Bên quán Cà-Phê
Qua bao lần về thăm quê, nếu có đi thăm bà con hay đi chơi xa thì thôi, còn không đi đâu, thì sáng nào cũng cùng mấy ông bạn ngồi lê la, đàm đạo gần cả buỗi trời ngoài quán Cà-Phê cô Cúc đầu ngõ.
Thường mấy ông bạn hay kể, nhờ có mầy là Việt kiều nên được ngồi lâu như thế nầy. Tôi hỏi tại sao ?
- Vì cô ta nể bụng, chứ uống có một ly Cà-Phê mà đày người ta châm năm, bảy bình nước trà, người ta mắng cho mà nghe. Tôi bảo.
- Thì mình trả tiền nước trà là xong, ai dám mắng mình, vô lý.
- Trời ! Trời, Mầy tưởng tụi tao giàu lắm hả Điền, tiền Cà-Phê thỉnh thoảng còn ghi lên, ghi xuống, bây giờ trả thêm tiền nước trà nữa, chắc ở đây rửa ly cho cô Cúc trừ quá. Vừa nói xong, mọi người áp cười và cô chủ quán gương mặt cũng đỏ bừng.
Trong cái bực bội, cũng có cái may, là những ngày ghé qua uống Cà-Phê, tôi hay nói chuyện nầy, chuyện nọ, tiếu lâm, nên có rất nhiều khách mới. Thậm chí có những người xưa nay không biết uống Cà-Phê cũng vào gọi tạm ly trà đá, đá chanh rồi ngồi nghe chuyện, nên quán cô cũng đông lên dần. Không biết ? Sau ba mươi ngày tôi đi, quán cô có còn được vậy hay không ?
Mỗi buỗi sáng uống Cà-Phê, dường như tôi đều nhận được những câu hỏi và những mẩu chuyện khác nhau. Nhưng đặc biệt câu chuyện « Sướng và khổ « thường được người ta lập đi, lập lại nhiều lần. Có lần thằng Hùng bạn tôi hỏi ?
- Đi ngoại quốc ở sướng thật, làm Việt kiều lại càng sướng hơn. Tôi trả lời.
- Sao Hùng dám khẳng định như vậy.
- Còn cái gì nữa mà khẳng định hay không khẳng định.
- Sao hồi đó Hùng không đi ?
- Tao không có điều kiện.
- Tôi cũng như Hùng thôi, mẹ tôi phải bán đất, bán vườn, gom góp cho tôi đi, bây giờ bà còn chỉ cái nhà, còn Hùng thì còn tất cả, chẳng mất thứ gì. Tóm lại, hai ta bằng nhau, chẳng ai sướng hơn ai cả. Đúng không ? Hơn nữa bây giờ là chín giờ sáng mà Hùng còn ngồi đây, ngày nào cũng thế và Hùng có thể ngồi tiếp tới mười hai giờ trưa hoặc đến chiều cũng được. Sau giờ đó, về nhà Hùng cũng có cơm ăn và ngủ thẳng giấc. Riêng bọn tôi ngoài ấy không được đâu Hùng, sáng là bảy giờ hoặc bảy giờ ba mươi là phải có mặt tại hãng để làm việc đàng hoàng, và một ngày tám tiếng răng rắc cho đến sáu mươi bảy tuổi, mới chính thức được nghỉ hưu. Riêng Hùng và các bạn ở đây bằng tuổi tôi, mà đã nghỉ trước đây năm , sáu năm rồi. Và, một điều để cho Hùng hiểu thêm, khi sang ngoại quốc tôi không dễ dàng leo lên máy bay, bay nửa ngày qua bên đó đâu. Tôi phải chui nhủi, lén lút mới ra được biển khơi- được tàu vớt- bỏ lên đảo lây lất mấy tháng trời, tưởng chừng như thất vọng. Hồi ấy họ bắt buộc vào rừng sống với người thiểu số Nam Dương cũng phải đành.
Một ông bạn khác lại bảo, mấy ông Sĩ quan đi diện HO sướng thật, trước ở Việt nam làm Sĩ quan, giờ sang Mỹ, cuộc đời mấy ổng số là vua. Tôi cười, đừng nói vậy, người ta nghe được người ta buồn.
- Buồn sao được mà buồn, mấy ổng là vua chớ còn gì.
- Sao không nói, họ sang được Mỹ là cả một vấn đề và khổ sở của họ. Họ được sang Mỹ là họ cũng đã trả giá mười mấy năm trời cải tạo của họ rồi đó, họ sang Mỹ, họ lớn tuổi cả rồi, họ chẳng làm gì được hết, họ ngồi nhà, bạn biết nỗi khổ tâm của kẻ ngồi nhà, nhìn ra ngoài trời toàn là Tuyết trắng và chờ đến một ngày đó, có thể họ phải vào viện Dưỡng lão nữa là khác, vì con cái họ phải đi làm, không người chăm sóc. Không như quê nhà còn được cháu A, cháu B giúp việc nầy, việc khác đâu.
Qua những câu chuyện trên và còn nữa, tôi không ngờ họ hiểu một cách cạn cợt như thế, họ chỉ nhìn một cách đơn giản bên ngoài mà tự hoạ một vấn đề, mà mình vừa uống Cà- Phê vừa phải giải thích mỏi miệng, phải ai cũng nghe hết đâu, có kẻ thức thời, có kẻ không. Chính từ những sự suy nghĩ tầm thường ấy, mà biết bao gia đình vì nhớ thương quê nhà, cha mẹ, anh em, làng xóm khi trở ra đều thất vọng với những người thân của mình. Thật là đáng tiếc.
Thủy Điền
Ngày 19, tháng 3, năm 2016