NHOØA NHAÏT KIEÁP NGÖÔØI
1. Các giáo viên trong trường rất sửng sốt trước cái chết của Thanh. Tôi là người phát hiện đầu tiên. Hôm ấy, chiều chủ nhật, nghĩ mình ở nhà thêm một buổi tối cũng chẳng làm gì, sáng ra phải dậy sớm, đón chiếc xe đò đi cả 30 cây số đường đất đỏ dằn sốc, lại có tiết dạy đầu tiên. Thêm nữa ở trường có Thanh, một tối trò chuyện, nhâm nhi chung trà với người hợp gu thân thích với mình chẳng thú vị hơn sao? Tôi và Thanh là đôi bạn vong niên. Thanh độc thân, dạy học đã hơn mười năm, anh ở hẳn trong trường, nơi chái lá cất nối tiếp với dãy phòng học. Tôi nhỏ hơn anh đến mười tuổi, mới đi dạy ba năm. Chúng tôi rất tương hợp với bao chuyện thế sự, chuyện văn học thơ ca … và có thể cùng chuyện vãng một đôi giờ không chán.
Xuống xe, trời đã xế chiều. Bước qua cổng trường, tôi cầm gói trà bịch bánh đến thẳng chỗ ở của Thanh. Vừa đẩy cánh cửa, thấy Thanh nằm co trên giường, nghiêng mình một bên, mắt nhắm hé, vẻ mặt lạ lạ. Nghĩ anh đang ngủ, tôi bước đến lay dậy, nhưng tay chạm phải một cơ thể giá lạnh, không phản ứng động đậy. Linh cảm điều bất thường, tôi sờ vào mũi Thanh cũng không nhận ra hơi thở. Sợ hãi, tôi vội quay ra, chạy đến báo với anh Trọng hiệu trưởng, nhà cũng gần trường. Trọng hốt hoảng, mặc vội áo hấp tấp cùng tôi quay lại căn phòng. Chúng tôi quan sát kỹ khắp thân thể Thanh, không có vết thương tích nào, nhưng biết chắc anh đã chết. Nhìn mọi vật dụng trong phòng cũng không có sự lục lọi, xáo trộn. Phản ứng đầu tiên của Trọng là đi báo chính quyền. Anh trưởng Công an xã đến lập biên bản rồi bảo phải đưa Thanh đến bệnh viện huyện khám nghiệm theo thủ tục. Trọng chạy đi kêu xe, còn tôi lo gom mấy bộ áo quần của Thanh.
Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận Thanh bị đột quỵ do nghẽn động mạch tim, xác định đã chết hơn hai giờ rồi. Sẵn xe thuê, tôi với Trọng chuyển xác Thanh về nhà cô em ở trong thị trấn. Thanh chỉ còn Lan là người thân duy nhất. Đêm ấy, tôi ở lại giúp Lan mua quan tài, thuê người mai táng. Đám tang lặng lẽ như chính đời Thanh. Ngoài các giáo viên ở trường, mấy người hàng xóm. Chẳng kèn trống, âm thanh duy nhất là tiếng khóc nghẹn ngào của Lan và tiếng tụng kinh buồn buồn của hai nhà sư.
Trưa hôm sau, quan tài đưa chôn ở ngoại vi thị trấn. Đó là một nghĩa trang người Hoa nằm kế ngôi chùa nhỏ mà tôi có đến lúc ba Thanh mất. Mộ của ông bà, cha mẹ Thanh đều chôn cất nơi đây. Nhớ lời anh nói khi hạ huyệt người cha: “Rồi mai nầy, tôi cũng nằm đây, về chốn quê nhà cùng cha mẹ ông bà”. Có phải câu trối! Nhưng lại đến sớm quá, chỉ hai năm và Thanh mới 36 tuổi.
Lúc đạo tỳ xúc đất đấp mộ, tôi lần bước đến thắp nén nhang cho ba má Thanh, cũng nằm gần. Nhìn năm tháng ghi trên hai tấm bia, tôi ngạc nhiên nhận ra một trùng lặp lạ lùng. Thời gian chết của ba người đều trùng hợp: Cuối tuần tháng hai âm lịch, xê xích đôi ngày và cách nhau đúng hai năm. Đây là ngẫu nhiên hay hiện tượng “chết trùng” như lời đồn đại huyền bí của nhiều người. Có hay không điều tai quái nầy? Và giải thích làm sao?
Mộ Thanh đất đã vun cao. Đạo tỳ và mấy người đưa tiễn ra về hết. Mặt trời ngã hoàng hôn, nghĩa trang thật vắng lặng. Tôi và Lan về sau cùng. Tôi bước sau Lan một khoảng ngắn, nhìn dáng cô liêu xiêu trong ráng chiều mà chạnh cảm nỗi cô đơn thê thiết của kẻ cuối cùng còn lại trong gia đình. Tôi bỗng phát hiện có đến hai chiếc bóng kéo dài, thun ngắn trên các nấm mộ nhấp nhô theo bước chân Lan. Cho đó là hiện tượng do ánh nắng chiều xiên ngang và đám mây đỏ rực phía chân trời rọi xuống. Hay mình bị ám ảnh từ truyền thuyết “ma trùng”? Tôi giụi mắt định thần nhìn kỹ và rùng mình nhận ra rõ ràng có hai chiếc bóng lỡn vỡn bên Lan.
Mấy ngày sau, cái chết của Thanh nhanh chóng bị lãng quên. Các giáo viên không còn bàn tán nhắc nhở đến nữa. Nguyên nhân cái chết rất rõ ràng, đơn giản chẳng có gì nghi vấn. Nếu Thanh mất vì mối tình ngang trái éo le hay bởi một hận thù thanh toán gì đó thì hẳn sẽ là đề tài hấp dẫn để mọi người thương cảm, phân tích mà nhắc đến lâu dài. Ít ra anh còn ở lại trong lòng mọi người một quãng thời gian! Ngay đến cái chết của Thanh cũng nhòa nhạt.
Biết tôi chơi thân với Thanh nên Trọng nhờ tôi thu dọn căn phòng của anh, gom những kỷ vật còn lại mang về cho cô em. Chẳng có gì nhiều, vài vật dụng cá nhân, hai bức ảnh bán thân của ba má anh, chồng sách vở và chiếc hộp giấy đựng nhiều bao thư, thấy nơi góc ghi tên người con gái: Na xuân Nữ. Một cái họ lạ, chẳng biết thuộc dân tộc nào. Tôi chú ý một quyển vở mà hơn hai phần ba trang chi chít những dòng chữ của Thanh. Nhìn ngày tháng ghi thì mới viết gần đây. Từ tình bạn thân thiết, thêm nỗi tò mò, tôi muốn biết điều u ẩn nào của anh nên thầm khấn: “Xin anh cho tôi được đọc, được giữ làm kỷ niệm”.
Đọc xong quyển vở, nghe thật nao lòng. Chẳng rõ đây là hồi ký hay chuyện đời tự kể. Mà xếp mục định loại để làm gì? Chuyện rất đơn giản, nhưng kết thúc héo hắc và chẳng còn đơn giản bởi nó buồn lay lắc cả con tim. Bắt đầu từ sự trôi dạt của người ông, qua hai thế hệ lặng lờ, chẳng công danh sự nghiệp, chẳng âm vang nào đọng lại với đời. Đến mối tình tan vỡ của hai anh em và cái chết bất ngờ của Thanh. Anh hiện diện lặng lẽ cô đơn như áng mây lãng đãng, chút mây chẳng tạo được mưa, chẳng che được nắng, thế rồi tan biến hư không! Bao điều ấy thấu ngấm lòng tôi niềm cảm xúc u hoài. Ý nghĩa nào về một kiếp người như thế? Bất giác tôi nghĩ đến bao kẻ lưu lạc, bỏ xứ ra đi. Đi hợp pháp hay liều lĩnh vượt biên. Lý do nào thì cũng hụt hẫng nỗi đau xa lìa cách biệt. Lòng có nguôi quên bóng hình người ở lại, một món nợ con tim vẫn đeo mang nhung nhớ. Rồi bao số phận phai tàn nơi đất khách, biệt tăm chìm họ. Bao câu chuyện bắt đầu rất đơn giản và kết thúc héo tàn!
2. Tôi có đọc một mẫu chuyện đã lâu: Chuyện kể về một trung úy người Đức bị cầm tù nhiều năm dài trong một trại giam xa xôi hẻo lánh. Chàng lặng lẽ dùng những mảnh gỗ nhỏ ghép lại làm nên chiếc đàn dương cầm. Và nơi đó, giữa địa ngục thống khổ, giữa đám tù nhân rách rưới đói khát, chàng đã sáng tác nên bản nhạc dị thường chỉ mỗi mình chàng nghe được.*Tôi không là chàng trung úy ấy, không bị giam cầm, nhưng có bao buổi chiều, bao đêm khuya nơi chái lá ở ngôi trường hắt hiu hẻo lánh nầy, tôi sống âm thầm với những phong ba nhồi dập nội tâm. Tôi viết ra như những lời độc thoại, lảm nhảm một mình. Tôi viết như tiếng kêu bơ vơ của con chim nhạn lạc bầy, không tìm ra tổ, chẳng thấy nơi chốn để về lúc hoàng hôn buông xuống …
Tôi mang cái họ rặc Tàu: Tiêu Trường Thanh. Hẳn cũng nhiều người họ Tiêu, nhưng dây dòng của tôi chỉ biết được từ ông nội. Ông là hạt mầm theo gió cuốn trôi rơi xuống đất nầy. Và tôi là hạt cuối cùng còn khả dĩ lưu truyền cái họ. Nếu một bất trắc đưa đến cái chết cho tôi, cho đứa em gái thì là dấu chấm hết. Cũng gần trăm năm kể từ người ông lưu lạc, trăm năm rồi cũng rụi tàn! Có một phần tư dòng máu Hoa, nhưng chưa bao giờ tôi cảm nhận mình liên hệ gì đến đất nước Trung Hoa rộng lớn kia. Quê hương dân tộc trong trái tim mình, xác nhận lý lịch âu là hình thức. Tôi sinh ra nơi đây, không biết một tiếng Hoa nào, bà và má tôi là người Việt. Đây còn là nơi yên nghĩ của họ.
Ông nội mất lúc tôi chưa sinh, còn bà mất lúc tôi còn quá nhỏ nên cuộc đời hai người chỉ nghe ba tôi kể lại. Ông là người ở tỉnh Quãng Đông, một mình trôi dạt đến Việt Nam. Tôi nghĩ phải có hoàn cảnh bức bách lắm mới khiến ông ra đi đơn độc như vậy. Tôi cũng có giấc mộng phiêu bạt, nhưng chỉ trong ý tưởng. Ông trụ lại vùng đất phương nam làm nghề bốc thuốc rồi cưới được bà nhờ chữa khỏi bệnh cho ông cố. Nói thế nào về điều nầy? Có phải mọi diễn biến như định mệnh, và hình thù đời sống của ông bà con cháu được hình thành từ căn bệnh người cố?
Cưới bà rồi, bỗng nhiên đôi mắt ông bị mờ hẳn. Hai vợ chồng trẻ dắt dìu nhau sang Hồng Kông nương nhờ vào người chị ruột duy nhất của ông, bà nầy rời lục địa sang lập nghiệp nơi đó. Tại đây ba tôi chào đời, như vậy ba được sinh ra trên xứ sở của cha mình, dù đã thành nhượng địa nước Anh. Ở đó ba năm, đôi mắt không chữa khỏi, nội bị mù hẳn. Đất lạ, quê người, chồng mù con nhỏ, ngôn ngữ chưa thông và không thể bám nhờ mãi vào chị chồng, bà tôi đưa ông về lại quê nhà.
Bà hết sức vất vả buôn bán nuôi chồng nuôi con. Rồi bệnh tật thiếu thốn đưa ông đến cái chết lúc tuổi trung niên. Bây giờ thì hai mẹ con coi như chẳng còn liên hệ gì đến cộng đồng người Hoa, ngoài cái họ của ba, tuy vậy vẫn bị người trong xóm chọc gọi là “chệt”. Một định kiến phân biệt mà kẻ định cư xứ người phải cam chịu. Nhà nghèo nên ba tôi chẳng được học cao, chỉ hết tiểu học. Lớn lên, ông theo nghề thợ bạc và đó là nghề đã đeo đuổi suốt đời, nhưng chỉ làm công chứ chưa hề mở được tiệm làm chủ.
Đến khi ba tôi có vợ sinh tôi ra thì bà mất. Má tôi buôn bán, chơi hụi gây nợ nần chồng chất, phải bán căn nhà của nội để trả nợ. Căn nhà nhỏ nhưng là biết bao công khó nhọc của bà tạo dựng nên. Từ đó gia đình đi ở nhà thuê, cứ thay đổi luôn, mỗi chỗ đôi ba năm, và cũng loanh quanh trong phạm vi thị trấn.. Ngay ở tuổi thơ của tôi, cái không gian sống bị cắt vụn, chẳng có một kỷ niệm sâu đậm thân thuộc nào bén rễ từ căn nhà. Vì thế khi lớn lên, đi học xa tôi chưa bao giờ nhớ nhà, nhớ về nơi chốn của mình. Và hình ảnh đứa bé mong ngóng mẹ đi chợ về, những món đồ chơi, con diều giấy là những gì xa lạ trong ký ức. Phải bán nhà vì buôn bán, má tôi vẫn không từ bỏ chợ, chẳng bán thứ nầy thì bày cái khác. Ba tôi khốn khổ vì cái ghiền ấy. Hai người sống không hạnh phúc và ba chịu đựng. Sự chịu đựng quá lâu trở thành thói quen khiến ông mặc kệ với điều bất ý, chấp nhận bất hạnh đời mình. Nói như những kẻ khôn ngoan, biết vượt lên số phận thì ông là người ù lì, cam phận, yếu đuối, không ý chí nghị lực …Chẳng biết thời trai trẻ ba sống ra sao, có những đam mê giấc mộng gì? Từ lúc tôi biết thì chẳng thấy ông đi xa ngoài cái thị trấn nhỏ hẹp. Ông sống lặng lẽ, buồn tênh!
Thời thơ ấu của tôi trôi qua đầy tủi buồn, mặc cảm. Tôi không có được thương yêu trìu mến của má. Hằng ngày tôi bị má la mắng, đánh chửi. Chưa bao giờ nhận được lời ngọt ngào âu yếm hoặc một món quà đồ chơi má mua cho. Dưới mắt má, tôi là thứ quả báo, cái mầm tai quái mà bà phải gánh chịu. Tôi phản ứng bằng im lặng, lì lợm cố ý làm trái bà và càng bị coi là đứa bất thường ngỗ nghịch. Vì sao người mẹ không yêu thương đứa con mình sinh ra? Tôi lý giải nguyên nhân sự ghét bỏ ấy: ghép nhặt qua các mẫu chuyện rời rạc, tôi biết trong thời gian mang thai có sự bất hòa trầm trọng giữa ba tôi và bên ngoại, suýt đến đổ vỡ. Má tôi bỏ về sống với cha mẹ ruột ở một xã nhỏ miệt vườn. Từ đó, ba rất ít đến nhà ngoại. Sau nầy giữa tôi và các bà con bên má gần như là kẻ lạ người dưng. Rồi khi chào đời, tôi đã hành hạ người sinh ra mình. Suốt bốn tháng, tôi chỉ nằm yên trong tay ẵm bồng của má, mỗi lúc đặt xuống giường là giãy dụa khóc thét, da thịt tái tím như sắp chết. Má phải ôm tôi suốt mấy ngày đêm, làm lụng, sinh hoạt chỉ với một tay. Ba tôi kể: Tôi không chịu bú mẹ, mỗi lần bú thì ọc sữa ra nên chỉ uống sữa bò và nước cháo. Đến khi tôi chịu nằm xuống lại mang bệnh ghẻ, chốc lỡ khắp cả người, lầy lụa gớm ghiếc: “Thật là nghiệp chướng, sơn trường khổ ải!”. Má tôi hay nói câu ấy khi nhắc lại. Có phải từ vô thức sâu thẫm của một linh hồn, tôi phản kháng sự ra đời của mình, chống kiếp luân hồi bằng cách hành hạ người sinh ra mình! Còn má, trong giai đoạn mang nặng đẻ đau nên tâm hồn rất dễ bị kích động và sự rạng nứt hạnh phúc lúc ấy cùng nỗi quá khổ nhọc vì tôi đã tạo ấn tượng oan khiên, quả báo cho má!
Tình thương của ba dành cho tôi chỉ thể hiện âm thầm. Ông đi làm suốt ngày. Sự quan tâm của ba là cố lo cho tôi ăn học, thỉnh thoảng xem xét tập vở của tôi vào buổi tối. Ông rất khổ tâm phải thường xuyên nghe má hài tội, than phiền về tôi. Tôi nhớ mình không có bạn để chơi, ít khi tụ tập cùng bọn trẻ con hàng xóm. Thú vui lặng lẽ của tôi là ngồi vẽ lại, đồ lại những hình in trong sách, trong báo. Tôi chỉ đồ vẽ hình phụ nữ và bộ ngực cặp vú là chỗ hấp dẫn tôi? Tôi cũng nhớ nhiều lần trốn ra sau hè, ngồi trong góc kẹt khóc một mình mỗi khi ba má tôi gây gỗ với nhau mà chuyện ấy rất thường xảy ra.
Khúc nhạc đầu đời sai hỏng cung bậc đã trỗi lên thì nó vang vọng suốt cả đời. Mặc cảm bị ghét bỏ đè bẹp tuổi thơ hồn nhiên của tôi và hình thành lối sống khép kín, tư tưởng bi lụy bất thường. Vào tuổi 14, 15 tôi có những mơ tưởng lệch lạc. Bản tính nhút nhát, tôi mất hẳn tự nhiên khi đối diện hay trò chuyện với những đứa con gái học chung, có khi còn ghét chúng. Và tôi chỉ mơ tưởng đến các thiếu phụ lớn tuổi, tôi được những người tình ấy ôm ấp, yêu chiều đủ cách mà tôi tưởng tượng ra, còn tôi thì hành hạ đối xử thô bạo với họ. Đúng là mơ tưởng lạ lùng của một tâm hồn khuyết tật, một trả thù từ ức chế tình thương.
Sau tôi là đứa em gái: Tiêu Ngọc Lan. Má tôi lại rất mực yêu thương bé Lan. Lan là niềm vui hạnh phúc của bà, bù đắp cho thằng con chướng nghiệp quả báo. Tôi không hề ganh tị với em mình. Bây giờ chiêm nghiệm lại, tôi cho rằng má hành xử có nhân quả. Chính Lan sau nầy là đứa con hiếu thảo, chăm sóc thuốc men, thương yêu má nhiều nhất.
Một vết thương nung mủ có lành lại, dù không còn gây đau nhức nhưng vẫn hằn sẹo chẳng thể nào trơn nguyên láng mịn. Từ những năm tôi học sư phạm rồi ra trường đi dạy, không thường xuyên ở nhà thì thái độ má tôi đã thay đổi, không tỏ ra ghét bỏ như trước. Nhưng giữa mẹ con như có ngăn cách, không tự nhiên khi thăm hỏi trò chuyện. Lạ lùng điều nầy cũng diễn ra giữa tôi và Lan. Tình cảm nhập nhòa giữa yêu thương và xa lạ. Anh em có sự khắc khẩu với nhau nên ít khi chuyện trò tâm sự, mỗi người là một thế giới khép kín. Ruột thịt cũng cần học thương yêu, đâu phải tự nhiên có được. Ba má tôi chẳng dạy điều nầy. Một kỷ niệm ngày xưa cứ đọng mãi trong tôi. Vào buổi chiều hoàng hôn hiu hắc, nhà vắng vẻ, Lan ngồi co chân thui thủi một mình trước hiên thềm, thấy tôi bước vào, em nói: “Đời buồn quá anh Hai ơi!”. Mới sáu, bảy tuổi Lan đã thốt lời trầm thống! Tiếng than báo ứng cả một đời đơn độc của em. Ba tôi cũng nói: “Tội nghiệp, nó tuổi Canh Tý phải hứng chịu nỗi canh cô đơn độc”. Giờ hơn 30 rồi, Lan ở vậy không có người yêu. Nào phải xấu, Lan đẹp và hấp dẫn nữa là ngoại hình cao ráo, khuôn mặt phúc hậu đoan trang. Nhưng sao cuộc đời đầy nước mắt: Khóc cho mối tình đầu tan vỡ, khóc cho chướng nghiệp của mẹ cha … Nhiều khi tôi thấy mình quá nhẫn tâm!
* *
*
Tôi bỏ phí nhiều thời gian với những mơ mộng hão huyền hơn là chí thú học hành. Năm 1972 tôi đậu Tú tài, biết tình cảnh không thể tiếp tục lên đại học nên thi vào trường Cao đẳng Sư phạm. Đây là một đẩy đưa ngoài lựa chọn mong ước của tôi. Mà thật ra tôi chưa hề có một lý tưởng mục đích nào cho tương lai.
Năm 1975, Cách mạng thành công, miền Nam được giải phóng. Lan đang học lớp 12 thì bỏ ngang, nó nhốt mình trong buồng nằm lì lịch khóc suốt mấy ngày trời. Cả nhà biết Lan thất tình, nhưng không ai có thể can ngăn khuyên giải gì được. Mối tình đầu gảy đổ, người yêu của Lan là con trai một sĩ quan Hải quân đã theo gia đình di tản mà chẳng một lời từ biệt. Trước ngày trốn đi, anh còn gặp Lan bày lòng yêu thương chung thủy! Sự giả dối gây cú sốc to lớn, nghiền nát bao tin tưởng mơ ước của Lan. Vào tuổi hoa niên, tình yêu đầu đời được thăng hoa cao vời nên khi gãy đổ thì rơi nặng rơi sâu làm nỗi đau gấp bội. Lúc ấy cuộc sống hết sức khó khăn, sau chiến tranh nền kinh tế kiệt quệ. Cũng như phần đông, gia đình tôi lâm vào cảnh túng quẫn. Ba tôi thất nghiệp, nghề thợ bạc bị cấm đoán không được làm cá thể. Trước tình cảnh ấy, sau hơn tuần sống như kẻ mất hồn, Lan trỗi dậy với một con người khác, nó lao ra chợ buôn bán, vượt qua nỗi đau bằng công việc. Lan trám vết thương lòng với trách nhiệm người con, nghĩ lo cho ba má. Lan có nghị lực mạnh hơn tôi nghĩ.
Năm ấy, tôi cũng tốt nghiệp sư phạm. Khi tình hình ổn định, lớp chúng tôi tập trung học một khóa chính trị ngắn. Trong thời gian học, giáo sinh phải làm lý lịch đến hai ba lần. Sau đó lần lượt mỗi người nhận được quyết định về các trường. Tôi về một trường thuộc xã vùng sâu, nhưng có một cô bạn tên Nữ không được bổ nhiệm. Mọi người đều hiểu nguyên nhân, Nữ là con một Trung tá chế độ cũ đang cải tạo ngoài Bắc. Học chung ba năm, tôi chẳng để ý nhiều đến Nữ, nàng có vẻ trầm lặng xa cách, ít giao tiếp bạn bè. Tôi cho đó là thói kênh kiệu của con nhà giàu, chức quyền. Giờ xã hội đã thay đổi, thấy chạnh lòng vì Nữ bị đối xử phân biệt, tâm trạng của “Bầu ơi, thương lấy bí cùng, …” tôi tìm đến thăm với tình cảm bạn bè chia sẻ.
Nữ sống với bà cô ruột, tuổi trên 40, còn độc thân trong căn nhà ở mặt tiền con đường tại thị xã. Tôi phân tích lập luận, nói như một cán bộ cán bộ chính trị: “Đây là giai đoạn nhất thời khi đất nước mới giải phóng, còn nhiều thế lực thì địch chống đối từ bên trong, bên ngoài nên chính quyền phải ngăn ngừa đề phòng. Phải bảo vệ cái thành quả to lớn mà biết bao hy sinh xương máu đổ ra mới dành được. Có chế độ nào tin tưởng giao công việc cho kẻ ở trong thành phần từng chống phá mình, dù là ở ngành giáo dục …”. Tôi khuyên Nữ hãy tin tưởng, quá khứ sẽ lùi dần, mọi việc sẽ qua đi và chính quyền sẽ có cái nhìn thoáng hơn …
Qua đôi lần trò chuyện, Nữ có cảm tình với tôi, không phải từ những lời an ủi ấy mà vì sự quan tâm thành thật của tôi. Còn tôi bị thu hút bởi ánh mắt buồn buồn, nhận ra Nữ sống nhiều về nội tâm, thiên hướng u sầu. Một đồng điệu tâm hồn nên dễ lây cảm. Tôi cũng bị quyến rũ từ vẻ đẹp liêu trai nơi Nữ: Khuôn mặt nhỏ, da trắng mịn, mái tóc đen xõa dài. Dần dà tình cảm cả hai hướng mấp mé đến bờ tình yêu và rơi êm vào thung lũng hoa hồng. Cũng có những điều dường như Nữ muốn che dấu, chẳng hạn hỏi về thời niên thiếu hay về người mẹ. Có hỏi thì Nữ lãng tránh hoặc khóc! Tôi thắc mắc chẳng rõ cha mẹ nàng thôi nhau hay bà đã mất? Nhìn khắp gian phòng không thấy có bàn thờ, ảnh treo cha mẹ nàng.
Ngôi trường tôi dạy nằm ven con lộ đá lởm chởm nối liền với thị trấn huyện, trước mặt là những thửa ruộng liên tiếp chạy dài tới tận chân trời. Vào mùa lũ cả vùng biến thành biển cả mênh mông . Tôi ở nơi chái lá nhỏ cất nối với một dãy phòng học. Bên trong kê chiếc giường cá nhân, một bàn viết và một chiếc ghế. Các giáo viên từ địa phương khác đến dạy đều ở trọ nhà các phụ huynh.
Thời gian đầu về đây, cứ mỗi trưa thứ bảy tôi ra con lộ trước cổng trường đón chiếc xe đò về nhà ở thị trấn, cách 30 cây số. Mùa lũ, con lộ bị ngập, nhiều đoạn sâu hơn mét và lúc đó chỉ có xuồng, đò máy là phương tiện đi lại. Tôi về vì thấy các thầy cô ở xa đều nôn nóng ngày cuối tuần và nghĩ mình cũng có cha mẹ, có một người tình để ghé thăm. Đó là cái cớ, cái cớ rất hợp tình. Nếu chẳng còn một ràng buộc thân yêu, một nỗi nhớ mong hy vọng thì thật bất hạnh. Thật sự về nhà tôi cũng chẳng biết làm gì, chẳng giúp đỡ được gì. Mỗi tháng lãnh 13 ký gạo, mấy chục đồng lương (đổi tiền lần đầu) và vài món vật dụng xà phòng, bột ngọt …Ngay bản thân tôi sống còn vất vả thiếu hụt. Ba má tôi đã già, tất cả sống nhờ vào việc buôn bán của Lan. Ở nhà, tôi loay quay lui tới nằm ngồi hay đến rủ thằng bạn cũ còn lại đi cà phê. Đến chiều chủ nhật, xách túi nói một câu: Con về trường nha ba má!
Hai ba tuần, tôi xuống tỉnh ghé nhà Nữ. Buồn cười, dù gặp mặt, nhưng cả hai vẫn trao nhau lá thư đã viết sẵn. Bao nhiêu nỗi nhớ, cả những cảm nghĩ vụn vặt đều được viết kể trong thư. Bày tỏ tâm trạng qua thư viết dễ dàng hơn đối thoại trực diện, vì thế chúng tôi yêu nhau qua ánh mắt, bờ môi nhiều hơn lời nói.
Rồi qua thư, Nữ cho tôi biết sự thật về mẹ: Trước kia bà là thiếu nữ trẻ đẹp, nhỏ hơn cha đến 12 tuổi. Cuộc hôn nhân chẳng bởi tình yêu mà do sự thúc ép của gia đình, là kết hợp giữa hai ham muốn qua lại. Như vợ một số tướng tá thời ấy, bà đua đòi ăn diện, làm giàu bằng buôn lậu nhờ thế lực của chồng. Bà chẳng quan tâm chăm lo gì đến Nữ. Suốt thời thơ ấu Nữ gần gũi bà cô, được cô ẵm bồng nuôi dạy nên nàng yêu thương quyến luyến cô hơn cả mẹ mình. Cũng như tôi, Nữ khiếm khuyết hụt hẫng tình mẫu tử. Rồi khi cha nàng đi cải tạo thì người mẹ phản trắc thay lòng, dang díu với một thương gia giàu có, đã từng hùn hạp áp phe trước đây và cả hai vượt biên . Từ đó, không có một tin tức nào về bà …
Chung một niềm đau, mặc cảm về mẹ, tôi với Nữ càng hiểu và thương nhau hơn. Theo năm tháng, tình yêu thấm đậm nồng nàn, cùng mơ nghĩ đến ngày chung sống bên nhau. Bàn đến việc nầy, Nữ bảo cố đợi khi cha nàng về. Tôi thật lòng nghĩ tới tương lai, đến mái ấm riêng tư, một chốn đi về trong tình yêu trách nhiệm. Đây cũng là điều ba tôi mong mỏi, tôi là đứa con trai duy nhất trong nhà. Ba nói: “Con cũng lớn rồi, liệu lo lập gia đình cho yên phận đời người. Sự yên phận của mình cũng là cách làm vui lòng người thân”. Vâng, chuyện cưới vợ của tôi sẽ làm vui lòng ba má và sẽ là sự thay đổi tốt đẹp cho cuộc sống của tôi.
Được tin cha Nữ đã về, ông đi cải tạo sáu năm, cũng là độ dài thời gian tôi và Nữ yêu nhau. Tôi xuống thăm. Đó là người đàn ông tuổi độ 60, mái tóc bạc trắng, có vẻ cay đắng thế sự tình đời. Ông trò chuyện thăm hỏi gia đình cuộc sống của tôi theo cách xã giao thông thường, chẳng nhiệt tình lắm. Có phải mặc cảm kẻ bại trận cùng nỗi đau từ người vợ phản trắc, dù có hơn 20 năm chung sống đã lấy mất niềm tin và lòng thủy chung vào hôn nhân bền chặt? Hay ông đã định đặt một tương lai khác cho mình, cho con?
Hè năm ấy, anh Trọng hiệu trưởng cho biết có hai giáo viên mới về trường và tôi muốn chuyển đi thì làm đơn gởi về phòng. Tôi được ưu tiên thâm niên. Việc nhắc của Trọng cho tôi quyết định, xin về thị xã và sẽ tổ chức cưới Nữ. Tôi không muốn về căn nhà ở thị trấn, nay là của Lan. Từ những năm buôn bán nhỏ, Lan dành dụm sang được một quầy bán quần áo may sẵn. Khá phát đạt, Lan mua lại căn nhà cũ mục đã thuê quá lâu, cho dở bỏ tất cả, xây cất căn nhà tường. Và hiện tại chỉ mình Lan nuôi dưỡng ba má tôi.
Nộp đơn cho Trọng xong, lòng đầy khấp khởi, tôi xuống Nữ, cũng muốn gặp trực tiếp người cha. Tưởng tượng là Nữ sẽ vui mừng đón nhận điều nầy, điều mà cả hai mong đợi đã lâu. Cha nàng đi vắng. Nhưng tôi sững sờ khinh ngạc, Nữ im lặng khi tôi mở lời chuyện bước đến hôn nhân. Gặng hỏi thì Nữ bật khóc nghẹn ngào. Tôi nhớ khi hỏi về người mẹ, chạm đến nỗi đau, Nữ cũng khóc mà không nói được. Có những người có thể kể lễ suốt buổi về uẩn khúc của mình, còn Nữ bị ức chế không diễn đạt được. Biết vậy, tôi vẫn bị hụt hẫng nặng nề, thấy nhiệt tình của mình không được đáp ứng như mong nghĩ. Quá thất vọng, tự ái bị xúc phạm, tôi đứng dậy ra về.
Suốt những ngày sau, tôi sống với tâm trạng dằn vặt, nghi vấn. Bao câu hỏi đặt ra. Khổ tâm, nhưng tôi cố dằn lòng, đợi đến hai tuần mới trở xuống. Phải gặp Nữ, dù một lần cuối. Nhà khép kín cửa, tôi gõ hồi lâu, bà cô ra mở. Nét mặt buồn rầu, bà đưa cho tôi lá thư của Nữ và nói: “Nữ cùng cha lên sống ở Sài Gòn chờ ngày xuất cảnh sang Mỹ. Hai người đã nhận xong hộ chiếu”. Tôi hỏi địa chỉ hiện giờ của Nữ thì bà bảo không rõ. Bà cô muốn dấu, còn người cha thì muốn Nữ có thời gian chịu đựng trước khi đoạn tuyệt mối tình? Bà khóc: “Cô cũng không ngờ có sự ra đi nhanh chóng thế nầy. Phải xa lìa Nữ là nỗi khổ của cô. Nó là niềm vui an ủi, từ nhỏ cô ẵm bồng, thương yêu chăm sóc nó như chính con đẻ của mình. Đời nó bất hạnh, có mẹ nhưng chẳng ra gì. Thôi cháu hãy cố quên đi, chuyện đời có đó mất đó, không ai biết được điều gì xảy đến trong tương lai …”. Trong nhiều lần tôi ghé, bà cô không phản đối mối tình của chúng tôi, còn có ý muốn tác hợp nữa. Nhưng giờ thì bà thấy trở ngại khó vượt quá. Lúc ấy, những kẻ ra đi chẳng ai nghĩ rằng sẽ có ngày trở về. Có biết bao bi kịch xảy ra khi thời thế đổi thay. Còn gì nữa, mọi sự đã an bài! Tôi ra về, cánh cửa khép lại, nghe tiếng rít cửa nghiến nhói tim mình. Đi về đâu? Hạnh phúc như giấc mơ, khu vườn ảo diệu đóng chặt từ đây …
Về trường, tôi mở đọc lá thư, tờ thư lem nhòa nước mắt: “Thanh ơi! Em gọi tên anh mà cõi lòng xé nát. Hãy tha thứ và hãy cố quên đi! Em rất yêu anh, mong muốn cùng được bên nhau suốt đời. Em đã tìm gặp một nửa của mình, tưởng sẽ bước vào khu vườn hoa mộng. Nhưng vị thần giữ vườn vung gươm xua đuổi. Phải chăng là số phận đôi ta?
Hồ sơ xuất cảnh diện H.O của cha có em (cha nghĩ đó là điều đương nhiên) và điều kiện em phải còn độc thân. Tình cha con đương nhiên ấy đã khống chế trái tim em, vì làm sao em có thể lìa xa cha, bỏ ông một mình trên xứ lạ. Em đâu còn sự lựa chọn nào khác hơn khi tình máu mủ lên tiếng quyết định.
Mai nầy, nơi phương trời xa lạ, cuộc đời em sẽ ra sao? Em không màng nghĩ đến, nhưng nỗi đau buồn sẽ vương mang suốt cả tháng năm còn lại. Mong rằng sự huyền diệu của tình yêu giúp anh thăng bằng trong cuộc sống. Anh hãy coi đây là những dòng chữ cuối cùng của em. Chúc anh đủ nghị lực để quên em! Vĩnh biệt”.
Đến gặp Trọng, tôi nói: “Tôi ở lại đây, không đổi đi đâu cả”. Trọng rất ngạc nhiên: “Có chuyện gì thế? Ở phòng đã đồng ý và chuyển đơn về Sở để ra quyết định”. “Anh giúp tôi rút đơn lại”. Trọng thắc mắc: “Trừ giáo viên người địa phương, còn thầy cô nơi khác ai cũng muốn mau được đổi đi”. “Tôi khác họ”. “Bộ muốn bám rễ ở cái trường xa xôi, hiu hắt này?”. “Tôi trơ trọi một mình, chẳng có nhánh rễ gì cả”.
* *
*
Thế là Nữ đã ra đi, để lại khoảng trống mênh mông trong hồn tôi, nỗi cô quạnh nặng nề hơn. Bao nhiêu kỷ niệm cùng bóng hình Nữ cứ ám ảnh không nguôi. Nhưng tự sâu lòng, tôi mong Nữ được nguôi ngoa, yên phận xứ người …
Má tôi mất đúng hai năm sau ngày Nữ ra đi, rồi hai năm sau đến lượt ba tôi. Nỗi bất hạnh mất mát như có một chu kỳ nhất định. Mỗi khi nhớ đến cái chết của hai người, tôi có dấu hỏi ray rứt. Con người từ cõi hư vô bước đến trần gian rồi sẽ trở lại với hư vô, thế nhưng trong quy luật tuyệt đối ấy hầu như có sự phân định? Có cái chết thanh thản nhẹ nhàng và cái chết kéo dài tra tấn đau đớn. Căn quả mỗi người không được ân giảm!
Má tôi bị loãng xương trầm trọng. Lại thêm di căn ung thư từ trước, thoái hóa cột sống … bao nhiêu chứng hiểm nghèo dồn lại. Rồi thời gian nằm một chỗ quá lâu tạo nên các vết lở loét ở lưng, ở đùi càng tăng thêm đau nhức. Má nằm liệt, ăn uống phải mớm đút, tiêu tiểu tại chỗ. Thân thể co rút, chỉ còn lại bộ xương cong quằng. Trừ lúc cơn mê biến bà thành người vô giác còn khi thức tỉnh phải chịu đau đớn hành hạ, cơn đau phát ra từ xương tủy. Má kêu rên thảm não, tiếng rên nghe đến xé lòng. Nếu có sự trừng phạt do căn quả thì đây là kiếp nạn mà má tôi phải trả. Tôi cho rằng thiên đàng hay địa ngục ngay ở trần gian.
Ba tôi suy tim nặng. Bệnh án ghi: suy tim cấp ba, hở van hai lá, nhũng não, tràn dịch màng phổi … Suốt ngày đêm ông ngồi co quắp người rên rỉ, chịu đựng sự tra khảo liên tục, sống dở chết dở kéo dài đến hai năm. Bệnh tim có di truyền không? Trước kia nội tôi cũng chết vì bệnh nầy, và thời gian gần đây, tôi thường bị mệt, thỉnh thoảng đau nơi ngực, nhoi nhói trái tim. Tôi lại không bỏ được thuốc lá.
Chứng kiến bệnh hoạn hành hạ người thân, lòng tôi xốn xang và thường cầu mong cái chết nhanh chóng đến giải thoát. Ít nhất một lần trong đời, ai cũng có điều mong cái chết cho người khác. Nhưng khi ba má đã chết thì tôi bị dày vò vì ý nghĩ ấy của mình. Thêm nỗi ân hận thấy mình là đứa bất hiếu, tôi chẳng chăm sóc phụng dưỡng được gì cho hai người. Mỗi cuối tuần về nhà, chỉ phụ đôi chuyện vặt vãnh và nhói lòng nhìn nỗi khốn khổ của người thân mà bất lực. Thương nghĩ có thể hiện cụ thể mới gia giảm, nguôi ngoai ân hận về sau, tôi chẳng làm được điều nầy.
Lan là đứa con có hiếu. Nhà rất đơn chiếc, Lan phải buôn bán kiếm tiền nên thuê người giúp việc, nhưng chuyện tắm rửa, đút cơm nước, lo thuốc men cho cha mẹ một tay Lan làm lấy. Trong suốt những năm nầy, thái độ của Lan đối với tôi lạ lẫm. Lan hờ hững như không có sự hiện diện của tôi, coi tôi như khách lạ. Dưới đánh giá của Lan tôi là thằng tắc trách, vị kỷ, vô cảm … Đau! Nhưng đúng là những điều tôi tự rủa xả mình. Từ nhỏ lớn lên đi học rồi đi dạy, tôi có làm được điều gì cho cha mẹ, tôi có chia sẻ cuộc sống với đứa em mình. Mà đời Lan có thể còn đau buồn, hụt hẫng hơn tôi! Lan chỉ chấp nhận tôi làm một việc cuối cùng: Mang khăn tang và đưa ba má ra nghĩa trang, lo xây mộ phần với đồng tiền của Lan bỏ ra. Mộ ba má tôi nằm chung nghĩa trang với ông bà nội.
Giờ chỉ còn mỗi mình Lan, tôi nghĩ mình phải ghé nhà thường hơn, phải quan tâm gần gũi hơn cùng em mình. Nhưng việc đó không dễ dàng. Sự khắc khẩu, khắc tính biến tôi với Lan thành xa lạ, hay chúng tôi là hai kẻ không bình thường! Tôi gợi chuyện thăm hỏi việc sinh hoạt buôn bán, Lan gượng gạo trả lời, đối đáp nhát gừng. Tôi mất tự nhiên, ngồi thừ một chỗ, đến thắp nén nhang trên bàn thờ rồi buồn bã ra đi …
Ở trường, nơi chái lá riêng rẽ, tôi đặt hai tấm ảnh bán thân của ba má trên bàn viết. Đó là hành trang duy nhất tôi mang theo. Tôi không bày lư hương vì nơi nầy có phải là nhà đâu mà lập bàn thờ, mà rước vong linh ba má tôi về. Mà về chi với thằng con bất hiếu, lạc lòng …
Những buổi chiều tan học, không gian vắng lặng, ngôi trường im sửng trong bóng hoàng hôn nhòa nhạt. Tôi ngạc nhiên nhận ra mình ở đây đến 12 năm rồi. Mười hai năm sao không thấy thân quen, vẫn như chốn lạ, như tôi là kẻ lạ trong cuộc đời nầy. Mỗi ngày trôi qua như mọi ngày. Thời gian vô nghĩa với cuộc sống mờ nhạt cùng niềm đau quá vãng. Mà đời mình có thật éo le bi đát như bao số phận nghiệt ngã khác? Hay: “Với loài kiến thì một giọt sương cũng là trận lũ”. Một kẻ tầm thường cứ trầm trọng hóa nỗi buồn của mình. Tôi ứa nước mắt vì cái tầm thường.
Điều quan trọng bây giờ là đối mặt với cuộc sống, cũng như đồng sống cùng quá khứ của mình. Cái quá khứ thời thơ ấu với một lỗ đen trong tâm hồn, hụt hẫng tình mẹ và một nơi chốn để tha thiết nhớ về. Quá khứ đau buồn với cuộc tình gãy đổ và nỗi ân hận bởi chẳng làm được điều gì cho ba má vui lòng, rồi đứa em duy nhất cũng thành xa lạ … Tất cả đã như vậy không thể nào thay đổi, không thể nào khác đi. Nếu được khác đi thì sẽ ra sao?
Ba tôi chẳng nói: “Mỗi người đều mang một chướng nghiệp”. Thôi thì cứ sống, chấp nhận nó. Có dễ dàng không? “Thật ra thì quá khứ của một người cũng chính là cuộc sống của người đó, vì nếu không có quá khứ thì chẳng lẽ sống với hư vô hay sao?”. Tôi đọc câu nầy trong một cuốn sách. Hãy tưởng tượng lúc tôi sinh ra bị chứng bại não. Tôi không có trí nhớ, không có ý niệm về không gian, thời gian về ông bà cha mẹ … Tôi sống như loài thực vật. Bỗng 36 năm sau thoát khỏi căn bệnh quái ác, phục hồi đầy đủ ý thức và tình cảm. Lúc đó, tôi ra sao? Không có quá khứ để hoài niệm, 36 năm sau lưng là cái hố thẳm hư vô mù mịt!
3. Lúc dọn dẹp căn chái của Thanh, tôi nảy ý muốn đến đó ở. Mấy năm nay, những ngày đi dạy tôi trọ nhà anh Năm lao công trường, cũng không có điều phiền phức, nhưng dù sao riêng tư một mình vẫn thoải mái hơn. Tôi tin có linh hồn và chuyện ma hiện hình do một tương hợp tâm linh ở vài kẻ nào đó, dân gian gọi là “người mạnh bóng vía”. Nếu hồn Thanh có hiện về với tôi, cũng là “ma bạn”.
Tôi ngủ trên chiếc giường của Thanh. Một đêm nửa khuya chợt giấc nghe có tiếng động, bên ngoài mưa rả rít, gió thổi ù ù. Cho rằng tiếng động ấy do gió, tôi kéo mền trùm người dỗ lại giấc ngủ. Và trong cơn chập chờn, tôi thấy Thanh bước vào, anh kéo ghế ngồi cận giường. Khuôn mặt xanh xao buồn bã, anh đọc bài thơ:
“Linh hồn ấy ngục xin kham
Lời sai trên miệng sẽ không là lời
Xin mùa lá rụng và rơi
Sẽ lên đường gặp ấy trời mùa sau
Ra đi hẹn với xuân đầu
Buổi hồi nguyên lại pha màu bình minh…”
Tôi lạnh người tỉnh hẳn, ngồi dậy bật đèn. Và thật lạ lùng, nhìn thấy một tờ giấy nơi kẹt bàn. Sao những ngày qua không thấy? Tờ giấy chép bài thơ “Lời xuân” của Bùi Giáng mà chính Thanh vừa đọc. Có những điều trùng hợp không giải thích được. Bỗng nhớ ngày mai là đúng thất tuần của Thanh. Nhiều người tin, đó là thời điểm linh hồn người chết rời khỏi dương trần đi về cõi khác? Có phải Thanh đến giã biệt tôi?
Ngay hôm sau, xong tiết dạy buổi sáng, vừa về chái lá của mình thì Trọng bước đến, vẻ mặt quan trọng. Anh nói: “Có một phụ nữ tìm Thanh, cô ta bao honda ôm tìm trường từ sáng đến giờ. Tôi đoán đó là Nữ, người yêu của Thanh mà chú có kể cho nghe. Chú rõ chuyện Thanh, nhờ chú tế nhị khéo léo nói chuyện với cô ấy. Tôi lên văn phòng mời cô xuống”.
Chưa gặp bao giờ, nhưng vừa nhìn người phụ nữ, tôi biết ngay đó là Nữ. Da trắng, mái tóc đen dài, ánh mắt u buồn. Đúng là Nữ. Đã đọc câu chuyện đời Thanh, biết qua gia cảnh của chị. Hiểu tâm trạng chị đang nôn nao sau sáu năm chờ mong hy vọng. Tôi cố nhấn nhá thời gian cho chị bớt hồi hộp lo lắng trước khi nhận một cú giáng thẫm sầu. Tôi hỏi: “Chị về bao giờ, bác trai có khỏe mạnh?”. “Mới hôm qua. Cha tôi đã chết hơn hai năm rồi!”. “Thật không ngờ, xin chia buồn cùng chị. Bà cô còn ở dưới thị xã?”. “Cô đang sống cùng tôi bên Mỹ. Cha kịp bảo lãnh cho cô trước khi chết”. Rồi không còn kiên nhẫn, chị hỏi: “Cậu giúp cho biết Thanh đang ở đâu, ra sao?”. Tôi bối rối, thấy quá khó khăn khi phải báo một tin làm tan vỡ con tim người khác, như người có lương tâm buộc phải làm một hành vi tội lỗi! Thu hết can đảm, tôi nói: “Chị hãy bình tĩnh, thật bình tĩnh. Anh Thanh chết cách nay đúng 49 ngày!”. Nữ ngồi phịch xuống giường. Tôi đưa tay choàng sau vai chị, lo chị té ngã. Đôi mắt chị mở to, tôi chỉ có thể mô tả đó là ánh mắt lạc hồn của người vừa hướt hơi thở cuối cùng! Và từ đôi mắt ấy, hai dòng lệ tuôn xuống. Đôi vai rung rung, chị mím môi câm lặng. Thời gian chết sững. Tôi nhớ trong quyển vở, Thanh có viết: Trước nỗi đau to lớn, Nữ bị ức chế ngôn ngữ. Tôi nói để muốn kéo chị về hiện tại: “Đây là căn phòng trước đây Thanh ở và cũng chết tại chiếc giường chị ngồi!”. Tôi lấy quyển vở đưa cho Nữ: “Còn đây là kỷ vật của anh”. Chỉ nói được hai câu ấy rồi tôi ngồi thừ ra, suy nghĩ lang man: Nếu Nữ về sớm hơn, biết đâu mọi chuyện sẽ khác đi? Tình yêu có những điều huyền diệu. Hạnh phúc ngỡ mất gặp lại, sự dâng tràn niềm vui sẽ nông rộng làm dãn nở mạch máu tim Thanh. Nhưng thật oan nghiệt, có phải định mệnh định đặt như vậy! Sáu năm đăng đẳng xứ người, nay trở về tìm lại cuộc tình đã mất, mong bắt lại nhịp cầu xưa. Nhưng tất cả sụp đổ thê thiết. Sự trở về còn đau đớn hơn lúc ra đi, trở về là vĩnh biệt! …
Tôi có thể nói gì, an ủi gì với chị ngoài kể lại nguyên do cái chết của Thanh, bảo là: “Dù sao anh cũng ra đi nhẹ nhàng, nhanh chóng như một giấc ngủ say”. Rồi chị cũng mở lời: “Xin nhờ cậu đưa tôi ghé căn nhà Thanh từng ở, chỗ anh đang nằm”. Tôi lên gặp Trọng xin nghĩ giờ buổi chiều, mượn chiếc Honda của anh chở Nữ về nhà Lan ngoài thị trấn.
Khi tôi và Nữ bước vào, thấy Lan đang tụng kinh trước bàn thờ đặt di ảnh của Thanh kê dựa vách bên phải, đối diện bên trái là hai bàn thờ lớn hơn của ông bà cha mẹ. Lan quay lại nhìn, khẽ gật đầu, miệng vẫn đọc kinh. Tôi hiểu ý bảo Nữ ngồi chờ. Lan mặc chiếc đạo tràng màu nâu mà những người quy y Phật vẫn mặc, tóc cắt rất ngắn. Khuôn mặt Lan có vẻ bình thản, không biểu lộ xao động vì sự có mặt của Nữ và tôi. Tôi nhận ra sự thay đổi ở Lan và cả căn phòng. Một bàn thờ lớn ở giữa đặt pho tượng Phật Thích Ca, cùng chuông mõ, lư hương được bày trí như chính điện một ngôi chùa nhỏ. Tiếng mõ đều đều hòa với lời tụng của Lan vang lên âm thanh trầm mặc u buồn. Rồi ba tiếng chuông báo dứt hồi kinh, Lan quay ra chấp tay chào chúng tôi: “A di đà Phật”. Cô nhìn Nữ: “Trong tâm thức, tôi nhận ra chị ngay. Hôm nay đúng 49 ngày anh ấy mất. Tôi tụng kinh cầu siêu cho anh”. Thấy chiếc khăn tang trên bàn thờ, có lẽ của Lan hôm đám, Nữ lấy bịt lên đầu. Chị thắp nhang quỳ lạy, bật khóc thành tiếng. Tôi cũng thắp nhang, ứa nước mắt. Chờ Nữ lạy xong, Lan nói: “Món nợ lớn nhất của đời người là tình yêu. Đau khổ lớn nhất cũng là tình yêu khi mất nó. Việc mất còn là lẽ vô thường, tất cả đều do căn nghiệp mỗi người. Mong rằng chị ngộ ra điều ấy để lòng vơi bớt khổ sầu …”. Lan nhìn ảnh Thanh, nói như tự thú với chính mình: “Do cái nghiệp từ vô