NGƯỜI CHA NUÔI- phần 6 - Lương Ngọc Thành -

 NGƯỜI CHA NUÔI- phần 6

 

      Long Vân là học sinh trung bình và em cũng là đứa học sinh cá biệt, ít nói, chậm chạp và nhút nhát. Trong lớp, em thân nhất với Tùng, em của cô Thúy Hằng chủ nhiệm lớp.  Cô Hằng vừa nhận lớp của Vân khoảng nửa năm nay. Tùng, Vân và cô Hằng thường đi bộ về. Cô là trưởng nữ trong một gia đình khá giả, hạnh phúc. Ai cũng biết là cô yêu thương học trò như em út của cô vậy. Chủ nhật này cô dắt Tùng đến nhà chơi. Hình như Vân đã mời mọc gì gì đó.

      Ba Năm đang đi một chuyến tận ngoài Quy Nhơn. Tôi phải tự lo hết mọi chuyện. Tôi khá lo vì đây là lần đầu tiên tôi tiếp chuyện với phụ nữ, một cô giáo. Từ sáng sớm, tôi lo lau dọn, chùi sạch ly tách mọi thứ trong cái tủ ly. Tôi dùng bàn chải chà sạch các vết bẩn trên vách gỗ. Khi tôi làm xong mọi việc, Vân mới thức giấc.Tôi cố thản nhiên như không có gì quan trọng. Tôi đạp xe ra ngả bảy, tìm mua một bó cúc trắng. Tôi cắm đi cắm lại mấy lần mới thấy cái lọ hoa coi được. Tôi làm mọi thứ vì Long Vân. Tôi muốn cô giáo có ấn tượng tốt khi đến thăm chúng tôi, và có cái gì đấy tốt hơn sau này cho em tôi.

      Cô Thúy Hằng và Tùng đến rất đúng hẹn. Cô mặc áo dài lụa xanh màu da trời. Tùng mặc quần sọt xanh dương, áo thun trắng mới tinh. Hai chị đến với một gói quà. Vân rất mừng vì đây là lần đầu tiên em có khách đến thăm. Em ấp úng chào cô và giới thiệu cô tôi là anh hai. Cô giáo có vẻ không tự tin như tôi đoán. Tôi cũng chẳng hơn gì cô. Tôi cố gắng bắt đầu câu chuyện.
     - Thưa cô! Tôi rất mừng được cô đến thăm. Cảm ơn cô nhiều lắm.

Dạ có gì đâu anh. Tôi có bổn phận phải đến thăm các em có gia cảnh đặc biệt.

     - Long Vân học được không cô?

     - Đó là một trong vài lý do tôi đến thăm.

     Cô Hằng biểu Tùng dắt Vân đi ra cái quán trước nhà mua hàng bánh gì đó để cô tiện nói chuyện với tôi. Tôi hơi lo lắng nên đã quên mang ly nước trái cây tôi mua sẳn rồi.

    -  Tôi có mở một lớp luyện thi cho các em hơi yếu. Tôi đã nghĩ đến em nhưng gần đây em học lên tiến bộ lắm. Hỏi hoài Vân mới cho tôi biết là anh dạy rất dể hiểu và tôi mới nghĩ ra việc mời anh cộng tác. Khoảng 30 em ghi danh học. Nhà tôi có thể đủ rộng để cho hai nhóm đến học. Anh giúp dạy một nhóm. Tôi dạy nhóm kia và mình đổi qua lại. Học trò có thể chọn nhóm. Tuần sau mình bắt đầu nghe anh? Biết anh là sinh viên ĐH Sư Phạm kỹ thuật mà, nghe anh?

    Cô ơi! Tôi e có tuần tôi phải đi đá banh.

    - Thì em dạy chung hai nhóm.

     Cô xưng em với tôi rất tự nhiên. Tôi đoán là cô bằng tuổi tôi và đúng như vậy. Cô Hằng nhỏ hơn tôi ba ngày tuổi. Vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, Hằng nhận lớp của Vân khi mà cô chưa hề có một chút gì về thực tế giảng dạy. Hằng không ngại khi mời tôi. Cô còn nói rằng cô có thể học tập nhiều điều về tôi.

   - Vân khoe với tôi là anh đàn hay lắm. Anh nhận em làm học trò nghe anh. Em đi học hai lần rồi, không được gì. Ô, em quên là được mẹ mua cho cây đàn ghi ta rất tốt. Dây nylon màu đen nghe hay lắm anh. Mấy đứa bạn em cũng muốn học nữa đó, anh. Anh dạy xong bên nhà em, chờ học trò về hết, anh dạy em đàn nghe anh!?

     Nghe đến bộ dây đàn nylon màu đen- Hoffner- là tôi muốn nhận lời ngay rồi. Tôi từng ao ước mua được cây đàn tốt. Tôi chỉ mơ ngày ra trường, đi làm có tiền lương, tôi mua ngay môt cây đàn tốt với bộ dây mới. Cô kể ngay rằng mẹ của cô từng mong các chị em nàng chơi âm nhạc. Cô gái út học đàn tranh. Cô gái giửa học chơi piano. Cô Hằng, trưởng nữ, sắp học đàn với tôi. Tôi cùng một lúc có hai lớp dạy. Tôi cùng một lúc có cái mà ít ai học ngành sư phạm có được. Có lẻ tôi phải xin ra ngoại trú và rút tên ra khỏi đội bóng đá của trường.

   - Anh Thành! Nghe anh?

   - À quên nữa. Tôi đang lo…

   - Lo gì anh? Anh không phải lo gì hết. Anh dạy em mau biết đàn rồi hai đứa em của em sẽ tôn anh làm sư phụ luôn cho mà coi. Em có đi ngang nhà này rồi hồi tối chủ nhật rồi. Em đã đứng ngay vách nhà trước, nghe lén mấy bài classic của anh rồi. Em mê không chịu nổi. Muỗi cắn em quá chừng mà em không dám đập. Em về kể liền cho mẹ nghe. Mẹ em cười quá chừng: “Cho đáng đời nhe con. Dám rình nghe ông thầy mình đàn, mấy con muỗi trừng phạt con đó”.

     Cô em gái của tôi đã khoe với cô Hằng nhiều điều nhưng cả hai không biết rằng tôi còn một điều nữa mà cô thầy nào cũng cần: trang trí báo tường. Dịp ngày nhà giáo sắp tới đây, tôi sẽ làm Thúy Hằng mê luôn cái tài trang trí của tôi luôn cho mà xem. Tôi cũng có thể học được từ cô giáo Hằng, người đồng thời gần gủi với em tôi. Tôi sẽ phải gần với bất cứ ai khác người gần với Vân.

  - Anh chỉ tự chơi đàn vậy thôi. Ai muốn đàn được phải yêu thích nó và chăm chỉ tập luyện thì mới được.

  - Em thì yêu thích đàn lâu lắm rồi. Từ chủ nhật trước đến nay, em mong gặp được anh để được nói chuyện với anh…

  - Anh làm gì mà to tác đại sự quá vậy hả? 

    Tôi bớt ngượng ngùng từ lúc nào tôi cũng chẳng hay. Cô Hằng thì rỏ ràng xem tôi như một đàn anh. Ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Ba Năm không biết nghĩ sao. Nếu ông không đồng ý, chắc tôi phải từ chối giúp cho Hằng thôi.

  - Tối nay anh đến nhà em chơi để gặp mẹ em, xem chổ mình sắp dạy. Mình cần phải trang hoàng gì không anh? Anh thử cây đàn của em luôn nha, Thầy Thành.

Tôi đỏ mặt ngay sau chữ “Thầy” Hằng vừa kêu tôi với sự chân thành. Không may cho tôi, Tùng và Vân đang bước vô nhà.

 - Chị Hằng ơi, Vân không cho em xem bài văn ngày hôm qua. Hứa rồi mà vậy đó chị? Thầy Thành nói giùm em đi.

    Thôi chắc là Hằng dặn em nàng gọi tôi bằng thầy từ trước rồi. Có mấy đứa bạn tôi đã đi dạy kèm, đã làm thầy rồi. Tụi nó giỏi và chững chạc lắm. Còn tôi, ôi! chỉ có giỏi trong khung thành và khi ôm đàn ghi ta thôi.

  - Vân! Em cho Tùng mượn đi em.

  - Em viết chữ xấu lắm. Bài em có gì đâu mà bạn ấy đòi coi.

  - Nhưng em cứ cho bạn Tùng đọc bài em viết. Tùng cần xem gì trong bài văn của Vân vậy em?

    Tùng thích được tôi can thiệp kịp thời. Tùng nắm tay chị mình phân bua và muốn được chị ủng hộ mình.

   - Cô Thế Thạnh khen bài của Vân lắm. Cô còn nói Vân sau này có thể làm nhà văn nữa đó. Em đọc để học cách viết của Vân chớ có gì đâu? Anh biết không, em có gì em cũng chỉ, cũng đưa cho Vân coi hết đó. Vậy mà?

     Vân lấy ra trong cặp học một quyển vỡ được bao bìa sạch, đẹp. Đưa cho tôi, em phụng phịu nói với giọng nói như muốn khóc.

  - Em muốn anh đọc nó trước đã.

 Tôi liếc mọi người và đọc thầm khá nhanh bài viết của Vân:

“ Anh tôi.

   Nhiều người có anh như tôi nhưng tôi tin rằng anh tôi đứng nhất trong tất cả.

   Anh ấy thương tôi âm thầm, nhẹ nhàng và tôi thương anh ấy hơn cả cuộc đời của tôi nữa.

   Ba tôi không phải lo cho tôi nữa từ ngày anh ấy về sống với hai cha con tôi. Ba người trong nhà tôi có ba điều khác nhau. Ba tôi lo việc làm. Anh tôi lo việc học. Còn tôi lo làm một người con ngoan, người em hiền.

   Tôi mong ngày nào lớn lên tôi sẽ làm hết mọi chuyện để giúp lại anh tôi.

   Đừng có ai bắt anh tôi đi đâu hết nhé. Không có chị nào được làm quen với anh tôi đâu đấy. Tôi sẽ tìm mọi cách để ngăn cản đó. Tôi sẽ khóc suốt ngày. Tôi sẽ nhịn ăn đến chết.”

      Tôi mỉm cười với mọi người. Trả lại quyển vỡ cho em, tôi nói với Tùng,

 - Tùng ơi! Chuyện con gái mà em đọc để làm gì? Vân mắc cở mà!

    Xoay qua hai chị em, tôi vừa gải đầu gải tai vừa giải thích nhỏ nhẹ.

  - Chuyện riêng của Vân ấy mà. Cô Hằng này, để tôi lại hỏi Vân rồi tôi mới trả lời được nghe cô.

    Tôi đứng dậy vén màng và ra hiệu bảo Vân ra phía sau nhà với tôi. Tôi hỏi em thật nhỏ để hai chị em Hằng không nghe được. Vân không chịu đi đến nhà cô Hằng tối nay vì Tùng đang giận em. Em hơi mắc cở vì nhà cô giáo đông người lắm. Tôi thuyết phục em hoài không được. Tôi bước ra ngoài để tiếp chuyện với cô Hằng.

  - Bận học rất nhiều bài cho lớp sáng thứ hai, em không thể đến nhà cô được. Tuần sau, khi lớp bắt đầu, hai anh em tôi đến luôn nhé.

  - Thầy Thành đến nhà em để xem phòng học một chút nghe thầy. Em chờ thầy lúc 8 giờ tối nay nha. Đây là địa chỉ nhà em. Dể tìm lắm thầy.

Hằng chào tôi về. Tùng có vẻ buồn vì không thấy Vân đâu cả. Tôi gọi em ra chào khách. Chúng tôi đứng sát nhau. Vân nắm chặt tay tôi, úp mặt vào cánh tay tôi, không nói gì hết cả.

    Em giận tôi vì tôi đã hẹn đến nhà cô Hằng tối nay. Tôi vổ về, giải thích và tôi còn phải đe dọa em nữa. Vân ngoan và hiểu tôi nhiều hơn. Trong tâm hồn trong trắng của em, có cái gì đó khiến nó bị bẩn đi chút ít. Có gì đó khiến đời của chúng ta xấu đi mà không ai có thể tránh được. Có những điều thật khó đoán trước, khó biết trước. Có ai có thể nói cho tôi biết sẽ xảy ra chuyện gì giữa cô Hằng và tôi không? Có ai biết được hai anh em sẽ sống với ba Năm bao lâu không? Có ai biết gót chân của em sẽ đạp trên nhung lụa hay chông gai? Có ai biết được mẹ tôi sẽ nghĩ sao về cái gia đình nuôi này của tôi không? Có ai biết được chuyện gì sẽ xảy đến tối hôm ấy không?

      Tối hôm đó tôi được cả nhà đón như một thượng khách. Tùng không có mặt. Mẹ của Hằng, sang trọng, nhả nhặn và lịch sự, mở lời trước.

  -  Hằng rất thích tiếng đàn của thầy. Mấy cô em cũng rất ngưỡng mộ thầy. Thầy tự nhiên như đang ở nhà vậy nghe thầy. Mời thầy lên phòng trên lầu.

      Bước chân của tôi có vẻ không vững vàng lắm. Tôi thấy hơi thở như nhanh hơn. Nhịp tim như thể nhanh hơn và tay tôi toát mồ hôi. Căn phòng rất tươm tất và sạch sẻ. Bốn người phụ nữ rất quý phái và đẹp đẻ ngồi bộ salon trước mặt tôi. Hằng trao tay tôi cây đàn. Tôi càng xúc động vì cây đàn trông rất tuyệt vời. Tôi chỉnh sơ giây đàn. Tôi sắp phải biểu diển trước bốn người khán giả đặt biệt. Không dám nói một lời nào vì sợ bị khớp, tôi dạo ngay vài đoạn nhạc sở trường cho nhuyển các ngón bên bàn tay phải. Tôi ngắm và chú ý các ngăn trên cần đàn. Tôi đánh ngay bài tôi ưng ý nhất: Romance. Tôi như say rượu vì cảm giác mạnh từ tiếng đàn thánh thóc trầm bổng. Giai điệu bài nhạc nghe rất truyền cảm và tôi đã cố truyền hết tình cảm mình vào tiếng đàn. Tiếng vổ tay của họ làm tôi phấn kích gấp hai ba lần. Không nói một lời nào để giới thiệu, tôi đánh tiếp bài Leyenda- bài mà tôi chơi hàng nhiều đêm khuya. Cung si thứ nghe thật thích hợp và tôi cảm thấy tôi đang sống trong mơ. Tôi tập trung hết khả năng để thể hiện và tôi được một tràng pháo tay thật dài, thật xứng đáng. Hằng là người vui nhất, hả hê nhất và tôi là người hạnh phúc nhất trong số họ. Hạnh phúc có khi chỉ đơn giản như vậy thôi. Tiếng đàn được đón nhận. Người đánh đàn được vổ tay khen tặng. Thời gian tập đàn công phu nhận được tràng vổ tay. Chỉ vậy thôi cũng làm cho nhiều người sống yên bình nhiều năm, vượt qua nhiều biến cố, nhiều khó khăn. Mẹ của Hằng cười vui hớn hở và mời tôi tuần sau đến chính thức dạy cho Hằng.

   Em sẽ học riêng một mình nghe thầy.

     Cô út nói trong khi lắc lư cái đầu có hai cái bím rất dài được kết rất khéo.

   - Thầy dạy cho em ngay cái bài Romance đó nghe thầy!

Cô kế cũng dành ngay một chổ trong các lớp tại cái nhà này. Hằng nheo mắt với tôi.

   -  Em ưu tiên trước. Tuần sau em bắt đầu học ngay. Thầy không phải lo lắng, rầy la gì em đâu. Học trò của thầy ngoan lắm. Con ngoan nhất nhà này phải không mẹ?

     Ba cô nhao nhao lên dành phần ngoan nhất trong nhà. Mẹ Hằng vừa lắc đầu chịu thua các cô gái vừa cười nắc nẻ.

   - Tùng mới là đứa ngoan nhất. Mấy đứa con gái này quậy lắm. Thầy Thành không dạy nổi đâu.

     Họ tất cả rộ lên cười. Tôi nín thinh bậm môi. Họ đùa vui hồn nhiên trong khi tôi chợt thấy lạc lỏng, tội nghiệp trong cái không khí ấy. Điều khiến họ vui chỉ là điều tôi ngượng ngùng. Chợt nhớ đến em Vân, tôi chào cả nhà rồi hối hả đạp xe về. Ở phòng khách, Tùng ngồi chờ tôi. Cậu con trai duy nhất trong nhà rất điệu nghệ đứng lên chào tôi và gởi tôi cầm về cho Vân mượn một cuốn sách nhỏ. Mọi người tiển tôi ra cửa. Tôi hơi xấu hổ vì chiếc xe đạp cũ kĩ nhưng hảnh diện vì vừa mang đến cho họ một niềm vui mới, rất mới. Tôi sắp mang về nhà cho ba Năm và em Vân một thành công lớn, rất lớn. Còn tôi vừa có một niềm hạnh phúc, rất thật.  

                                                      (còn tiếp)