Huy hiệu Đoàn Nông gia Tương lai Việt Nam - Thầy Châu Kim Lang sưu tầm -

Huy hiệu Đoàn Nông gia Tương lai Việt Nam

                                                                                    Châu Kim Lang (sưu tầm)

 

Trong buổi họp mặt đầu năm 2003 của trường NLS Bảo Lộc tại Saigon, Bác sĩ Đặng Quan Điện, cựu giám đốc Nha Học vụ NLS gợi ý viết lịch sử giáo dục nông nghiệp ở Miền Nam trước năm 1975, chia làm ba lĩnh vực: đào tạo kỷ sư, đào tạo kiểm sự, và trung học NLS. Tôi xung phong phụ trách phần trung học NLS. Sau vài năm bản thảo phần trung học NLS được hình thành. BS Đặng Quan Điện đề nghị chờ cho đủ ba nhóm sẽ cho ý kiến chung. Sau đó, BS cung cấp cho tôi một số tài liệu, trong đó có bản “Điều lệ Nông gia Tương lai Việt Nam”.

Bản Điều lệ nầy in khổ 11,5 x 17,5cm, ấn hành tại Sở Thông tin Quảng bá Nông nghiệp, phát hành lần thứ nhứt; 5.000 – 7/70.

Tôi không rõ sau năm 1970 còn có bản Điều lệ mới nào không.

Dưới đây trích một vài nội dung của Điều lệ năm 1970 và hình chụp huy hiệu.

 

Lời mở đầu (trang 1)

Đoàn NÔNG GIA TƯƠNG LAI VIỆT NAM, chủ xướng cách đây chưa đầy một năm, là một hình thức đoàn kết học viên tổ chức tại các trường trung học Nông Lâm Súc toàn quốc, trong tinh thần tự nguyện tự giác.

Khác với các hiệu đoàn là những tổ chức chánh thức tại các lớp của trường công lập, có tính cách gần như bắt buộc và những Đoàn Thanh thiếu niên 4-T là những đoàn thể nông gia mở tất cả các bạn trẻ tuổi ở nông thôn, Đoàn Nông gia Tương lai chỉ dành cho học viên các Trường chuyên nghiệp Nông, Lâm, Súc, Ngư, Công thôn v.v… từ lớp 6 đến lớp 12 của hệ thống học chính mới, Trường Tiểu học Cộng đồng, Trường Trung học Nông Lâm Súc.(…)

 

Màu sắc của Đoàn Nông gia Tương lai Việt Nam (trang 8)

Đoàn Nông gia Tương lai Việt Nam quyết định chọn hai màu để làm màu sắc của Đoàn.

1.Màu nâu: tượng trưng cho màu đất xứ sở và màu nâu còn tượng trưng cho sự khổ hạnh và cần cù của người nông dân Việt Nam. Mục đích nhắc cho đoàn viên biết là chúng ta phải làm việc vất vã và kiên nhẫn mới có thể trở thành những nông gia tiên tiến và gương mẫu được.

2. Màu vàng: tượng trưng cho màu lúa chin, nông phẩm chính của xứ sở và màu vàng còn tượng trưng cho sự huy hoàng của đất nước. Mục đích nhắc cho Đoàn biết là chúng ta có bổn phận phải bồi đắp núi sông.

Châm ngôn: Châm ngôn nầy mục đích để nhắc Đoàn viên nhớ lại triết lý thực tế của các nhà nông

HỌC ĐỂ LÀM

LÀM ĐỂ HỌC

TẠO TIỀN ĐỂ SỐNG

SỐNG ĐỂ PHỤNG SỰ

 

Điều 3: Huy hiệu (trang 13)

Huy hiệu của Đoàn hình tròn trên có khắc những hình và chữ sau đây

Vòng ngoài có:-Hai rồng chầu bản đố Việt Nam tượng trưng dân tộc Việt Nam,

                        -Hình 2 bông lúa tréo vào nhau tượng trưng nông phẩm chính Việt Nam,

 

Vòng bên trong:-Hình cái cày và quyển sách mở ra tượng trưng nền nông nghiệp và sự hiếu học,

                         -Hình mặt trời lúc rạng đông tượng trưng sự tiến bộ,

                         -Chữ “NÔNG GIA TƯƠNG LAI VIỆT NAM” ở nửa vòng trên và “NÔNG       HUẤN” ở nửa vòng dưới, chỉ rõ mục đích và phạm vi hoạt động.

Chỉ có đoàn viên hoạt động và doàn viên danh dự được quyền mang huy hiệu.

Loại huy hiệu mang sẽ tùy thuộc chứng chỉ năng lực được cấp. Đường kính huy hiệu là 3cm.

-Huy hiệu nhôm cho đoàn viên mới gia nhập có chứng chỉ gia nhập cấp xã.

-Huy hiệu đồng cho đoàn viên có chứng chỉ năng lực cấp Tỉnh.

-Huy hiệu bạc cho đoàn viên có chứng chỉ năng lực cấp Miền.

Huy hiệu vàng cho đoàn viên có chứng chỉ năng lực Quốc gia.

 

      

       

Điều 4, Đồng phục (trang 14)

-         Một áo Blouson dài hay ngắn tay nâu lợt bên trái có may phù hiệu, bên phải là tên của đoàn viên cùng chức vị nếu có.

-         Một quần dài màu sậm. Mũ lưỡi trai màu nâu.

…..

 

Châu Kim Lang (sưu tầm)