Ý NGHĨA và NGUỒN GỐC của 7 Ngày TẾT trong Năm - Trần Xuân Lộc -

Ý NGHĨA và NGUỒN GỐC

 của 7 Ngày TẾT trong Năm



DẪN NHẬP

1. Việt và Hoa : hai tộc dân, hai thời điểm, hai địa điểm, hai nền văn hóa.

Tộc Việt khởi nguyên từ hơn 7000 năm trước. tại vùng Hồ Đồng Đình. Ruộng đất vùng sông hồ mênh mông đã góp phần tạo ra nền Văn hóa gốc Nông nghiệp Lúa nước của Tộc Việt.

Dân nông lúa nước định cư lâu dài, có cuộc sống cộng đoàn, nương tựa nhau, hòa hợp với thiên nhiên... cuộc sống bận rộn theo mùa lúa, đã cho mọi người nhiều thời gian rảnh rỗi... vì vậy, đời sống xã hội phát triển với nhiều hội họp vui chơi, hội hè đình đám, tết lễ.

Trong tương quan với tộc Hoa, lại có nhiều khác biệt. Tộc Hoa thành hình do việc bộ tộc Chu tụ tập các bộ lạc du mục và thành lập Nhà Chu năm 1046 ttl, cách đây mới 3000 năm. Tộc Hoa lại ở vùng Thiểm Tây khô cằn giá lạnh, nên thành hình nền văn hóa gốc du mục, và coi trọng sức mạnh, trọng phái nam, thích động, hiếu thắng, trọng cá nhân...*1

2. Nguồn gốc các Tết.

Theo đặc tính văn hóa, Tộc Việt với nền văn hóa lúa nước và lâu đời, đã tạo ra nhiều dịp Tết Lễ.

Hơn nữa, nông nghiệp lúa nước còn cần theo dõi thời tiết nắng mưa.

Theo truyền thuyết phổ thông, năm 2191 ttl, năm thứ 5 đời Đế Nghiêu, dân Việt Thượng vùng Sông Hồng đã tặng Đế Nghiêu Rùa ngàn năm, trên lưng có ghi lịch thời tiết. Đây cũng là dấu chỉ thời đó dân Việt đã mừng ngày, mùa, nắng mưa thuận lợi cho việc trồng cấy. Đây cũng là nguồn gốc các Tết trong năm.*2

3. Người Hoa xuyên tạc.

Tuy nhiên, sau khi người tộc Hoa xâm lăng vùng đất tộc Việt, với mặc cảm là dân du mục sơ khai lạc hậu, giới thống trị Hoa đã soán đoạt, và dùng mọi cách để xuyên tạc và xóa bỏ nhiều tập tục và lễ Tết của dân Việt.

4. Dầu vậy, người Dân Việt vẫn ăn mừng các Tết theo tục lệ truyền thống, với những sinh hoạt mang nét nổi đậm nền văn hóa lúa nước, và những đặc điểm của tộc Việt.

Nhờ đó, ngày nay chúng tìm được những Tết có nguồn gốc Việt, với nhiều hàm ý cao siêu súc tích.

*     *     *     *

1. TẾT VIỆT

a. Tết Việt.

Tết là ngày Mừng Cuộc Sống con người phát triển tốt đẹp nhờ sự tuần hoàn của trời đất, nhờ thời tiết thuận hợp. Vì vậy, những ngày tháng, những luân chuyển của Trời Đất, của các thiên thể ảnh hưởng quan trọng tới cuộc sống Con Người, như Trái Đất, Mặt Trời, Mặt Trăng, là những mốc điểm của ngày Tết.

Tuy nhiên, với nền văn hóa phát triển trổi vượt, Tổ Tiên Việt không chỉ ăn mừng các hiện tượng, các ngày tháng, mà còn dùng những dịp tụ họp mừng vui nầy để nhắc nhớ những đặc điểm, và những biểu tượng văn hóa cao quý nhất của đời sống con người và xã hội.

Nhờ đó, việc mừng Tết đã phát triển thành những Lễ Hội đặc thù, nhắc nhớ và giáo hóa tinh thần Sống Chung trong cộng đoàn của xã hội Việt.

Mỗi Tết Việt mang một ý nghĩa đặc biệt, nhắc nhớ những đặc điểm quan trọng nhất của nền Văn hóa Việt.

Vì vậy, điểm chính yếu của Tết Việt không phải là ngày trong năm, [ngày nào cũng như ngày nào], mà là ý nghĩa hàm chứa trong ngày đó. Ý nghĩa càng quan trọng, càng súc tích, thì Ngày Tết càng đặc biệt.

b. Giặc Tàu xuyên tạc.

Giặc Tàu đã hiểu rõ tính cách giáo hóa quan trọng đặc biệt của Tết Việt, nên đã luôn tìm cách loại bỏ mọi hàm ý của Tết Việt. Có thể lấy thí dụ :

Trong các Ngày Tết, có 3 ngày Tết đặc thù của Tộc Dân Con Cháu Tiên Rồng sống bằng nghề nông, là ngày Mừng Cha Rồng [ngày 5 tháng 5], ngày Mừng Mẹ Tiên [15/8], và ngày Mừng Mưa Thuận [9/9]. Tất cả 3 Tết đó đều bị Giặc Tàu xuyên tạc, tước bỏ ý nghĩa nguyên thủy, và biến thành tầm thường, lố bịch.

Ngày Tết Mừng Cha Rồng, cũng là ngày Mừng Mặt Trời, Mừng Nắng Ấm, ngày Kính nhớ Ông Tổ của Tộc Việt... đã bị Giặc Tàu ngụy tạo ra nguồn gốc từ việc thi sĩ Khuất Nguyên của nước Sở hận đời tự tử. Có gì phi lý bằng việc chỉ một thi sĩ hận đời tự tử mà toàn thể Dân Việt trong toàn vùng Việt Lạc, gồm cả Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, và Việt Nam... kính nhớ, và ăn mừng thành một ngày Tết ? Thời cách đây 2400 năm đã không có phương tiện truyền thông, không có phương tiện giao thông hoặc đường sá thuận tiện, thì do đâu mà một người nước Sở lại được tất cả mọi người dân không học thức trong các vùng khác ‘ăn mừng’ vì ông hận đời tự tử ?

Ngày Tết Mừng Mẹ Tiên, cũng là ngày Mừng Trăng, ngày Kính nhớ Bà Tổ của Tộc Việt... đã bị Giặc Tàu ngụy tạo nguồn gốc lố bịch từ sự tích huyễn hoặc do Đường Minh Hoàng, cách đây 1300 năm, lên cung trăng gặp tiên múa hát (!), nên tổ chức theo... và say mê tới hại dân hại nước.

Càng tai ác hơn, Ngày Tết Mừng Mưa Thuận gió hòa, cho ruộng lúa, nguồn sống chính của Dân Việt nông nghiệp lúa nước, đã bị Giặc Tàu gán cho nguồn gốc là do tên ác nhân tàn bạo nhất lịch sử (theo ý Giặc Tàu), là vua Kiệt, gây ra lụt lội... và Dân Việt ghi nhớ thành ngày Tết !

Cùng với việc ngụy tạo nguồn gốc ghê tởm, vô lý, Giặc Tàu còn tầm thường hóa các ngày Tết đó với những tên gọi trống rỗng, chỉ để chỉ ngày tháng, và tước bỏ mọi ý nghĩa thâm sâu.

Ngày Tết Cha Rồng chỉ còn là Tết đầu tháng 5, [đoan ngọ - đoan là đầu, tháng Giêng là tháng Dần, nên tháng 5 là tháng Ngọ. Dần mão thìn tỵ ngọ...]. Ngày Tết Mừng Mẹ Tiên chỉ còn là ngày giữa mùa thu [trung thu], Tết Mừng Mưa Thuận chỉ còn là ngày hai số 9, [trùng cửu]...

c. Tết Việt trường tồn.

Dầu giặc tàu có độc địa điêu ngoa trong suốt mấy ngàn năm, đại chúng Việt, những người không học, chỉ biết sống theo truyền thống Tổ Tiên, vẫn ăn mừng Tết với đầy đủ những sinh hoạt và tục lệ hàm chứa mọi ý nghĩa súc tích mà Tổ Tiên Việt đã dụng tâm lưu truyền.

Nhờ đó, ngày nay chúng ta còn được toàn bộ Hệ thống Tết Việt của Ông Bà Tổ Tiên.

d. Bài nầy gồm 2 phần :

Phần 1 nhìn riêng từng Tết, để thấy ý nghĩa và tập tục chính yếu của ngày Tết, cùng với những đặc tính của Văn hóa Nông nghiệp Lúa nước của Dân Việt. [Đồng thời, cũng nhận ra những gán ghép và xuyên tạc do người Hoa].

Phần 2 nhìn chung các Tết để nhận ra tính cách thống hợp và toàn diện của các Tết, và của nền Văn hóa Việt.

*     *

Ghi chú Phần 1 :

*1 - Đọc thêm Lược Sử Tộc Việt, do Nguyễn Thanh Đức, nxb Tinh Hoa Tộc Việt, 2013, tr 20-22.

*2 - Đọc thêm nt, tr 82, mục 3.3a.

*     *     *     *

2. BẢY TẾT

Trong một năm, dân Việt có 7 Tết. Ngoài việc mừng thời tiết, mỗi Tết lại mang thêm ý nghĩa súc tích riêng.

Tết Năm Mới, kính nhớ Tổ Tiên.

Tết Rằm Đầu Năm, tạ ơn Trời.

Tết Mặt Trời, kính nhớ Cha Rồng, Ông Tổ Tộc Việt.

Tết Xá Tội, Tết Tình Người.

Tết Mừng Trăng, kính nhớ Mẹ Tiên, Bà Tổ Tộc Việt.

Tết Mừng Mưa, Tết Phát Triển.

Tết Tảo Mộ, kính nhớ Thân Nhân đã khuất.

 

2.1 Tết Năm Mới, Đại Lễ kính Tổ Tiên. - Ngày Đầu Năm.

a. Tết Mừng Năm Mới.

Tết mừng Năm Mới đánh dấu sự khởi đầu một tuần hoàn mới của thời tiết, của vạn vật trên trái đất... trong đó Con Người là chính.

Đây là ngày mừng sinh nhật chung của mọi người. Mọi người mừng nhau thêm một tuổi, thêm hưởng Ơn Trời, thêm sống, thêm kinh nghiệm, thêm khôn ngoan, thêm hạnh phúc, và được kính trọng thêm.

* Tết Đầu Năm được nhiều tộc dân trên khắp thế giới ăn mừng, kể cả người tộc Hoa. Tuy nhiên, ngoài Tộc Việt, không nơi nào liên kết việc mừng Năm Mới với việc Đoàn tụ Gia đình, kể cả việc đối xử với những Vị đã qua đời như là còn đang sống chung. [Theo dân Hoa, chỉ có vua chúa và quan chức mới có quyền thờ kính Tổ tiên].

b. Tết Kính Nhớ Tổ Tiên, Tết Đoàn Tụ Gia Đình.

Đối với Dân Việt, Tết Năm Mới lại cũng là ngày Đại Lễ Kính nhớ Tổ Tiên của từng người.

Thờ kính Tổ Tiên là niềm tin sâu vững nhất của Dân Việt. Tổ Tiên chính là những Vị đã tiếp ứng Đấng Nguồn Sống, Ông Trời, mà sinh dựng chúng ta. Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ chính là Ông Trời Hiện Thân để cho chúng ta được diễm phúc Làm Người.

Vừa mừng Năm Mới, vừa kính nhớ Tổ Tiên, mời Ông Bà Tổ Tiên về chung vui trong nhà suốt 3 ngày Tết... Tết trở thành dịp để mọi người trong gia đình tụ họp và cùng nhau chung sống những ngày trọng đại đầy ơn ích.

Như thế, ngày Đại Lễ kính Tổ Tiên chính là Ngày Đoàn Tụ Gia Đình, không những đoàn tụ giữa những người thân thuộc đang sống, mà còn với Ông Bà Tổ Tiên hiện diện cách linh thiêng, và hướng về con cháu chưa sinh ra.

c. Ngày vui trọn vẹn.

Phong tục Việt dành suốt hai tuần lễ, từ 23 tháng chạp tới mùng 7 tháng giêng, vừa để ăn mừng Năm Mới, vừa để kính nhớ Tổ Tiên, vừa để đoàn tụ gia đình.

Niềm vui trọn vẹn của Tết nầy còn bộc lộ qua những kiêng cữ, cốt để tránh mọi bận rộn, phiền phức, hoặc buồn lòng. Những kiêng cữ nầy đã trở thành những dấu chỉ đặc biệt của ngày Tết, và nói lên những tinh tế của nền Văn hóa Việt đầy tỉnh người và bình đẳng.

Ví dụ : Ăn bánh nấu sẵn... để không ai bị bận rộn việc nấu nướng. Giữ gìn lời nói... cho mọi người đều thoải mái. Cấm quét nhà... để thêm giờ vui chung, hàn huyên. Luôn cầu chúc... để mọi người thêm vui vẻ, hăng hái... để cuộc đoàn tụ rộn tiếng cười, tràn ngập thân tình.

*     *

2.2 Tết Tạ Ơn Trời. Ngày Rằm tháng Giêng.

a. Đặc điểm Văn hóa Việt.

Đặc điểm của Văn hóa Việt là mỗi người, mỗi nhà, đều có thể trực tiếp thờ kính Ông Trời. Mỗi nhà đều có Bàn thờ ‘Ông Thiên’ trước sân nhà, mỗi người đều có thể kính nhớ Trời, dâng hương dâng nước, mỗi khi ra trước nhà.

Tuy nhiên, ở thời kỳ sau, vì chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, nên việc Tế Trời chỉ dành riêng cho vua chúa. Ngày Tế trọng thể cũng bị đổi dời.

b. Ngày Rằm Đầu Năm.

Đêm Trăng tròn đầu tiên trong Năm là một ngày đặc biệt, ngày đầu tiên có trọn Mặt Trời và Mặt Trăng, ngày trời sáng suốt ngày đêm. Nên còn được gọi là Tết Thượng Nguyên.

Vì vậy, đây là ngày Tạ Ơn Trời, Đấng Nguồn Sống của vũ trụ, Đấng dùng Ngày và Đêm, dùng Mặt Trời và Mặt Trăng, để duy trì và phát triển Nguồn Sống trên Trái Đất. Ngài là Đấng cao cả, nhưng là Nguồn Sống của mỗi người, nên luôn gần gũi và luôn ban Ơn Phước cho từng người.*3

c. Mọi người mừng kính.

Vì vậy, ngày Tạ Ơn Trời, Rằm tháng Giêng, là ngày tất cả mọi người cùng nhau Tạ Ơn Ông Trời một cách trọng thể. Lễ Tế Trời phải được tổ chức đặc biệt long trọng tại trị sở mọi đơn vị hành chánh, để mọi người cùng nhau cử hành một Đại Lễ, xứng với tâm thức và vinh dự của Con Người.

d. Kính Hai Vị Tổ Loài Người.

Tết Tạ Ơn Trời cũng nhắc nhớ lòng biết ơn đối với Hai Vị Tổ Đầu Tiên của Loài Người.

Dầu theo bất cứ chủ trương nào, Loài Người cũng đã khởi phát từ Hai Vị Tổ đầu tiên, ở một giai đoạn nào đó.

Theo Văn hóa Việt, tất cả mọi con người, toàn thể nhân loại, đều là Anh Em chung Một Bọc Mẹ.*4

Vì vậy, việc kính nhớ và tôn vinh Hai Vị Tổ của Nhân Loại, không chỉ là chính đáng, mà còn là sợi dây liên kết mọi con người, mọi chủng tộc, vào tình nghĩa và bình đẳng, để mọi người cùng nhau phát triển trong hòa bình, thịnh vượng.

Theo đà tiến của nhân loại hiện nay, có thể tổ chức Đại Lễ nầy trên toàn thế giới, cùng với mọi người, cho mọi con người. Đây cũng là ngày cầu Trời và thể hiện cuộc sống thanh bình thịnh vượng, mọi người được sống ấm no hạnh phúc, được sống cuộc sống xứng đáng với Phẩm giá Trời ban.

*     *

2.3 Tết Mặt Trời, Tết Cha Rồng. Ngày 5 tháng 5.

a. Mừng Mặt Trời.

Tết được mừng vào giữa mùa hè, là mùa nóng, mùa ngày dài nhất, mùa nhiều ánh sáng Mặt Trời nhất. Tết lại mừng vào lúc giữa trưa, lúc Mặt Trời sáng đẹp nhất.

Có tục hái lá và phơi lá dưới ánh nắng trưa để uống trị bịnh và tăng sức. Trẻ em được bôi phẩm đỏ, màu của Mặt Trời, vào móng tay móng chân, bụng, trán, và cho phơi nắng, để mau lớn, thêm mạnh khoẻ...

Ngoài ra còn có tục ‘giết sâu bọ’, ăn bánh trôi nước, tục đánh khảo cho cây sinh nhiều trái... vì mùa hè là mùa cây trái, và nhiều sâu bọ.

Tất cả đều lấy Mặt Trời, và mùa hè, làm trung tâm của Ngày Tết mừng Nắng.

b. Tết Cha Rồng.

Ngày Tết còn nổi bật với những cuộc vui trên sông nước, nhất là đua thuyền Rồng. Ăn Tết lại phải có vịt, đi tết thầy học và cha mẹ bằng một cặp vịt... Vịt là hiện biểu của Tiên.

Thuyền Rồng và vịt nhắc nhớ hai biểu tượng Mẹ Tiên và Cha Rồng của Tộc Việt. Điểm đặc biệt là trong ngày mừng Cha Rồng thì Mẹ Tiên được kính nhớ thấp hơn một bậc, chỉ là hiện biểu vịt, không phải Phụng.*5

Ngoài ra, vì mừng Mặt Trời nên Tổ Tiên ta đã chọn tháng nóng, sáng nhất, tức là tháng giữa mùa hè, tháng 5. Và rồi, theo 12 con giáp để tính ngày, Tổ Tiên đã chọn ngày thuộc con giáp thứ 5, là ngày Thìn, để nhắc nhớ Rồng. [chứ không phải ngày giữa tháng 5]. [Theo thứ tự 12 con giáp, ‘tí sửu dần mão thìn tỵ...’, thì Thìn đứng thứ 5].

Tổ Tiên đã dùng Ngày 5 tháng 5, là ngày Rồng giữa Hạ, để nhắc nhớ mừng Mặt Trờivà Cha Rồng.

* Thực vậy, tất cả mọi yếu tố và tập tục trong ngày Tết đều minh xác đây là Tết của tộc dân vùng nắng ấm, thuộc nông nghiệp lúa nước, và là ngày Tết của biểu tượng Dân Việt... [Dân Việt đã mừng Tết nầy mấy ngàn năm trước khi tộc Hoa du mục thành hình ở vùng Thiểm Tây khô cằn].

c. Kính nhớ Ông Tổ Tộc Việt.

Tết Cha Rồng còn đặc biệt kính nhớ Ông Tổ của Tộc Việt, từ hơn 7000 năm trước.

Theo đà phát triển của Tộc Việt, với tình kính quý và biết ơn sâu xa đối với Hai Vị Tổ Đầu Tiên, Tổ Tiên ta đã tôn Hai Ngài thành Biểu Tượng ‘Mẹ Tiên và Cha Rồng’ Linh Thiêng cao quý nhất của toàn thể Dân Việt.*6

d. Ngày Cha Hiền, Ngày Nam Nhân.

Qua biểu tượng Cha Rồng, còn có thể là ngày mừng kính Cha Hiền, và bao quát hơn, là ngày Nam Nhân.

*     *

2.4 Tết Xá Tội, Tết Tình Người. Ngày Rằm tháng 7.

a. Tết Xá tội.

Ca dao : ‘Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân’.

Đây là Tết mừng việc tha thứ tội lỗi cho những người đã khuất. Theo Văn hóa Việt, người đã nằm xuống thì được nghỉ yên, miễn là những sai quấy của họ không còn tác hại. Do đó, Tết nầy nhắc nhớ việc xá tội, tha thứ.

Điểm đặc biệt là việc tha thứ cho người đã chết còn kéo theo sự xóa bỏ hận thù đối với con cháu vô tội của họ. [Dân Việt không có sự tích về những mối thù truyền kiếp. Ta cũng không có những phục thù ích kỷ cố chấp, mà ngay cả hiện tại đang được phổ biến tràn ngập trong sách vở và điện ảnh Trung Hoa].

b. Tết Tình Người.

Việc mừng Tết nầy lại do Làng và Họ Tộc đảm trách, tức là do các Cộng Đoàn lớn, chứ không buộc các gia đình. [‘Tháng 7 kẻ quảy người không’].

Như vậy, mừng Tết Xá Tội là để nhắc nhớ và bộc lộ niềm hân hoan của một xã hội ân tình tha thứ, hòa giải... giữa người sống với nhau, và cả với người đã khuất.

Tết Xá Tội thể hiện đặc tính của Văn hóa Tiên Rồng, với tình Anh Em Một Bọc chứa chan, bàng bạc.

Đây là Tết Tình Người, mà cũng là Tết Cộng Đoàn, Tết Đoàn Kết.

Tết nầy đã được Dân Việt, Văn hóa Việt, cử hành đã năm sáu ngàn năm.

Tết được nhắc nhớ tên Tết Trung Nguyên, tức là Tết Giữa Năm.

c. Hoa giảm thiểu và xuyên tạc.

Tết Xá Tội là Tết của nền Văn hóa Việt đầy nhân ái, đầy tình người. Quan niệm của Tết nầy hoàn toàn đi ngược với quan niệm của văn hóa tộc Hoa du mục trọng vũ lực, độc đoán và bất nhân.

Cũng vì vậy, giới thống trị Hoa đã giảm thiểu ý nghĩa của Tết bằng cách chỉ gọi tên theo ngày tháng. 

*     *

2.5 Tết Mừng Trăng, Tết Mẹ Tiên. - Ngày Rằm tháng 8.

a. Tết Mừng Trăng.

Trong suốt mấy ngàn năm, đêm rằm tháng tám luôn vẫn là Tết mừng Trăng sáng. Ngày Tết được coi là đêm trăng sáng nhất trong năm.

Mừng Tết có tổ chức rước đèn, hát trống quân, ăn bánh ‘trung thu’ và uống trà ngắm trăng... Trẻ em thì chơi đèn, múa hát.

b. Tết Mẹ Tiên.

Hai thói quen đặc biệt của Tết nầy là ăn bánh có nhân gồm trứng và nhiều hột trái cây, và rước đèn cá chép. Bánh trứng và nhiều hột nhắc nhớ Mẹ Tiên sinh Bọc Trăm Con. Cá chép sẽ vượt Vũ Môn để biến thành Long.

Như vậy, Mừng Trăng là mừng Mẹ Tiên, và cũng mừng Cha Rồng. Nhưng Cá Chép chưa thành Long, chứng tỏ Rồng được mừng thấp hơn một bậc. [Cũng như ở Tết mừng Cha Rồng, ngày 5 tháng 5, thì biểu trưng cho Mẹ Tiên là vịt, thấp hơn Phụng một bậc].

Khi mừng Tết Mẹ Tiên, hát trống quân cũng là nét đặc biệt còn lưu truyền từ thời dân Việt thiên về mẫu hệ. Hát trống quân là hát trong quân lính. Ở thời mẫu hệ, nữ giới là vị chỉ huy, đánh trống điều động. [Cho đến hiện nay, khi khai trương trống đồng mới đúc, nữ giới vẫn còn đặc quyền đánh tiếng trống đầu tiên].*7

Lại nữa, theo 12 địa chi, tháng tám là tháng Dậu, tháng gà, tháng phụng. Gà, phụng nhắc nhớ Tiên.

Rằm tháng 8 là đêm Rằm tháng Tiên, để Mừng Trăng và Mừng Tiên. [Ở Tết Mừng Mặt Trời và Mừng Cha Rồng, thì là ngày Rồng tháng Hạ].*8

c. Kính nhớ Bà Tổ Tộc Việt.

Tết Mẹ Tiên còn đặc biệt kính nhớ Bà Tổ của Tộc Việt, từ hơn 7000 năm trước. Theo truyền thống kính nhớ Tổ Tiên, Bà Tổ Đầu Tiên của Tộc Việt trở thành Mẹ Tiên Tối Cao.

Theo niềm tin Dân Việt, giờ đây Hồn Thiêng của Hai Ngài Tổ Đầu Tiên của Tộc Việt vẫn linh hiển, và với sứ mạng Trời ban sinh ra cả một giống dân đông đúc trổi vượt, là Tổ trên hết các Tổ của Tộc Việt, là Nguồn Sinh mọi Thần Thánh Anh Linh Việt, Hai Ngài cao trọng và uy thế khôn tả, đáng để mọi người tôn vinh và cầu khẩn.

d. Ngày Mẹ Hiền, Ngày Phụ Nữ.

Ngày Mừng Mẹ Tiên cũng là ngày tôn vinh mọi Bà Mẹ, với công đức sinh thành dưỡng dục, với thiên chức Làm Mẹ cao cả.

Bao quát hơn, đây là Ngày Phụ Nữ.

e. Tết Trẻ Em.

Ngoài ra, vì trẻ em được cùng vui chơi ngày Mừng Mẹ, ý nghĩa ngày Tết rút ngắn thành ngày Tết Trẻ Em.

g. Hoa giảm thiểu và xuyên tạc.

Cũng như những Tết khác, Tết nầy bị giới thống trị Hoa đặt cho cái tên trống rỗng, chỉ để chỉ thời gian, là giữa mùa thuTrung Thu.

Giới thống trị Hoa còn gán nguồn gốc Tết nầy vào việc Đường Minh Hoàng lên thăm mặt Trăng (!) và gặp tiên múa hát (!), rồi say mê múa hát tới hại dân hại nước. [Tin được sao ?].

 

*     *

2.6 Tết Mừng Mưa. Ngày 9 tháng 9.

a. Tết Mừng Mưa Thuận.

Ca dao : 

     Ngày chín tháng chín trời mưa,

Mẹ con đi sớm về trưa mặc lòng.

     Ngày chín tháng chín không mưa,

Mẹ con bán cả cày bừa mà ăn.

Ngày 9 tháng 9 là ngày Cầu Mưa thuận gió hòa. Giọt nước mưa chính là cơm gạo, là sự sống của Tộc Việt chuyên về nông nghiệp lúa nước mấy ngàn năm. Vì vậy, Cầu Mưa, Mừng Mưa trở thành ngày trọng đại, ngày Tết.

Dân ta có cả bài khấn cầu mưa :

‘Lạy trời mưa xuống,

Lấy nước tôi uống,

Lấy ruộng tôi cày,

Lấy đầy bát cơm’.

Cầu và mừng mưa, thường được tổ chức trên đồi cao. Đây cũng là cách biểu lộ niềm tin. Mong mưa, cầu mưa, thì cũng tin tưởng vào sự linh ứng của lời cầu, và lên nơi cao cho khỏi bị ngập.

Ngoài ra, theo đúng đặc tính Tiên và Rồng luôn sóng đôi của Văn hóa Việt, khi cầu Rồng làm mưa thì cũng lên núi với Tiên. [Rồng chủ việc mưa gió, Tiên ở núi].*9

b. Ngày tròn đầy.

Hơn nữa, ngày 9 tháng 9 cũng là ngày tốt đẹp của Dân Việt.

Số 9 là số tốt đẹp, tròn đầy của Tộc Việt. Thời trước, dân ta tính theo bội số của số 9. Vì vậy, ngày hai số 9 được coi là ngày tốt đẹp nhất. [Số tốt đẹp của người Hoa là số 8].

Số 9 cũng là con số Sách Lạc của học thuyết Lạc Hồng, mà cũng là nguồn gốc của các học thuyết phương Đông.*10

Tết Mừng Mưa là ngày đem lại cơm áo, đời sống sung túc, ngày tốt đẹp nhất của nếp sống người dân nông nghiệp lúa nước.

c. Tết Phát Triển, Ngày Lao động.

Tết Mừng Mưa là tiêu biểu của nông nghiệp, căn bản của đời sống dân ta thời trước. Do đó, Tết Mừng Mưa cũng là ngày Tết Phát Triển cuộc sống chung, cuộc sống xã hội.

Ngày nay, Tết nầy cũng là ngày mừng chung của mọi ngành nghề, công nghiệp, là Ngày Lao Động, dầu là lao động chân tay hay trí óc.

d. Hoa xuyên tạc.

Vì Tết được mừng vào ngày 9 tháng 9, nên còn có tên Trùng Cửu, 2 số 9. Tuy nhiên, ngày hai số 9 chỉ nhắc nhớ ngày tháng, không nói lên nội dung của ngày Tết.

Giới thống trị Hoa lại gán nguồn gốc Tết Mừng Mưa cho việc vua Kiệt dâm bạo tàn ác nên trời gây nạn lụt. Rồi vì quá sợ nên năm nào tới ngày đó, dân cũng lên núi để tránh. Sau hóa ra ngày Tết (!).

Đây là một gán ghép lộ liễu và lố bịch. Theo sách vở Trung Hoa, vua Kiệt ở vùng Hoàng Hà. Nhưng dân vùng Hoàng Hà không có ngày Tết 2 số 9. Đang khi đó Dân Việt ở phía nam sông Dương Tử, cách xa vua Kiệt hàng ngàn cây số, thì lại lo sợ mỗi năm, và tổ chức Tết để ăn mừng !

*     *

2.7 Tết Tảo Mộ. - Ngày Rằm tháng 10.

a. Tảo Mộ.

(Tháng Bảy kẻ quảy người không,)

Tháng Mười mỗi người mỗi quảy.

[Quảy là cúng Ông Bà Cha Mẹ từ sau ngày mãn tang].

Tết Tảo Mộ kính nhớ đặc biệt thân nhân quá cố của mỗi người, của từng người, không trừ ai. Đây là ngày kính nhớ mọi người đã qua đời.

Tết nầy thể hiện Niềm Tin Việt : dầu đã qua đời, Ông Bà Tổ Tiên luôn vẫn gần gũi và luôn linh hiển độ trì cho con cháu. Vì vậy, con cháu cũng luôn chăm sóc phần Mộ của các Ngài một cách chu đáo.

Tết Tảo Mộ tập trung vào việc thăm viếng, quét dọn, và sửa sang, hương khói mồ mả thân thích nội ngoại... Tết còn là dịp để con cháu gặp gỡ và nhắc nhớ những công đức, những gương sáng của Ông Bà Tổ Tiên, và cũng để cầu xin Tổ Tiên Ông Bà và thân nhân phù trợ cho người đang sống.

Đây là ngày hoàn thành những xây đắp, sửa chữa lớn, hoặc dời mộ tới địa điểm thích đáng hơn.

Việc quét dọn, tu bổ, hương khói cũng tỏa lan tới những ngôi mộ không người chăm sóc.

Tết nầy còn được gọi là Tết Hạ Nguyên, Tết Cuối Năm. [3 tháng sau Tết Trung Nguyên và 3 tháng trước Tết Thượng Nguyên năm tới].

* Việc quét dọn tu bổ Mồ Mả còn được lặp lại vào tháng 12, để chuẩn bị mừng Tết Đầu Năm. Tháng 12 được gọi là tháng chạp để nhắc nhớ việc ‘chạp mả’ [lễ giẫy mả] và ‘chạp tổ’ [cúng tổ vào cuối năm].

- Tết Tảo Mộ nói lên sự tôn quý tất cả mọi người đã qua đời, cũng như kính trọng thân xác, kính trọng mộ phần.

b. Hoa xuyên tạc, hoán chuyển.

Thời trước, các quan chức theo Nho học, và thói tục Trung Hoa, đã lấy tiết Thanh Minh vào tháng ba làm Lễ Tảo Mộ.

Ngày nay, dân ‘thành thị’ cũng còn dư hưởng của Nho học và của người Hoa. Ngoài việc tảo mộ, ảnh hưởng người Hoa còn khuynh loát tất cả mọi liên quan tới phần mộ.

Tuy vậy, phong tục truyền thống vẫn được đại chúng Việt gìn giữ Tết Tảo Mộ vào ngày Rằm tháng Mười.

Đây là chứng cứ Tết Tảo Mộ ngày Rằm tháng 10 đã là một Tết phổ thông của Dân Việt từ nhiều ngàn năm trước.

*     *

Ghi chú Phần 2 :

*3 - Về Ông Trời, đọc thêm nt, tr 293, mục 6.2a.

*4 - Đọc thêm Con Người và Xã Hội Việt, do Nguyễn Thanh Đức, nxb Tinh Hoa Tộc Việt, 2013, đb tr 24, đoạn 5.1.

*5 - Về Long Phụng, đọc thêm nt, tr 421, đoạn 8.2.

*6 - Về biểu tượng Mẹ Tiên Cha Rồng, đọc thêm Lược Sử Tộc Việt, sđd, tr 400, phần 4..

*7 - Về mẫu hệ Thời Hùng, đọc thêm nt, tr 57, đoạn 4.6.

*8 - Trong cùng một hệ thống gởi gắm ý nghĩa vào ngày tháng, Lễ kính 18 Vua Hùng đã được định vào ngày 10 tháng 3. – Tính ngày, từ tí là 1, thì ngày 10 là ngày Dậu. Tính tháng, từ tháng giêng là tháng Dần, thì tháng 3 là tháng Thìn. Dậu là gà, phụng. Thìn là Long. Ngày 10 tháng 3 là ngày Phụng tháng Long, ngày Tiên tháng Rồng.

Lấy ngày 10 tháng 3 làm ngày kính 18 Vua Hùng, Tổ Tiên đã lưu truyền học thuyết nền tảng của Dân Việt : Vua Hùng là Tiên Rồng, là do Mẹ Tiên Cha Rồng phối hiệp.

* Đây cũng là dấu chỉ cách tính ngày tháng (lịch) bằng 10 Can 12 Chi có nguồn gốc Việt. - Chữ Can có âm Việt nguyên thủy là Cán. Cán là gốc cây, phần để điều khiển : cán cuốc, cán dao, cốt cán. - Chi là cành, nhánh, phần nhỏ : chi nhánh, chi tiết.

*9 - Về Sách Lạc, đọc thêm nt, tr 86, đoạn 4.4.

*10 - Về Số 9, đọc nt, tr 55, đoạn 4.4.

*     *     *     *

3. NHÌN CHUNG 7 TẾT

Các Tết là một hệ thống toàn bích bộc lộ quan niệm sống và tâm linh của Văn hóa Việt.

3.1 Tết Nguồn Sống Con Người.

Dân Việt đã tổ chức nhiều Tết để kính nhớ Nguồn Sống, kính nhớ những Đấng sinh dựng nên Mỗi Người : Ông Trời, Tổ Tiên, Ông Bà. Cha Mẹ.

Tết Đầu Năm, mừng vận hội mới, là Đại Lễ kính Tổ Tiên sinh dựng nên mình.

Tết Tạ Ơn Trời, ngày Rằm tháng Giêng, kính Trời là Nguồn Sống, là Vị Tổ Tối Cao của vạn vật, của vũ trụ, của nhân loại, và của từng người.

Tết Cha Rồng, Tết Mẹ Tiên, ngày 5 tháng 5 và ngày Rằm tháng 8, ứng dụng hiện thực những Biểu Tượng nền tảng của Văn hóa Việt : kính nhớ Ông Bà Tổ Tộc Việt, kính nhớ Ông Bà Cha Mẹ của mỗi người.

* Tết Kính Trời, Tết Tổ Tiên, Tết Ông Bà, Tết Cha Mẹ.

*     *

3.2 Tết Cuộc Sống Làm Người.

Tết Rằm Đầu Năm, Thượng Nguyên, Rằm tháng 1, Tết Với Ơn Trời.

Tết Rằm Giữa Năm, Trung Nguyên, Rằm tháng 7, Tết Giữa Người Sống.

Tết Rằm Cuối Năm, Hạ Nguyên, Rằm tháng 10, Tết Với Người Qua Đời, Tảo Mộ.

*     *

3.3 Tết Hiện Tượng Cuộc Sống.

a. Tết Mặt Trời và Tết Mặt Trăng, Tết Ngày và Tết Đêm.

Ta Mừng Mặt Trời vào lúc giữa trưa vào Ngày Rồng giữa Hạ, và Mừng Mặt Trăngvào Đêm Trăng Rằm tháng Tiên.

* Mừng Mặt Trời thì Mừng Mặt Trăng, Mừng Ngày thì Mừng Đêm.

b. Tết Nắng và Tết Mưa.

Tết Mừng Mặt Trời, ngày 5 tháng 5, cũng chính là Tết Mừng Nắng đem ánh sáng và khí ấm cho muôn loài.

Ngày 9 tháng 9 lại là Tết Mừng Mưa đem nước và lương thực cho con người và cho mọi sự sống.

* Mừng Nắng thì Mừng Mưa. Mừng Nắng có ngày hai số 5, thì Mừng Mưa có ngày hai số 9.

c. Chỉ Mừng, không thờ.

Cũng như mọi giống dân khác, Dân Việt lấy Mặt Trời, Mặt Trăng làm tâm điểm cho mọi diễn biến của cuộc sống. Đây cũng là chuyện đương nhiên của con người sống trong trời đất.

Nhưng Văn hóa Việt chỉ có Tết mừng Mặt Trời Mặt Trăng, mừng Mưa mừng Nắng, chứ không có lễ tế thần Mặt Trời, cũng không có thần Mặt Trăng, không có Thần Mưa Thần Nắng.

*     *

3.4 Tết Từng Con Người : Tết Đoàn tụ Thân tộc và Tết Thân nhân Quá cố.

Tết Đầu Năm là Tết từng người, Tết Đoàn tụ Gia đình, Tết Đoàn Tụ Thân Tộc đang sống cũng như đang linh hiển độ trì. Tết Mừng Tuổi, mừng sinh nhật của mọi người, từng người.

Tết Cuối Năm, ngày Rằm tháng 10, lại là Tết Tảo Mộ, Tết kính nhớ và chăm sóc mộ phần của thân nhân đã lìa đời của mỗi người.Tết Thân nhân Quá Cố.

* Tết Đoàn Tụ Thân Tộc và Tết Thân Nhân Quá Cố của Mỗi Người.

*     *

3.5 Tết Căn cơ Con Người : Tết Tiên và Tết Rồng.

a. Tiên và Rồng.

Trong tất cả mọi Tết, Văn hóa Việt luôn nối kết và nhắc nhớ biểu tượng Tiên và Rồng, là những biểu tượng cao siêu gồm tóm mọi nhận định căn cơ về Con Người.*11

Ngày 5 tháng 5, ngày Rồng giữa Hạ, là Tết mừng Mặt Trời, mừng Nắng, mà cũng mừng Cha Rồng, mừng Ông Tổ. Ngày 15 tháng 8, đêm Rằm tháng Tiên, là Tết mừng Trăng, mà cũng mừng Mẹ Tiên, mừng Bà Tổ.

* Tết Tiên Tết Rồng, Tết Bà Tết Ông, Tết Mẹ Tết Cha, Tết Nữ Tết Nam.

b. Tiên Rồng Song Hiệp.

Ngoài ra, mừng Tết Cha Rồng, ngày 5 tháng 5, có vịt. Vịt thay phụng, nhắc nhớ Mẹ Tiên. Như vậy, khi mừng Cha Rồng cũng có Mẹ Tiên, nhưng Tiên thấp hơn một cấp.

Cũng vậy, mừng Tết Mẹ Tiên, ngày rằm tháng 8, có cá chép. Cá chép hóa Long, nhắc nhớ Cha Rồng. Như vậy, ăn Tết Mẹ cũng nhớ Cha, nhưng Cha phải nhường một bước. Thực tinh tế !

Hơn nữa, ngày Tết cầu Rồng làm Mưa thì lên đồi cao với Tiên. Rồng làm chủ mưa gió, và Tiên ở núi.

Hễ có Tiên thì có Rồng, hễ có Rồng thì có Tiên. Tiên Rồng luôn sóng đôi, song hiệp.

* Tổ Tiên đã thể hiện Biểu tượng Tiên Rồng vào Tết Lễ, vào cuộc sống. Theo Văn hóa Việt, Tiên Rồng Song Hiệp là nguyên lý nền tảng căn cơ về con người và về cuộc sống con người.*12

*     *

3.6 Tết Nền tảng Xã Hội : Tết Tình Người và Tết Phát Triển.

Tết Xá Tội, ngày Rằm tháng 7, là Tết Cộng Đoàn, Tết Đoàn Kết xã hội, Tết tha thứ tội lỗi cho kẻ đã chết và cho con cháu đang sống của họ. Tết Tình NgườiTết Tương Thân.

Tết Mừng Mưa, ngày 9 tháng 9, lại là Tết Phát TriểnTết Chung Sức, hợp tác.

* Toàn bộ Văn hóa Việt, toàn bộ cuộc sống con người, gồm tóm ở Sống Tương Thân và Sống Phát Triển. Thể hiện Tình Tương Thân và Việc Phát Triển là giúp nhau, cùng nhau, sống cuộc sống thịnh vượng và hạnh phúc đích thực.*13

*     *

3.7 Thể hiện nền Văn Hóa toàn vẹn.

Như vậy, Dân Việt mừng Tết không chỉ là ghi nhớ những hiện tượng thời tiết, mà còn nhắc nhớ những nguồn sống tôn quý, những thành tố thực tại, những biểu tượng, và những bài học nền tảng của đời sống thực tế của mỗi người, và của cộng đoàn, của xã hội.

Mừng Tết với đầy đủ ý nghĩa của từng Tết chính là cùng nhau chung vui để nhắc nhớ và ứng dụng mọi yếu tố nền tảng của Văn Hóa Việt vào cuộc sống từng ngày.

Nội dung giáo hóa súc tích của việc Mừng Tết đã bộc lộ tâm huyết và thần trí của Tổ Tiên Việt, và thể hiện đặc tính toàn hảo và thực dụng của Văn hóa Việt.