QUYỂN TỰ ĐIỂN BỊ ĐÁNH TRÁO - Lương Ngọc Thành -


QUYỂN TỰ ĐIỂN BỊ ĐÁNH TRÁO

     Vì chỉ làm hợp đồng công nhật cho một công ty, bị phân biệt đối xử, tôi đã rất nghèo khó, nghèo đến nỗi tôi có điểm tâm, không có ly cà phê đen sáng trong năm liền và không dám nghĩ đến việc có con. Nhưng tội nghiệp thay, đã có kẻ nào đó, trong hải Quan phi trường Tân Sơn Nhất, chắc là vì nghèo khó hơn tôi hoặc quá cần tiền cho một việc gì đó, đã phải đánh tráo cuốn tự điển, giá trị 5 bảng Anh- một món quà của đài BBC tặng cho tôi sau khi họ chọn đọc truyện của tôi “Quyển tự điển cho con.”, cái “tác phẩm” đầu tay trong đời tôi.

     Vào khoảng tháng 5 năm 1985, với bằng đại học, làm giám sát công trường, tôi có một mức lương thấp kỷ lục- 50 đồng/ tháng- tương đương 25 gói thuốc lá đen hạng bét. Sau khi chụp cho đội banh Sở Lâm Ngiệp hai trận đấu quan trọng, và vì tôi đã góp công rất lớn để giúp họ thành nhà vô địch, tôi được mời vào làm cho một công ty bất kỳ nào đó trong sở. Thay vì như ai đó phải tốn kém đến hàng chục lần thăm viếng với ngần ấy quà cáp, và cũng phải với nhiều buổi nhậu nhẹt để có một cái chân trong một cơ quan bất kể lớn bé nào. Tôi được coi như có cái vinh dự, ân huệ để được đi làm cho họ sau khi được chính họ đãi tôi một tiệc- buổi tiệc “đoạt giải vô địch tỉnh” năm đó.

    Họ đã rất vui mừng khi nhận ra rằng tôi có bằng “Tú tài ngành Thủy Lâm” từ trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc và bằng Đại học S.P Kỹ Thuật, chính quy của nhà nước cấp. Họ đã không màng đến việc tôi trước đó bị một công ty sa thải vì một chuyện tế nhị, bị nghi ngờ đi vượt biên và có em chị đã đi vượt biên. Họ không thèm đọc kỹ càng cái lý lịch đen ngòm của tôi, cha tôi là thượng sĩ ngụy, anh ba của tôi đã là thiếu tá nhậm chức tiểu đoàn trưởng sư đàon 21 và thằng em út cũng là lính ngụy. Họ cũng đã không ngờ rằng khi tôi nhận lời chụp cho họ hai trận đá quan trọng đó, tôi đã chẳng có tập luyện gì vì mãi từ sáng sớm đến tối mịt phải đang nấu rượu lậu với gia đình bên vợ.

    Tôi được nhận vào làm cho Công Ty Lâm Sản, trong một công trường đang xây dựng một xưởng cưa, 15mét x 60 mét. Tôi đã phải dành nhiều thì giờ để đi hỏi mượn rồi đọc tài liệu về xây dựng vì tôi mong sao tôi không mắc sai phạm chuyên môn và để có thể tôi học được thêm một nghề phụ nữa, nghề xây cất.

    Sáng tôi đi sớm, ngay khi những công nhân xây dựng vừa bắt đầu làm việc. Chiều tôi đạp xe ra về khi họ vừa rửa tay nghỉ ngơi. Tôi không có ngày nghỉ weekend vì thợ phải làm gấp để trở về Sài Gòn. Không có trợ cấp hay một khoảng thu nhập gì thêm, tôi cảm thấy bế tắc. Một hôm tôi phải ứng tiền để mua một ít vật dụng cho công nhân làm kịp tiến trình. Tôi tạm mượn một khoản tiền ít ỏi trong số đó để mua một cái radio, nhỏ xíu, made in China. Từ hôm đấy, hằng đêm, tôi đặt nó bên tai lắng nghe đài BBC để nghe tin tức, mong mở mang tầm nhìn ra bên ngoài thế giới mênh mông này, để học được ít tiếng Anh, vì học chuyên ngành Thủy lâm, vì sau ngày 30 tháng 4, còn có quá ít thầy cô dạy cái môn này, và sau cùng còn để giải trí. Một tối nọ, tôi đã bắt được một tin rất vui. Tôi đã nhớ như in từng lời, từng chữ họ đọc ra,

     “Chúng tôi sắp mở mục, Truyện ngắn từ Việt Nam, do các ngòi viết không chuyên và truyện phải được gởi từ Việt Nam. Đặc biệt chúng tôi không hề quan tâm đến chính kiến của người viết. Tác giả có truyện được chọn đọc, sẽ được chúng tôi gởi tặng một quyển tự điển Oxford, size trung bình, có giá trị 5 bảng Anh.”

   Đài BBC công bố như thế hằng đêm trong khoảng suốt một tháng. Hai vợ chồng tôi vui như trẻ sắp được quà, món quà hết sức quý báu. Chúng tôi bàn thảo một kế hoạch. Là thư ký đánh máy, cô ấy lén đánh từng trang từ bài viết tay của tôi. Là người chưa từng viết bao giờ, ít đọc văn chương, tôi bỏ rất nhiều thì giờ cho câu chuyện “đầu tay” ấy, dựa theo chuyện đứa cháu nhà nghèo nhưng hiếu học Anh Văn. Tôi viết về việc nó không có được một cuốn tự điển để học như e rằng con của chúng tôi cũng sẽ chịu đựng như thế về sau này. Suốt 2 tuần, 14 đêm công phu, người viết, kẻ chỉnh sửa và đánh máy, chúng tôi hoàn tất phần đầu của cái giấc mơ nhận được quyển tự điển, rất đơn sơ, tội nghiệp. Tôi luôn thầm nghĩ sau này thằng bé con chúng tôi sẽ rất tự hào về cái món quà độc đáo đó. Tôi lo âu, do dự cho đến khi nghe chuyện đầu tiên “Cái áo len” của một tác giả ở Đà Lạt được đọc lên. Vét hết tiền dành dụm được, chúng tôi cố gởi bức thư tới đài BBC, bên trong có 4 trang giấy đánh máy. Bức thư có chứa một cái tình thương thân, thương con, thương cho cái nghèo khó nhưng với niềm hy vọng, “được đền bù xứng đáng”.

   Tôi không hề nghĩ đến trị giá bằng tiền- 5 bảng Anh nhiều mà tôi luôn nghĩ đến cái giá trị tinh thần, cái giá trị nhân bản, cái giá trị của luật nhân quả. Thứ bảy hàng tuần, lúc 10:30 tối, vợ chồng tôi hồi hộp lắng nghe, mong đợi tin vui.

    Và cái gì đến đã đến. Tối hôm ngày 7 tháng 7, 1985, tôi nghe BBC công bố danh sách các truyện sắp được đăng tải. Cái đề tựa câu chuyện của tôi, cái cụm từ: “Quyển tự điển cho con” nghe họ đọc vừa ngọt ngào nhưng lại vừa dữ dội như một cơn lốc mạnh. Nó như bốc tôi lên cao, xoay cuốn tôi trên không trung và rồi ném tôi xuống một cái ao đầm tăm tối với nước bốc mùi thúi tanh tưởi, hoặc trên một đống rôm ngoài đồng lạnh lẻo giửa đêm. Tôi sung sướng như một sinh viên vừa nghe tên mình được xướng lên trong ngày tốt nghiệp. Không giống như Archimedes đã kêu lên, “Eureka”- “I have found it”- rồi trần truồng chạy trên đường phố sau khi phám phá ra định luật sức nâng của nước. Nhưng tôi đã phải nín câm, đôi khi còn lo sợ bị công an hỏi tội. Ngày tôi mà sẽ nhận được quyển tự điển của đài BBC có lẽ là ngày đáng ghi nhớ suốt đời tôi và nó chắc phải là món quà ý nghĩa nhất mà một người cha nghèo khó nào đó có thể tạo ra cho con của y vậy.  

    Hằng đêm thứ bảy chúng tôi hồi hộp nghe đọc các truyện với một niềm vui khôn tả. Và trong cái nhà lá chúng tôi ở trọ nhỏ bé, dột nát, tồi tàn ấy, tôi ấp ủ một giấc mơ. Nó đơn giản như cái giấc mơ lúc học xong ở Bảo Lộc về Trảng Bom học Kiểm Lâm của tôi trước đó 14 năm. Tôi mơ sẽ có một đứa con. Tôi mơ có một nghề phụ. Tôi mơ có một căn nhà lá nhỏ bé -như cái căn tôi, vợ và mẹ tôi đang tá túc đây vậy. Tôi mơ con tôi học giỏi- như tôi đã từng mơ hồi ở trung học. Tôi mơ làm một người cha có trách nhiệm- người cha mà tôi đã và đang không có. Và dĩ nhiên, tôi mơ đến ngày trao tay cho con tôi cuốn tự điển “BBC” và bảo với nó rằng,

“Nếu ba tạo ra được cuốn tự điển này, con có thể sẽ tạo ra hàng ngàn cuốn như thế, con nhé!”

   Trong cái đêm tối mưa gió của tháng 10, những âm thanh ngọt ngào của người dẩn chương trình hôm ấy làm cho cái nơi ở tồi tàn của chúng tôi trở thành một cung điện. Cái giường bằng gỗ tạp chúng tôi, đang ngủ bổng biến thành một tấm thảm thần bay lên cao trong đêm đó. Hai vợ chồng tôi đã ôm nhau khóc mùi mẫn. Sáng hôm sau, ông thầy dạy Anh Văn của tôi đã mỉm cười thật tươi khi bắt tay tôi,

“It’s your golden day!”

 Kẻ nào, người cố tình đánh tráo quyển tự điển đó, mà nghe đọc được điều này, chắc sẻ hối hận lắm và sẽ phải tìm đến con tôi để xin lỗi, nếu như y còn có chút lương tâm.

    Tôi đã viết thư cho BBC hai lần để thỉnh cầu một quyển khác hoặc nhận được cái phiên bản truyện ngắn đó nhưng đã không nhận được hồi âm. Tôi e ngại rằng con tôi sẽ không tin vào chuyện này. Tôi e rằng tôi sẽ có thể làm vẩn đục cái niềm tin mà nó đặt vào tôi. Đánh mất niềm tin của một người, có thể được ví như đánh vào tim họ một cú mạnh. Việc làm ai thất vọng có thể được xem như việc gây một vết thương trên thân thể của họ. Tôi không trách kẻ đánh tráo cái quyển tự điển ấy nhiều bằng cái việc hắn đã “đánh tráo tình người”.

    Ít ai hiểu được niềm vui rất “người” của tôi khi tôi đọc báo sáng cho công nhân trong xưởng cưa gỗ nghe. Không ai trong số họ biết rằng tôi phải rời nhà lúc 5 giờ rưỡi, đạp xe 8 cây số, bụng trống không, để đến kịp lúc. Tôi đã làm như vậy hàng ngày chỉ vì tôi sung sướng khi tất cả họ rất im, lắng nghe tôi đọc. Các thầy cô giáo chắc chắn hiểu được niềm vui đó của tôi, “niềm vui có kẻ lắng nghe mình”. Những người thợ cưa đó, vốn ít đến trường, cũng cố gắng đến kịp giờ vì sợ bị điểm danh như học trò trong lớp và cũng vừa để không phụ công tôi đọc. Họ khoái được  nghe cái giọng hoặc cách đọc của tôi. Tôi thật “phê” khi nghe ai đó nói về tôi,

“Ông Thành đọc nghe “sướng cái lổ tai!”

Tôi luôn âm thầm ôn lại một bài học mà tôi đặt tên là 3 T- “ Tôn trọng chính mình- Tôn trọng kẻ khác- và Trách niệm về hành vi của mình.”

      “Quyển tự điển cho con” kể về một thằng học trò nhỏ, lớp 8, mồ côi cha. Là một công nhân bình thường, mẹ của thằng bé không lo được cho nó sách hay, vở tốt chứ nói gì đến quyển tự điển. Hằng ngày cậu bé chăm lo học và được chọn vào lớp chuyên Anh Văn. Được sắp hạng nhì trong lớp chuyên Anh, vì thằng bé thua hẳn người hạng nhất về từ vựng. Xin mẹ một quyển tự điển chưa được, thằng bé phải mượn của mấy đứa bạn học trong lớp và thức khuya để tra từ vựng, thành ngữ, trong các bài đọc khó hiểu. Một đêm, như nhiều đêm khác, nó phải thức khuya để học bài. Thằng bé ngủ gục trên bàn học trong lúc mẹ nó đang chăm chú đọc một công văn khó hiểu dài dòng. Chợt mẹ nó nghe tiếng mớ của thằng con tội nghiệp,

“Mẹ cố tìm mua cho một quyển tự điển nghe mẹ, nghe mẹ…”

Bà mẹ bật khóc và đến trước bàn thờ của người chồng quá cố để đốt một nén nhang và để tâm tình. Bất ngờ người mẹ nó nhớ lại cái đồng hồ đo điện kế- cái công cụ mà ba nó đã từng rất cần, rất yêu quý. Hôm sau người mẹ đem nó đi bán và đã mua được một quyển tự điển cho đứa con. Thằng bé thật vui khi nhận món quà và nó cảm động hơn nhiều khi đọc dòng chữ mẹ nó nắn nót viết trên trang đầu tiên, “Tặng con yêu của mẹ. Không có từ nào trong quyển tự điển này có thể giải thích được tình yêu của mẹ đâu con ạ!”

     Giống như Carpenters hát bài Mr. Postman, ngày nào tôi cũng trông chờ ông phát thư- giống như thời đi học trên Bảo Lộc. Người phát thư đã không đến vì tôi mượn địa chỉ bên gia đình vợ tôi. Mãi đến một ngày cuối năm, 25 tháng chạp của tết năm đó, thằng cháu vợ hớn hở đạp xe đến với bịch quà từ đài BBC. Tôi ôm ghì nó và lì xì cho nó một ít tiền rồi hí hửng mở quà ra. Ngoài bìa phong bì to có ghi rỏ rành rành mọi thứ tôi hằng mong đợi. Nhưng bên trong, cùng kích thước ấy là một quyển sách cũ bằng tiếng Đức. Cái quyển tự điển tôi mong đợi ấy đã bị đánh tráo. Tôi đã nghẹn ngào, đứng chết lặng một hồi lâu và quyết định gìn giữ nó cho đến ngày hôm nay. Đến nay, câu chuyện xảy ra được 29 năm. Con trai tôi- Lương Nhất Anh- năm nay được 25 tuổi, khá giỏi Anh Văn do chính tôi dạy cháu.

     Tôi thường tự hỏi,

“Có ai muốn xem quyển tự điển bị đánh tráo đó không nhỉ?!”

Dẩu sao, tôi cứ cất dấu nó cẩn thận như một món đồ có giá trị, giá trị thật đấy!

                                                                                                                       Sydney Sep 3, 14

                                                                                        Lương Ngọc Thành