Chuyện đời có khi rất lạ. Cái chuyện nghe như đùa mà thành sự thật. Có chuyện nghe rất thật lại thành chuyện đùa. Hằng và tôi dạy xong lớp ôn thi của Long Vân và Tùng. Kết quả đậu là 96%- một kỷ lục. Lớp đàn guitar tôi dạy Hằng còn là kỷ lục cao hơn. Sau ba tháng, Hằng đàn được bài Romance và hòa tấu với tôi bài Romeo- Julliet. Hai cô em phải học cùng buổi vì tôi không còn đủ giờ nữa.
Ba Năm hảnh diện hơn về tôi. Long Vân thì đâm chiêu, ít nói hơn và có vẻ buồn bả tư lự. Tôi xin phép nhà trường cho tôi ra ngoại trú. Tôi dọn đồ về ở nhà Ba Năm luôn. Tôi cũng rút tên khỏi đội bóng đá. Hàng ngày đi lên Thủ Đức học. Chiều tối về dạy đàn cho Hằng và 2 cô em gái, Thúy Nga và Thúy Liên. Tùng đến nhà chơi với Vân thường hơn. Hai đứa ít cải nhau và học khá hẳn lên. Tôi có tiền đi chợ cho nhà ăn gần suốt một tháng. Tôi chơi nhạc khá lên và dự tính học sáng tác ca khúc. Ba Năm ít đi làm hơn trước nhưng không đi đâu chơi cả. Đọc sách dịch là sở thích duy nhất của Ba Năm. Ba dạy cho Long Vân cách nấu ăn, làm bánh. Tôi dạy cho em Anh Văn, Toán và Việt Văn. Vân cao hơn và mảnh khảnh hơn. Hằng có khi chở Tùng và Vân về. Hai gia đình cách nhau không xa lắm nhưng có điều gì đó tôi nhận thấy khá xa. Cách chúng tôi sống thì giản dị dể chan hòa. Cách của gia đình Hằng thì sang trọng kiểu cách và khó được hòa nhập.
Đêm Giáng Sinh năm đó, Vân và tôi được mời qua bên đó ăn tiệc. Hai anh em tôi thật đơn giản, lạc lỏng và tội nghiệp. Cả nhà Hằng và vài người bạn của họ lại rất chưng diện, khoe khoang. Tôi không vui lắm và chào về sớm với lý do tôi bịa ra là sáng mai tôi phải đi lên trường sớm để đi diển văn nghệ ở Biên Hòa. Tôi chạy xe đạp chở Vân ra hồ Con Rùa lúc gần 10 giờ. Vân cứ tư lự buồn buồn. Biết rằng chắc em ganh tị hoặc mặc cảm, tôi hỏi thẳng:
- Em giận anh phải không?
- Anh làm gì mà em phải giận chứ?
- Làm gì thì em biết rồi?
- Biết rồi, thì em giận làm chi nữa?
- Anh đâu muốn làm em buồn đâu?
- Mà em đâu có buồn gì đâu?
- Nhưng anh thấy buồn!
Hơi lúng túng, Vân tránh nhìn thẳng vào mắt tôi. Em tra gạn tôi tại sao tôi buồn. Hai anh em tôi làm một số người chung quanh chú ý. Em nắm tay tôi lắc mạnh.
- Ai làm cho anh buồn vậy? Tại sao anh buồn vậy?
- Chẳng tại ai cả? Tự anh thấy buồn.
- Em phải làm sao bây giờ? Anh giận em phải không?
- Em làm gì mà anh phải giận chứ?
Chúng tôi nói kiểu thế này chắc đến sáng mới hết chuyện. Tôi nghĩ ra một cách để kết thúc nhanh gọn.
- Ba dặn mình là về sớm phải không em?
- Em đâu biết?
- Anh thấy ba có gì cho tụi mình đó. Thôi ta về đi!
Chúng tôi đến nhà khoảng 11 giờ. Ba Năm từ tốn bước ra đón chúng tôi. Ông ra hiệu cho Vân ra sau bếp. Và một lát sau, Vân bưng ra cái mâm nhỏ trên đó một con gà quay và bánh mì. Ông bắt chúng tôi ăn hết phân nửa con gà. Ông nhấm nháp một chút bánh mì không. Ông muốn tôi ăn nhiều hơn vì ông biết tôi đang làm việc nhiều hơn. Ông biểu Vân ủi đồ cho tôi. Ông nhắc tôi thường cạo râu. Ông thường nhắc tôi ngậm nước muối để tránh viêm họng. Ông chỉ tôi dùng vỏ cau để chùi răng cho trắng:
“ Thầy giáo phải như vậy coi mới được chứ.”
Vân và tôi thấy thương ba quá chừng. Chúng tôi tự hứa thầm rằng chúng tôi sẽ không làm điều gì cho ba tôi buồn nữa. Căn nhà ngày càng ấm cúng. Chúng tôi ngày càng sung túc. Ba Năm để dành tiền. Tôi dùng tiền dạy học để chi tiêu trong nhà. Ba và tôi thay phiên nhau chỉ dạy cho Vân nấu nhiều món ăn đơn giản mà ngon miệng. Tôi đã hỏi ông nhiều lần rồi câu này. Hôm đó tôi hỏi nữa.
- Tại sao ba ăn chay vậy, ba?
- Ba tự hứa như vậy thôi để lòng trong sáng. Khi nào Long Vân có chồng, ba ăn mặn lại. Ba trông chờ đến ngày đó lắm.
Ba Năm không hề có ai đến thăm hỏi hoặc rủ rê đi đâu cả. Qua bao nhiêu chuyến đi xa nhà, ba Năm không hề kết bạn hay làm quen với ai. Tôi là người may mắn được ba hỏi chuyện và mời về nhà. Trong thâm tâm, ba tin và thương tôi nhiều như Long Vân vậy. Truyền cái trách nhiệm vào người tôi là điều ba tôi âm thầm theo đuổi. Tôi mong có ngày làm cho ba thật vui, ngày tốt nghiệp. Tôi cũng rất mong đến ngày thấy ba vui nhất, ngày Long Vân có chồng.
Long Vân và tôi như hai anh em ruột, nhưng cái ruột rất khác người. Tôi quý thương em như một hoàng tử yêu quý cô em họ vương gia xinh đẹp và có nhiều cá tính. Tôi chỉ dạy em một cách tinh tế, ý tứ như một gia sư cho một công chúa khá “mỏng da mặt”. Với Hằng, tôi không phải bận tâm về chuyện cô ấy buồn hay vui. Nhưng với Vân, tôi luôn chú ý xem tôi có vô ý làm cho em buồn không. Hai cô em của Hằng càng ngày càng làm tôi phải tập nhiều bài luyện ngón hơn. Tôi đàn như một tay nghệ sĩ bán chuyên nghiệp nhưng trong lòng tôi thì tiếng đàn như chỉ để giúp tôi vơi đi nổi buồn.
Có ai không buồn khi họ có một cây đàn tốt mà họ không thể đàn được. Có ai không buồn khi mà có cha có mẹ mà lại như mồ côi. Có ai không đau khi cả một gia đình sụp đổ mà chỉ biết đứng nhìn. Có ai mà có đủ hai bên nội ngoại mà như con vô thừa nhận như tôi không chứ? Hè lại đến nữa. Hè lại khiến tôi buồn nữa. Nhưng ba Năm, Long Vân và Hằng đã thật sự giúp tôi. Đời như một bản nhạc. Khúc dạo đầu thường nghe buồn và bâng khuâng.Đoạn kế nghe khác đi và đoạn kết cục nghe thật bất ngờ. Đời như một dòng sông. Có lúc nó lặng lẽ êm ả. Có khi nó dồn dập gấp rút. Có lần nó lại cuồn cuộn tàn phá giận dữ và ngạo nghễ thách thức. Tôi đánh đàn như vậy. Rất nhiều người thích cái cách tôi đệm ghi ta cho họ hát hoặc cho chính tôi hát, nhất là những bài tình ca của Lê Uyên Phương, Trịnh Công Sơn đặc biệt là bài PaPa của Paul Anka. Đàn bằng ngón đối với tôi không khó, nhưng khó với rất nhiều người. Đệm đàn là điều nhiều tay chơi đàn làm được nhưng đệm điệu slow surf thật “bốc” là điều rất khó làm đối với họ. Cuộc đời không suông sẻ tốt đẹp của tôi hình như giúp tôi thể hiện tiếng đàn truyền cảm hơn, hay hơn.
Ba Năm thích nghe bài Hạ trắng nhất. Long Vân thường yêu cầu tôi đàn bài Lòng mẹ. Mẹ của Hằng thì chọn bài Tình khúc của Lê Uyên Phương. Bà thậm chí hát bè theo tôi đoạn điệp khúc. Nhiều thanh niên có nhiều thứ để chiếm cảm tình của người khác. Tôi chỉ có mỗi tiếng đàn ghi ta. Tôi rất cám ơn cái buổi chiều mưa hôm ấy, tháng 11 năm 1971 trên Bảo Lộc. Tôi rất nhớ công lao của Trần Vĩnh đã thổi bài Hạ trắng hay đến nỗi tôi đã chỉ mất đi 4 tiếng để tập bài này. Tôi nhớ đã rất nhiều đêm tôi tập đi tập lại những ghi ta cổ điển. Tôi không thể có được những điều này nếu tôi không lên học trên đó. Học ở Bảo Lộc là một phần quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi.
Một hôm ba Năm ngồi yên buồn bã. Ông chỉ cười nhẹ và chỉ tôi ngồi xuống cái ghế bên cạnh ông.
- Mỗi lần con đi dạy, em con trông đứng trông ngồi. Nó không muốn con đi xa nó lâu. Ba mới hỏi mướn căn nhà trống cách đây 30 mét. Họ dọn về quê. Mình ở như giữ nhà cho họ, chỉ trả tiền điện nước mình xài thôi. Ba cũng mới hỏi đóng một vài bộ bàn ghế học sinh. Ngày mốt con dọn dẹp, tuần sau con sẽ dạy ở đó. Con thấy sao? Ba sẽ dành dụm mua luôn căn nhà đó cho hai anh em con nửa lớn có chỗ riêng tư chứ.
- Thưa ba, con không muốn ba phải tốn kém. Con chỉ dạy tạm một thời gian…
- Chừng nào con ra trường?
- Dạ còn khoảng hai năm nữa .
- Nếu con muốn đi làm cho nhà nước thì tùy con. Nhưng nếu con muốn làm tư riêng, thì đây là dịp con nên cố gắng giữ lấy. Ba muốn cho hai anh em gần nhau.
Xoa đầu Vân, ông mỉm cười thật nhẹ nhàng với tôi và bước vô phía sau bức màn. Ba Năm như muốn hai anh em tôi nói chuyện với nhau.
Long Vân, cắn móng tay tự nảy giờ, không nói ra một lời nào. Tôi nắm tay em và hỏi em thật nhỏ nhẹ:
- Em muốn anh làm gì bây giờ?
- Em chỉ muốn anh đừng đi ra khỏi nhà nhiều quá.
- Anh phải đi làm chứ?
- Anh dạy ở nhà kế đây nè.
- Ba phải tốn tiền mua bàn ghế.
- Ba lo cho anh mà.
- Nhưng đó là nhà của người ta mà?
- Chứ nhà Cô Hằng hổng phải là“nhà của người ta” sao?
- Anh phải ráng dạy mấy chị em cổ để anh có thêm kinh nghiệm.
- Anh dạy ở đây cũng có thêm kinh nghiệm vậy!?
Tôi vừa nhận ra sự tị hiềm của chuyện mất mát tình cảm. Khi người thân của ta gần một người nào khác, ta có cảm giác như ta sắp mất họ. Mẹ chồng cũng cảm thấy tị hiềm khi con dâu chăm sóc cho con trai mình. Long Vân tị hiềm vì tôi đến dạy tại nhà Cô Hằng, gần với cổ, hai đứa em gái và thậm chí một người phụ nữ nữa- mẹ của cổ. Nếu tôi hiểu đúng, thì đây là loại “mặc cảm Freud” mà thầy Vũ Thủy đã có đề cập nhiều lần khi tôi học lớp 12. Tôi cũng vừa nhận ra thêm một điều nữa. Long Vân đã thỉnh cầu ba Năm làm chuyện này- kéo tôi xa ra cô Hằng, càng xa càng tốt.
Tôi chợt nghĩ ra câu hỏi rất ít khi nào tôi dám nghĩ đến. Tôi nắm tay, nhìn vào mắt Vân rồi hỏi:
- Nếu anh phải về sống với má anh ở Rạch Giá, em làm sao nè?
- Em sẽ theo anh về đó luôn. Ở đâu lận anh?
- Xa lắm. Anh chưa khi nào đến đó.
- Anh đi đâu, em theo đó.
- Nhưng em phải có gia đình, phải….
- Thì em có gia đình đây nè?
- Không phải vậy! Gia đình ý anh nói là… là có chồng đó.
- Hông! Em không có chồng đâu! Em ở vậy với anh và ba hoài luôn.
- Còn anh thì sao?
Vân kéo mạnh tay xuống rồi nói nhỏ vào tai tôi:
- Anh ở vậy với em và ba hoài luôn há?
- Nhưng anh còn có má anh nữa.
- Anh rước má lên ở chung với mình được không? Để em hỏi ba cho nghen!
Long Vân bước vội vô trong thật nhanh. Tôi không kịp níu tay em lại. Khoảng 2 phút sau, em bước ra tươi cười với tôi:
- Nếu má anh chịu, thì ba cũng chịu luôn. Chừng nào anh về gặp má anh vậy? Cho em đi theo với nha? Em chưa đi đâu khỏi Sài Gòn này cả.
Còn hai năm nữa tôi mới ra trường. Biết bao nhiêu điều có thể xảy đến hai anh em tôi. Biết chuyện gì sẽ xảy đến má tôi, đến ba Năm. Biết bao nhiêu điều tôi phải làm để được bình yên, hạnh phúc. Tôi hiện có thật sự hạnh phúc không? Tôi rất muốn đi Bảo Lộc ngay sáng sớm mai để trò chuyện với Long Kh’mer và để lắng nghe chính mình.
(còn tiếp)