MẸ DẶN…LÀ PHỤ NỮ !!!
Tuyet tran - nhân ngày 20-10
Còn nhỏ, chưa lấy chồng, phải biết thu gom kiến thức, chăm lo học hành để sau này tự coi sóc bản thân. Đừng như mẹ, mới hết lớp đệ nhị, chữ viết còn ngoằn ngoèo, 17 tuổi phải “gác bút nghiêng” theo chồng về làm dâu xứ lạ. Con đường học hành quá ngắn nên suốt đời mẹ phải khom lưng ngoài đồng ngày nắng cháy, lội nước dưới ruộng ngày mưa giông..Dạ, con nghe! Nhưng nhờ sự vất vả, hi sinh của mẹ con đã hoàn thành 4 năm đại học, ra trường và có công việc nuôi sống bản thân. Chưa vội lấy chồng khi tuổi đời còn quá trẻ.
Lấy chồng rồi, sáng phải thức dậy trước mẹ chồng, nấu cơm, giặt giũ dọn dẹp, “không được ngủ nướng nghe con”. Dạ, con nghe! Nhưng hằng ngày, con vẫn có thể thức dậy sau mẹ chồng, vệ sinh cá nhân và dắt xe đến cơ quan làm việc. Chủ nhật, con có thể “nướng khét lẹt” đến lúc “mặt trời mọc chín sào” mà chẳng phải lo bị mẹ chồng quở mắng. Không như mẹ, phải thức dậy từ lúc con gà vừa cất tiếng gáy sáng, quần quật cả ngày cơm nước, chợ búa, heo gà. Con may mắn không phải “làm dâu” kiểu thời xưa phong kiến như mẹ, suốt sáu mươi mấy năm trời.
Phải biết nhường nhịn cho chồng cho con, từ miếng cơm, manh áo. Như mẹ, mỗi bữa ăn, có miếng cá ngon, có tô canh ngọt, mẹ cũng dành phần đó cho con, cho chồng. Dạ, con nghe! Nhưng thỉnh thoảng con đi “shopping”, tự mua sắm cho mình những bộ đồ đắt tiền, sang trọng, có thể vào nhà hàng thưởng thức những món ăn ngon. Không như mẹ, cả đời chỉ biết nhường nhịn, lo toan.
Phải đi đứng khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ, biết nhún nhường và đôi khi phải biết chịu đựng, chịu khó và chịu tủi. Dạ, con nghe! Nhưng hằng ngày con vẫn sống theo đúng với bản tính vốn có của mình mà không cần phải quá “nghiêng mình” trước họ hàng, cô bác nhà chồng. Con có thể cười, có thể khóc theo cảm xúc của mình, có thể đưa ra ý kiến bàn luận cùng cả nhà khi gặp vấn đề rắc rối. Không như mẹ, “công, dung, ngôn, hạnh”, nhún nhường đủ đường mà cả cuộc đời làm dâu có lần nào thấy mẹ vui cười thoải mái. Mẹ chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng.
Ăn bận phải kín đáo, làm gì cũng “ngó trước nhìn sau” kẻo người ta đánh giá. Không được ngồi lê đôi mách, tám đông tám tây, kéo chuyện thiên hạ vào cuộc vui nói chuyện của mình. Đừng để việc “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”. Dạ, con nghe! Nhưng hằng ngày, ngoài trang phục đi làm nơi công sở, con có thể áo thun 3 lỗ, quần short, dép lê thoải mái như ở nhà của mình. Thỉnh thoảng cuối tuần, có thể café tán gẫu với bạn bè, bàn chuyện trên trời dưới đất. Không như mẹ, lấy chồng, ngoài chồng con, công việc và gia đình, chẳng thấy bóng dáng một người bạn.
Phải biết thu vén chi tiêu trong nhà, sọt gạo, hũ đường, chai nước mắm. Phải lo ngày cơm 3 bữa cho chồng, cho con và cho cả mẹ chồng. Là người ăn sau cùng và cũng là người thức cuối cùng trong nhà. Dạ, con nghe! Nhưng thỉnh thoảng con vẫn đề nghị chồng cùng vào bếp. Cuối ngày vẫn tỉ tê chuyện cơm mắm, gạo sữa trong nhà với chồng để chồng chia sẻ bớt “gánh nặng” cho con. Cuối tuần, có khi không ăn cơm nhà mà ra ăn tiệm. Ăn cùng gia đình mà không phải “kẻ trước người sau”. Con cũng không phải là người thức cuối cùng vì cả ngày làm việc ở cơ quan đã thấm mệt.
Lấy chồng rồi phải toàn tâm toàn ý lo việc-bên-chồng. Khi nào rảnh, hãy về thăm mẹ. Dạ, con nghe. Nhưng hằng ngày con vẫn điện thoại hỏi han về cho mẹ. Lễ, tết, và bất cứ lúc nào rảnh việc cơ quan là bắt xe hơn 600 cây số về thăm mẹ. Không như mẹ, từ ngày lấy chồng, muốn quan tâm đến ba mẹ ruột cũng đôi đường vất vả. Cái bánh, chai nước gửi về cho cha mẹ cũng “giấu đút” trước sau. Từ ngày mẹ lấy chồng, chưa được thảnh thơi ngày nào.
Mẹ chỉ “dặn” chứ không “dạy” nên con không cần làm tất cả những điều như mẹ nói. Vì con biết, trong thâm tâm mẹ, mẹ cũng chẳng muốn con gái của mẹ phải đi theo “vết xe đổ” mẹ đã đi qua. Những lời mẹ dặn đó chính là cuộc đời của mẹ, cuộc đời của một người phụ nữ bình thường, một người nông dân của thời xa xưa cho đến tận bây giờ vẫn phải sống cuộc sống như thế, dù mái tóc đã bạc, dù vết chân chim trên khóe mắt đã nhiều.
Ngày Phụ nữ Việt Nam, mẹ lại dặn đừng bày vẽ chi nhiều, đừng quà cáp bánh trái tốn kém. Dạ, con nghe!. Nhưng vẫn âm thầm “kết nối” với các anh, chị và các cháu trong nhà để làm cho mẹ một Ngày 20/10 thật đặc biệt. Này hoa, này bánh và nhiều lời chúc từ con, từ cháu. Những ai ở xa không tiện về thăm mẹ cũng gọi điện về chúc mừng. Mẹ là mẫu người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, cả đời chỉ biết hi sinh vì chồng, vì con. Do vậy, mẹ xứng đáng được hưởng nhiều hơn thế vì mẹ đã đánh đổi từ cuộc sống quá nhiều. Dù những lời mẹ dặn, có thể cuộc sống hiện đại này không còn đúng hoàn toàn, nhưng con biết, đó chính là “cái gốc” của người phụ nữ Việt Nam.!!!