EM BƯƠNG THEO MÌNH - Phạm Diễm Hương - Nguyễn Trung Quân sưu tâm .

EM BƯƠNG THEO MÌNH
Phạm Diễm Hương
Mình,
Vậy là mình xa em và các con đã 12 năm. Bữa nay má biểu em viết cho mình ít chữ báo tin tuần sau đám hỏi thằng Hai, tháng tới cưới, sau đó hai vợ chồng nó qua làm bên nước Ả Rập Saudi tới mấy năm lận. Vậy là một đứa con của tụi mình đã thành thân.
Từ hồi mình đi tới giờ, má qua ở với mẹ con em, má lo công chuyện nhà, chăm sóc hai đưá nhỏ để em đi làm. Má giận mình đành đoạn bỏ con, nên lúc mình đi, má hổng thèm ngó, hổng thèm nói. Nhưng sau đó má buồn, má khóc hoài. Má nói, ba mất sớm, má ở vậy nuôi mình với cô Ba, bà con nội ngoại kính phục má. Má trông vô mình dữ lắm, vậy mà mình bỏ đi! Má nói má bất hạnh, còn mình thì bất hiếu. Má nói má không bao giờ bỏ mình, sao mình nỡ bỏ hai đứa nhỏ? Em nói má đừng nghĩ vậy, hại sức khoẻ và cũng tội nghiệp mình. Em với mình hết duyên hết nợ thì buông nhau ra, chớ mình hổng có lỗi gì. Má nói bây giờ má thương em như con gái má vậy.

Em nhớ hồi xưa, hai đứa mới thương nhau, mình dắt em về chào má, má hổng chịu em, má nói: “Con nhỏ ở đâu trồi lên mà cứng như que củi vậy? Rồi làm sao mà sanh đẻ, tao cần cháu đích tôn, tao hổng cần cây độc”. Mình nhằn má: “Má, má nói cái gì vậy? có con hay không là do con nè. Con trai má ngon lành, má sẽ một tá cháu nội, má nuôi mệt nghỉ, được chưa?” Má liếc xéo em, nói nhỏ rức: “Ừa, nhắm hổng được thì buông, tao hổng muốn mày xà nẹo làm cảnh…tao hổng ham à! Tao rành tánh khí mày, ưa chải chuốt, bây giờ mắc cái giống gì mà chọn cái thứ…”
Bữa đó, cô Ba ngồi kế bên má nhìn trần nhà nói xuống: “Má à, anh Hai nhà mình điệu nghệ, áo quần bảnh bao, con gái đeo theo ảnh như thăn lằn đeo cột, đẹp có, xấu có. Bữa nay, ảnh dắt người này, mai ảnh dắt người khác. Má cứ coi, tới khi nào hợp nhãn má thì thôi. Ai bắt má phải chọn người này đâu mà má nhằn!”.Mình trợn mắt nhìn cô Ba: “Nè, ai mượn mày hả Ba? Cái thân mày đó, mày lo đi. Bữa nay tao dắt chị Hai về ra mắt má, ba tháng nữa tao làm đám cưới, mày lo phụ má trang hoàng nhà cửa đặng rước chị Hai mày về, hiểu chưa?”. Em thót tim khi nghe mình nói, em đứng hổng muốn nổi. Vì em bương theo mình mà hổng hiểu tại sao mình chọn em, và thương em? Mình ăn nói điềm đạm, nếp sống văn minh trau chuốt, nghề nghiệp vững vàng, Còn em là cô giáo dạy toán khô khan, không chờ đợi bất kỳ một cuộc tình nào, vì tuổi thanh xuân đã trôi qua. Em bương theo mình như chiếc lá theo con nước dập dình. Em bương theo mình như muốn kịp chuyến tàu chót để nhập vào đời sống lứa đôi. Em hoang mang trước tình cảm của mình. Em sợ nếu làm vợ mình tức làm dâu má, gia đình sẽ lục đục, bị tánh em nghĩ sao nói vậy, em sẽ hổng biết chiều chuộng ý người ta, rồi cái chuyện ngàn đời xích mích giữa mẹ chồng nàng dâu, chị dâu em chồng sẽ ảnh hưởng tới tình nghĩa vợ chồng. Vậy mà đám cưới vẫn diễn ra, em líu ríu mang theo nỗi hoang mang về nhà chồng.
Mình lấy nhau được đâu năm sáu tháng em cấn thai thằng Hai. Em mừng quá, lựa lúc má đang ăn sáng, em nói: “ Thưa má con cấn thai” Má nhìn em hổng chớp mắt: “Hả, con nói cái gì Hai? Mày làm sao?”, “Dạ hình như con có bầu”, má chụp tay em lắc lắc:“Trời ơi, mày cấn bầu rồi hả Hai? rồi chồng mày nó biết chưa?” Thấy má thương, em rơm rớm nước mắt nói: “Dạ rồi”. Má vuốt cái bụng còn xẹp lép của em rồi nói: “Ráng sanh cho má thằng cháu đích tôn, mạnh khoẻ hơn thằng tía nó nghe con”.
Bữa đi sanh thằng Hai, má đứng bên em, em đau, má đau, em thở, má thở, em rặn, má rặn. Hàng rào má chồng con dâu tan thành mây khói, em thương má như má ruột em vậy. Má nuôi em, cho em nằm than tới hai tháng, nên em cứng cáp khoẻ mạnh, có da có thịt. Má nói em sanh xong mới thấy giống đàn bà, hồi mới cưới ngó giống đàn ông. Tới kỳ em cấn bầu con Thắm, má thương em hơn, cô Ba cũng vậy. Mình vì công vụ, đi hoài, ít ở nhà, nhưng em sống trong hạnh phúc tràn đầy của gia đình. Hổng có gì buồn phiền lo lắng.
Rồi thế cuộc xoay vần, miền Nam lọt vô tay cộng sản, mình đem cả nhà vượt biên, khi đó thằng Hai mới 10 tuổi, con Thắm mới 8 tuổi. Em nhớ ngày đi má đòi ở lại chăm sóc mộ phần cho Ba, nhưng rồi hổng biết sao, má nói với em: “Thôi để má đi theo con, chớ tao thấy cái số mày coi bộ hổng sướng con à”.
Chuyến đi nhờ biển êm sóng lặng, ông tài công biết đường nên né được hải tặc, sau 5 ngày 6 đêm, tàu tới được Mã Lai. Ở trại tỵ nạn, má cũng lo in như hồi ở nhà. Má nói má coi chừng hai đứa nhỏ, để em theo mình đi học tiếng Anh. Em cà xịch cà đụi, học hoài hổng vô, còn mình may mắn có ông thầy giáo đi kèm, nên mình học lẹ. Có bữa em thấy hai thầy trò đi dạo bờ biển đàm đạo tới khuya. Tiếng Anh của mình càng giỏi thì công việc của mình với thầy giáo càng nhiều, có bữa mình hổng về ăn cơm, có bữa mình phải làm thêm giờ buổi tối. Mình nói ông thầy giáo tốt lắm, ổng hứa sẽ giúp đỡ vợ chồng mình khi qua Mỹ.
Ngày tụi mình đi định cư, tội nghiệp ổng bịn rin hoài, nắm tay mình hổng muốn rời. Ổng ôm mình, hai mắt đỏ hoe. Ổng ôm hai đưá nhỏ, bắt tay má, cô Ba và em. Người Tây phương khác người mình, họ phơi bày tình cảm không che dấu.
Tụi mình định cư được chừng một năm, bất ngờ ông thầy giáo ghé thăm. Cả gia đình mình xúc động, đặc biệt là má. Má nói, hổng hiểu sao ổng biết địa chỉ của mình? Cả ngàn người học ổng mà sao ổng nhớ mà tới thăm ? Bữa cơm hôm đó, má hổng ăn, ngồi dòm chừng ổng. Tới khi ổng nói đã kiếm việc cho mình ở tiểu bang phía miền Đông, rồi nói mình đi trước làm thử, hễ được thì sẽ đón má, và gia đình lên. Má nói: “Con nhắm chừng đi được thì đi, không thì thôi, mày đang có công việc ở đây, đi qua cái xứ lạnh lẽo, má hổng yên tâm.” Mình cự má: “Má tưởng kiếm việc ngon lành dễ lắm hả? Ở đây làm cu li, đi qua bển làm văn phòng. Con đi làm thử, hễ được thì con đem cả nhà lên, chớ có đi luôn đâu mà má cản?” Ít bữa sau, mình đi theo ông thầy giáo. Đâu chừng tháng sau mình điện về nói công việc làm ăn tốt, nhưng thời tiết khắc nghiệt hổng hạp với má, cả nhà cứ ở lại đây, mình sẽ gởi tiền về.
Thời gian trôi cũng thiệt nhanh, mình đi làm được một năm. Bữa đó em ở ngoài vườn sau ngó ra phía trước, thấy có cái xe tải nhỏ đậu trước cửa, một người đàn ông bước xuống, rồi tới người tài xế, hai người bước tới, ôm nhau, hun nhau tạm biệt. Em nhìn kỹ thì nhận ra mình. Em chết trân, đứng như trời trồng. Em thấy má từ cửa lớn chạy ra nhìn rồi quay vô.
Chiếc xe tải rồ máy chạy, mình đi vô nhà. Từ đó tới tối, khi không nhà mình êm ru; mấy đưá nhỏ mừng ba về, mình cũng hổng nói tiếng nào. Má nấu cơm sắp ra bàn, nhưng kêu mệt hổng muốn ăn, vô phòng nằm. Cô Ba đi làm về thấy mình, mừng rơn nói ba điều bốn chuyện, mình chỉ ừ hử làm cổ mất hứng cũng khỏi ăn uống gì. Còn em với mấy đưá nhỏ ráng bới cơm ăn với mình bữa cơm đoàn tụ, nhưng mình mắc điện thoại, nói mấy mẹ con ăn trước, mình cần bàn chuyện với ông thầy giáo. Thằng Hai nói nó nghe ba nói honey, honey, vậy là con mình học tiếng Anh cũng lẹ lắm đó. Nó nói cũng ngọt sớt cái miệng.
Đêm đó, vợ chồng mình gặp nhau sau một năm xa cách, mình đi tới đi lui trong phòng, em chờ mình bước lên giường trước, nhưng làm như mình ngại ngùng, em cũng bối rối. Em hổng biết nói gì với mình. Sau cùng mình cầm cuốn sách ghé người nằm sát một cạnh giường, em cũng bắt chước cầm đại cuốn báo và nằm sát cạnh giường bên kia. Cái giường đôi full size, hai người nằm mà chính giữa rộng thênh thang. Lát sau, mình kéo nhẹ tấm mền mỏng lên tới ngực, và tắt đèn ngủ. Em cũng bỏ tờ báo, mà hổng nhớ đã đọc cái gì.
Đêm càng sâu, em càng tỉnh, em nhớ thiệt rõ những ngày ở trại tỵ nạn, hai vợ chồng mình không có cơ hội gần gũi, vì mình không có không gian riêng biệt. Cặp vợ chồng nào ở trại tỵ nạn cũng vậy. Tới khi sang Mỹ, người bảo trợ mướn cho căn nhà ba phòng khang trang. Mình nói mình cần làm việc ban đêm, sợ để đèn em không ngủ được, nên muốn em sang ngủ tạm bên má với cô Ba, để từ từ mình tính. Em ngủ với má và cô Ba riết cũng quen. Nên khi mình về, hai đưá ở chung phòng, ngượng nghịu cũng phải.
Nửa đêm về sáng, em nghe tiếng dép của má ngoài phòng khách, em dậy, mở cửa đi ra. Má kêu: “Hai hả con, sao không ngủ ra đây làm chi?”, “Dạ con ngủ không được má à.” Em mới nói tới đó, khi không nước mắt ở đâu chảy ào ào, ngăn hổng kịp. Má kéo em ngồi xuống cạnh má, má nói: “Má biết con khổ thành má đi theo con, má sanh nó ra, má biết nó con à. Từ hồi nhỏ lận, nó không giống đưá con trai bình thường, nó nhu mì nhũ mĩ, hiền khô như con gái. Má sợ nó mắc bệnh, đưa nó đi bác sĩ, bác sĩ nói nó là thằng con trai, nhưng có thể tánh nết hơi yếu đuối bẽn lẽn vậy thôi. Má theo dõi nó từ hồi đó, nó thích chơi với con gái có tánh khí cứng cỏi, hoặc đi theo mấy đưá con trai mạnh bạo. Má đã từng lo bên nội nó sẽ không có con nối dõi tông đường, nên khi nghe nó nói nó lấy con, má vừa mừng, vừa thương con sẽ gặp nhiều trắc trở.
Nhưng má nghĩ với phong tục tập quán Á đông mình, những trái khoáy bẩm sinh về sinh lý sẽ không thể trổi dậy. Mọi bùng phát của loại tính dục đó sẽ bị khuất phục bởi văn hoá đạo đức Đông Phương; con sẽ có một người chồng bình thường. Má sợ nó không có con, nhưng khi nghe con báo cấn thai, má mừng lắm, má biết thằng con của má bình thường, có thể tâm tánh nó hơi yếu mềm thôi. Má đã vui sống với con cháu lúc tuổi già. Đâu dè cuộc đời trôi nổi đến đây, cái xứ của mọi cơ hội vật chất và tâm linh; cái xứ mà mọi ước muốn thầm kín của bản năng tính dục cũng được xem như quyền sống của con người. Hoàn cảnh sao trớ trêu, nó gặp ông thầy giáo đồng cảnh ngộ. Má không cản được, chính nó cũng không kềm được, tình cảm mà con, nó mạnh như vũ bão, như thác đổ. Má tính từ từ sẽ nói với con. Con thương má, con đừng buồn nghe con.”
Má nói tới đó, thì mình bước vào phòng. Em linh cảm mình đã nghe hết những gì má nói.
Mình nói nhỏ rí: “Má tha lỗi cho con, con hổng muốn vậy, nhưng con không thể cưỡng lại tình yêu của Tom. Còn mình, ráng thay anh chăm sóc má và con.”
Nói xong, mình xách cái túi lặng lẽ đi khi đêm còn long đong trên ngọn cây. Có tiếng xe đậu trước cửa, rồi tiếng xe lao vút trên đường vắng.
Kế đó là giấy tờ thủ tục ly hôn mình gởi về, má nói em đừng ký, vì quyền lợi của hai đứa nhỏ. Nhưng em nghĩ hai đứa nhỏ có đầy đủ quyền lợi và tình thương từ ngoại, mẹ và cô của tụi nó. Còn mình thì cô đơn với mối tình vẫn còn đang chịu nhiều búa rìu dư luận. Người ta nói luật nơi này nơi nọ chấp nhận những mối tình đồng tính, nhưng lượng hải hả từ con người vẫn còn khép kín mình à. Đời sống của những đôi nhơn tình đồng tính vẫn còn bất an, nên em muốn mình nhẹ gánh gia đình chừng nào tốt chừng đó. Vì vậy mà em ký giấy ly hôn, vì vậy mà 12 năm qua, dù vẫn theo dõi cuộc sống của mình, nhưng em không liên lạc cho đến bữa nay. Mình mừng cho thằng Hai nghen. Em kính chúc mình hạnh phúc và bình an.
Phạm Diễm Hương
7/12