HỌP BẠN - Lâm Thành Nghiêm -

HOÏP BAÏN

Chuông điện thoại reo. Tôi cầm ống nghe. Một giọng nói xa lạ “Nghiêm hả? Hồng Phước Tài đây. Còn nhớ không?”. Tôi kêu “ồ!” ngỡ ngàng. Từ ký ức sâu thẳm, một cái tên và một khuôn mặt quá khứ hiện về. Tài cho biết mấy chục năm nay sống định cư tại Mỹ, mới về nước và muốn tổ chức cuộc họp mặt cùng bạn bè cũ ngày xưa, mời tôi lên Sài Gòn tham dự. Trong nỗi xúc động bất chợt, tôi ừ ừ hứa hẹn sẽ đi.

Gát máy xuống, hình ảnh người bạn xưa rõ nét hơn. Tài dáng người cao, da ngăm, tính trầm tỉnh, có nụ cười sáng rỡ. Ngày ấy, nơi trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc, tôi với Tài học cùng khóa, ở cùng lưu xá C nhưng khác ban, khác phòng nên chẳng thân lắm. Sau về Sài Gòn càng ít gặp, rồi thời cuộc biến đổi, mỗi người mỗi nơi. Thấm thoắt mà đã hơn 40 năm, biết bao vật đổi sao dời, biết bao số phận nổi chìm. Đời người sắp cạn.

Mấy ngày sau cái ý muốn lên tham dự tan mòn, nhạt hứng. Ấn tượng về những cuộc họp bạn nhạt nhẽo vô vị. Hiện nay, có rất nhiều cuộc họp được tổ chức, nào là họp bạn cùng trường, cùng đơn vị, họp người đồng hương, đồng họ tộc v.v… Nhưng hình thức thì nhiều mà nội dung, ý nghĩa chiều sâu ít có. Chỉ là cuộc hội tụ ồn ào, níu kéo gượng gạo cái quá vãng đã qua, cố moi móc kỷ niệm tìm lấy thân tình mà chưa hẳn ngày xưa đã có!

Nhớ lần tham dự họp bạn đầu tiên sau năm 1975 vài năm, đó là nhóm bạn thời niên thiếu (từ đệ thất đến đệ tứ) cùng quê hương. Ba lớp đệ thất ngày ấy có hơn 150 người, nay chỉ còn 20 người đến dự. Chiến tranh và cuộc đời lắc sàng nghiệt ngã để còn đọng lại trên nia những khuôn mặt lạ lẫm hôm nay. Hồi tưởng điểm danh: đứa chết trận bên này, bên kia (cùng chết vì bom đạn mà danh gọi cho cái chết lại khác xa), đứa bỏ xứ ra đi, đứa không còn biết tin liên lạc, đứa không muốn đến vì mặc cảm cách biệt địa vị giàu nghèo và nhiều đứa quên hẳn, không còn hình dung nhớ lại. Vồn vã ôm nhau, tía lia thăm hỏi. Anh trưởng công an huyện choàng vai anh cảnh sát cũ, anh chủ tịch siết tay anh đại uý Cộng hoà. Bề ngoài thắm thiết nhưng trong lòng còn vướng víu e dè, thậm chí anh có chức quyền ngần ngại chụp chung hình với anh sĩ quan cũ. Học chung cùng lớp tròm trèm cách nhau 2, 3 tuổi đời nhưng có kẻ tự cho mình là huynh trưởng, là xúc phạm khi bạn gọi mày tao. Lại lộ bộ mặt kẻ dựa hơi, cố gắng bắt chuyện làm thân người quyền thế. Sau màn tâm sự xã giao là cuộc ăn nhậu ồn ào. Mọi người tranh nói, tranh mời rượu, phát ngôn loạn xị xà bần… Cuối cùng ngã nghiêng tan cuộc! Những ngày sau có gặp nhau trên đường cũng chỉ cái gật đầu đãi buôi hời hợt. Thế đó! Chẳng có ý nghĩa thân tình gì, nên những lần mời họp về sau, tôi đều từ chối.

*      *

*

 

 

Hai cuộc điện thoại của Nê và Thuyết (cùng khoá với tôi và Tài, thỉnh thoảng chúng tôi còn gặp nhau) bảo tôi cố gắng thu xếp để đi. Hai bạn cho biết có đứa tận miền Trung, vùng cao nguyên, cả miền Tây xa tít cũng về dự. Tài hỗ trợ chi phí đi lại cho những bạn còn khó khăn và Thuyết lo chỗ ăn nghĩ cho người ở xa về. Tôi nghĩ mình không nên phụ tấm lòng nhiệt tình, tha thiết như vậy và cũng nhận ra tình bạn Nông Lâm Súc Bảo Lộc khác hẳn nhóm học chung thời trung học đệ Nhất cấp. Thưở ấy, năm 1963 chúng tôi đã qua thời niên thiếu, bước vào tuổi mộng mơ nhiều ước vọng, cái tuổi đẹp nhất đời người. Khoá chúng tôi có hơn 100 người chia làm ba ban: canh nông, mục súc, thuỷ lâm. Tất cả xa nhà, ở khắp các vùng của mọi miền đất nước tụ lại, chỉ có vài bạn địa phương. Mì quảng, rau muống, ớt, giá sống với các giọng nói khác nhau cùng sống chung trong lưu xá trường, gắn bó sinh hoạt, học tập vui chơi nên nhanh chóng kết mối thâm tình. Lưu xá C dành cho học viên nam, có 12 phòng trệt và một phòng lầu, mỗi phòng có ba giường tầng ở được 6 người, chúng tôi chọn những bạn hợp “feu” ở cùng phòng với nhau. Ngôi trường rộng rãi, kiến trúc rất đẹp nằm giữa khung cảnh núi rừng thơ mộng, không khí lạnh lạnh sáng chiều đọng nhiều cảm xúc để cứ nhớ nhung lưu luyến.

Ở cái tuổi với những trò đùa tinh nghịch chọc phá vốn được xếp vào hàng thứ ba sau ma quỷ. Chính những điều ấy đã góp vào hành trang ký ức, làm nặng đầy kỷ niệm sau hơn 40 năm xa cách. Vâng, một trong những trò trêu chọc thưở ấy là đặt biệt danh cho nhau, nghĩa là ngoài cái tên cúng cơm trong khai sinh do cha mẹ đặt, bạn còn có thể phải mang theo một cái tên ngoài ý muốn. Mới đầu do một tên tếu táo nào đó khởi gọi, thấy hay hay nên lan truyền thành chết danh. Có điều cái biệt danh ấy được tồn tại và lan rộng thì phải thể hiện tính cách, dung dạng hay một sự kiện gắn liền với nhân vật phải mang biệt danh ấy. Ban đầu chẳng ai vui vẻ chấp nhận bởi cái tên thường thô kệch, xấu xí, xúc phạm tự ái gán cho mình. Nhưng phải chịu đựng cái “hùa” của tập thể rồi cũng qua đi, có khi về sau lại khoái trá được gọi như vậy vì nó gây được ấn tượng với bạn bè, làm cho bạn nhớ nhiều đến mình.

Lúc đầu Nguyễn Trung Bình (Thuỷ Lâm) giận dữ, rượt đánh những đứa dám gọi anh là “Bình khùng – Bình mát” và các bạn chỉ dám gọi “Hai Tốc” sau lưng Nguyễn Văn Hai (Mục súc). Hai biệt danh đó đã phản ánh đúng vài tính khí thất thường của hai anh. Trường hợp khác, Võ Văn Lành quê ở Tây Ninh, có chiếc mũi hơi cao giống Tây, anh em đặt cho cái tên “Paul Lành”. Khi gọi cố ý là “Bôn Lành”. Cũng người gốc Tây Ninh nữa là Trần Văn Thìa được gọi là “Robert Thìa”. Rồi Bùi Tho đọc lái lại “Bò Thụi”. Trong văn học có nhân vật nổi tiếng là Xuân tóc đỏ, còn như Tô Phùng Xuân mới ngần ấy tuổi mà tóc đã bạc phơ nên có biệt danh là “Xuân tóc bạc”, Từ Văn Trường có giọng nói ồ ồ gọi là “Trường ồ”, Lê Minh Khôi người Bắc nói giọng eo éo có biệt danh là “Bắc kỳ Khôi”. Trần Văn Phước học Mục súc miệng hô, lộ cả răng có tên “Phước Yorshire” (yorshire là một dòng heo ngoại quốc). Lê Ngọc Bích tên như con gái, đầu lúc nào cũng láng, ỏng ẹo nên có tên là “Bích nũng”, Trần Văn Tám đại diện cho học viên lo chuyện cơm nước nên gọi là “Tám kinh tế” …

Tôi ở chung phòng với Trần Tấn Miêng, Phạm Thuyết, Trà Chơn Tâm và Trần Xuân Thành. Thành là chúa đặt biệt hiệu cho người khác, hắn gọi “Thuyết Khệu” vì có đôi chân vòng kiềng. Trà Chơn Tâm mang họ người Chàm nên có tên “Tâm Chàm”. Thành cũng được anh em tặng cho cái tên “Thành lùn”, quá dễ hiểu vì chiều cao khiêm tốn của Thành. Khoá tôi có nhiều anh lùn: Phước lùn, Thịnh lùn, Phú lùn, Bích lùn, Huân lùn, Kỳ lùn. Nếu có nàng Bạch Tuyết thì sẵn bảy chú lùn mà dựng kịch.

Chính Thành lùn sáng tác sáng tác hai biệt danh “Say cha” và “Say con” khá đặc biệt vì không còn mang cái tên cúng cơm như người khác mà khi kêu lên ai cũng biết, cũng rõ người nào. Số là trong phòng tôi chơi thân với Miêng, thường đi chung với nhau như cặp bài trùng. Bấy giờ chắc có người nghĩ chúng tôi là hai tên đồng tính, vì cùng tuổi nhau nhưng tôi có khuôn mặt “sáng trai” hơn, còn Miêng thì mặt mày dáng dấp già đi trước tuổi. Có người bạn nhận xét cà khịa thế này: “Thường thì ai sinh ra, mới đầu đỏ hỏn gọi là hài nhi, lớn dần gọi là em bé, lớn nữa nếu con trai gọi là thằng nhỏ, sau đó là thanh niên, trung niên rồi lão già và chết. Còn thằng Miêng sinh ra đã già rồi nên lúc nào nó muốn chết thì giãy ra mà chết chứ đâu còn chỗ nào nữa để mà già”.

Vào những buổi chiều rảnh rỗi hay ngày nghỉ, tôi với Miêng thường rủ nhau ra quán cà phê hay quán nhậu bình dân, tôi hút thuốc và uống rượu. Vịn vào cớ buồn chán, nhà nghèo và bản thân chưa làm ra tích sự gì, tương lai mù mịt, tư tưởng bi quan ngầy ngụa… Tửu lượng tôi cao nên uống nhiều hơn và hẳn nhiên tôi đổ trước. Tàn canh, Miêng dìu tôi nghiêng ngả về lưu xá, tôi nằm giường tầng dưới, Miêng nằm tầng trên. Nó tỉnh nhanh và bắt đầu thuyết giáo, khuyên bảo là chúng mình phải sửa đổi, ráng học hành, lo cho tương lai… Tôi thì say quíu đầu, thần trí lãng đãng có nghe được gì, chỉ ừ ào. Trước cảnh tượng đó, Thành lùn ôm bụng cười hô hố và phán: Thằng “say cha” dạy thằng “say con”. Và biệt danh “say cha” dành cho Trần Tấn Miêng và “say con” dành cho tôi được bắt đầu như thế, không nhớ bắt đầu từ lúc nào nhưng nó đã chết danh và gắn liền theo chúng tôi mãi đến tận bay giờ….

*     *

*

 

 

Vậy là sáng ngày 5/1/2008, tôi đi sớm ghé nhà Phạm Thuyết, gặp Lai Minh ở Trà Vinh và Lô, Ngữ từ Đà Nẵng vào từ hôm qua. Nguyễn Đăng Ngữ xưng tên mà phải lúc lâu tôi mới nhận ra. Lần lượt Thức ở Phan Thiết, rồi Cảnh, Sơn (Nguyễn) ở Củ Chi ghé. Chúng tôi lên xe tới nhà Trần Văn Tám ở quận 7, nơi tổ chức họp mặt. “Tám kinh tế” là một doanh nhân thành đạt, cơ ngơi rải nhiều nơi. Tôi có viết một bài báo ngắn ca ngợi anh trên báo “Thế Giới”, tôi mong những điều mình viết đúng là sự thật.

Giây phút gặp nhau rất cảm động, có cả vợ chồng Trần Sắt cũng từ Mỹ về, vài khuôn mặt lạ lẫm khác hẳn nét xưa. Cũng chỉ có 25 người. Hơn 40 năm rồi, cụm bèo sóng xô tan dạt có thể nào tựu lại đủ đầy. Cuộc đời dâu bể mất còn, thành bại âu phận người. Một nét chung là thời gian cày lên da mặt những đường rạch nhăn nheo, mái đầu phất phơ bạc trắng. Sắp bước vào hàng bảy hết rồi, nhiều người lên đến chức ông.

Biết bao kỷ niệm được ôn nhắc lại, những đêm “etude” trên giảng đường. Giờ Nông Ba Trực (Nguyễn Viết Trực) hí hửng chờ đợi câu: “Hôm nay trời lạnh, ba cho các con nghỉ sớm”. Buổi nông trại mang giày “bốt” kéo lê xà bất trên lộ nhựa, ồn ào như đám giặc chồm. Vào vườn thu hoạch cà phê, chợt nghe ai đó thốt lên “cà phê đỏ, cánh tay xanh”, câu thấm đậm ước vọng tương lai. Trưa chiều lên câu lạc bộ gõ mâm, gõ bát chọc phá bác lao công tội nghiệp. Câu chuyện thế nào rồi cũng xoay về những mối tình học trò thơ mộng ngày ấy. Chiều cao nguyên sương mù tràn ngập không gian, lòng bâng khuâng mơ tưởng áo đỏ, áo xanh thấp thoáng xuất hiện từ “chiến khu D”. Trên “đại lộ Hoàng hoa”, dưới hàng Đổ mai trắng xóa, từng đôi, từng cặp nắm tay thả hồn mơ mộng. Bao tâm tình còn đều gì đọng lại với cỏ cây, mây trời nơi ấy? Mà “mây trời theo gió thoảng bay, nên duyên phận nào ai định được?”. Thôi! “Dù rằng, dù sọc” cũng có một quãng đời quá đẹp.

Tôi không có hình bóng người con gái nào đọng gửi trong tim nơi khung trời ấy, nhưng muốn nhắc lại những cuộc tình của bạn bè. Có những đôi lộ diện công khai: Thuyết – Trợ, Cảnh – Cần, Thuận – Ngò, Hồng – Hạnh. Có những tình đơn phương lặng lẽ âm thầm. Anh chàng Bửu Linh yêu mà không dám tỏ, mua một bản nhạc, vẽ hình trái tim với mũi tên xuyên qua rỉ máu, lén lút gởi cho Trần Thị Nguyên. Bây giờ trên đất Mỹ anh có còn nhớ con tim rỉ máu trên giấy đó không? Nguyên giờ đây hẩm hiu số phận, bản thân đau bệnh, chồng chết, sống cô đơn vò võ một mình. Một Đỗ Đăng Tề mơ mộng văn thơ thầm nhớ Hoàng Thị Bích Liên, da đen giòn, giọng nói trọ trẹ khó nghe. Lại có cuộc tình nhiều sóng gió (tôi xin lỗi vì nhắc lại), Phan Thị Thu Hà là mẫu người dễ gây thiện cảm. Chị có dáng dấp hơi thô bề ngang, nhưng khuôn mặt rất đoan trang, phúc hậu. Đôi mắt to, giọng nói từ tốn nhỏ nhẹ. Chị đã làm điên đảo một con tim, phải dùng “optalidon” mà “giải cảm”. Bao nhiêu mối tình ấy, ít đôi nào thành tựu, có phải “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, hay như Tề viết: “Điếu thuốc búng vào không gian vẽ thành vệt cong. Tình yêu đẹp không đi theo đường thẳng”. Hay vì vùng trời cao nguyên lộng gió mà hạnh phúc mong manh như sợi mây trời. Chỉ có cặp Thuận – Ngò và mãi sau này khi đã ra trường thì có Hồ Thành Huân – Phan Thị Đức.

Trời đã về khuya, không gian lạnh lạnh, có phải khí lạnh của Blao, của vùng trời cao nguyên quá khứ dội về. Tôi không muốn nhắc đến những người bạn đã mất, nhưng trong im vắng của đêm khuya vẫn loáng thoáng bóng hình, có phải giờ của người ở cõi âm. Qua thông tin các bạn trong buổi họp mặt, cũng nhiều đó: Hồng (T.L), Quế, Ánh, Bưu, Biên, Hoàng, Tháo, Trung, Bình, Tú… Nhớ hai câu thơ của ai đó mà tôi cho là rất cải lương, sáo rỗng: “Bạn chết rồi, yên phần bạn – Tôi ngồi đây ẩm mụt cả linh hồn”, giờ nghe ra cũng ngậm ngùi. Rồi ngày nào trong danh sách kia sẽ thêm tôi, thêm bạn. Điều quan trọng là làm sao “Ta đi mà không vĩnh biệt”. Tôi cũng nhớ đến những người bạn bỏ quê hương đang ở xứ người, không ngờ cũng nhiều thế: Ni, Tài, Oanh, Thìa, Linh, Hoa, Trường, Tuấn, Giang, Bích Hoà, Sắt, Tâm, Vân, Huân, Đức, Văn Xua, Sơn (Trần)… Ra đi dù bởi hoàn cảnh, lý do nào cũng ít nhiều mang nỗi hụt hẫng trong lòng. Tôi nhận thấy tâm trạng đó qua những bài viết của các bạn Nông Lâm Súc ở Mỹ trong đặc san “Trường xưa bạn cũ” ấn hành năm 2007.

Tôi bây giờ trong tuổi xế chiều, quá khứ cứ hiện về đeo đẳng nhớ nhung. Đúng là trẻ sống tương lai, già sống quá khứ. Nhưng nếu không có quá khứ thì sẽ sống với gì? Thế nên phải cám ơn quá khứ, cảm ơn ngôi trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc ấy. Nó đã cho tôi biết bao kỷ niệm, cho tôi tình bạn thân thương./.

Cai Lậy, tháng 02 – 2008.