Câu Chuyện Thầy Lang
Thụ Tinh Trong Ống Nghiệm.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Ngày 5 tháng 10 năm 2010, giải Nobel y học 2010 đã được Hàn Lâm Viện Thụy Điển trao tặng cho bác sĩ Robert G. Edwards nhờ khám phá ra phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilisation).
Theo Hàn Lâm Viện Thụy Điển, « nghiên cứu này đã giúp dễ dàng điều trị bệnh vô sinh, một vấn nạn y khoa ảnh hưởng tới một số lớn nhân loại và đặc biệt là 10% các cặp vợ chồng trên khắp thế giới ».
Vô Sinh
Vô Sinh được định nghĩa như một bệnh của bộ máy sinh sản ở cả người nam lẫn nữ, sau khi họ đã cố gắng trong đời sống tình dục được một năm mà vẫn không có con, hoặc người nữ không tiếp tục mang thai được cho tới ngày nở nhụy khai hoa.
Đã có thời kỳ người ta quy trách nhiệm về sự vô sinh, không có con nối dõi tông đường của cặp vợ chồng là do lỗi ở người vợ. “Cây khô không lộc, người độc không con”. Thế là bà vợ bèn bị cả nhà chồng giáng cấp, hắt hủi, ruồng bỏ.
Hoặc có quan niệm không con là do số phận, ý muốn của Thượng Đế. Nên đã có việc đi lễ bái, xin con cầu tự. Hoặc tin không có con là do tiền oan nghiệp chướng, ăn ở ác đức từ kiếp trước cũng như bị tà ma ám ảnh nên phải mời thầy cúng về lập đàn trừ oan, giải độc.
Thực ra, hiếm muộn thường có 35% nguyên nhân do người nam, 35% từ người nữ, 20% trách nhiệm cả đôi bên và 10% không giải thích được. Có thống kê lại nói 60% do nữ, 40% do nam.
Nghiên cứu
Từ thập niên 1950, bác sĩ Edwards đã manh nha ý định nghiên cứu một phương pháp nào đó có khả năng gây ra thụ tinh trứng nữ với tinh trùng ở trong phòng thí nghiệm. Đến năm 1968, ông đã thành công tạo ra một phôi bào nhỏ. Sau đó, với sự hợp tác của bác sĩ phụ khoa Patrick Steptoe, họ tiếp tục nghiên cứu đặt phôi bào vào dạ con. Với mọi cố gắng, ngày 25 tháng 7 năm 1978, họ đã thành công sanh ra em bé ống nghiệm đầu tiên trên thế giới Louise Brown.
Louise là con của một cặp vợ chồng đã cố gắng có thai trong 9 năm nhưng thất bại vì ông dẫn trứng của bà vợ bị tắc nghẽn. Ngày 10 tháng 11 năm 1977, bà vợ được hai vị bác sĩ kể trên giúp có thai qua thụ tinh trong phòng thí nghiệm. Louise có sức khỏe tốt, có việc làm. Năm 2007 cô có thai theo cách tự nhiên và sanh ra một cháu bé bình thường.
Hiện nay đã có khoảng trên 4 triệu trẻ em trên thế giới sinh ra với phương pháp invitro-fertilisation. Tại Việt Nam, thụ thai trong ống nghiệm cũng được áp dụng từ năm 1998, riêng bệnh viện phụ khoa Từ Dũ đã sanh khoảng 3000 em.
Diễn Tiến
Thu thai trong ống nghiệm là lấy trứng của người nữ cho thụ tinh với tinh trùng, nuôi trong hộp dinh dưỡng cho tới khi thành phôi bào rồi đặt vào dạ con người nữ. Sau 9 tháng 10 ngày phôi bào phát triển thành con người bình thường.
Thụ thai ống nghiệm khác với sinh sản vô tính (cloning). Trong cloning, người ta lấy nhân của một cái trứng nữ ra, thay vào đó là nhân của một tế bào khác trong cơ thể. Trứng kết hợp này được nuôi trong dung dịch dinh dưỡng để thành phôi bào rồi lớn lên thành một sinh vật. Như trường hợp con cừu Dolly được tạo ra vào ngày 5 tháng 7 năm 1996 ở bên Anh.
Phương pháp thụ tinh ống nghiệm tiến hành như sau :
1-Người nữ được cho dùng dược phẩm để kích thích nhiều trứng rụng và trưởng thành. Bình thường mỗi tháng chỉ có một trứng rụng mà thôi.
2-Trứng được hút ra càng nhiều càng tốt qua một lỗ nhỏ trong khoang xương chậu với một dụng cụ đặc biệt. Thường thường người nữ được dùng thuốc an thần hoặc thuốc tê để khỏi đau. Nếu không có trứng thì có thể xin trứng từ phụ nữ khác.
3-Lấy tinh trùng, thường là qua thủ dâm của người nam
4-Trứng và tinh trùng được đặt trong hộp ống nghiệm chứa dung dịch dinh dưỡng, kích thích cho đôi bên kết hợp với nhau để trở thành phôi bào.
5-Phôi bào được đưa vào dạ con trong vòng 2 hoặc 3 ngày để phát triển. Có thể đưa vào một hoặc nhiều phôi bào. Phôi bào không dùng hết sẽ được giữ đông lạnh để dành.
IVF được chỉ định trong các trường hợp sau :
-Phụ nữ ngoài tuổi mang thai.
-Tắc nghẹt hoặc tổn thương ống dẫn trứng.
-Bệnh lạc nội mạc tử cung endometriosis
-Hiếm muộn nam giới vì ít tinh trùng hoặc cản trở lưu thông tinh trùng.
-Hiếm muộn không rõ nguyên nhân.
Tỷ lệ thành công của phương pháp tùy thuộc nhiều yếu tố như thời gian vô sinh, tuổi tác người phụ nữ, cấu trúc niêm mạc dạ con, trứng tươi hay trứng giữ đông lạnh. Tại Hoa Kỳ tỷ lệ sinh thành công là 35% cho phụ nữ dưới 35 tuổi mà trên 40 tuổi tỷ lệ giảm xuống cón từ 6-10%. Phụ nữ tuổi cao thường có ít trứng, kém đáp ứng với phương pháp kích thích noãn sào sản xuất trứng và vì tỷ lệ có thai cũng giảm.
Thụ thai ống nghiệm có thể dùng trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng hoặc do người khác cho.
Cũng như các phẫu thuật khác, phương pháp thụ thai ống nghiệm cũng có một số biến chứng/ hậu quả xấu. Trước hết là tâm trạng căng thẳng trong khi được thực hiện phương pháp, lo nghĩ không biết kết quả ra sao, lại còn tốn kém. Rồi đến các rối loạn thể chất như đau bụng, nôn ói, tiểu tiện ít, chảy máu, nhiễm trùng…nhưng bác sĩ đều đối phó được.
Sau khi nhận phôi bào, người nữ cần nghỉ một ngày rồi trở lại công việc bình thường nhưng tránh việc nặng. 12-14 ngày sau, tái khám với bác sĩ để xét nghiệm coi đã có thai chưa.
Trong thời gian từ 8-10 tuần lễ, người nữ cần uống hoặc chích hormon progesteron mỗi ngày để niêm mạc dạ con dày lên, mang nhiều máu nuôi phôi bào.
Nên thông báo cho bác sĩ ngay nếu nóng sốt, xuất huyết cửa mình, đau bụng, đi tiểu ra máu.
Kết luận
Kết quả nghiên cứu của hai bác sĩ Edwards và Steptoe cũng gặp nhiều nhận xét khen chê
Giới chức y tế của Tòa Thánh Vatican nói rằng « không có Edwards thì không có thị trường bán cả triệu trứng nữ, không những phòng ướp lạnh chứa đầy phôi bào trên thế giới mà một số được đưa vào tử cung còn đa số bị hủy hoại, vứt bỏ ».
Một ý kiến khác cho rằng việc làm của bác sĩ Edwards đã trao cho con người cái quyền hạn làm điều mà trước đây vẫn được coi là lãnh vực của Thượng Đế: tạo ra và điều khiển đời sống sinh mạng đó.
Một số nhà chuyên môn e ngại thụ tinh ống nghiệm sẽ tạo ra một sinh vật có thể có vài khuyết tật hoặc tỷ lệ sanh ra nhiều con trai hơn con gái.
Tuy nhiên, thực tế mà nói thì còn gì vui mừng bằng một cặp vợ chồng lấy nhau đã nhiều năm không có con mà bây giờ bà vợ mang thai với chính mầm sinh sản của hai người nhờ có thụ tinh ống nghiệm.
Đặc biệt là niềm hạnh phúc của người mẹ ôm đứa con sanh ra sau 9 tháng 10 ngày lớn lên trong lòng mình. Cặp vợ chồng có thể quên đi một vài khó khăn trở ngại của phương pháp, nhưng với họ, thụ thai trong ống nghiệm là một phép lạ và đứa trẻ do phương pháp này tạo ra cũng là điều kỳ diệu chưa bao giờ có được.
Vì như văn hào Victor Hugo đã diễn tả:
« Mỗi khi trẻ thơ xuất hiện
Trong mái ấm gia đinh
Mọi người đều hân hoan
Ánh mắt dịu hiền của bé
Làm sáng lên ánh mắt mọi người ».
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D.
Texas-Hoa Kỳ
www.bsnguyenyduc.com