BÀI PHÁT BIỂU CỦA CỰU HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG NÔNG LÂM SÚC ĐỊNH TƯỜNG TRONG NGÀY 1-5-2015

BÀI PHÁT BIỂU CỦA CỰU HIỆU TRƯỞNG

TRƯỜNG NÔNG LÂM SÚC ĐỊNH TƯỜNG

 TRONG NGÀY 1-5-2015

          Kính chào quý đại biểu,

     Thân ái chào các em cựu học sinh trường THNLS ĐT – BT thân mến,

Thay mặt thầy cô giáo và các cựu học sinh trường THNLS ĐT-BT tôi thành thật biết ơn Ban Giám Hiệu trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Nam Bộ đã có nhã ý cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi tổ chức họp mặt truyền thống hôm nay, lần đầu tiên tại hội trường lớn của trường.

Trong niềm vui trở về địa điểm trường cũ đã cách xa 40 năm, tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại cách đây gần nửa thế kỷ, thầy trò chúng tôi đã đến đây cuốc nhát cuốc đầu tiên “ động thổ” xây dựng trường Trung Học Nông Lâm Súc Định Tường. Trường Trung Học NLS Định Tường tồn tại 7 năm( 1968- 1975). Từ đó đến nay , trường đã thay đổi nhiều lần từ trường Bổ Túc Công Nông, Trường Trung Học Thủy Lợi 3, Trường Trung Học Dạy Nghề và Phát triển Nông Thôn Nam Bộ, từ tháng 1-2008 được nâng cấp lên thành trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Nam Bộ. Chúng tôi rất hân hạnh được tận mắt chứng kiến trường đã phát triển và lớn mạnh một cách ngoạn mục từ cơ ngơi đến đẳng cấp , tầm vóc. Diện tích cơ ngơi từ 4 ha ban đầu lên đến 8 ha, đẳng cấp Trung học lên Cao đẳng, sỉ số học viên thường xuyên ban đầu 600, nay xấp xỉ 2000.

Theo dòng chảy thời gian và biến động lịch sử, để lại chúng ta mỗi người một hoàn cảnh, nỗi niềm riêng. Sau thời gian dài gạn đục khơi trong, chỉ những gì chung nhất còn đọng lại. Không phải ngẫu nhiên mà  các cựu học sinh NLSĐT-BT sau hơn 40 năm, nay đã qua tuổi trung niên (52- 62 tuổi) vẫn giữ truyền thống “Tôn Sư Trọng Đạo, Uống Nước Nhớ Nguồn”, hàng năm đều tựu về TP Mỹ Tho để tôn vinh thầy cô, tôn vinh trường cũ, thăm hỏi và chia xẻ tình cảm với thầy cô và anh chị em đồng môn ngày trước. Cứ ngỡ chúng ta chỉ có thể đồng hành cùng nhau một đoạn đường rồi chia tay, không ngờ đến nay vẫn chưa nỡ dứt.

Hôm nay, nhân ngày họp mặt đặc biệt này, tôi muốn vắn tắt chia xẻ với các em cựu học sinh một số kỷ niệm về ngày đầu thành lập trường.

Quá trình xây dựng trường ta rất đặc biệt, không giống bất cứ trường THNLS nào trong cả nước. Thông thường phải có trường lớp trước, sau mới tuyển sinh, khai giảng. Trường ta làm theo qui trình ngược. Năm học 1968-1969 khai  giảng 2 lớp 8 học nhờ trường Tiểu học Tân Mỹ Chánh, năm sau  khai giảng thêm 2 lớp tám mới (tổng cộng 4 lớp: 2 lớp 8+ 2 lớp 9).

 Trường Tân Mỹ Chánh lấy lại phòng học, lại đến học nhờ trường Tiểu học Bình Phước cách đó 4 km. Trường Bình Phước cũng hứa chỉ cho mượn tạm một năm để ta có thời gian xây trường mới. Hoàn cảnh trường lúc ấy thật bối rối, nếu năm sau không xây được Trường  sẽ ra sao, nhất là theo kế hoạch Trường sẽ có thêm 3 lớp 10.

Tại sao có chuyện kỳ lạ nầy?

Theo lộ trình định sẳn giữa Bộ Giáo Dục và Tỉnh Định Tường, tỉnh khuyến khích phát triển tại mỗi quận một trường Tiểu Học Cộng Đồng có thêm 02 lớp 6-7 hướng nghiệp Nông Lâm Súc theo hình thức phát triển cộng đồng ( do các nhà Mạnh Thường Quân và Phụ huynh bảo trợ).

Bộ Giáo Dục sẽ xây dựng Trường Trung Học Nông Lâm Súc tại Mỹ Tho thu nhận các học sinh lớp 7 cộng đồng, dạy tiếp lớp 8 đến lớp 12 ( Tốt nghiệp Tú Tài NLS). Mô hình giáo dục nầy hoàn toàn mới, rất có lợi cho con em ở nông thôn, vừa có điều kiện học phổ thông, vừa được huấn luyện nâng cao trình độ và kỷ năng nông nghiệp. Tốt nghiệp xong các em có thể học lên đại học hoặc trở thành nông dân mới tiến bộ.

Định Tường là một tỉnh nông nghiệp trù phú hang đầu vùng châu thổ sông Cửu Long, dân số đông , có truyền thống hiếu học, hào sảng, chuộng làm việc nghĩa. Mô hình giáo dục cộng đồng được các bậc phụ huynh ủng hộ nồng nhiệt. Chỉ một thời gian ngắn tỉnh đã lập được 5 trường THCĐ: Chợ Gạo, Tân Hiệp, Cái Bè, Giáo Đức , Cai Lậy, đứng đầu cả nước. Ngoài ra phải kể hai trường ở tỉnh: Bến Tre và Gò Công nằm trong mạng lưới của Trường TH NLS Định Tường. Sau nầy Trường Tân Hiệp, Bến Tre, Gò Công nâng lên Trung Học đệ nhất cấp( dạy lớp 8-9).

Thói thường, không riêng ở Việt Nam, mà cả thế giới, cái gì dân làm thì nhanh gọn, cái gì nhà nước làm thì thường chậm do phải qua nhiều thủ tục phức tạp (may thời đó chưa có tệ lót tay).

Việc xây dựng Trường TH NLS Định Tường lẽ ra phải xong năm 1967, vậy là chậm mất 3 năm, hậu quả là các thầy cô giáo và  học sinh phải “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Đầu năm 1969 Nha học vụ Nông Lâm Súc điều tôi về Định Tường giúp thúc đẩy việc xây dựng trường và tháo gỡ bớt khó khăn cho Ban Xữ Lý Thường Vụ Trường là các anh Nguyễn Công Bình, Nguyễn Trung Bình, chị Hà Kim Phụng và chị Phan Thị Thu Hà. Tôi thật may mắn được các bạn này cộng tác. Họ đều tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm NLS loại giỏi và rất nhiệt tình trong công việc và mọi mặt. Ngoài ra, ban giảng huấn của trường cũng rất hùng hậu, tất cả đều trẻ trung, năng nổ. Vấn đề còn lại là phải xây trường cho kịp. Phải chạy đua với thời gian.

Có ba mắc xích cần tháo gỡ ngay:

-       Phải thu hồi mặt bằng xây dựng – Tỉnh chính thức cấp cho trường 4 ha ruộng công điền, nhưng đất này đã cho canh tác nhiều năm qua, chưa thu hồi. Phải thu hồi nhanh, êm thắm, tránh khiếu kiện dây dưa.

Chủ thuê là một lão nông, chất phát , có căn nhà gỗ ba gian trên đất, chung quanh là ruộng lúa đang xanh tốt, chúng tôi phải đi lại nhiều lần, thuyết phục hết cả hơi mà vẫn không hiệu quả. May sao người con trai duy nhất có công việc phải đi xa, ông không đủ sức canh tác một mình nên mới đồng ý chuyển đi sau khi thu hoạch lúa. Ngày ông lão dỡ nhà đi chúng tôi buồn vui lẫn lộn, vì lợi ích của trường gia đình ông phải chịu thiệt thòi.

-       Phải qui hoạch và tôn tạo mặt bằng xây dựng.

Xác lập các vị trí dành cho kiến trúc văn phòng, lớp học và các cơ sở phục vụ thực hành nông trại, các lối đi chính và đường thông hành nội bộ, kênh dẫn nước, ao cá,…Chúng tôi phải tự tính và thể hiện trên bản đồ. Phải hết sức cân nhắc đắn đo. Phải hết sức cân nhắc đắn đo vì sai sót sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cảnh quan và sinh hoạt của trường sau nầy.

Dự toán sau đó cho thấy khối lượng công việc và dự phí xữ lý , tôn tạo mặt bằng theo thiết kế rất lớn, chưa được Bộ Giáo Dục dự trù kinh phí. Có thể trình Bộ Giáo Dục  xin cấp kinh phí bổ sung, nhưng thủ tục sẽ phức tạp mất nhiều thời gian. May mắn thay, một mạnh thường quân bất ngờ đến với trường, giúp giải tỏa ách tắc. Số là viên Kỹ sư trưởng của hảng thầu RMK chỉ huy công trình trải nhựa quốc lộ 50 nối liền Mỹ Tho – Gò Công tò mò ghé qua xem các em học sinh đang thực tập trên ruộng lúa. Biết được khó khăn của trường, ông ta cử đội cơ giới của công ty đến giúp hoàn thành nhanh gọn các hạng mục theo như thiết kế. Khi tôi ngõ lời cảm ơn, ông ta bảo  :  Không cần đâu. Mỗi người chúng ta đều mang ơn trường đã dạy dỗ mình. Chỉ có thể trả ơn trường cũ bằng cách giúp một trường khác khi có cơ hội.” Câu nói đơn giản nhưng thật đáng ghi nhớ.

-       Xây trường lớp và lắp đặt các trang thiết bị.

Công việc này tương đối thuận tiện vì đã chuẩn bị sẳn bản đồ thiết kế, dự toán kinh phí. Chỉ trình tỉnh xin mở thầu khẩn cấp. Nhờ sự cộng tác hỗ trợ tích cực của hội phụ huynh học sinh, ngôi  trường mới với 12 phòng học đã mọc lên nhanh chóng, kịp trước ngày khai giảng năm học 1970-1971 với 2 lớp 8, 2 lớp 9, 3 lớp 10 – Tổng cộng 7 lớp.

Ngôi trường  mới khi ấy là ước mơ lớn, là tâm huyết của tập thể chúng tôi niềm vui không tả xiết. Nay hồi tưởng lại và qua hình ảnh cũ, tôi thấy trường thật khiêm tốn, đơn sơ nhưng thật thanh thoát giản dị gần gũi.

Tôi không thể nói lời biết ơn sâu sắc với thầy cô và các em học sinh hai trường Tiểu học Tân Mỹ Chánh, Bình Phước đã vui vẻ đùm bọc thầy trò chúng tôi, mặc dù trường còn rất nghèo và thiếu thốn.

Niềm vui về trường mới được nhân lên rất nhiều qua kết quả khả quan của Bộ môn thực hành nông trại và việc thành lập tổ chức Nông Gia Tương Lai.

Các em ban Canh Nông canh tác 2 ha lúa IR8 trúng to, trường cho quay heo ăn mừng. Ban Mục Súc có trại chăn nuôi mới nuôi thành công hai đàn gà Leghorn và Hubbard. Ban Thủy Lâm tích cực ươm cây che mát để trồng ở cổng và quanh trường. Ban Công Thôn vừa  được trang bị máy cày Kubota hăng say làm đất cho nội bộ Trường và cày giúp phụ huynh và bà con làm nông lân cận.

Hai đoàn Nông Gia Tương Lai đầu tiên: Trí Tâm và Trí Dũng đóng góp rất lớn cho giáo dục nông trại và rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Mục tiêu  của Nông Gia Tương Lai gói gọn trong 4 câu :

      Học để làm.

      Làm để học

      Tạo tiền để sống.

      Sống để phụng sự.

Tôi tin đây là hành trang các em đem theo cả đời. Phải biết tạo tiền để sống, và sống để phụng sự.

Xin cảm ơn quý vị đại biểu rất nhiều.

 

Cựu Hiệu Trưởng NLS ĐT

Nguyễn Tấn Phúc