DẤU XƯA - Lâm Thanh Nghiêm -

DẤU XƯA

Nghị định số 1185 GD/ PC/ NĐ ngày 24- 8- 1963 của Bộ Giáo Dục cải tổ trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao thành Trường Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Loại trường Trung Học đầu tiên trong nước với chương trình học gồm cả phổ thông và chuyên môn. Tôi là một trong số hơn một trăm học sinh ở khắp các vùng miền, từ Quảng Trị đến Cà Mau vào học ở ngôi trường này, niên khóa 1963 -1966.

Đây là tầm nhìn hướng đi đúng đắn của Bộ Giáo Dục, mà công đầu của Bác Sĩ Đặng Quang Điện, giám đốc Nha Học Vụ Nông Lâm Súc bấy giờ. Việt Nam là nước nông nghiệp, hơn 80% dân số sống nghề nông, mang kiến thức trồng trọt , chăn nuôi đến học sinh vùng nông thôn là điều thiết thực cho phát triển đất nước. Phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thong không có điều kiện, khả năng tiếp tục lên đại học , nên với chương trình hướng nghiệp có căn bản chiều sâu giúp các em kiền thức để trở về canh tác ngay trên thửa ruộng mảnh vườn của gia đình mình.

Bắt đầu từ Bảo Lộc, hệ thống trường Trung Học Nông Lâm Súc mở rộng ra ở Huế, Cần Thơ, Bình Dương, Tây Ninh…… Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy ở các trường Nông Lân Súc, bác sĩ Điện khai sinh ngành Sư Phạm, đào tạo giáo sư Nông Lâm Súc. Khóa sư phạm đầu tiên mở năm 1966 chỉ có khoảng 30 giáo sinh, tất cả đang học Kiểm sự được tuyển qua.

Cuối năm 1968, tôi tốt nghiệp khóa I Sư Phạm Nông Lâm Súc. Sự vụ lệnh ngày 20-11-1968 bổ nhiệm tôi ( Ban Canh Nông) và Từ Văn Trường ( Ban Mục Súc, có biệt danh là Trường Ồ, vì giọng nói ồ ồ. Hiện anh định cư ở Úc) về Trung Tâm Canh Mục Ninh Thuận. Ở Ninh Thuận trường lớp chưa có, chưa tổ chức tuyển sinh  nên tôi nấn ná ở lại Nha Học Vụ và gần tháng sau  chuyển về trường Công Đồng Nông Lâm Súc Chợ Gạo. ( Định Tường). Từ năm 1968 song song với việc mở rộng  các trường Trung Học Nông Lâm Súc, Bộ Giáo Dục cũng chủ trương thành lập trường Cộng Đồng thu nhận học sinh cuối cấp tiểu học chuyển lên lớp Đệ Thất ( Lớp 6 ), học hết  lớp Đệ Lục ( lớp 7), các em thi vào lớp Đệ Ngũ ( lớp 8 ) trường Nông Lâm Súc chính thức. Về Chợ Gạo với tôi có Trần Văn Hồng ( Ban Mục Súc). Hồng quê ở Bến Tre , cùng học ở Bảo Lộc, cùng vào Sư Phạm và cùng về một trường, tình bạn gắn bó lâu dài cho đến hôm nay ( hơn 50 năm).


 Lâm Thành Nghiêm

Trường Chợ Gạo là nhiệm sở đầu tiên tôi bước vào nghề giáo. Định Tường là quê quán, nhưng ở quận Cai Lậy nên việc về tình nhà  không tạo thuận lợi cho việc đi dạy . ăn ở của tôi. Tôi thuê nhà tại thành phố Mỹ Tho, hàng ngày đi bộ một quảng xa xuống chợ Cũ, ngồi trên chiếc xe lam cà tưng nhảy dựng suốt tuyến đường hơn 10 cây số đầy đá hòn gồ ghề dằn sóc.

 Cầu Chợ Gạo chưa có, phải lên chiếc phà kéo bằng  dây cáp qua con song rộng, nước chảy xiết. Cái phương tiện qua sông hiếm thấy ở nơi khác. Một sợi dây thép lớn giăng ngang sông, mắc cố định hai đầu bờ. Người lái đứng trụ chân trên phà, dung chày gỗ nạy siết vào sợi thép để kéo phà qua kênh. Chưa hết, lên phà lại thể dục đôi chân cả cây số nữa mới tới trường. Lộ trình gian nan, bị động thời gian chờ đợi phà nên tôi thường xuyên đi trễ, có khi hơn nửa giờ. Ban giám hiệu thông cảm nên chẳng phản ứng trách cứ việc trể nãi của tôi, với lại tôi không thuộc diện quản lý của trường.

Nhớ những buổi trưa, tôi và Hồng ra quán chú Tủng ăn cơm rồi về lớp nằm vất vưởng trên băng ghế học trò đợi giờ dạy chiều. Bấy giờ ở trường có cô Kim Yênh dạy phổ thông. Học trò thêu dệt, gán ép chuyện tình cảm giữa cô và tôi, nhưng sự thật thì chẳng có gì. Ấn tượng về tháng ngày dạy ở Chợ Gạo là sự ngoan hiền chất phát của học sinh. Nhiều em đi học với đôi chân trần, lội bộ hai, ba cây số đường ruộng, ôm chiếc cặp đệm đơn sơ. Nơi môi trường quận lỵ, các em chưa ảnh hưởng sự biến chất ngổ ngáo như nơi đô thị, còn giữ nguyên nét hiền thục học trò nông thôn. Hầu hết các em sau đó đều lên học trường Trung Học Nông Lâm Súc Định Tường. Hình ảnh của tôi ngày xưa tái hiện lại nơi các em, mà ngày xưa tôi nào có mơ tưởng hay nghĩ mình sẽ làm thầy. Là tên lười học , tôi chỉ ngốn ngấu sách vở lúc cận ngày thi, Sao khiến xui làm nghề dạy học. Đúng là nghề chọn người.

Thời gian sau Hồng đổi về trường chính và Nguyễn Văn Triệu, Nguyễn Bửu Linh về tăng cường. Triệu quê Gò Công, cũng học ở Bảo Lộc sau tôi một lớp. Dáng người lùn lùn  chắc đậm. Có lẽ nhờ thời gian dạy trường  Chợ Gạo mà anh cưới được vợ  tại đây. Triệu ở chung gác trọ với tôi ở Mỹ Tho và là bạn chí cốt ăn nhậu! Hai đứa từng cộng tác với nhau ra tờ đặc san Nông Lâm Súc Định Tường. Sau đó anh đổi về Gò Công và mất tại quê nhà, không nhớ rõ năm nào. Còn Nguyễn Bửu Linh cùng khóa với tôi ở Bảo Lộc, anh rất mê Trần Thị Nguyện nhưng không được đáp ứng. Có phải vì thất tình mà anh bỏ học về quê? Rồi xin học lại ở Nông Lâm Súc Cần Thơ nên ra trường trễ. Sau 1975, Linh vượt biên định cư ở Canada với vợ và ba con, khi mất xác được đưa về Việt Nam.


                   

 Ba em học viên NLS Định Tường, Thầy Quân ( chồng cô Đức), Thầy Nguyễn Tấn Phúc HT, Thầy Nguyễn Công Bình

Tại điểm trường chính bầy giờ ( năm 1968), cơ sở vật chất chưa có, nên mượn đỡ trường Tiểu Học Tân Mỹ Chánh để giảng dạy và tổ chức hai thi tuyển hai lớp đệ ngũ ( lớp 8) đầu tiên. Nha cử Nguyễn Công Bình ( Canh Nông) làm Xử lý thường vụ. . Công Bình quê ở Sóc Trăng, người trắng trẻo , vẻ ngoài nhu nhã hiền hậu. Các bạn đặt biệt danh là “ Bình mặt đỏ”, vì mỗi khi xúc động anh đỏ mặt tía tai. Nhưng “ nhu nhu vác lu mà chạy”, nghe nói anh có mối tình bay bướm lúc thực tập sư phạm tại điểm trường Búng  (ở Bình Dương) với cô thư ký tên Hồng ở trường nầy. Năm1971 anh rời Định Tường chuyển về Nông Lâm Súc Ba Xuyên. Hiện anh bị tai biến phải ngồi xe lăn.

Nơi trường chính còn có Nguyễn Trung Bình ( Thủy lâm), Hà Kim Phụng ( Mục súc) và Phan Thị Thu Hà ( Canh Nông) đều cùng khóa với tôi. Ở Bảo Lộc, Nguyễn Trung Bình bị đặt biệt danh là “ Bình Mát” vì vài tính khí bất thường, nhưng các bạn chỉ dám gọi lén sau lưng. Có lần do thách thức  mà từ lan can lầu 1 của lưu xá C, anh  phóng nhảy xuống  đất với độ cao cả 4 mét. Trên vầng trán hằn những nếp nhăn sâu nên anh già hẳn như luôn có điều nghĩ ngợi. Học trò gọi anh là “Bình Già” để phân biệt với Công Bình là "Bình Trẻ". Về Định Tường, anh được đề cử làm Giám Canh, trường có chiếc xe Jeep mà khi anh lái thì người yếu tim chẳng bao giờ dám ngồi. Anh nhấn đạp hết ga, lúc bo cua chiếc xe nghiêng hẳn chỉ còn hai bánh bám vào mặt lộ. Sau năm 1975, anh về Sài Gòn và mất vì bệnh ( không rõ năm nào). Vào ngày 9-11-2013 trong buổi họp mặt lần thứ 6 với các bạn cùng khóa ( 1963-1966) tại Bảo Lộc có sự tham dự của chị Trần Thị Tuyết, vợ anh. Chị cho biết có hai con đều định cư và làm việc ở nước ngoài.




Cô Phan Thị Thu Hà


Cô Hà Kim Phụng

Chị Thu Hà, dáng vẻ đoan trang phúc hậu, đôi mắt đẹp buồn. Cái buồn như bám vào hậu vận đời chị. Ở Bảo Lộc chị được nhóm thất nương (Hà, Phụng, Hoàng, Nguyệt, Nguyện, Đức, Hạnh) tôn làm chị hai. Chị từng làm điên đảo mấy con tim. Có người phải dùng Optalidon mà giải cảm! Hiện nay chị ở Bà Rịa – Vũng Tàu, tuổi già đau bệnh,… Còn chị Phụng? Tôi cảm thấy e ngại khi đưa ra nhận xét. Nghiêm nghị, dạo mạo, sống khép kín nội tâm. Tôi xin lỗi, nhắc đến các bạn như một kỷ niệm chứ không phải bươi xới tính cách riêng tư. Chắc hẳn, đời ai chẳng có những tâm sự buồn, nỗi lòng thầm kín. Anh Nguyễn Công Bình làm Xữ lý thương vụ trường chỉ thời gian ngắn ngủi thì Nha cử Ông Nguyễn Tấn Púc về làm Hiệu Trưởng chinh thức. Tôi dạy tại trường Chợ Gạo nên chẳng có kỷ niệm nào với ông. Ông Phúc tốt nghiệp khóa II  Cao Đẳng trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao? Tính điềm đạm, tác phong nhà giáo mẫu mực. Ông có công trong việc xây dựng cơ sở nhà trường. Đến năm 1971 trường xây xong hai dãy lớp học, văn phòng , nhà kho, trại chăn nuôi, ao cá,…trên diện tích cả 4 ha thuộc xã Tân Mỹ Chánh. Năm 1972, ông Phúc về Nha, bàn giao chức Hiệu trưởng cho ông Nguyễn Thanh Vân. Cũng đầu năm nầy tôi được chuyển về trường Trung học Nông Lâm Súc Định Tường. Quy mô trường mở rộng với khoảng 600 học sinh từ lớp 6 đền lớp 12. Thành phần ban giảng huấn hơn 30 người gồm cả phổ thong và chuyên môn. Phần lớn các thầy cô tuổi đời còn trẻ, trên dưới 30 , lòng đầy nhiệt huyết.

Nhu cầu giáo sư đệ II cấp Nông Lâm Súc bấy giờ thiếu rất nhiều, nên Nha Học vụ mở các khóa tu nghiệp ngắn hạn trong dịp hè để sau khi lấy đủ tín chỉ, các Giáo sư sẽ được cải ngạch sang bậc đệ nhị cấp. Vậy là đầu tháng 9 năm 1972 tôi dự khóa tu nghiệp đầu tiên lấy hai tín chỉ về trồng lúa, rau cải. Đến tháng 9 năm 1974 học lớp tu nghiệp thăng tiến hơn 4 tháng và hội đủ tiêu chuẩn được cải ngạch, nhưng biến cố 30-4-1975 xảy ra đã chấm dứt con đường thăng tiến.

Không như thói đời “xấu che , tốt khoe”. Về trường Định Tường, tôi du mình vào hư đốn, sa đà trong rượu. Gần 30 tuổi đời vẫn chưa chín chắn trưởng thành, mang niềm tự hào rởm, nghĩ mình là giáo sư , hạng trí thức. Cái ý nghĩ từ quan niệm xã hội: Giáo sư, Bác sĩ được nể trọng, được coi như thành đạt và tiệc tùng, ăn nhậu như một phong cách của người sành điệu, kẻ chịu chơi! Thấy một điều, nhiều dân Nam xuất thân từ trường NLS đều là những cây rượu tầm cỡ? Dễ đánh mất mình, tôi bị rủ rê lôi kéo từ các giáo viên trong trường , nhất là đầu tàu  Hiệu Trưởng. Thầy Nguyễn Thanh Vân có nét lãng tử nghệ sĩ hơn là phong cách nhà mô phạm. Ông trang phục xề xòa, quần Jean bạc màu, áo bỏ bên ngoài, mang đôi dép da cũ mòn, hút thuốc lá đen. Rượu càng vào càng im lặng lầm lì. Ác thay, tôi lại nghĩ mình hợp với phong cách như thế! Tuy nhiên ông là người tốt, sẵn sàng nâng đỡ học trò đàn em. Thông minh nhạy bén trong công việc điều hành. Sau năn 1975, thầy về dạy tại trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức và mất tại Cư xá Thanh Đa.

Đó là nỗi hối tiếc trong quảng đời đi dạy của tôi, rồi vài cuộc tình tan vỡ gây đau khổ cho người yêu tôi. Gia đình nghèo,tôi chẳng giúp gì được cho cha mẹ và các em. Tôi thật có lỗi với bản than, gia đình và người tình ngày ấy. Đã hơn 40 năm trôi qua, tất cả trở thành dĩ vãng. Ngôi trường Nông Lâm Súc Định Tường đã không còn. Người xưa, bạn cũ kẻ còn người mất. Lòng bùi ngùi mỗi khi nhớ lại:

“ Trường xưa người cũ nao lòng nhớ.

   Dĩ vãng xa rồi, tóc bạc phơ.”

 

Lâm Thành Nghiêm