T I Ế
P T H E O M Ộ T
C Õ I Đ I V Ề
Hàng đầu: Các anh NLM BL, chị Chính, chị NLM BL, Cô Võ Thị Vân, chị NLM BL
Hàng sau: Các anh NLM BL, Thầy Nguyễn Tấn Phúc ( Hiệu Trưởng NLS Định Tường) Thầy Châu Kim Lang
Cuối cùng : Anh Phạm Đình Long( Trưởng ban điều hành NLS BL tại Sài Gòn)
Khi Bài Viết Một Cõi Đi Về giới thiệu đôi nét về thân thế và
sự nghiệp của Thầy Hà Văn Thân được đăng trên nlsbaoloc.net. Chị Đặng Thị Hòa
Bình vội gọi cho tôi góp ý. Chị bảo tôi phải sửa ngay cái tựa đề bài viết. Chị
nói trong bài hát Một Cõi Đi Về của Trịnh Công Sơn có những câu từ diễn tả sự
ra đi vĩnh viễn ví dụ như: "Từng lời Tà Dương là lời Mộ Địa…" theo quan niệm
duy tâm thì nên tránh dùng tựa bài viết về Thầy như vậy.
Lúc ấy tôi không tin dị đoan, theo ý tưởng của tôi Cõi đi về
của Thầy là quê hương Việt Nam
vì Thầy hiện đang định cư ở Pháp. Và tôi vẫn muốn hát tặng Thầy bài hát đó
nhưng rất tiếc là tôi không thuộc bài.
Mãi cho đến khi nghe
tin Thầy bệnh nặng phải nhập viện. Lần đầu tôi đến thăm Thầy tại Bệnh Viện
Nguyển Trãi, Thầy còn nhắc là tôi chưa hát cho Thầy nghe. Tôi không ngờ Thầy
vẫn nhớ bài viết của tôi. Tôi quyết tâm về nhà mở Google ra tìm bài hát học
thuộc. Mấy hôm sau tôi trở vào Bệnh Viện thăm Thầy, tôi còn nhớ buổi chiều hôm
đó phòng bệnh vắng người, chỉ có anh Hà Văn Thận là em ruột của Thầy và một
bệnh nhân nằm cùng phòng. Tôi mạnh dạn nói: Thưa Thầy hôm nay em xin hát cho
Thầy nghe bài hát Một Cõi Đi Về của Trịnh Công Sơn. Thầy mĩm cười gật đầu, và
tôi cất tiếng hát…Tôi nhìn thấy nụ cười viên mãn trên đôi môi Thầy…Khi bài hát
gần kết thúc, tôi thấy Thầy nằm nghiêng nhìn lên trần nhà và hai dòng lệ trào
ra khóe mắt. Tôi cũng nghẹn ngào xúc động cầm lấy hai bàn tay gầy guộc của
Thầy. Bây giờ thì tôi biết lời tiên đoán của chị Hòa Bình sắp thành sự thật.
Sức khỏe của Thầy mỗi ngày yếu dần đi, Thầy có ước nguyện muốn được về quê ở
Sóc Trăng.
Mấy hôm sau, anh
Nguyễn Khỏe gọi rủ tôi đi Sóc Trăng thăm Thầy vì nghe nói tình trạng của Thầy
hiện như chỉ mành treo chuông. Vì đi gấp nên không rủ được đông người, chỉ có
Tôi, anh Khỏe và anh Phước Ban Công Thôn cùng đi. Chúng tôi rời Saigon lúc 6 giờ chiều đến 12 giờ khuya mới đến nơi. Thầy
đã mê man. Cảnh nhà thật đơn chiếc, chỉ có anh Thận cũng gần 70 tuổi ở đó chăm
sóc Thầy. Các con của Thầy ở bên Pháp chưa về kịp, may là có mấy người cháu họ
ở gần đó qua lại giúp đỡ. Anh Thận có chỉ cho chúng tôi xem khu đất dành làm
nơi yên nghỉ cuối cùng của Thầy. Nhớ ngày xưa Ông Ngoại của Thầy từng là người
đầu tiên khai phá lập nên làng Thạnh Thới An Sóc Trăng. Sau đó Ba của Thầy nhờ
trúng số độc đắc có tiền mua luôn lô đất dài 2 Km dọc theo mặt tiền Quốc Lộ sở
hữu cả một vùng đồng ruộng mênh mông. Vậy mà bây giờ cơ ngơi chỉ còn vỏn vẹn
ngôi nhà và mảnh vườn nhỏ làm nghĩa trang gia đình. Nghe nói trước kia ở đây có
dựng bia ghi nhớ công đức khai hoang lập địa của Ông Ngoại Thầy nhưng sau năm
75 bia bị phá bỏ. Chúng tôi ngậm ngùi khi nghĩ đến giờ phút cuối cùng của Thầy
sắp đến, bịn rịn rồi cũng phải chia ly. Chúng tôi không thể ở lại lâu hơn. Trên
chuyến xe chạy suốt đêm trở về Saigon, anh
Khỏe và anh Phước ôn lại những kỷ niệm gắn bó một thuở Thầy Trò với Thầy. Riêng
tôi chỉ có một cơ duyên là lần đó Thầy nghe nói Thầy Phan Bá Sáu về Saigon,
Thầy nhờ tôi tìm liên lạc với Thầy Sáu vì hai Thầy là anh em Bà Con Cô Cậu
ruột. Từ đó về sau, mổi lần Thầy từ Pháp về VN nghỉ dưỡng ở nhà anh Khỏe, tôi
đều được báo tin để cùng các anh chị NLM đến thăm Thầy. Nhất là những dịp lễ
Tết. Vậy mà ngày Thầy mất tôi lại đi du lịch xa không dự được tang lễ. Nghe kể
Tang Lễ của Thầy cũng đơn sơ giản dị như cuộc sống của Thầy lúc sinh tiền. Cũng
thời là Giám Đốc Nha Học Vụ Nông Lâm Súc, đồng thời là Tổng Giám Đốc Tổng Nha
Nông Nghiệp vậy mà khi cuối đời Thầy nằm xuống thật lặng lẽ. Những người con
của Thầy ở Pháp có về chịu tang rồi vội vã đi ngay. Chỉ có những người bạn đồng
sự của Thầy, những học trò của Thầy ở các trường NLS Bảo Lộc, Huế, Cần Thơ,
Bình Dương là gắn bó. Đặc biệt anh Nguyễn Khỏe như đứa con trai của Thầy đã lo
liệu chu toàn hậu sự cho Thầy.
Thời gian trôi qua,
ngày giỗ đầu của Thầy tổ chức ở dưới quê, đường xá xa xôi học trò không về dự
được. Năm thứ hai, người em của Thầy và các anh chị NLS tổ chức lễ cầu siêu cho
Thầy ở chùa Vĩnh Nghiêm, tôi cũng có mặt cùng với rất đông bạn bè.
Năm nay nghe anh Khỏe
báo tin Anh Hà văn Thận người em trai duy nhất của Thầy cũng mới vừa mất được
100 ngày nên ngày giỗ của Thầy lần nầy không có ai lo.
Anh Khỏe có ý nhờ tôi
tổ chức lễ Cầu Siêu cho Thầy ở chùa Lâm Tế, anh Khỏe sẽ yểm trợ tài chánh, tôi
thông báo cho quý Thầy Cô và các bạn ngày giờ và địa điểm.
Sáng nay buổi lễ Cầu
Siêu được diễn ra thật ấm tình Thầy Trò, và Bằng Hữu. Hiện diện có Thầy Châu
Kim Lang, Cô Võ Thị Vân, Thầy Nguyễn Tấn Phúc, Anh Phước bạn thân của Thầy, và các anh chị đại diện
các trường NLS Cần Thơ ( anh Liêm) trường NLS Bình Dương ( chị Mai) và nhóm bạn
NLS Bảo Lộc. Đáng tiếc là anh Khỏe bị bệnh đột xuất phải nhập viện nên không
đến được. Phạm Đình Long đã đại diện quỳ dâng sớ, châm trà, xới cơm...như một
đứa con trai. Tiếng Nhà Sư đọc kinh siêu độ cho Thầy và nêu tên chủ lễ là Toàn
Thể Học Trò NLS Bảo Lộc thành tâm cúng bái khiến mọi người không khỏi bồi hồi
xúc động. Tôi nhìn lên thấy Thầy Châu Kim Lang lau vội những giọt nước mắt, có
lẽ khi thấy Phạm Đình Long thực hiện nghi thức cúng lễ, trong không khí trang
nghiêm Thầy Châu Kim Lang đã chạnh lòng nghĩ đến cái nghĩa vô thường của Tạo
Hóa.
Buổi cầu kinh kết
thúc, Thầy Trò và bạn bè cùng ngồi lại dùng với nhau bữa cơm chay đạm bạc. Sư
Phụ và những người làm công quả trong chùa đã hết lời khen ngợi nghĩa tình Thầy
Trò của chúng ta. Tôi hãnh diện vì mình là một học sinh NLS Bảo Lộc, tôi cũng
rất vui và hạnh phúc khi có được những người Thầy Cô và những Bạn Bè luôn có
những tấm lòng Tôn Sư Trọng Đạo. Đó cũng là Truyền Thống của Nông Lâm Mục Súc
mãi mãi được gìn giữ và tôn vinh.
Ngày 29 tháng 11 năm
Nhâm Thìn
Bùi Thị
Lợi