SÁCH KỶ NIỆM CỦA ĐỒNG NGHIỆP TRƯỜNG NLS CẦN THƠ - Thầy Châu Kim Lang -


                                          


Cuối năm 2011 Thầy Trần Ngọc Xuân đến thăm và tặng tôi quyển “Histoire d’une paix manquée – Indochine 1945-1947” của Jean Sainteny.Thầy Trần Ngọc Xuân dạy ở NLS Cần Thơ trước năm 1966, sau đó chuyển về NLS Bảo Lộc, đến năm 1968 về Nha Học vu NLS ở Saigon. Mặc dù chuyên ngành khác nhau, Thầy Xuân chuyên ngành nông nghiệp, còn tôi thuộc phổ thông ngành Sử Địa, nhưng công tác với nhau nhiều năm ở Bảo Lộc cũng như ở Nha Học vụ NLS, hằng ngày gặp mặt  nói chuyện với nhau vui vẻ, nên rất quý mến nhau. Lúc Thầy Xuân tặng tôi quyển sách này, Thầy nói:

-Đây là sách gia đình, Ba tôi để lại cho chúng tôi mấy chục năm nay. Tôi thấy quyển nầy phù hợp với lãnh vực chuyên môn của anh Lang, tôi biếu anh sử dụng…

Quyển sách chụp nhiều hình ảnh của các vị lãnh đạo Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 với đại diện phái đoàn Pháp.

 




 

  Quyển sách nầy  giúp tôi nhớ lại những quyển sách kỷ niệm của đồng nghiệp NLS tôi còn lưu giữ qua mấy mươi năm ròng rã.

Sau năm 1975, tôi được tiếp tục dạy học cùng với quý thầy cô của Ban Cao đẳng sư phạm Nông Lâm Súc được chuyển về Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật ở Thủ Đức. Tôi được tách ra theo tổ sư phạm và giảng dạy môn “Phương pháp giảng dạy nông nghiệp”. Nhờ đó hằng ngày tôi vẫn thường xuyên sinh hoạt với quý thầy cô ở Khoa nông nghiệp.

Năm 1987 tôi được cử đến trường Nông nghiệp Hậu Giang (trước 1975 là Trường NLS CầnThơ) để bồi dưỡng sư phạm cho giáo viên. Dịp nầy tôi gặp lại vài thầy cô NLS sau hơn chục năm không tin tức. Lần đó, Thầy Lê Quan Hồng tặng tôi quyển Handbook on Agricultural Education in Public Schools của Lloyd J. Phipps. Quyển sách nầy trước năm 1975 đa số thư viện các trường NLS đều có. Sách nặng hơn 2kg, bìa cứng màu xanh dương, dầy 774 trang in khổ lớn.

 

 

 Được quyển nầy như bắt được vàng, tôi mừng lắm, lúc đó tình hình tương đối thoáng (thời kỳ đổi mới: ”đổi mới tư duy, rồi đổi mới kinh tế”), giáo viên có thể tham khảo tài liệu khoa học kỹ thuật nước ngoài. Mặc dù là sách in năm 1965 (cách hơn 20 năm so với thập niên 80) nhưng vẫn là sách căn bản, tôi dùng nó để bổ sung bài dạy, lấy những ý chánh. Đến nay đầu thế kỷ 21 ở VN, tôi chưa thấy quyển sách sư phạm nào dầy như thế. Đúng là loại Handbook (cẩm nang) cho giáo viên sư phạm. Ngay ở những chương đầu đi thẳng vào trọng tâm:

-What are the prospects for agricultural education

-How to become a good teacher of agriculture.

Tiếp theo không biết cơ man nào mà kể các chương: How to…. Đúng là quan điểm thực dụng của người Mỹ, nói những gì thật cần thiết cho đúng đối tượng. Các chương bàn về FFA (Future Farmers of America) gợi cho tôi nhớ lại Đoàn nông gia tương lai VN, nhớ lại hình ảnh các em học sinh NLS mặc đồng phục áo nâu trong giờ thực hành nông trại. Làm sao tôi quên được hình ảnh các em chịu khó chăm sóc từng luống rau cải, làm vệ sinh chuồng trại…Rồi tôi liên tưởng đến sổ thực hành nông trại, các em làm kế hoạch sản xuất tại gia… Ngày nay hình như không có trường nào thực hiện được, toàn là học chay… Cứ mỗi lớp học mới về môn Phương pháp giảng dạy, tôi đều mang theo quyển sách nầy để giới thiệu cho sinh viên thấy sách nước ngoài tầm cở thế nào, đồng thời tôi đưa ra quyển sách của tôi nhỏ bé để so sánh. Quyển “Dạy kỹ thuật nông nghiệp ở trường phổ thông trung học“ , Nxb Giáo Dục in năm 1987, tôi viết muốn hụt hơi mà chỉ được 147 trang khổ nhỏ. Sinh viên cười rộ, cái cười có lẽ mang nhiều ý nghĩa…Nhân đây tôi nói riêng thêm về thầy Lê Quan Hồng. Nhiều lần tôi được cử về trường Nông nghiệp Hậu Giang để bồi dưỡng sư phạm cho giáo viên, tôi đều ghé thăm thầy Hồng. Có một lần thầy bị tai biến não, luyện tập phục hồi bằng cách mỗi ngày vận động đi bộ khoảng vài cây số. Hôm ấy tôi với Thầy đi bộ theo đường “Lộ tẻ” vừa đi vừa nói chuyện.Thầy giải thích theo bác sĩ, cơ thể vận động thì tạo tác động ngược lại não, kích thích nó phục hồi hoạt động… Tôi mới “ngộ” ra mỗi khi tôi suy nghĩ không giải quyết được một vấn đề hay muốn tìm một ý mới nào đó, tôi thường đứng lên đi đi lại lại một vài vòng thì ý tưởng xuất hiện. Các anh chị thử thí nghiệm xem sao!!!.

Tôi được biết quý thầy  Lê Quan Hồng, thầy Trần Ngọc Xuân về trường rất sớm lúc Trường còn tên gọi  Canh Nông Thực Hành Cần Thơ năm 1959. Thầy Xuân giảng dạy Thú y & Chăn nuôi. Thầy  Hồng  từng giữ các chức vụ trưởng Phòng Hành chánh Kế toán, Tổng Giám canh, xltv Hiệu trưởng năm 1964 và 1966.

Thỉnh thoảng rổi rảnh tôi thường ghé các nơi bán sách cũ. Tình cờ tôi gặp một số sách của Thầy Trần Hiệp Nam. Thầy Trần Hiệp Nam nguyên là hiệu trưởng NLS Cần Thơ 1964-1965, về Nha Học vụ NLS giữ chức Chánh sự vụ.

Trang đầu sách nào cũng có chữ ký của Thầy, chữ ký rất quen thuộc với chữ T  hoa, eo lưng uyển chuyển kèm theo chữ h và chữ nam hơi nghiêng rõ ràng, bên dưới ghi tên TRẦN HIỆP NAM với chữ in hoa. Có lẻ Thầy đã đi nước ngoài, nên sách vở còn lại, người nhà không sử dụng, đem bán kí lô.Tôi đứng tần ngần với những quyển sách ấy rất lâu. Người bán sách tưởng tôi đang tính toán trả giá sách, có biết đâu rằng tôi đang hồi tưởng hình ảnh đồng nghiệp của mình mà không bao giờ gặp lại nữa. Sau nầy được biết Thầy Nam mất ở Mỹ. Lúc tôi làm việc ở Nha Học vụ NLS, Thầy Nam làm chánh sự vụ, chuẩn bị đi Mỹ học tiến sĩ giáo dục. Thầy Nam dạy Phương pháp giảng dạy nông nghiệp, còn tôi dạy môn Khảo hạch và đo lường trắc nghiệm cho các lớp cao đẳng sư phạm NLS. Sau năm 1975, sắp xếp môn dạy, Thầy trở về dạy các môn chuyên môn thú y chăn nuôi. Thầy nói với tôi:

-Anh Lang còn trẻ, cố gắng trau dồi thêm sư phạm, đường anh đi còn dài…

Tôi không ngờ những dặn dò đó lại là lời chia tay…

Tôi chỉ đủ tiền mua vài quyển mà thôi. Mặc dù trong lãnh vực sư phạm, nhưng qua các tựa sách, tôi chưa xác định chính xác thuộc chuyên đề nào cho môn học cụ thể. Quả thật lúc đó trình độ sư phạm của tôi còn hạn chế. Tôi chọn 2 quyển  dầy, bìa cứng:

-Contemporary concepts in vocational education

-Models of teaching.

Tôi ghi ngày mua tháng 7/1991 bằng bút chì, xem lướt qua nội dung và năm xuất bản, một cuốn in năm 1972, cuốn kia năm 1971, thì ra đây là sách Thầy Nam sử dụng khi theo học tiến sĩ (1972-1974) rồi mang về nước. Biết là sách giá trị ở trình độ cao, nhưng tôi chưa có dịp sử dụng.Tôi cất hai quyển nầy nằm yên ở kẹt tủ ròng rã hơn 10 năm. Đến năm 2005, cao học Giáo dục học của Trường Đại học SPKT Thủ Đức bổ sung thêm một số môn học mới, trong đó có môn ”Mô hình dạy học”. Một tiến sĩ được mời dạy môn nầy, hiểu lầm rằng nội dung sử dụng đồ dùng dạy học với phương pháp dạy học. Lúc đó tôi đang dạy môn “Lý thuyết học tập”, Bộ phận cao học mới ghép Lý thuyết học tập với Mô hình dạy học thành một môn và thỉnh giảng tôi phụ trách luôn.

 

 

 Nhờ quyển Models of Teaching của Thầy Nam, tôi dạy đúng chuyên đề và tham khảo thêm tài liệu ở Internet cho phong phú. Nếu không có quyển sách của Thầy Nam, có lẽ tôi không dám nhận dạy môn nầy. Lúc đó Thư viên Trường ĐHSPKT và ngay cả Thư viện quốc gia không có quyển sách nào về chuyên đề nầy. Sau một học kỳ, nội dung chương trình và tài liệu học tập tôi soạn tương đối hoàn chỉnh… Rồi tôi không được thỉnh giảng nữa. Tôi chấp nhận trò đời là thế!! Không làm việc nầy thì mình tìm thú vui ở nội dung khác. Có lẽ học chữ Nho, chữ Phạn chắc không ai giành giựt đâu!

Trong lần họp mặt đầu năm 2003, Bác sĩ Đặng Quan Điện, nguyên giám đốc Nha học vụ NLS, người đã khai sinh và phát triển hệ thống trung học NLS ở Miền Nam, có đề xuất viết tài liệu về giáo dục nông nghiệp, phân công 3 lãnh vực: cao đẳng đào tạo kỹ sư, trung đẳng đào tạo kiểm sự và trung học NLS. Tôi xung phong phụ trách phần trung học NLS. Năm 2006 tôi chuyển bản thảo vài chục trang để Bác sĩ  duyệt. Bác sĩ nói chờ đủ ba nhóm, sẽ cho ý kiến chung. Lần khác, Bác sĩ chuyển cho tôi vài tài liệu nông nghiệp, trong đó có luận án tiến sĩ của Thầy Trần Hiệp Nam về giáo dục nông nghiệp của VNCH. Có lẽ ít người có dịp đọc luận án nầy. Nay những trụ cột NLS đã ra đi vĩnh viễn, mà bản thảo giáo dục NLS còn dang dở, tôi bùi ngùi xót xa….

Năm học 1972-73, tôi làm việc ở Nha Học vụ NLS, Thầy Châu Bá Lộc, giám học trường NLS Cần Thơ  được học bổng đi học bác sĩ thú y ở Thái Lan, Thầy có biếu tôi quyển Practical English-Thai Dictionary,vui vẻ động viên tôi:

-Thấy anh Lang có khiếu ngoại ngữ, biếu để anh nghiên cứu thêm.

Thật tình, thấy chữ Thái ngoằn ngoèo, và học cũng không có mục tiêu cụ thể, tôi cất đó để làm vật kỷ niệm của đồng nghiệp quý mến mình.

 

 

 Lúc làm việc ở Nha Học vụ NLS, tôi còn phụ trách môn Khảo hạch và thi cử cho lớp Cao đẳng Sư pham NLS. Để bổ sung phần thống kê, Thầy Nguyễn Tấn Phúc, bạn học với tôi ngày xưa ở Pétrus Trương Vĩnh Ký, đã từng công tác ở trưởng NLS Cần Thơ từ  năm 1960, từng giữ chức vụ giám học, sau đó làm việc chung với nhau ở Nha Học vụ NLS, mượn giúp tôi quyển: Bố Trí và Giải Tích Thí Nghiêm Thường Dùng Trong Nông Nghiệp (soạn giả: giáo sư George A. Marlove, GS Lê Văn Ký và KS Lê Quang Long). Tài liệu in Ronéo nầy của Thầy Bùi Sanh Báu.cùng công tác ở Nha Học vụ NLS. Sau năm 1975, tài liệu nầy giúp tôi soạn bài dạy môn Bố trí Thí nghiệm Nông nghiệp. Môn học nầy tôi chỉ dạy thỉnh giảng vài năm cho Khoa Nông nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Tp Hồ Chí Minh (khoảng cuối thập niên 80), Tôi còn giữ tài liệu nầy tới nay.

Ngày họp mặt hằng năm của NLS Bảo Lộc (1-1-2013), tôi mang hoàn trả lại tài liệu in Roneo và được thầy Bùi Sanh Báu vui vẻ biếu luôn.

Sau mấy mươi năm, những quyển sách chứa nhiều kỷ niệm, với tôi có giá trị tinh thần cao quý, chúng đã giúp tôi tồn tại, sống vững qua bao giông tố của cuộc đời, gắn liền trọn vẹn tình cảm NLS.

 

CHÂU KIM LANG
____________________________________________
 

 

Đôi dòng về Thầy Châu-Kim-Lang qua các thời kỳ:

-         Giám Học NLS/Bảo-Lộc

-         Giảng viên Lớp Cao Đẳng Sư Phạn NLS

-         Chủ sự Phòng học vụ và khảo thí Nha học vụ NLS/SG

-        GS dạy trường NLS/CT & Trường Trung cấp Kinh Tế Kỹ thuật Hậu Giang ( sau 75)

-    Giảng viên Đại Học Sư Phạm Thủ Đức.(1975 cho đến khi hưu trí.)

                                          (Theo BDH website NLS CT )