CUỘC HỘI NGỘ BẤT NGỜ
Ban Liên Lạc Liên Trường Trung Học Nông Lâm Súc và Nhóm Ái Hữu NLS dự họp mặt Truyền thống NLS Bình Thuận
- Hello, chào Trí, Bá Hùng đây, khỏe không?
- Ồ, Hùng hả? khỏe không? Khi nào về thăm bạn đây?
- Tôi đang ở Cần Thơ. Mai về Sài Gòn, định rủ các bạn đi Bình Dương thăm trường và uống cà phê!
- Ồ, thế thì quá muộn.Bọn mình sáng sớm mai có kế hoạch đi Bình Thuận rồi. Hôm nay bạn ở Sài Gòn thì hay quá!
- Dễ thôi. Tối nay mình sẽ gặp nhau nhé!
Tôi vội vã rời khách sạn và leo lên xe đò về Sài Gòn.Cuộc đời có nhiều ngẫu nhiên như thế đó. Và tôi đã phải cảm ơn Trí suốt về lời mời hôm ấy.
Sáng sớm thứ bảy,19/11, Trí đưa tôi đến điểm hẹn và giới thiệu với vài người bạn mới. Ngoài Cô Vân (Kỹ sư Nông nghiệp, khóa 3), Hiền và Ngọc Lan mà tôi đã biết, còn có nhiều người lạ của các trường khác như Thầy Quân (NLS Long Xuyên), Tuyết, vợ chồng Bích Liên (NLS Định Tường), Tấn Bình (NLS Pleiku), và Trần Anh (NLS Bình Thuận).
Sau đó tôi mới được biết thì ra đây là chuyến đi giao lưu của Liên trường trung học NLS (cái tên nghe sao lạ quá) đến dự ngày họp mặt truyền thống của NLS Bình Thuận thuộc tỉnh Bình Tuy khi xưa.
Suốt chuyến đi bao nhiêu là chuyện cười rộn rã trên xe.Thoạt đầu là chuyện Trí bỏ quên túi xách nơi tôi trọ sáng nay sau khi lên xe nhắc nhở mọi người có quên gì không? Rồi chị Tuyết quên mang nước uống đóng chai cho Đoàn, ai đó đã không nhớ đem theo cục xạc pin điện thoại…..Xe chưa đến LAGI thì đã bất ngờ đổ lại ở Bình Giã thăm lại Anh Thành nào đó. Vừa bước xuống xe tôi không tin vào mắt mình. Nguyễn Văn Thành , kéo kính đen xuống nheo mắt nhìn tôi. Cả hai ôm chầm lấy nhau sung sướng. Thành Lùn lớp 12MS2 đây mà, người bạn cùng lớp cùng chia cơm xẻ áo trong phòng trọ nhà Bà Bảy Mẹo năm xưa cùng tôi từ những năm 74 ở Búng (xã An Thạnh, huyện Thuận An ngày nay). Thành đưa cả Đoàn về nhà chơi cho biết.Trưa đến, Thành mời mọi người dùng
bữa ở một quán quen vừa khai trương được tuần lễ. Thức ăn ngon, quang cảnh thoáng mát, gần gũi thiên nhiên khiến mọi người chậm chân lên xe tiếp tục cuộc hành trình.
Theo lời Trí nói đây là lần thứ 4 các bạn đến thăm Hiệp (lệ thường có dịp đi Phan Thiết là mọi người đều ghé thăm ). Hiệp rất vui mỗi khi có bạn. Cậu ấy đã nói được nhiều hơn, các câu tương đói rõ và còn hát ngân nga khi nghe nhắc đến tên nhỏ Út Ngọc Lan. Tặng quà cho bạn xong, mọi người hơi chạnh lòng khi phải chia tay với Trọng Hiệp.
Xe băng mình qua rừng cao su hướng về Thị xã. Không khí trong xe như chùng xuống hơn trước bởi những dòng suy nghĩ riêng tư. Sự lắng đọng nhanh chóng biến mất khi chúng tôi đến nhà bạn Lê Quang Thông, khoa kinh tế nông thôn, cao đẳng NLS. Cái hình ảnh của bạn trong ký ức thời đi học của tôi là một anh chàng hiền lành, ít nói, nhát gái hay mắc cỡ khi nghe kể chuyện tiếu lâm trong lớp. Giờ thì không còn nữa rồi chàng trai ít nói. Một khi bạn ấy mở đài với tần số cao nhiều mega hertz ( lắm chuyện) thì lập tức xung quanh trời quang mây tạnh, chỉ nghe tiếng ruồi bay trong gió. Được cái là chuyện của bạn dí dỏm, hài hước, có duyên. Bạn nằng nặc giữ Đoàn nán lại dùng bữa và thiết đãi mọi người đưa cay bằng món cá khô "quá đáng” (*)! (xem phụ chú).Trò chuyện được
một lúc thì vợ về tới, bỗng dưng Thông trở lại đằm thắm như xưa. Xin được Visa của vợ, Thông nhanh chóng tháp tùng Đoàn đến Hàm Tân đón vợ chồng Thục (bạn cùng lớp) theo như đã hẹn. Tuy biết trước là sẽ gặp lại Thông, Thục sau 41 năm không gặp nhưng cảm giác trong lòng tôi vẫn không khác như với Hiệp, với Thành là mấy. Câu chuyện ngày xưa tiếp tục nổ giòn và một lần nữa không ai qua được công suất máy của Quang Thông.
Chúng tôi gặp chút rắc rối với Khách sạn khi liên hệ lại số phòng đã đặt trước. Biết tin này, thầy Đăng Diễn quyết định mời tất cả về tư gia của Thầy, cách khách sạn một đoạn đường không xa mấy . Thực ra,Thầy đã có ý mời tiệc Đoàn buổi tối và muốn Đoàn nghỉ lại qua đêm trước đó nhưng nhiều người ngại phiền nên thôi. Giờ thì còn chọn lựa nào khác? Đến nhà Thầy thì mâm cổ đã dọn sằn từ lâu. Mọi người vui vẻ nhập tiệc sau khi cất dọn hành lý. Lúc này tôi có dịp quan sát, nhà thầy khá rộng với nhiều gian phòng riêng biệt, sân vườn rộng rãi, thoáng mát , dư chỗ cho vài chiếc xe van. Thầy nói vui đây là nhà trung chuyển, không người ở, mỗi tháng chủ yếu Thầy về 1, 2 ngày dọn dẹp, quét tước và xem coi nhà còn hay mất? Anh Hải, Trần Anh trong Ban Liên lạc NLS Bình Thuận đã tổ chức tiếp Đoàn hết sức chu đáo. Tiệc toàn các món ăn hải sản còn tuơi: mực, ốc hương, ốc bưu cùng các loại cá biển tươi sống. Buổi trò chuyện giữa chủ và khách hết sức chân tình, tự nhiên. Sau tiệc tối, chúng tôi được đưa đi dạo mát và nếm thử đặc sản vùng duyên hải Phan Thiết : món bánh căn! Tôi cứ nghĩ là bánh canh nhưng hoàn toàn khác. Thật lạ lùng với món ăn này, thật "quá đáng". Trên đường trở về nhà Thầy Diễn, vợ chồng Thục ngỏ ý mời Trí, Hiền, Ngọc Lan và tôi về nghỉ đêm ở nhà cô con gái. Đêm đó chúng tôi hàn huyên đến thật khuya. Ngọc Lan nhắc nhở Trí, vợ chồng Thục và con gái cung cấp thông tin cá nhân để bổ sung hồ sơ xin visa họp mặt ở Cali vào
tháng 8 năm 2017. Tôi đã chuyển mail và nhận thư trả lời ngay sau đó. Thế giới thông tin ngày nay thật là tuyệt, tôi luôn nhủ thầm như thế sau mỗi lần gửi mail.
Sáng sớm chủ nhật, 20/11, xe của Đoàn quay trở lại đón chúng tôi đi ăn sáng. Thật may, chúng tôi có thì giờ để dạo chơi trên bải biển, phía trước khách sạn Bình Minh. Gió biển thổi mạnh vào người như xua tan bao phiền muộn đời thường. Tôi thấy vui khi được mời chụp ảnh chung với mọi người và nghe cả những lời các bạn trêu ghẹo lẫn nhau. Buổi sáng thật thanh bình!
Anh Lê Quang Hải phát biểu khai mạc
Quang cảnh buổi họp
Điệu Cha cha cha đã cuốn tôi lên bục nhảy lúc nào không biết…. Cảm động và ấn tượng
nhất là hình ảnh của Thầy giáo, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Thịnh (có thể tuổi đời đã trên 70) - với trên 100 bài hát sáng tác được trình bày trong và ngoài nước – cố giúp vui trong buổi họp mặt của học trò, bè bạn bằng bài hát dạt dào tình quê hương đất nước. Ông đã hát bằng cả trái tim mình, đâu đó có vài âm thanh thổn thức. Tôi nhớ mãi phút giây này. Đột nhiên tôi thấy bạn Trí reo lên khi vừa nhận ra một Thầy giáo cũ ở Bình Dương (giáo sư Đặng Hữu Thức). Tôi mon men đến làm quen và hết sức bất ngờ khi khám phá ra các người bạn thân của chị tôi khi xưa. Chị ấy tên Nguyễn Thị Nghĩa, sư phạm NLS khóa 1 của Nha Học vụ. Các Thầy Nguyễn Đăng Diễn, Nguyễn Trung Quân, Đặng Hữu Thức đều là bạn cùng khóa. Các Thầy hỏi thăm, xin Email, số phone của chị khiến tôi thấy vui lây và cảm động. Gia đình tôi từng chứng kiến nhiều phút giây như thế. Bởi đó là một Gia đình NLS chuẩn với cả hai bên Nội, Ngoại. Cũng chính vì thế mà tôi đã phải mất công tìm bạn NLS cho cả gia đình trong suốt 30 năm sau ngày giải phóng. Chừng ít phút nữa thôi, nỗi vui mừng này sẽ lan đến chị Nghĩa như đã từng trong các lần trước đây, như tôi đang ngụp lặn trong hạnh phúc từ hôm qua đến giờ. Một lần nữa xin cảm ơn bạn nhiều vì đã vô tình cho tôi một cơ hội bất ngờ về chuyến đi với nhiều cung bậc cảm xúc.
14h30, tiệc tàn. Thầy Thức nhất định yêu cầu Đoàn góp vui một bài hát chia tay và nữ tướng NLS Định Tường đứng ra đảm trách. Một bài hát trữ tình được ca sĩ trình bày hết sức xúc tích nhiều ẩn ý. Tôi vụt chạy đi tìm một nhánh hoa thể hiện thành ý nhưng đã muộn một bước. Bạn Trí kịp trao một đóa hoa được cắt xén từ quả quýt một cách điệu nghệ cho nữ ca sĩ trong không đầy một nốt nhạc!
Phút chia tay với NLS Bình Thuận thật là quyến luyến. Có cái gì thật gần gũi, chân chất qua những cái bắt tay, vỗ vai và lời hẹn gặp lại ở Sài Gòn. Tôi thấy Trí cứ chạy lăng xăng tìm anh Lê Long gì đó , một chút chạy về báo vui hể hả: " Tuyết ơi, Bình Tuy, một xe 7 chỗ” .
Xe về đến Sài Gòn lúc 19.00 giờ. Hiền giữ Đoàn lại Sở Chỉ huy (tên gọi vui quán Gió) giải khát rồi mới chia tay. Trời mưa thật to, tôi nép mình sau lưng Trí để bạn chở về nhà trọ, nơi đó cũng có gia đình người bạn thân đang trông ngóng mình về. Còn nhiều việc phải làm trong thời gian ít ỏi còn lại ở VN nhưng chắc chắn tôi không bao giờ tiếc thời gian 2 ngày vừa qua cho chuyến đi nhiều kỷ niệm bất ngờ này.
Viết xong, 23h00 ngày 22/11/2016
NGUYỄN BÁ HÙNG
(NLS Cần Thơ 71-73 & NLS Bình Dương 73-75)
G/C: (*) : Quá xứng đáng đồng tiền bát gạo. Tiếng lóng. Được hiểu là lời khen.