NGƯỜI CHA NUÔI- phần 8 - Lương Ngọc Thành NLS BL -

                             NGƯỜI CHA NUÔI- phần 8

 

     Ba Năm đã hỏi mua luôn căn nhà đó. Chủ nhà, phần muốn có tiền mua đất ruộng ở dưới quê, phần không có giấy tờ nhà, đã bán rẻ cho ba Năm.

     Tôi dạy một lớp luyện thi vào cấp 2 do cô Hằng chia cho tôi phân nửa. Tôi dạy cô ấy đàn guitar vào những ngày còn lại. Tôi dành hết thì giờ còn lại tu sửa và trang hoàng căn nhà nhỏ và cũ kĩ này. Tôi không hề đi đâu với bất kỳ ai hoặc làm bất cứ điều gì khác và rất ít khi chơi bóng đá cho trường.

   Khi đi ngang qua lại trước nhà trong lúc tôi đang dạy, ông như thể muốn xem cái lớp học ra sao, dư luận hàng xóm thế nào. Mỗi khi có ai hỏi về tôi hoặc về căn nhà, ông một mực trả lời rằng:

  - Thằng Thành mua căn nhà này để ở cạnh tôi, để dạy học. Căn kia tôi chia cho em nó. Tụi nó thương nhau lắm, nhưng có khi cũng hơi xung khắc.

Bà Tám cạnh nhà lên tiếng,

  Thằng còn đi học mà giỏi quá há? Tụi con trai xóm này chẳng có lo học hành gì ráo trọi. Anh thiệt có phước quá. Con trai thì giỏi giang. Con gái thì hiền thục.

Ba Năm mỉm cười,

  - Tôi giờ chỉ có biết lo cho hai đứa nó thôi.

Ở trong xóm này, người ta rất kính nể ba Năm. Ông chưa làm điều gì gây phiền cho bất cứ ai. Ông chưa từ chối giúp đỡ ai việc lớn việc nhỏ gì. Ông chưa hề gây một chuyện lớn nhỏ gì để bất cứ ai phải đàm tiếu cả.

Ba Năm chưa kể cho thiên hạ ở xóm này về tôi. Từ ngày tôi dạy học ở đây, họ càng quý trọng ba Năm. Hằng và hai cô em cuối đầu lễ phép chào ba Năm bất cứ khi nào họ gặp ông.

Mấy đứa học trò nhỏ thì luôn miệng, “Thưa Ông Năm”, “Chào Ông Năm”. Ba Năm hảnh diện và vui như chưa bao giờ được vui cả và niềm vui sâu sắc đó đã khiến ông đi đến một quyết định làm kinh ngạc nhiều người và nhất là tôi, “học Anh Văn”.

     Tại trung tâm ngoại ngữ của Đ.H Tổng Hợp, ông là học trò lớn tuổi nhất- 54. Sau khóa đầu học khá, rất siêng năng, ba Năm được một học bổng: “miễn học phí”. Trong lớp, ba Năm ngồi bàn đầu, ghi chú rất nhanh và đối đáp ngay với các thầy cô giáo. Ra khỏi lớp, ba là người bắt chuyện trước với các người khách nước ngoài. Ở nhà, Ba Năm rất thường nghe đài VOA hoặc nghiền ngẫm mấy cuốn truyện dịch. Ba cũng tập tành viết nhật ký bằng tiếng Anh, viết ra những bản tin ông ưa thích để vào lớp nhờ thầy chỉnh sửa lại. Ông ăn mặc chỉnh tề khi đi học. Ông hớt tóc cạo râu tươm tất như một quý ông có học thức. Những năm ông học trung học, những kỷ niệm thời học trò nay sống lại, nay giúp ông hồi xuân và yêu đời hẳn lên. Ông ủi đồ, đích thân đánh bóng giầy và lau chùi chiếc xe đạp. Ông giờ rất thường đưa rước Vân đi học. Ông đích thân dạy cho Vân học Anh Văn và tập cho em phát âm rất công phu. Ông dịch, và đọc cho Vân nghe những mẩu truyện ngắn hay ông trích ra từ VOA. Tôi chú ý nghe nội dung rồi mượn tập của em xem lại. Ông có những băng cassette thu những bài học hay. Ông hình như thay đổi cách sinh hoạt rất nhiều và ông đã ăn mặn từ lúc nào hai anh em tôi chẳng hay. Tôi cũng bắt đầu chú ý đến cách tự học đấy. Nếu tôi có tự tập chơi đàn được, thì chắc hẳn tôi cũng có thể tự học Anh Văn được. Chúng tôi vừa mở ra một chương rất mới trong cuộc đời của chính chúng tôi. Thỉnh thoảng, Ba Năm hỏi tôi bằng tiếng Anh. Thỉnh thoảng ba Năm ngâm nga một khúc hát bằng tiếng Anh rất điệu nghệ. Tôi cũng noi gương ấy, hỏi Long Vân bằng tiếng Anh. Tôi bắt đầu tập cho mấy chị em cô Hằng vài bài hát tiếng Anh nổi tiếng. Câu nào hơi khó, tôi nhờ Ba Năm giảng dạy trước. Tôi tập đệm trước, hát trước. Họ rất thích cách học như vậy và chúng tôi ngày càng thân thiết nhau. Tôi rất thường bắt gặp Vân đứng trước nhà nghe chúng tôi tập đàn hoặc hát. Tôi rất thường thấy em chào cô Hằng một cách khá hững hờ và sau lớp cô Hằng học, em còn thường tránh mặt cô. Trong lớp 6 của Vân, em không có một khó khăn gì chỉ trừ việc thỉnh thoảng em phải gặp và chào cô Hằng. Tùng ngày càng thân với em bao nhiêu, thì em ngày càng xa với cô Hằng bấy nhiêu. Em càng xa cô Hằng bao nhiêu, tôi càng cảm thấy lo lắng băn khoăn bấy nhiêu.

       Ba Năm học 2 khóa Anh Văn kế tiếp. Mỗi tháng ông đi làm khoảng 3 lần vào cuối tuần. Vân lên lớp 7 khá dễ dàng. Em cao lên ngó thấy. Tôi còn một năm nữa thì xong việc học. Các lớp tôi dạy đều có kết quả tốt. Cô Hằng có thể đệm đàn và hát bài:”A time for us” một cách tạm được. Mọi chuyện đều được, trừ một điều gần đây, Long Vân đau bụng dữ dội. Em xanh xao ốm yếu. Em vừa bắt đầu vào giai đoạn dậy thì- có kinh.

        Tôi phải nhờ Hằng làm nhà tư vấn. Hằng vui được chăm sóc cho em của ông thầy. Hằng mua tặng cho em các thứ cần thiết cho cái chuyện rất riêng của phụ nữ đó. Tôi mừng thầm vì ít ra tôi và ba Năm không gặp khó khăn vì cái chuyện lạ lẫm với đàn ông chúng tôi. Tôi có nhiều trách nhiệm hơn trước. Tôi mua nhiều sách tài liệu hơn trước cho Vân đọc. Ba Năm lo học hẳn hơn trước. Vân kín đáo và ít nói hơn trước. Ba người trong nhà có ba không gian khác nhau hơn trước, ba cái riêng tư, ba nỗi lo. Nhưng ba người chúng tôi có một thứ rất chung từ lâu nay: Hạnh Phúc. Ba Năm hạnh phúc vì nhiều nụ cười do nhiều niềm vui chúng tôi mang đến. Ông hạnh phúc vì ông có thầy, có bạn học, có điểm bài làm, có niềm hảnh diện vì tôi làm thầy giáo, có sự an tâm rằng tôi sẽ lo được cho em Vân. Ông hạnh phúc vì ông có thể thực hiện mơ ước- viết truyện ngắn bằng Anh Văn.Tôi hạnh phúc vì những thành tựu nhất định tôi đã tạo ra. Tôi hạnh phúc vì tôi có một mái nhà để nương tựa, một người cha để kính yêu, một đứa em để chăm sóc. Tôi hạnh phúc vì có một số học trò để tôi dạy dỗ. Tôi thật quá hạnh phúc vì có cả một căn nhà nhỏ làm lớp dạy học. Tôi hạnh phúc vì tôi có một số điều để khoe với má tôi khi tôi về thăm bà ấy. Em Vân hạnh phúc vì có một người anh để vòi vĩnh, giận hờn và tị hiềm.

    Em hạnh phúc vì em có những thứ thông thường như bao nhiêu người khác có: gia đình. Em có thể mơ đến việc vào đại học, việc có sự hướng dẫn cách vào đời. Em cũng có thể mơ đến bất cứ thứ gì khác như bao nhiêu người khác. Khi mà cô Hằng mơ được gần tôi hơn- tôi đoán thế, thì em mơ được làm sao đẩy cô ta xa ra khỏi tôi. Em có tự do, em có quyền được yêu thương ai và không yêu thương ai, thích cái gì và không thích cái gì. Tôi hiểu và tôn trọng cái quyền đó như tôi cũng tự cho phép tôi vậy.

   Trong lớp tôi chỉ làm điều mà tôi thích, ghi chép điều mà tôi chọn. Cuối giờ chiều, tôi thường “cúp cua” để ra tập banh một cách rất tự do. Đầu hè tôi chọn nơi nghỉ là nhà Má Chánh. Bây giờ tôi nghỉ hè tại nhà Ba Năm. Trước đây hàng cuối tuần, tôi chơi banh suốt từ sáng đến chiều tối. Giờ tôi ở suốt dưới Sài Gòn với Ba Năm và em Vân. Tôi thản nhiên khi có anh chàng sinh viên nào to nhỏ gì về tôi. Tôi cũng thản nhiên khi chi đoàn lớp tôi họp bàn gì, phê phán gì về tôi. Tôi hiểu cái quý nhất mà tôi đang có: Tự do và hạnh phúc.

Ba Năm một lần nữa làm cho tôi kinh ngạc và tự hào. Ông đậu kỳ thi A với số điểm xuất sắc ít ai ngờ: 25,5/30. Trong phần thi vấn đáp, ông bốc đề nói: “Điều gì quan trọng nhất: Hạnh phúc, tiền bạc, sức khỏe hay danh vọng” What for you is the most importance: happiness, money, health or fame?”. Số điểm 8,5 của ông đủ nói lên điều gì về khả năng của ông rồi. Vị nữ giám khảo trẻ tuổi phải trầm trồ, kinh ngạc khi nghe ông kể về mình,

 “Tôi là người đi buôn chuyến nuôi hai đứa con. Tôi học để dạy con gái.” Ông giám khảo thứ hai- trạc tuổi ông, thì xiết tay ông thật chặt,

 “Tôi rất ấn tượng. Ông vừa dạy tôi một bài học.”

Ba Năm- bằng tiếng Anh đáp trả rất ư là khí phách và cũng rất ấn tượng:

   Tôi chỉ làm cái gì một người cha được định đặt phải làm thôi. (I just do whatever a father is supposed to).

Ông được tận tay tiến sĩ Lý Hòa- hiệu trưởng trường Đ.H Tổng Hợp phát bằng trong một buổi lễ khá long trọng. Đó là hôm ông trông thấy trẻ nhất. Cái cà vạt màu đỏ có vân nâu nhạt và cái áo sơ mi trắng muốt làm tôn cái vẻ quý phái của ông lên một nấc.

Tôi mua tặng ông cái khung hình rất đẹp để đặt cái bằng vào. Tôi treo ngay trên giửa kệ sách của Long Vân. Tôi sau đó bổ sung vào số sách của ông một số tạp chí cũ, hàng chục cuốn Ladder edition và hai cuốn truyện dịch: “God Father và Crime and punishment.”    

Ba Năm đã dạy hai anh em tôi một bài học thật lớn: “Mọi chuyện đều có thể xảy ra” (Anything is possible).

Tôi bắt đầu học Anh Văn theo cách của ba Năm. Những bài học Văn phạm ba Năm soạn lại rất dể hiểu rất rỏ ràng. Những bài nghe ông mua hay tự thu từ chương trình VOA rất xúc tích ấn tượng. Chờ đến 11:30 tối, khi mà sóng vô tuyến trong và rỏ nhất, ba Năm thu lại những chương trình ông ưa thích. Mục câu chuyện Mỹ và những mẩu tin ngắn là thứ mà ba tôi dành nhiều thời giờ nghe nhất. Viết ra các bản tin hoặc viết ra cả một câu chuyện tốn ông ta rất nhiều thì giờ nhất, nhưng có lợi nhất. Ông làm theo lời khuyên của các giảng viên tại trung tâm Đại Học Tổng Hợp. Tôi vốn ít hiểu biết Anh Văn nay có thể tự học được chút ít theo cách học của ba Năm. Tôi nghe và đọc các bài ba tôi viết ra. Hai cha con tôi nay có một niềm vui mới học: Anh Văn. Một niềm hạnh phúc đơn giản và rất riêng biệt. Một nổ lực có ý nghĩa rất lớn sau này trong cuộc đời tôi. Đời có đầy những chọn lựa khó khăn. Đời có đầy cạm bẩy và thử thách khắc nghiệt nhưng đời cũng có nhiều món quà, nhiều sự ban tặng cho những ai biết sống và biết phải cách vươn lên. Em Vân không thể tin được rằng ba Năm học là vì muốn tự mình dạy em sau này.

     Ba Năm chỉ muốn em hiểu được ba qua các câu văn, ý nghĩa, ba viết ra hay ba thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Một trong số đó là: “I was born to make her happy.”(Tôi đã được sinh ra để làm cho con gái tôi hạnh phúc.) 

                                                                       (còn tiếp)