Bài này tiếp theo bài gửi trước đây về hình ảnh của Vua Hàm Nghi
do anh Phiên gửi.
do anh Phiên gửi.
Sự trở về của cô gái Pháp mang dòng máu vua Hàm Nghi
Đăng Bởi Một Thế Giới - 06:08 30-03-2015
Amandine Dabat tại buổi trò chuyện tại TP.HCM
Một câu chuyện kì lạ khác về vua Hàm Nghi vừa làm ngỡ ngàng người Sài
Gòn, khi một nữ trí thức trẻ người pháp trở về nhận là hậu duệ của ông
và cho biết đang làm luận án tiến sĩ lịch sử nghệ thuật về chính bậc
tiền nhân của mình...
Hàm
Nghi là vị hoàng đế có số phận kì lạ, từ chuyện ông được chọn lên ngôi,
truyền hịch Cần Vương chống pháp, bị bắt lưu đày biệt xứ, từ chối học
tiếng Pháp và cả việc ông vẽ hàng trăm bức tranh mà mãi sau này mới được
biết đến.
Sống lại hình ảnh tuổi trẻ vua Hàm Nghi trong mắt cô cháu gái
Nữ trí thức trẻ ấy có gương mặt xinh
đẹp, thanh tú rất Pháp và cái tên cũng hoàn toàn Pháp: Amandine Dabat,
sinh năm 1987 ở Paris, tốt nghiệp cử nhân Việt Nam học tại Pháp năm
2012. Vẻ đẹp rạng rỡ, phong cách ứng xử tinh tế và diễn ngôn lưu loát
của cô làm dịu đi cái nắng xuân oi bức Sài Gòn tháng 3.2015.
Điều gây ngạc nhiên cho mọi người là
cô lại mang trong mình dòng máu của vị hoàng đế yêu nước Hàm Nghi, mà
theo cách gọi của người Pháp thời thuộc địa là “ông hoàng An Nam”. Bằng
kiến văn sâu sắc và khách quan, cô đã giúp làm sáng tỏ thêm nhiều điều
bất ngờ thú vị về ông vua có tâm hồn nghệ sĩ.
Lịch sử cho biết, Hàm Nghi tên huý
Nguyễn Phúc Ưng Lịch là hoàng đế thứ 8 của triều đình nhà Nguyễn, do
phái chủ chiến mà đứng đầu là hai đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn
Tường dựng lên làm vua khi ông mới 13 tuổi. Là con thứ 5 của Kiên Thái
vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn, ông là một trong ba vị
vua là ba anh em ruột được sinh trưởng trong cùng một gia đình hoàng
tộc: Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Ông cũng là một trong ba vị vua
nhà Nguyễn được lịch sử tôn vinh yêu nước chống giặc Pháp xâm lược: Hàm
Nghi, Thành Thái, Duy Tân.
Và sau ba năm phất cờ khởi nghĩa Cần
Vương, ông bị kẻ phản bội chỉ điểm và bị thực dân Pháp bắt xuống tàu đày
sang an trí tận thủ đô Alger của Algeria năm 1888.
Bị giam lỏng xứ người xa xôi, sống buồn
tủi trong ngôi biệt thự Rừng Thông (Villa des Pins, thuộc làng El Biar),
cựu hoàng trẻ tuổi vẫn giữ cách ăn mặc, sinh hoạt của người Việt, từ
chối học tiếng Pháp, vì ông cho đó là ngôn ngữ của kẻ thù xâm lược Tổ
quốc mình. Tuy nhiên, cuối cùng nhận thấy người Pháp ở Algeria tỏ ra tử
tế hơn người Pháp ở Việt Nam và cũng do nhu cầu giao tiếp , nên ông dần
học và nói, viết rành tiếng Pháp.
Đến năm 1904, Hàm Nghi đã kết hôn với bà
Marcelle Laloe ở Alger và lần lượt sinh hạ ba người con: hai công chúa
Như Mai, Như Lý và hoàng tử Minh Đức. Trong đó, công chúa Như Lý (hoặc
Như Luân, 1908 - 2005) từng tốt nghiệp tiến sĩ y khoa và lập gia đình
với công tước Frangois Barthomivat de la Besse, mà cô Amandine Dabat là
cháu đời thứ 4; cũng có nghĩa Amandine là hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm
Nghi.
Đây không phải là chuyến trở về Việt
Nam đầu tiên của Amandine Dabat, nhưng là lần đầu cô có buổi trò chuyện
trước hàng trăm người tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM, lại nói về
cuộc đời kì lạ của một người thân thích của mình là hoàng đế - nghệ sĩ
Hàm Nghi.
Điều đó gây xúc động trong từng lời
nói của nữ trí thức trẻ này và xúc động cả người nghe đông đảo khán
phòng. Hình ảnh vị vua yêu nước trẻ tuổi có số phận đặc biệt từ hơn một
trăm năm trước như sống lại trong mỗi ánh mắt, cử chỉ thông minh của
người chắt ngoại xa lạ mà dễ gần của ông. Mọi người bắt gặp phía trong
hình hài rất Pháp của cô gái trẻ là một tâm hồn rất Việt, với tinh thần
tự tôn về tổ tiên và tình yêu cháy bỏng đối với di sản yêu nước và nghệ
thuật mà cụ tổ là hoàng đế Hàm Nghi để lại.
Amandine Dabat cho biết, cô càng nghiên
cứu kho sử liệu gia đình thì càng tự hào vì trong mình có dòng máu của
vị vua người Việt Nam yêu nước, một nghệ sĩ có cuộc đời thật kì lạ.
Khi bị lưu đày tại Algeria, vua Hàm Nghi vẫn bị người Pháp cho rằng có thể quay
về Việt Nam làm vua và xem ông như một quân bài dự bị chiến lược. Cả
người quản gia cũng là nhân viên an ninh theo dõi nhà vua và đã làm báo
cáo nhiều trang gửi chính quyền thực dân. Thư từ hoàn toàn bị kiểm soát
và chỉ một số ít đến được tay của nhà vua.
Hàm Nghi là một trong hai hoạ sĩ Việt Nam đầu tiên theo phong cách phương Tây
Đối với thế giới nghệ thuật, cựu hoàng
Hàm Nghi với nghệ danh Tử Xuân ký dưới các bức tranh, là một hoạ sĩ
đích thực với niềm đam mê hội hoạ lớn lao và có thành tựu, chứ ông không
chỉ đơn giản dùng tranh để khuây khoả những năm tháng bị đày ải biệt
xứ.
“Thực sự lúc đầu tôi nghĩ rằng ông vẽ
như một cách để tìm niềm vui. Nhưng qua tư liệu cho thấy, khi đã khởi
đầu thì ông đam mê vẽ cả ngày, vẽ như một hoạ sĩ thực sự. Và theo tôi,
ông đã trở thành hoạ sĩ một cách tự nhiên”. Amandine Dabat cũng nói
rằng, nhà vua đã vượt ra khỏi sự giam lỏng của chính quyền thực dân Pháp
để tìm đến với nghệ thuật như một cách bày tỏ nỗi nhớ cố hương đang
chìm trong bóng giặc. Tác phẩm của ông không bộc lộ quan điểm chính trị.
Hành trình đến với nghệ thuật của cựu
hoàng Hàm Nghi cũng khá đặc biệt. Ông vốn không tỏ ra có năng khiếu mỹ
thuật. Vào năm 1899, từ Alger ông sang Paris và thích thú khi xem một
cuộc triển lãm của danh họa Paul Gauguin, từ đó khơi lên trong ông ngọn
lửa tình yêu hội họa. Và cũng từ đó ông dần đắm chìm trong sắc màu.
Tranh của ông chịu ảnh hưởng của
trường phái ấn tượng của nước Pháp và châu Âu. Người gần gũi dạy vẽ trực
tiếp cho ông 15 năm là hoạ sĩ Pháp Marius Reynaud sống ở Algeria. Ngoài
ra, Hàm Nghi cũng từng “thọ giáo” nhà điêu khắc vĩ đại nhất nước Pháp
August Rodin, mà tại cuộc triển lãm năm 1979, trong phần Rodin với vùng
Viễn Đông có xác thực điều này.
Nhờ những chuyến du hành hạn chế sang
Pháp và trên đất nước Algeria mà ông đã vẽ nhiều bức phong cảnh, tĩnh
vật và điêu khắc một số tượng chân dung bằng đồng, thạch cao. Tranh
tượng của Hàm Nghi dùng bút pháp phương Tây nhưng hoà quyện tinh thần
văn hoá phương Đông, nơi sinh thành ra ông với những hình ảnh thân thuộc
như cánh đồng, cây cối, hoa trái, cánh cò cánh vạc vào buổi hoàng hôn.
Điều đó giúp ông giải toả nỗi nhớ cố hương và cũng là hồn cốt tạo nên sự
khác biệt trong tác phẩm của ông.
Kì lạ là hơn nửa thế kỉ sau khi cựu
hoàng Hàm Nghi qua đời, mọi người mới lơ mơ biết rằng ông từng vẽ tranh
khắc tượng. Thông tin về các tác phẩm của ông chỉ được biết qua thư từ
mà ông trao đổi với bạn bè, nhất là catalogue của cuộc triển lãm riêng
vào năm 1926 tại Paris dưới bút danh Tử Xuân; còn đa số tranh của ông đã
bị thất lạc, nhất là khi căn nhà ông ở bị cháy trong biến cố chiến
tranh ở Algeria năm 1962.
Đến nay tranh của ông còn lại khoảng
dưới 100 tác phẩm, về bức tranh Chiều tà (Déclin du jour) của Hàm Nghi
được phát hiện và bán đấu giá 8.800 euro ở Paris ngày 24.11.2010,
Amandine Dabat nói rằng cô và gia đình không hề hay biết cho tới khi
nghe thông tin qua báo chí.
Vì sao Hàm Nghi ký tên dưới các bức
tranh là Tử Xuân, chứ không phải Xuân Tử vốn là tên được cha mẹ đặt cho?
Ông kí tên bằng chữ quốc ngữ rất rõ ràng nhưng không có dấu, theo kiểu
tiếng Pháp: Tu Xuan. Vấn đề này được đặt ra và tranh luận nhỏ tại buổi
giao lưu.
Theo lý giải của Amandine Dabat, khi
chống Pháp và bị bắt lưu đày, Hàm Nghi chưa tiếp cận chữ quốc ngữ mà chỉ
dùng chữ Pháp và chữ Hán. Về sau, những người Việt sang Pháp du học mới
dạy cho cựu hoàng chữ quốc ngữ và ông đã sử dụng nó để kí tên vào tác
phẩm của mình.
Có mặt tại buổi giao lưu, Tiến sĩ văn
học Trần Hoài Anh cho rằng, việc Hàm Nghi đã viết tên mình theo ngữ pháp
tiếng Việt chứ không phải ngữ pháp tiếng Hán cho thấy ý thức khát khao
độc lập về văn hoá của vị vua yêu nước. Với trình độ Hán học uyên thâm,
không thể có chuyện cựu hoàng viết nhầm Xuân Tử thành Tử Xuân được. Đây
chắc chắn là một biểu hiện có chủ ý của vua Hàm Nghi.
Amandine Dabat cho hay, cô đã tập hợp
trên 2.500 tư liệu thư từ gia đình, thư viện, chứng từ hành chính trong
thời kỳ lịch sử có liên quan đến vua Hàm Nghi để dựng lại cuộc đời của
ông. Cô đang hoàn thành hai công trình để xuất bản thành sách, đó là
luận án tiến sĩ lịch sử nghệ thuật tại Đại học Sorbonne mà cô thực hiện
năm 2010 có chủ đề: “Tử Xuân: danh mục các tác phẩm tranh ảnh, điêu khắc
của Hàm Nghi (1871-1944), vị hoàng đế Việt Nam lưu vong” và luận án
tiến sĩ ngành lịch sử nghệ thuật và khảo cổ với chủ đề “Vua An Nam: khảo
cổ học nhân học”.
Ngoài thư viện gia đình, Amandine
Dabat đã tiến hành nhiều chuyến đi khảo cứu ở Algeria, Việt Nam và ngay
tại Paris có liên quan tới cuộc đời vua Hàm Nghi. Cô nói: “Tôi hi vọng
sẽ sớm xuất bản cuốn sách phát triển từ luận án về vua Hàm Nghi viết
bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Mọi thông tin cần biết về vị vua yêu nước
và là một nghệ sĩ tài năng đích thực sẽ là niềm tự hào cho tất cả chúng
ta”.
Trong câu chuyện, cô hay nói từ “chúng
ta” bằng tình cảm chân thành và gần gũi của một người con xa xứ trở về
cố hương với bao trăn trở về quá khứ đau thương xen lẫn tự hào về bậc
tiền nhân “vị quốc vong thân”!
Chúng ta đã biết Hàm Nghi là vị hoàng
đế yêu nước và đã thể hiện được bản lĩnh tâm hồn, nhân cách Việt khi bị
lưu đày ở xứ lạ quê người. Qua “giọt máu” đáng quý của ông là Amandine
Dabat, nhất định rồi đây chúng ta sẽ biết rõ thêm một Hàm Nghi nghệ sĩ,
có thể là người tiên phong của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Như nhận định của nhà nghiên cứu
Nguyễn Đắc Xuân: “Luận án tiến sĩ của Amandine nghiên cứu về toàn bộ
cuộc đời làm nghệ thuật của vua Hàm Nghi. Hàm Nghi nghệ sĩ vẽ tranh, Hàm
Nghi nặn tượng và Hàm Nghi nhiếp ảnh. Khi luận án này trình xong, cùng
với Lê Văn Miến, vua Hàm Nghi sẽ được khẳng định là một trong hai họa sĩ
Việt Nam đầu tiên vẽ tranh, nặn tượng theo phong cách phương Tây.
Hoàng Thủy (Pháp luật và Cuộc sống)