Bạn đã bao giờ từng thưởng thức rau củ quả lai tạp: quả dâu có vị dứa, táo bổ ra giống cà chua nhưng có vị dâu...?
Các loại
rau củ
quả luôn có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người. Chính vì
vậy, các chương trình lai tạo giống không ngừng được tiến hành nhằm
cung cấp những loại giống mới có ích cho con người.
Những loại thực vật lai tạo này
không chỉ cho màu sắc, hương vị hấp dẫn khác thường mà còn rất giàu
vitamin nữa. Cùng điểm lại một số loại rau củ quả thú vị được "lai tạp"
dưới đây...
1. Dâu - Dứa (Pineberry)
Cái tên kỳ lạ này chính là sự
kết hợp giữa quả dâu - strawberry và quả dứa - pineapple. Quả “dâu dứa”
có hình dạng y hệt như quả dâu với màu trắng nhưng mùi vị thì lại khác
hẳn.
Loại quả dâu tây trắng này bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ XVIII ở
châu Âu trong quá trình lai giống các loại dâu dại ở Bắc và Nam Mỹ.
Tuy nhiên, có lúc nó đã bên bờ của sự “tuyệt chủng”. May sao gần
đây các nông dân Hà Lan đã quyết định gây dựng và đưa trở lại thị trường
loại dâu này.
Những quả dâu tây trắng lấm tấm hạt đỏ này, có kích cỡ nhỏ hơn dây
tây đỏ với mùi dứa rất mạnh, có nguồn gốc sinh học từ loại dâu dại
Fragaria Ananassa. Được trồng trong nhà kính, dâu tây trắng ban đầu có
màu xanh, khi chín thì phai bớt màu xanh và dần chuyển sắc trắng.
2. Táo Redlove
Loại táo có cái tên độc đáo này thoạt trông có vẻ giống như những
quả táo bình thường bởi vỏ ngoài đỏ bóng. Nhưng nó đặc biệt ở chỗ phần
thịt quả bên trong của nó cũng có màu đỏ tươi vô cùng bắt mắt. Hơn nữa,
nếu bổ ngang quả táo, ta còn thấy được một đường vân rất đẹp giữa lòng
quả táo trông giống như cà chua.
Không chỉ vậy, táo Redlove còn vừa giòn, mọng nước và có vị giống
như dâu. Nó là thành quả của một trang trại ở Thụy Sĩ sau hơn 20 năm
nghiên cứu lai tạo nhiều giống táo khác nhau như Royal Gala và Braeburn
cùng những giống khác có thịt quả màu hồng nhưng không mùi vị. Đây là
quá trình lai giống tự nhiên mà không sử dụng công nghệ biến đổi gene.
Táo Redlove được chứng minh là có giá trị hơn hẳn các loại táo
thông thường. Lý do là bởi màu sắc đỏ tươi của Redlove có chứa nhiều
chất chống oxi hóa có lợi cho sức khỏe con người, đặc biệt là đối tượng
nữ giới.
Một điều thú vị nữa ở giống táo Redlove này là khi được nấu lên, chúng vẫn giữ nguyên màu đỏ sặc sỡ của mình.
3. Dưa hấu chua Mexico
Cây “Dưa hấu tí hon” có tên khoa học là Melothria scabra, thuộc họ
dây leo có trái ăn được. Loại quả này khá đặc biệt, kích thước của nó
như quả nho, vỏ là trái dưa hấu sọc, nhưng bổ đôi ra lại giống dưa chuột
và có vị chua như chanh.
Loài cây này có nguồn gốc từ Mexico và Trung Mỹ, thường được gọi là
sandita. Ngoài cái tên dưa hấu tí hon, chúng còn được biết đến với
nhiều tên khác như dưa chuột Mexico, dưa chuột chua Mexico,
Cucamelon...
Cây này được trồng thuần hóa và trở thành đặc sản tại các nước châu
Âu bởi một công ty gia đình chuyên sản xuất rau tại Hà Lan. Dần dần,
chúng được nhân giống và trở nên khá phổ biến trong các món salad ở
phương Tây.
4. Dứa AusFestival có vị dừa
Sau hơn một thập kỷ thử nghiệm, các nhà nghiên cứu Australia đã tạo
ra một giống dứa mới… có vị dừa. Loại dứa mới lạ này được đặt tên là
AusFestival. Nó là sản phẩm sáng tạo của các nhà khoa học làm việc tại
viện nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Australia ở Sunshine Coast.
Quả dứa nhưng có vị... dừa.
Nhóm nghiên cứu cho hay, trong
suốt 10 năm qua họ cố gắng tạo ra một giống dứa ngọt hơn, nhiều nước
hơn, nồng độ axit thấp hơn so với các loại dứa hiện nay chứ không hề
muốn tạo ra vị dừa trong quá trình lai giống dứa mới. Nhưng kết quả cho
thấy một thành công đầy bất ngờ.
Các thử nghiệm về mùi vị cho thấy dứa AusFestival có hương vị dừa
hấp dẫn mà ta không thể tìm thấy ở bất kỳ một loại dứa nào khác. Chúng
tương đối ngọt, ít chua và rất nhiều nước.
5. Cà chua “Ngân hà đen”
Các nhà lai tạo giống ở Israel đã phát triển thành công biến thể
giống cà chua đen. Loại cà chua mới này có ruột đỏ như thông thường, tuy
nhiên lớp vỏ ngoài lại có màu đen.
Để có được loại cà chua đen “Black Galaxy” (tạm dịch là “Ngân hà
đen”), các nhà lai tạo giống Israel đã lai cà chua đỏ thông thường với
một số loại cây dại. Màu đen của vỏ cà chua có thành phần sắc tố tương
tự trên quả dâu đen.
Dưới tác động của ánh sáng Mặt trời. quả cà chua càng chín trên cây
thì nó càng xẫm màu, thậm chí cho màu đen kịt, thay vì màu đỏ xẫm mà cà
chua thường có.
Trên thực tế, những nhà lai tạo cho biết, cà chua đen thậm chí còn
có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhờ những sắc tố đặc biệt, rất hiệu dụng
trong quá trình chống oxy hóa, đồng thời chứa nhiều Vitamin C tốt cho
hệ miễn dịch.
6. Khoai tây tím
Một giống khoai tây màu tím độc đáo đã được các nhà lai tạo ở thành
phố Ekaterinburg (Nga) nuôi cấy thành công. Nhìn bề ngoài, khoai trông
giống củ cải đường, nhưng bên trong có vị khoai tây rất thông thường.
Mặc dù vị khoai có thay đổi một chút, thơm và mịn hơn. Tuy nhiên,
đây vẫn là củ khoai tây bình thường, không bị biến đổi gene. Đây hoàn
toàn là kết quả lai giống truyền thống.
Màu tím lạ lẫm thu được là nhờ việc nhân giống với các loại khoai
hoang dại. Khi được nấu chín, thân củ khoai vẫn giữ sắc màu bắt mắt này.
Giống khoai mới này có tên Chudesnik và ít tinh bột hơn so với
khoai tây thường gặp, vì thế mà củ khoai có màu tím. Tuy nhiên, chúng
chứa hàm lượng vitamin C nhiều gấp 3 lần và hơn 4 lần các chất chống oxy
hóa. Đây cũng chính là yếu tố làm chậm quá trình lão hóa.
Ngoài ra, Chudesnik còn cho thấy khả năng đề kháng cao trước các bệnh thực vật và thích ứng với khí hậu lạnh khắc nghiệt.