Bệnh amip ăn não và triệu chứng - Sưu tầm -

2012-10-04
Chỉ trong vòng vài tuần gần đây, truyền thông Việt Nam liên tục đưa tin về hai trường hợp tử vong vì bị nhiễm amip ăn não người.
CDC PHOTO
Sơ đồ quá trình lây nhiễm bệnh amip ăn não người.
Đây là một căn bệnh hiếm gặp trên thế giới nhưng lại có tỷ lệ tử vong cao, do đó cũng dễ khiến người dân lo ngại nếu không được trang bị kiến thức đầy đủ về bệnh này.

Bệnh amip ăn não và triệu chứng

Ngày 30 tháng 7, bệnh viện nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận một nam bệnh  nhân có những triệu chứng giống như của bệnh viêm  não do virus. Các triệu chứng được mô tả lúc đó là sốt cao, lơ mơ, cổ cứng và thở gấp. Chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ từ khi nhập viện, tình trạng bệnh nhân thêm nặng và bệnh nhân tử vong vào ngày hôm sau. Xét nghiệm dịch não tủy của bệnh nhân cho thấy bệnh nhân đã bị nhiễm một loại amip ăn não người. Đây cũng là trường hợp phát hiện nhiễm amip đầu tiên được công bố rộng khắp trên báo chí ở Việt Nam. Đây cũng là ca nhiễm amip đầu tiên được điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Nguyễn Hoan Phú, phó khoa nhiễm Việt – Anh, bệnh viện nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh cho biết về loại bệnh này như sau:

Bệnh này hiếm gặp, rất khó nhiễm, chỉ những vùng nước ngọt ấm nào có sự hiện diện của loại amip này thì người nào bơi lặn xuống thì mới bị nhiễm.
BS Nguyễn Hoan Phú
“Thứ nhất là bệnh này hiếm gặp, kể cả trên thế giới. Thứ hai là nó rất khó nhiễm, chỉ những vùng nước ngọt ấm nào có sự hiện diện của loại amip này thì người nào bơi lặn xuống thì mới bị nhiễm. Triệu chứng của bệnh nhân thì khởi đầu bệnh nhân cảm giác nhức đầu, có thể thấy mệt mỏi, khó chịu, có thể ói. Nhức đầu là triệu chứng chính. Sau đó có các dấu hiệu màng não. Nếu nặng thì bệnh nhân có thể bị co giật và hôn mê.”
Những triệu chứng ban đầu của căn bệnh có thể làm bệnh nhân nhầm tưởng mình bị cảm cúm bình thường. Trường hợp của bệnh nhân đầu tiên của bệnh viện nhiệt đới cũng tương tự. Người nhà bệnh nhân cho báo chí biết, anh đã tự mua thuốc ở nhà nhưng không khỏi. Sau đó vì bệnh trở nặng, bệnh nhân mới đến bệnh viện để khám.
Thường căn bệnh chỉ bộc phát trong vòng 5 đến 7 ngày sau khi amip vào cơ thể người. Theo bác sĩ Nguyễn Hoan Phú, diễn tiến bệnh rất cấp tính sau khi các triệu chứng xuất hiện và bệnh nhân tử vong nhanh trong vòng dưới 5 ngày.
Những triệu chứng của căn bệnh cũng có thể làm các bác sĩ chẩn đoán nhầm nếu không có các xét nghiệm kỹ lưỡng. Bác sĩ Phú cho biết:
“Nó là một dấu hiệu bệnh viêm màng não nên cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm màng não khác.”

Làm sao bị nhiễm Amip?

Naegleria_fowleri250.jpg
Sơ đồ quá trình lây nhiễm virus Naegleria fowleri. Courtesy mscd.edu
Amip ăn não người là một loài vi sinh vật đơn bào có tên khoa học là Naegleria fowleri. Loại amip này có thể tồn tại trong tự nhiên ở 3 hình thái. Chúng có thể ăn vi khuẩn giống như các loại amip, hoặc có thể chuyển sang dạng trùng roi để bơi đi tìm môi trường thuận lợi hơn, hoặc biến thành dạng bào nang nếu gặp điều kiện khắc nghiệt. Chính vì khả năng này mà Naegleria fowleri rất khó bị tiêu diệt và có thể tồn tại dai dẳng ở những nơi ấm và ẩm ướt.
Theo cơ quan phòng chống bệnh dịch Hoa Kỳ, amip này có thể vào cơ thể con người qua đường mũi. Vì vậy các trường hợp nhiễm bệnh chủ yếu xảy ra là do bơi lội trong các vùng nước ấm tự nhiên như sông, hồ, suối. Sau khi amip này vào cơ thể con người qua đường mũi, nó sẽ đi ngược lên não và phá hủy các tế bào não. Người ta không thể bị nhiễm loại amip này khi uống nước nhiễm bẩn. Amip này cũng không tìm thấy trong nước biển.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, amip cũng có thể xuất hiện trong các hồ bơi không được khử trùng tốt hoặc trong các đường ống dẫn nước.
Tại Mỹ, trong năm 2011 đã có hai trường hợp bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này. Nguyên nhân sau đó được phát hiện là do họ đã sử dụng dụng cụ rửa mũi tại nhà gọi là Neti Pot. Các xét nghiệm sau đó tại nhà các bệnh nhân phát hiện amip này trong bồn rửa mặt, thiết bị đun nước nóng và vòi nước trong phòng tắm.
Tại Việt Nam, ngay sau ca tử vong đầu tiên tại bệnh viện nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, giới chức y tế Việt Nam cũng đã xác nhận trường hợp tử vong thứ hai của một em nhỏ 6 tuổi. Nguồn nhiễm bệnh được cho là từ đất.

Căn bệnh có thực sự đáng sợ?

Sau khi tin về căn bệnh amip ăn não người được báo chí loan tải, nhiều người dân đã tỏ ra lo lắng thực sự. Có người không rõ về nguy cơ mình có thể nhiễm bệnh thế nào. Chị Phương, một người dân ở Sài gòn cho biết:

Hiện giờ y văn thế giới chỉ có một trường hợp được cứu sống và trường hợp đó phải điều trị 3 nhóm thuốc.
BS Nguyễn Hoan Phú
“Cũng sợ chứ vì trường hợp thứ hai bác sĩ kết luận rất vớ vẩn nên càng chẳng hiểu ra làm sao cả, hoàn toàn không có hiểu biết gì về căn bệnh đó nên càng sợ nó. Tường hợp thứ hai bác sĩ nói là từ không khí gì đó. Trường hợp thứ hai là một bé bé xíu không tiếp xúc với nước, với đất, khả năng từ nguồn đó là không có được, xong bác sĩ cũng không tìm được ra mà bác sĩ nói một câu mà nghe như là từ không khí, thì nghe càng hoảng sợ vì nếu nguyên nhân từ không khí thì đúng là một cái gì đó vô hình thì người càng sợ.”
Trong khi đó, chị Tâm, một người dân ở Hà Nội thì cho biết chị cũng lo lắng khi đọc thông tin về căn bệnh, nhưng không nghĩ là khả năng nhiễm bệnh của mình và gia đình cao. Chị nói
“Nói chung là cái đó chỉ là đưa tin, nghe thì sợ thôi, nhưng mình chả mấy khi mình có các hoạt động để có thể lây cái amip đó. Theo chị đọc báo thì amip đi từ mũi… thường là do đi bơi ở các chỗ ngoài thiên nhiên.”
Nỗi lo này cũng một phần xuất phát từ việc chẩn đoán và điều trị căn bệnh. Bác sĩ Nguyễn Hoan Phú cho biết:
“Hiện giờ y văn thế giới chỉ có một trường hợp được cứu sống và trường hợp đó phải điều trị 3 nhóm thuốc. Nhưng mà Việt Nam mình có hai nhóm thuốc có thể có. Nhưng diễn tiến bệnh thì cấp tính, thường bệnh nhân tử vong rất là nhanh trong vòng dưới 5 ngày sau khi khởi phát bệnh. Bệnh này nếu chấn đoán trễ thì điều trị rất là khó.”
Cơ quan phòng chống bệnh dịch Hoa Kỳ cho biết tỷ lệ tử vong của căn bệnh này là 99%. Trong số 123 trường hợp được phát hiện tại Hoa Kỳ từ năm 1962 đến năm 2011 chỉ có một trường hợp duy nhất được cứu sống vào năm 1978.
Mặc dù khó điều trị, nhưng đây là bệnh không lây nhiễm và cũng không phải là bệnh thường xuyên gặp. Theo số liệu thống kê của Hoa Kỳ, trong vòng 10 năm từ năm 2002 đến 2011, chỉ có 32 trường hợp bị phát hiện nhiễm bệnh tại Mỹ, trong đó 28 trường hợp bị nhiễm là do nước từ sông hồ, suối. Kể từ khi amip này được hai bác sĩ người Australia lần đầu tiên mô tả vào năm 1965, đến nay cả thế giới mới phát hiện được khoảng 150 ca.
Đối với những người thích đi bơi tại các bể bơi, nguy cơ nhiễm amip này là rất khó xảy ra. Bác sĩ Nguyễn Hoan Phú giải thích:

Nồng độ 1 mg chloride trong 1 lít nước thì cũng đã có thể diệt được con amip này rồi. Cho nên nói chung hồ bơi ở Việt Nam mình là an toàn.
BS Nguyễn Hoan Phú
“Thường thì hồ bơi của Việt Nam mình là an toàn. Ví dụ như thành phố Hồ Chí Minh này là an toàn vì hồ bơi mình đã được xử lý nước, vệ sinh theo đúng chu kỳ để đảm bảo. Thứ hai là nồng độ 1 mg chloride trong 1 lít nước thì cũng đã có thể diệt được con amip này rồi. Cho nên nói chung hồ bơi ở Việt Nam mình là an toàn.”

Cách phòng tránh

Các bác sĩ cho rằng, việc phòng tránh nhiễm amip hoàn toàn không quá khó khăn đối với mọi người. Bác sĩ Nguyễn Hoan Phú nêu ra một số biện pháp như sau:
“Chuyện ao hồ vân vân, đi du lịch dẫn các em đi chơi, bản thân người lớn khi nảy xuống vùng ao hồ bơi thì tốt nhất nên có các biện pháp phòng hộ như kẹp mũi khi bơi lặn sâu, hoặc những người làm mưu sinh bơi lặn như vậy thì nên có mặt nạ dưỡng khí để bảo hộ thì an toàn hơn.”
Tại Mỹ, sau khi phát hiện hai ca nhiễm Naegleria fowleri đầu tiên do sử dụng neti pot tại nhà, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên sử dụng nước đun sôi để nguội để rửa mũi. Thiết bị rửa mũi cũng phải được làm sạch trước khi sử dụng.
Tại Việt Nam, các chuyên gia y tế cũng khuyên người dân không nên hoang mang lo sợ mà đổ xô đến các phòng khám bệnh không cần thiết vì đây không phải là một bệnh dịch.
Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa