MỘT TỐI GHÉ THĂM
Càng nhiều lần Long Kh’mer và Khuê Bầu ghé thăm tôi tại trường Đ.H ở Thủ Đức, thì càng ít lần tôi ghé thăm Hậu Bào tại Cái Vồn, Bình Minh- Vĩnh Long.
Sau ngày 30 tháng 4, trong nhóm Bụi Gia Trang, Băng Cần Thơ lên B’lao học, nó và tôi có hai thứ duy nhất. Tôi là kẻ duy nhất còn học tiếp đại học và nó và đứa duy nhất về quê làm ruộng. Dẩu sống trong nơi xa xôi khó đến đó, Hậu Bào đôi khi cũng có bằng hữu đến thăm như thể hắn đang ở bất cứ một nơi bình thường nào đó ở Cần Thơ vậy. Đang ở nội trú, thời khóa biểu dầy đặc, thường xuyên đá banh, tôi là người khó đi thăm nó nhất. Hơn thế nữa, 3 tuần nghỉ hè và 8 ngày nghỉ tết, người ta về quê còn tôi thì lên Bảo Lộc. Lắm lúc tôi đi lên Bảo Lộc một ngày khi có 3 ngày nghỉ học thi học kỳ.
Tôi cần Bảo Lộc như một người già yếu cần dưỡng khí, như một kẻ bệnh tâm thần cần một nơi để an dưỡng. Tôi muốn đi Bảo Lộc bất cứ lúc nào giống như người ta muốn được xuất viện, người lính muốn nghỉ phép, một kẻ ngồi tù muốn được về thăm gia đình. Tôi đi lên Bảo Lộc như bất kỳ ai khác sống xa sứ đi về quê nhà. Tôi mong muốn lên Bảo Lộc như những người ở hải ngoại mong về quê hương.
May thay, Hậu Bào không cô đơn như tôi. Sống chung với một mẹ già và người chị dâu góa bụa có ba đứa cháu nhỏ, nó còn có nhiều chàng nông dân trẻ thích nó. Họ thích đá banh, uống cà phê bàn luận chuyện ruộng nương, nghe nó kể chuyện và dĩ nhiên là việc nhậu nhẹt với nó. Họ quý nó vì nó có chữ nghĩa, có những trải nghiệm và có thể vì cái chất “Bảo Lộc” đã thấm nhập sâu đậm trong người của nó nữa. Có bà con bên nội rất đông vì ba nó là trưởng nam, nó phải lo tổ chức, hay đi dự rất nhiều đám tiệc, giỗ chạp. Làm hội trưởng nông dân ấp, nó phải đi họp, đi tiệc tùng của các hội viên. Làm một chàng trai từng trải, dáng vóc hấp dẩn, ăn nói chậm rỏ chững chạc, nó có một vài người phụ nữ lở thì, đàn bà góa bụa đem lòng yêu thương nó cho nên nó có thể đến với họ bất cứ lúc nào nó muốn. Làm một thầy “giáo làng”, nó có nhiều phụ huynh kính quý nó. Có thằng em trai và một chị khá giả thường rước mẹ nó qua Cần Thơ, nó có nhiều chuyến đi qua Cần Thơ để rước mẹ nó về. So với tôi, nó có hơn nhiều thứ, chỉ trừ một điều- còn ngồi trong lớp học.
Trong một buổi xế chiều còn nắng nóng, bất ngờ biết có được một ngày nghỉ lễ, tôi quyết định đi thăm nó. Xuống xe bên dốc cầu Cái Vồn Nhỏ lúc trời đã tối mịt, tôi cứ vội vả đi nhanh vào. Khỏang hơn 3 cây số với khỏang 36 cây cầu nhỏ tôi mới đến được nhà nó. May cho tôi, có hai khách bộ hành chia cho tôi chút ánh sáng từ cây đuốc họ cầm trên tay khi qua vài cây cầu nhỏ gập ghềnh.
“Anh hai đi đâu“dìa chể” quá” dậy?”
Tôi phải cố gắng nói dối,
“Có công chuyện gấp lắm.”
Người đi song hành tỏ vẻ thông cảm với tôi,
“Chừng nào “dìa” tới nhà tui rồi, chờ tui kiếm cho anh một cây đuốc khác nhen.”
Cây đuốc là một bó lá dừa khô được cột chặt. Khi muốn cho nó sáng thêm hơn, người cầm đuốc quơ quơ hai ba lượt. Được chỉ bảo như vậy, tôi cảm thấy yên tâm hơn khi một mình đi trong bóng tối đen như mực. Vừa cố đi nhanh, tôi vừa nhẫm đếm và cố nhớ số cây cầu tôi vừa đi qua.
Nhờ ánh lửa, tôi nhận ra cổng vào và tránh vấp phải hàng đá xanh dắt vào nhà. Giống như căn ba gian to lớn mái ngói trên nền cao, nhà thừa tự, căn nhà của nhỏ mái tole cũ, được dựng tạm sau ngày 30 tháng 4, của gia đình nó tối thui. Tôi gọi tên nó thảng thốt,
“Hậu ơi. Hậu ơi. Thành Xì nè.”
Một chốc sau, có tiếng trả lời yếu ớt của ai đó,
“Thành hả! ra nhà sau đẩy cửa vô đi con.”
Tay cầm cây đèn dầu phọng khói tỏa đen thui, tay lần theo cái vách lá, tôi tìm được cửa hông. Từ trong cái buồng nhỏ, má nó bước ra,
“Sao đi đâu mà giờ này mới tới? Cơm nước gì chưa con?”
Tôi chào bà và đáp ngay,
“Xế chiều con mới lên xe lận. Kẹt phà Mỹ Thuận quá lâu nữa đó Bác.”
Đặt cây đèn trên cái bàn gỗ mục nát vài chổ, bác Ba gái rung rung lắc tay,
“Bây thiệt khổ quá. Chắc đói bụng lắm phải hông?”
Nghe xong, tôi không còn thấy mệt một chút nào nữa cả. Vịn cánh tay tôi, bà già chỉ về hướng cái bếp có ba cái “lò cà ràng”,
“Con bưng nồi cơm qua đây, có chén mắm chưng ở trong đó đó. Gọt mấy trái chuối chát ra ăn đở nghen Thành. Thắng Hậu với mấy đứa nữa ra ruộng đặt lợp tự sập tối đến giờ.”
Đang bụng đói cồn cào, tôi lẹ làng làm theo lời bác ba gái và một mình “nhập tiệc” ngay sau khi bà trở vào trong buồng nghỉ.
Tôi như đang ở ngay trong nhà của chính mình. Lần đầu tiên theo nó về đây 10 năm trước, bác Ba giới thiệu tôi là, “bạn học của thằng Hậu.”. Nhưng ngay từ lần thứ hai, tôi nghe rỏ lời bác nói với mọi người trong cái xã này,
“Thằng này là cháu tôi.”
Bà nội thương tôi như thằng cháu cưng. Có vài lần bà bảo tôi,
“Ưng bụng đứa nào, muốn làm con rể của ai con cứ nói. Bà nội đứng ra lo hết cho.”
Cơm trắng tinh dẻo mềm lúc đó như thể là mì spaghetty của dân Ý và chén mắm kho còn sót lại trong nồi đó như cả một cái lẩu hải sản. Trái chuối chát như một miếng bắp cải Kim chi. Tôi ăn ngấu nghiến đến phát nghẹn đến mấy lần. Bình trà không còn chút hơi ấm khi đó ngon như một ly bia Đức lạnh teo. Cái đèn dầu phộng, trên bàn tròn tròn siêu vẹo, như thể một đèn kiểu được décor độc đáo trong một nhà hàng sang trọng. Một mình một bàn tiệc, tôi vừa ăn vừa suy nghĩ,
“Hạnh phúc đôi khi thật đơn giản, thật nhỏ nhoi. Ta hưởng cái ta đang cần. Ta tự cảm thấy đủ.”
Đêm ở thôn quê thật vắng lặng. Tôi không nghe thấy gì khác ngoài tiếng côn trùng, tiếng chó sủa từ rất xa vọng lại. Cái bếp lờ mờ ẩn hiện trong khu nhà lá phía sau này. Nó như muốn gợi lên cái nơi tôi muốn được chung sống với mẹ tôi. Gian nhà lá dừa, các cây cột tràm nhỏ khẳng khiu, cái chỏng che ọp ẹp, cánh cửa xiêu vẹo là tất cả những thứ tôi đang mơ đến.
« Có ai trong nhà kìa ! »
Tiếng của thằng Hậu rắn rõi.
«Ai trong nhà vậy ? »
Cố gắng nín thinh, lua hết những hột cơm còn xót trong chén, vừa đặt nó xuống bàn, tôi nghe tiếng reo lên của thằng Sáu Lát,
« Ủa, Thành Xì ! »
Tối hôm ấy, nhà thằng Hậu như có một tiệc lớn. Hàng xóm chung quanh nghe có tiếng đàn hát, tiếng cười vang của 3 đứa tôi cùng với 5 thằng bạn khác, sau đó một đổi đã đến với chúng tôi. Dù nghèo khó, ít chữ nghĩa, với tay lấm chân bùn, quần áo nhiễm phèn vàng như nghệ, họ có trong lòng những thứ mà tôi quý mến, cái trong sạch, tinh khiết, thật thà chất phác và đôn hậu cái thứ mà tôi ít thấy trong những người khác.
Rạch Giá 14- 10- 2012
Ngọc Thành