CHẤM THI - Lâm Thanh Nghiêm -

CHAÁM THI

M

ùa thi năm 1972, trường Miêng có hai giáo viên được cử làm giám khảo kỳ thi tú tài. Anh và Nghiệp, Anh chấm môn Sinh, còn Nghiệp môn Toán. Nghiệp cũng là bạn khá thân của Miêng thời còn sinh viên.

Buổi chiều trước ngày chấm, sau cuộc họp hội đồng giám khảo nghe phổ biến điều lệ, đáp án, thang điểm … Miêng thong thả rời khỏi cổng trường thì gặp một người đàn ông đi cùng cậu thiếu niên. Người đàn ông có dáng nông dân, chất phác. Còn cậu trai da ngăm đen, khuôn mặt hiền lành. Họ đứng trước mặt Miêng, lễ phép ngập ngừng:

- Dạ, thầy có phải là Miêng?

Hơi ngạc nhiên, Miêng hỏi:

- Anh có chuyện gì? Sao lại biết tôi?

- Tôi dò hỏi, biết thầy người ở thị trấn, quận X và có chấm thi lần này.

Quay sang chỉ đứa con trai, anh ta nói tiếp:

- Dạ, tôi có thằng con học trường dưới quận vừa thi xong. Cháu bảo bài làm không khá lắm. Mong thầy giúp đỡ cho con em đồng hương.

Miêng ngán ngẩm nói:

- Tất cả các bài thi đều rọc phách, tôi đâu có làm được gì để giúp.

Người đàn ông vội đưa Miêng tờ giấy nhỏ. Anh thấy đề tên Nguyễn Văn Hai, số báo danh và hai chữ “Bài làm” được viết một cách đặc biệt hơn thông thường. Rõ ý định của họ nên một chút ác cảm nổi lên, Miêng lắc đầu, nói:

- Tôi không giúp được đâu.

Vừa nói, Miêng vừa bỏ đi. Người đàn ông bước vội theo, giọng lo âu, năn nỉ:

- Dạ, mong thầy thương. Gia đình nghèo, chỉ có mỗi cháu đây. Nếu thi rớt kỳ này, cháu sẽ bị bắt lính, khổ lắm. Thầy giúp cho, tôi mang ơn suốt đời.

Miêng biết nếu từ chối tiếp thì họ sẽ bám theo, không buông ra, bèn nói:

- Thôi được, anh để tôi liệu xem.

Miêng bỏ mảnh giấy vào túi và nghĩ mình sẽ ném đi sau đó. Hai cha con có vẻ mừng, cám ơn rối rít. Họ hỏi địa chỉ nhà của Miêng để tìm đến thăm. Tránh phiền toái, Miêng bảo:

- Thôi đừng đến, người ta dị nghị.

Khi họ vừa đi khỏi thì Nghiệp tới, vồn vã:

- Tìm mầy nãy giờ. Đi với tao, có thằng Anh ở đây, nó chuẩn bị đãi tụi mình.

Một thoáng lưỡng lự, nhưng rồi anh cũng thuận đi cùng Nghiệp với ý nghĩ: Dù sao cũng lấp được một buổi tối nhàm chán nơi nhà nghỉ tập thể.

Nghiệp đưa Miêng đến căn nhà mặt tiền hai tầng lầu, bên dưới là cửa hàng buôn bán vải sợi. Bước lên thang lầu, vào một phòng đã dọn sẵn bàn ghế, ly chén. Miêng thấy có phó chủ tịch và thư ký hội đồng giám khảo. Lại có H. chấm môn Văn, S. chấm môn Lý, Hóa. Dường như họ có hẹn trước ở đây. Anh chủ nhà, dáng mập mạp đến bắt tay từng người, mời ngồi rồi trịnh trọng đứng nói:

- Nhân dịp các thầy về chấm thi, tôi có nhờ thầy Nghiệp “người thân trong nhà” mời quý thầy đến dùng với gia đình bữa cơm thân mật.

Thức ăn thịnh soạn được mang ra, rượu Mác – ten mở nắp rót vòng. Sau vài tuần rượu, ai nấy bừng bừng hơi men, anh chủ nhà kêu thằng con trai ra đứng trước bàn và nói:

- Đây là cháu Phước, con tôi. Cháu cũng vừa thi xong kỳ này. Xin giới thiệu với các thầy.

Ồ! Tưởng ai, chứ Phước thì Miêng biết. Cậu ta học ở trường tư thục H.V trong thị xã mà Miêng có dạy thêm một số giờ. Cậu công tử này ăn chơi và chưng diện giỏi hơn học nhiều. Phước nói lí nhí: “Thưa các thầy” rồi quay nhanh vào trong.

Bữa tiệc được tiếp tục, càng lúc càng sôi động ồn ào. Mọi người tranh luận về cuộc thi, tình hình giáo dục, về luật động viên bắt lính và về cuộc chiến đang lan rộng trên đất nước.

Tiệc sắp tàn, Miêng thấy Phước ôm ra một chồng các gói giấy. Anh chủ nhà khật khưỡng đứng lên.

- Để ghi dấu ngày hôm nay, tôi có chút quà gởi biếu các thầy làm kỷ niệm.

Anh ta trao tận tay mỗi người một gói. Miêng cảm thấy ngại ngùng. Nghiệp bước đến cầm gói giấy ấn vào bụng Miêng.

- Mầy nhận cho ông anh tao vui. Chuyện nhỏ, chẳng có gì đâu!

Chạm vào gói quà, biết ngay bên trong là xấp vải. Miêng đã rõ ý nghĩa, mục đích của buổi tiệc này. Miêng cáo từ ra về trước và nghe bọn họ đang bàn định kéo nhau tiếp tục cuộc vui “tăng hai” ở một nhà hàng có món “tươi mát” nào đó.

Về phòng, mở bọc giấy ra. Miêng thấy bên trong xấp vải còn có một phong bì.

*

*     *

 

 

Đề thi môn Sinh năm ấy có năm câu, mỗi câu bốn điểm (thang điểm 20). Trong buổi chấm đầu tiên, sau một loạt bài thi Miêng gặp cái bài làm anh chú ý ngay. Hai chữ “Bài làm” khác thường y như mẫu chữ trong tờ giấy người đàn ông trao cho Miêng. Đúng là bài của Hai. Hai chỉ làm được ba câu, không hoàn chỉnh lắm. Nếu chính xác, có thể cho mười điểm. Nhưng có một cảm giác khó chịu, bực bội khi nhớ đến toan tính, gian dối của cha con Hai. Miêng ghi ngay tám điểm, rồi nhanh chóng xếp qua.

Buổi chiều, lúc chỉ còn vài bài nữa là xong. Thình lình Nghiệp bước vào, Miêng thấy trên cổ tay hắn chiếc “long – gin” mới toanh, loạt đồng hồ rất đắt giá. Nghiệp đặt một bài thi trước mặt Miêng, nói:

- Của cháu tao, mầy phết đại cho trên trung bình. Hai thằng phó chủ tịch, thư ký hội đồng là “friend”, chẳng sao đâu.

Miêng nhìn thấy giám khảo trước chấm năm điểm. Biết chắc bài này của Phước. Cậu ta làm ba câu, nhưng hết hai câu đều viết lung tung, sai bét kiến thức, chỉ đáng bốn điểm. Rồi tiệc rượu đêm hôm hiện ra cùng xấp vải, chiếc phong bì, và nhất là tình bạn với Nghiệp bấy lâu nay. Một sự giằng co trong đầu! Miêng cầm bút quẹt vào ô điểm con số mười lăm, ký tên. Nghiệp chụp vội bài thi, bước ra ngoài.

Miêng ngồi thừ người, có nỗi day dứt dội lên. Mình đã đồng lõa, nhúng tay vào điều bất chính!

Trước ngày công bố kết quả, Miêng ghé qua hội đồng thi, tiện thể dò luôn danh sách thí sinh đậu rớt. Trong danh sách thí sinh thi rớt có tên Nguyễn Văn Hai. Em chỉ thiếu có hai điểm, ở môn Sinh! Còn Phước dĩ nhiên là đậu, lại đậu cao nữa kìa!

Một mặc cảm có tội với cha con Hai nổi dậy giằng xé trong lòng. Miêng thấy mình là một kẻ hèn hạ, bất minh. Không có một lập trường kiên định, minh bạch trước tình huống, chỉ hành động theo cảm tính bất chợt và mắc sai lầm để rồi day dứt, dày vò.

*

*     *

 

 

Ngày đất nước giải phóng, Miêng được lưu dụng tiếp tục dạy học. Mấy năm sau, do hoàn cảnh, anh xin đổi về trường ở thị trấn, huyện nhà. Trớ trêu thay, anh gặp Phước. Phước bấy giờ là Hiệu phó trường, sếp của Miêng.

Sau khi đỗ bằng tú tài, Phước tiếp tục lên đại học (không rõ những cuộc thi, bằng cấp sau này của Phước do thực tài hay do phong bì, những tiệc rượu?). Phước học Sư phạm mà theo hắn bảo vì chán ghét chế độ cũ, chọn nghề thầy giáo để núp né đi sỹ quan. Phước gọi Miêng bằng anh (trước kia Miêng có dạy hắn) và lộ vẻ không thân thiện. Miêng không trách, nghĩ những lỗi lầm của mình lúc đó cũng đáng bị khinh thường. Còn thái độ của Phước không ưa Miêng có lẽ do mặc cảm, nghĩ rằng Miêng đã biết quá rõ về thành tích học tập, văn bằng của mình do sự chạy chọt của gia đình! Nhưng Phước có biết rằng chính Miêng cũng không thể “há miệng mắc quai” về chuyện ấy, bởi Miêng cũng dự phần vào điều gian trá, bất chính!

Lúc ấy là những năm khó khăn của thời bao cấp. Một số giáo viên ngoài giờ lên lớp phải bán thêm giấy số, sửa vá xe đạp … kiếm thêm thu nhập mới đủ sống. Chính Miêng cũng đi bỏ mối thuốc lá, bán khăn dạo. Nỗi lo toan mưu sinh đã làm Miêng không toàn tâm trong công tác, chất lượng dạy của anh có sa sút.

Trong một buổi họp kiểm điểm, bình bầu cuối năm, Miêng bị Phước phê bình: “Giáo án cẩu thả, dự giờ không đạt chỉ tiêu, sổ dự ghi chép lung tung lại lang thang buôn bán làm mất tác phong nhà giáo v.v”. Miêng bị xếp loại yếu. Phước còn ý kiến đề nghị chuyển công tác đứng lớp của Miêng xuống làm thư ký!

Một buổi trưa, trời chang nắng đổ lửa. Miêng ghé vào quán cóc bên lề đường uống nước. Vừa ngồi xuống thì một thanh niên chống đôi nạng gỗ lộc cộc bước đến, chìa ra trước mặt anh một xấp vé số. Ngẩng lên, Miêng thấy một khuôn mặt ngăm đen, khắc khổ, trông có nét quen quen. Anh thanh niên chợt kêu lên:

- Thầy Miêng! Còn nhớ em không? Thầy về dạy ở đây à?

Miêng gật đầu, nhìn ngỡ ngàng giây lát, rồi nhận ra đó là Hai (cậu thí sinh năm xưa).

- Ơ! Hai. Em ngồi xuống. Tình cảnh của em sao lại ra như vầy?

Hai xếp đôi nạng, nhắc cò một chân ghé ngồi lên ghế. Trầm ngâm một chút, Hai nói:

- Sau lần thi rớt ấy, cuộc đời em rẽ sang “bước ngoặt”. Trốn tránh ở nhà được một thời gian ngắn thì bị bắt lính. Chỉ mấy tháng sau em bị thương. Gần hai ngày trời mới chuyển được về quân y viện. Cái chân bị nhiễm trùng nặng, phải cưa đến hai lần.

Miêng nhìn cái ống quần xếp rủ đến tận háng của Hai, day dứt hỏi:

- Có bao giờ em nghĩ gì về lần gặp thầy không?

Nhìn thẳng vào Miêng, Hai nói:

- Về sau em có suy nghĩ thầy là người minh chính; làm theo công tâm, và điều ấy tạo ấn tượng tốt về thầy! Còn em vì năng lực học yếu kém thì phải chấp nhận số phận thôi!

Miêng cảm thấy xấu hổ, đau nhói khi nghe Hai nói nên lảng sang chuyện khác.

- Gia đình giờ ra sao? Còn ba em?

- Dạ, ba mất sau giải phóng. Em đã có vợ và hai con còn nhỏ, vợ em bán xôi. Em bị tàn tật, còn mấy miểng đạn trong người nên sức khỏe rất yếu, không lao động nặng được. Cuộc sống cũng khó khăn lắm.

Miêng nghe nỗi đắng nghẹn trào dâng trong lòng. Chỉ giây phút quyết định lệch lạc theo cảm tính mà tác động đến cả số phận cuộc đời của một con người. Lỗi lầm này làm sao cứu chuộc!

Nhìn khuôn mặt thẫn thờ của Miêng, tưởng anh đang lo nghĩ điều gì, Hai đứng lên:

- Thôi thầy ở uống nước, em đi bán. Thầy còn dạy ở đây, thế nào cũng gặp lại. Chúc thầy và gia đình hạnh phúc!

Hai chống đôi nạng gỗ khập khiễng bước đi, Miêng nhìn theo. Dưới ánh nắng chói chang, bóng dáng Hai rung rinh nhòe nhoẹt. Miêng trào nước mắt!