nói có đoàn cứu trợ ở tỉnh xuống phân phát quà cứu trợ cho bà con. Trang cũng có tên trong danh sách, bác hối Trang đi lãnh. Trang vội vã bơi xuồng tới ủy ban xã. Vừa gặp mặt anh thư ký, chưa kịp hỏi anh đã báo cho Trang biết vì lúc nãy đọc tên không có chị lên nhận nên cuối cùng phần của Trang được chia cho danh sách bà con dự bị. Rồi anh an ủi Trang hãy đợi đợt sau nếu có … Trang tiu nghỉu bơi xuồng ra về, tự an ủi: thôi thì hãy tự cứu lấy mình cho chắc, dù trong lòng cũng hơi ấm ức ông Mạnh.

            Trang hỏi thăm và biết rõ ông Mạnh chủ tịch xã là người có quyền du di danh sách các hộ nghèo, khó khăn cần cứu giúp. Và ông Mạnh này thì chẳng ưa gì Trang. Nếu không, ông có  thể cho giữ lại để Trang đến nhận sau hoặc tốt hơn nữa thì cho mang đến nhà giùm. Chẳng phải Trang làm điều gì mích lòng ông. Ông không ưa Trang theo cách không ăn được thì đạp bỏ. Bởi mấy lần đi ngang qua nhà Trang, ông ghé vào thăm không phải vì thấy hoàn cảnh khó khăn, mẹ góa con côi mà tìm cách giúp đỡ. Ở tuổi 37, là phụ nữ nông thôn nhưng với vóc mình dây, nước da không bắt nắng trắng mịn, nhìn Trang cũng còn rất mát mắt. Dù đã quá 50, có vợ con nhưng ông chủ tịch hồi xuân cứ tìm lời nói xa nói gần, ve vãn Trang. Và không ít lần Trang làm ông bẽ mặt. Chẳng hạn khi gọi tên ông, Trang kêu thật nhẹ và dài đến không còn nghe ra dấu nặng …

            Nghe Trang bơi xuồng về không, bác Tám nổi giận chửi toáng lên. Bác còn chửi thẳng khi ông Mạnh với mấy cán bộ xã chạy xuồng ngang qua: “Bà hỏi lương tâm mấy người để đâu? Để trong mấy thùng bia lon hả? Mấy người ăn chặn tiền trợ cấp của bà con, lợi dụng chức vụ để phân phát cho người quen, dòng họ mấy người? Mấy người không biết xấu hổ với các em bé chắt chiu từng đồng quà bánh để góp giúp đồng bào?”

            Nói đúng ra bác Tám dám mạnh bạo, thẳng thắn như vậy bởi điều bất minh đó là sự thật. Và còn do trước kia bác đã từng nuôi giấu cán bộ, đưa đón, tiếp tế cách mạng. Một trong những cán bộ lúc xưa sống trong nhà bác là ông Xê, giờ giữ chức vụ lớn ở tỉnh, mọi người đều biết. Dù rằng từ giải phóng đến nay ông Xê chỉ một lần ghé thăm bác khi đi công tác qua xã, chỉ bấy nhiêu cũng đủ để cả dàn cán bộ xã nể vì bác.

            Hôm sau, dường như để hạ cơn ấm ức, tức giận, bác Tám kêu Trang qua, đưa hết phần quà cứu trợ của mình cho Trang: “Bay lấy phần này đem về lo cho hai đứa nhỏ. Bay còn khó khăn nhiều. Tao ở chung với thằng Thắng. Nó với Hai Lợi lo cho tao cũng đầy đủ”. Trang từ chối cách mấy cũng không được, phải mang về nhà mà lòng xốn xang, rưng rưng nước mắt …

000

            Nước lụt thì lụt cả làng, cả tỉnh có chừa nhà ai. Nhà nào nền cao thì ngập ít, nhà thấp thì nước bò lên tới nóc, lụt về đem tai họa chung cho mọi người nhưng cũng có gia đình khổ nhiều, gia đình khổ ít, thậm chí có nhà không khổ chút nào.

            So với bao nhiêu nhà ở xóm ấp này có thể nói nhà Sanh thuộc loại khá. Sáu công ruộng nhờ có bờ bao, sạ sớm nên đã kịp gặt xong khi lũ tràn về. Được cả hai trăm giạ. Gặp lúc lúa rớt giá nên Sanh không bán, ví bồ trữ lại chờ giá lên. Đến khi nước tràn vô nhà, nhờ có ghe tam bản chạy máy đuôi tôm nên kịp vận chuyển hết gởi nhà ông anh ở ven lộ còn cao ráo.

            Hôm nước lên đến nửa chân ghế đẩu thì Sanh cho di tản con gái sáu tuổi và thằng anh nó lên chín ra gửi ở nhà ông cậu ngoài thị trấn. Còn thằng lớn tên Sỏi, 14 tuổi, để lại phụ với Sanh đi giăng câu, bắt chuột. Giống như tên đặt, thằng Sỏi da đen nhẻm, lanh lợi, sành sỏi mọi chuyện so với trẻ con cùng lứa tuổi với nó.

            Với gia cảnh như vậy, cái khó của Sanh ít hơn nhiều so với bà con chung quanh, nhưng anh ta ưa than vãn, kêu khổ và thường khuếch đại những trở ngại, khó khăn dù chẳng đáng gì. Chẳng hạn như chuồng heo bị dột, ao mương lở sụp, tiền vay ngân hàng chưa trả được. Một tật nữa là Sanh thường ca tụng người có địa vị, kẻ sang giàu lắm của. Ngồi ở bàn các đám giỗ, tiệc nhậu Sanh hay nhắc đến gia đình những người giàu mà y quen biết, bà con cùng các tiện nghi sang trọng trong nhà của họ. Và không biết bao lần người ta nghe Sanh kể về ông bí thư xã, anh vợ của y với những lời tán tụng.

            Trái với bản tính hay kêu than của Sanh, vợ y là người hay khoe của, nhà sắm được cái truyền hình, cái cassette thì khỏi cần các bà ngồi lê lắm chuyện, qua miệng chị ta là cả xóm làng đều biết. Còn các nhà lân cận phải chịu nhức óc, điếc tai vì cái máy được vặn hết cỡ. Là con nhà nông, sáu công ruộng ở gần nhưng chị ta chưa bao giờ bước ra đồng. Mọi việc gieo cấy, gặt hái đều do Sanh quán xuyến. Chị ta lo việc chi tiêu buôn bán mua sắm. Từ kêu bán lúa, bán heo gà vịt đến chuyện tiêu tỏi, mắm muối trong nhà.

            Mà kể ra Sanh không phải là kẻ lười biếng, y cũng chịu làm. Từ hôm nước tràn về ngập ruộng, mỗi chiều Sanh với thằng Sỏi đi giăng câu, đâm chuột đến tối mới về. Mỗi ngày cũng kiếm được năm ba ký. Sáng ra giao cho chị vợ đem bán. Có khi bắt được con rắn, con rùa Sanh để lại làm mồi nhậu. Mùa lũ trong vườn, ngoài ruộng rất nhiều mồi ngon, có lươn ếch là thường.

            Mỗi lần nhậu Sanh đều mời ông chủ tịch Mạnh, ông rất khoái các món đặc sản. Qua tay chế biến, nấu nướng của Sanh thành các món chuột ướp ngũ vị nướng, rắn xào chua, gỏi rùa ngó sen thì hết ý. Nhậu mất hồn luôn không hay như lời ông Mạnh.

            Có lẽ nhờ là bạn nhậu của ông chủ tịch nên hôm có hàng cứu trợ về xã, hộ của Sanh nhận được nhiều hơn người khác. Bữa đó Sanh tháo máy đuôi tôm, chống ghe đến ủy ban rất sớm, y lăng xăng phụ giúp chuyển hàng từ tàu lên; í ới gọi tên người nọ người kia, đẩy xua lũ con nít bu quanh chen lấn. Phần của Sanh nhận được cả 20 kí gạo, hai thùng mì tôm, bịch bột ngọt và 100.000 đồng tiền mặt. Nhà Sanh gạo thì không thiếu, mì gói, bột ngọt có dư nên hôm sau người ta thấy chị vợ mang hết qua bán cho quán Năm Mai.

            Anh vợ của Sanh làm bí thư xã kế bên nên đợt cứu trợ bên ấy gia đình Sanh cũng lọt vô danh sách, mà lại là danh sách ưu tiên gia đình khó khăn nhất. Lần này Sanh được một chiếc xuồng ba lá, mấy chục mét lưới giăng câu. Những đường sữa linh tinh không kể. Để tránh tiếng, vợ Sanh chèo xuồng ra tận ngoài thị trấn bán.

            Lại một bữa nọ, Sanh mắc võng treo toòng teng trên hai cột nhà thềm ba, nằm đu đưa ca vọng cổ. Y đang buồn không biết phải làm gì. Vợ y lấy ghe máy đi ăn đám giỗ bên ngoại thằng Sỏi từ sáng sớm. Bên ngoài bầu trời âm u, vần vũ đầy mây đen kịt. Đài báo tin áp thấp nhiệt đới từ lúc sáng. Sanh định chút nữa làm món lẩu lươn qua mời ông chủ tịch Mạnh nhậu. Trời này ngồi lai rai thì hợp quá.

            Bỗng thằng Sỏi lội lõm bõm chạy về báo có tàu cứu trợ ở thành phố sắp chạy ngang qua. Từ hôm có phát động kêu gọi cứu trợ, Sỏi hay lảng vảng trước thềm ủy ban nghe ngóng tin có đoàn nào về không. Khi nghe tiếng máy tàu xình xịch đến gần, Sanh cởi phăng áo, chỉ mặc quần xà lỏn lội ra bờ sông, rồi phóng mình xuống nước, giơ tay vẫy vẫy chiếc tàu. Mấy người trên tàu nhìn thấy nên cho tàu chậm lại, từ từ tấp vô căn chòi của Sanh cất ven sông để canh chiếc vó đăng cá.

            Trời lạnh căm căm, mưa lất phất rơi trong khi thằng Sỏi ở trần, mặc chiếc quần rách te tua ngồi chồm hổm trên bộ vạt tre trong chòi mà nước đã liếm mấp mé. Cái cảnh rất gây ấn tượng, xúc động. Một bà lớn tuổi, dáng phúc hậu luôn chắt lưỡi nói tội nghiệp, tội nghiệp quá. Bà bảo mấy người kia chuyển xuống cho Sanh túi gạo, bọc quần áo và số tiền mặt.

            Vụ đó sau được truyền ra, có người nói: hết lũ dám Sanh sắm xe Dream. Thế nào chưa biết, nhưng buổi chiều ngồi nhậu lẩu lươn với ông chủ tịch và mấy người lối xóm Sanh vẫn than vãn cái vách tường phía sau bị lún nứt, cái đìa cá nuôi mấy trăm con đã đi sạch …     

Ngày 29 - 10 - 2000