TRỨNG GÀ NƯỚNG - Trần Kim Chi sưu tầm -

TRỨNG GÀ NƯỚNG
Tại Sài gòn,món trứng gà nướng là món ăn vô cùng thu hút khách bởi vị ngon theo cách độc lạ miệng.Nếu biết công nghệ tẩm ướp để cho ra một quả trứng nướng thì bạn sẽ vô cùng sốc.



`Nếu để người ta thấy mình chế biến trứng gà nướng như thế nào thì họ chẳng dám ăn đâu. Mình phải giấu thật kỹ cách chế biến`.
Đó là lời dặn của ông Hùng, người bán trứng gà nướng ở đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp, TP.HCM) khi hướng dẫn tôi “vào nghề”.

Trứng gà nướng được chế biến như thế nào mà ông Hùng phải che giấu kỹ đến thế? Sau nhiều ngày thâm nhập tìm hiểu chúng tôi đã bóc mẽ được cách làm trứng gà nướng “siêu bẩn” với trứng gà công nghiệp, phụ gia, nước lã và cả hóa chất.

Trứng gà công nghiệp +nước lã + bột "lạ"

Một ngày cuối tháng Sáu, chúng tôi bám theo một chiếc xe máy chở giỏ trứng gà công nghiệp đi từ hướng Hóc Môn về trung tâm Sài Gòn. Sau thời gian theo sát chiếc xe chở trứng này chúng tôi phát hiện, cứ vào khoảng 8g sáng hằng ngày, những chiếc xe máy chở trứng gà công nghiệp này lại tấp nập đưa trứng gà vào khu vực trung tâm thành phố. Điểm đến của những quả trứng này chính là những xe bán trứng gà nướng ở Q.12, Tân Bình, Gò Vấp… Từ những quả trứng gà công nghiệp không rõ nguồn gốc, người bán sẽ “phù phép” chúng thành những món trứng gà nướng thơm lừng, khó ai kiểm tra được mức độ an toàn.

Sáng 28/6, chúng tôi tìm đến một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp). Nơi đây từ lâu được xem là “thủ phủ” sản xuất với nhiều người bán trứng gà nướng thuê trọ. Khoảng 9g, chúng tôi tiếp cận khu nhà trọ của ông Hùng - người có thâm niên 5 năm trong nghề bán trứng gà nướng. Vào thời điểm trên, ông Hùng cùng ba người khác đang chuẩn bị chế biến trứng để bán vào buổi chiều. Do bên trong căn nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp nên ông Hùng bày biện đồ đạc ra ngay con hẻm nhỏ trước nhà để “sản xuất”.

Được sự giúp đỡ của người quen, chúng tôi dễ dàng tiếp cận ông Hùng để “học nghề”. Được biết, mỗi buổi sáng ông Hùng chuẩn bị 100 - 120 quả trứng gà công nghiệp để chế biến. Đầu tiên, ông Hùng đâm nhẹ quả trứng gà vào một cây gỗ đã đóng đinh sẵn để tạo một lỗ nhỏ trên đầu quả trứng, dùng xi lanh hút hết lòng trứng bên trong và bơm ra thau nhựa. Sau đó, ông Hùng tiến hành công đoạn nêm gia vị cho số trứng gà này. Ông thêm một ít nước lã vào thau trứng, rắc một số gia vị như đường, muối, bột ngọt…

Không chỉ vậy, ông Hùng còn cho một chất bột màu trắng được đựng trong túi không có nhãn mác vào bên trong thau, sau đó đánh mạnh số trứng này cho đến khi nổi bọt trắng. Khi chúng tôi hỏi công dụng của loại bột trắng thì ông Hùng cho hay: “Bột này là một loại phụ gia nhờ những người bỏ mối trứng mua giúp. Họ mua ở đâu thì không rõ lắm. Bỏ bột này vào, khi ăn trứng sẽ bùi và thơm hơn. Ngoài ra, bột này cũng giúp bảo quản trứng lâu, có thể để ba bốn ngày không hư”.

Sau công đoạn pha chế, ông Hùng cầm xi lanh hút lòng trứng và bơm lại vào vỏ trứng rồi quét một dung dịch để vỏ trứng bóng bẩy và che kín vị trí khoét lỗ, sau đó đem phơi trước khi nướng. Đáng nói, toàn bộ quá trình làm trứng gà nướng của ông Hùng diễn ra khá mất vệ sinh. 


Trong quá trình bơm và khuấy trứng, ông đều dùng tay không, dụng cụ chế biến khá cũ kỹ và những ống xi lanh được sử dụng lại nhiều lần. Vừa truyền nghề cho chúng tôi, ông Hùng vừa dặn: “Nếu để người ta thấy cảnh mình chế biến trứng gà nướng như thế nào thì họ chẳng dám ăn đâu. Bán đồ ăn “bình dân” giá rẻ nên nếu chế biến kỹ quá thì không có lời. Để có lợi nhuận thì phải có một tí “thủ thuật”. Chỉ cần giấu kỹ cách chế biến thì người mua sẽ không biết gì…”.




Ngày 1/7, chúng tôi tìm đến con hẻm 779 đường Nguyễn Kiệm (gần đối diện Bệnh viện Quân y 175). Tại đây, bên ngoài khu nhà trọ của những người bán trứng gà nướng, chúng tôi cũng chứng kiến một quy trình “hút - bơm” trứng gà không đảm bảo vệ sinh. Người đàn ông tên Thành (khoảng 35 tuổi) hút trứng gà ra một chiếc thau nhựa. Khi hút trứng xong, ông Thành đi chân không mang dép vào nhà để lấy phụ gia rồi sau đó vừa gác chân lên thành thau đựng trứng gà vừa khuấy trứng. Đứng gần chỗ ông, tôi dễ dàng thấy chất bẩn rơi xuống thau trứng gà khá nhiều nhưng ông xem như chẳng có chuyện gì.

Cách chỗ ông Thành không xa, hai thanh niên cũng nhanh tay dùng xi lanh hút trứng ra ngoài để nêm gia vị, cho phụ gia vào và bơm trở lại vỏ trứng. Với vỏ trứng bị vỡ, họ lấy băng keo dán lại, sau đó dùng bật lửa hơ nóng xung quanh để tạo ra một quả trứng như mới. Sau nhiều ngày tiếp cận, một thanh niên bán trứng gà nướng ngụ trong con hẻm nói trên tiết lộ: “Làm nghề này nhiều mánh khóe lắm. Bơm thêm nước hay cho thêm ít hóa chất, phụ gia để trứng gà khi ăn có vị bùi thì ai cũng biết rồi. Hôm trước người giao trứng gà còn chỉ cho tôi lấy 70 trứng gà thường hút ra khuấy chung với 30 trứng gà loại 4 (loại trứng để lâu gần hết hạn sử dụng) sau đó bơm vào trở lại. Làm như vậy chất lượng trứng đều như nhau nhưng mình kiếm thêm được khá nhiều tiền vì giá trứng gà loại 4 rất rẻ”.

Coi chừng rước bệnh

Để làm rõ hơn những mối nguy hại tiềm ẩn đằng sau những quả trứng gà nướng thơm ngon, chiều 1/7, chúng tôi tiếp cận một số điểm bán gần công viên Gia Định (Q.Gò Vấp). Tại khu vực này có đến hàng chục xe bán trứng gà nướng, vào mỗi buổi chiều, rất đông người đi đường ghé đến mua. Được biết, hầu hết trứng gà nướng ở đây đều được người bán nướng sẵn. Khi khách có nhu cầu thì người bán chỉ đặt lên nướng lại cho vừa nóng rồi giao hàng.

Một số người bán còn tiết lộ, số trứng gà đã nướng sẵn khi bán không hết người bán có thể để hôm sau và tiếp tục bán vì loại trứng gà nướng này có thể để khoảng năm ngày vẫn không hư. Ông T. (người bán trứng gà nướng ở công viên Gia Định) cho hay: “Trứng gà này đã được nướng chín và thỉnh thoảng chúng tôi đặt lên than nướng lại cho nóng nên rất khó bị ôi thiu. Tôi bán ở đây được ba năm rồi nhưng chưa nghe người nào phản ánh là ăn trứng gà nướng bị ngộ độc hay bệnh gì cả”.

Trái với nhận định của người bán, chúng tôi đã ghi nhận được khá nhiều phản ánh của người dân về trứng gà nướng không đảm bảo an toàn vệ sinh. Chị Trần Thị Thanh Hiền (26 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) cho biết, tháng trước chị suýt phải nhập viện do bị tiêu chảy sau khi ăn trứng gà nướng mua từ một người bán dạo. “Hôm đó tôi mua hai quả trứng vẫn còn nóng hổi từ một người bán trứng dạo gần nhà. Khi ăn tôi phát hiện trứng có mùi lạ, nhưng vì nghĩ đó là mùi đặc trưng của loại trứng này nên tôi vẫn cố ăn hết. Sáng hôm sau, tôi có cảm giác đau bụng và bắt đầu tiêu chảy nhiều ngày. Đi khám bác sĩ, tôi biết mình bị rối loạn tiêu hóa do ăn trứng gà nướng không đảm bảo vệ sinh…”, chị Hiền kể.

Tương tự, anh Tạ Văn Ngọt (ngụ Q.10) cho biết, đã không ít lần anh mua phải những quả trứng gà nướng đã đổi màu và khi lột vỏ thì trứng có một chất nhớt dính vào tay do đã để lâu ngày. Khi anh mang những quả trứng nói trên đến hỏi người bán thì thường chỉ nhận được những câu trả lời khá chung chung.

Theo BS Trần Văn Ký (Hội khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam), trứng được trộn các loại phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc như trên tiềm ẩn các nguy cơ hại sức khỏe. Thông thường, những phụ gia, hóa chất cho vào thực phẩm càng tạo hương vị ngon càng độc hại. Trước thông tin nhiều người bán khẳng định trứng gà nướng có thể để hai-ba ngày không hư, BS Ký cho biết: “Trứng nướng có thời gian bảo quản rất ngắn. Nếu người bán khẳng định để được vài ba ngày thì có thể những người này đã sử dụng hóa chất bảo quản. Việc sử dụng chất bảo quản trong trứng sẽ gây ra nhiều mối nguy cho sức khỏe người tiêu dùng”.

Cây chuối lạ bỗng mọc thêm 4 hoa sau khi trổ buồngCây chuối rừng trổ buồng xong lại mọc tiếp 4 hoa khiến người dân xã Xiêng My ngạc nhiên bởi đây là điều rất lạ với loài cây này.

Việc lấy lòng trứng ra bên ngoài để pha trộn, sau đó lại bơm vào rất dễ nhiễm khuẩn. Bởi trên vỏ trứng gà tồn tại rất nhiều vi khuẩn Salmonella - loại vi khuẩn gây bệnh thương hàn. Trong quá trình hút và bơm trứng, vi khuẩn này có thể xâm nhập vào trứng, và việc nướng trứng không đủ nhiệt độ để đảm bảo 100% vi khuẩn sẽ chết. Người tiêu dùng nên thận trọng trước những sản phẩm không an toàn này. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng nên tăng cường hoạt động giám sát, xử lý những điểm sản xuất và bán hàng rong không an toàn để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.


BS Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam)