Phần số của anh tôi - Trạch An - Trần Hữu Hội -

Phần số của anh tôi

Trạch An -Trần Hữu Hội
Nhiều năm sau khi anh tôi mất, mẹ tôi vẫn thường kể về chuyện ấy, bà kể rằng:
– Năm ấy là năm Nhâm ngọ, mẹ tôi cùng một người trong làng có việc phải ra Đông Hà, chiều lại, khi đi bộ về ngang chùa Sắc Tứ. Một ngôi chùa nằm phía bắc tỉnh Quảng trị, tọa lạc trên một vùng cát trắng mà sau này khi chiến tranh tràn lan, vùng này mọc lên một căn cứ quân sự của Mỹ, bao quanh ngôi chùa chỉ trừ một lối vào vừa đủ cho Phật tử trong vùng vãn chùa, đãnh lể. Khi bà cùng người làng ghé chùa, sư trụ trì cùng các sãi đang đạp lúa trước sân, mẹ tôi vái thầy rồi tỏ ý muốn xin xăm. Một chú tiểu tóc để chỏm nhanh nhạy theo lời sai của thầy, dẫn mẹ tôi vào chính điện, mẹ tôi đặt bó nhang lớn mua từ Đông Hà, đặt thêm một đồng bạc làm lễ vật rồi khấn vái, sau đó qua bên một chiếc bàn khấn lại, rút một thẻ tre gọi là xăm, đem ra cho sư trụ trì xem, Sư ngừng đạp lúa, nhìn vào xăm rất lâu rồi nói chậm rãi:
– Mợ đang mang thai, một nam nhưng mạng này lại vắn số!

Mẹ tôi sững sờ đáp lại:
– Thưa thầy, tôi vừa bỏ một đứa con chưa bao lâu, sao lại như vậy được?
– Xăm nói sao tôi nói vậy,  mợ về xem lại.
Là người Quãng Tri, nhưng trong nhà tôi gọi cậu mợ, có lẽ cách gọi này là “mốt” thời thượng của những gia đình từng đi làm cho Tây thời đó, tôi gọi cậu mợ cho tới khi gia đình tôi rời quê lên tỉnh vì chiến tranh.
Bố mẹ tôi mong mỏi một đứa con trai, nhưng hai lần sinh đều là gái, cái thai thứ ba mẹ tôi vừa bị hư cũng là gái, trong khi đó tuổi của bố tôi đã bốn mươi tám và mẹ tôi hai mươi tám.
Chuyên của bố mẹ tôi gặp nhau là một chuyên hiếm hoi, nguyên bố tôi đã có một đời vơ, bốn đứa con. Thời gian này người được bỗ ra làm việc ở Quảng Bình, năm sau, môt trận dịch hạch xảy ra, cả vùng Quảng Bình, Quảng Trị chết rất đông, có nhà mất cả gia đình, đi đâu cũng nghe tiếng khóc than! Mẹ đích tôi cùng các anh chị nằm trong số đó!( trong nhà tôi gọi vợ trước của ba tôi là mẹ đích) .
Sau khi an táng vợ và các con, người buồn rầu trở lại Quảng Bình làm việc. Trước là một người hoạt bát năng nổ, nhưng nay u uất buồn rầu.
Ông ngoại tôi là bạn đồng liêu thân thiết với bố tôi.
Sau hôm giỗ mãn tang mẹ đích tôi không lâu, ông ngoại tôi trong một bữa rượu, đã gợi ý gả con gái cho bố tôi, dù con mình còn quá trẻ, mới mười bảy tuổi!
Mẹ tôi kể lại khi ông ngoại gọi, mẹ tôi đang bẻ bắp sau nhà, nghe ông ngoại nói ra ý mình, mẹ tôi cúi mặt nói lí nhí:
– Thầy muốn vậy cũng được ạ!
Bởi bố tôi là bạn thân thiết với ông ngoại tôi, mẹ tôi không lạ gì người đàn ông hiền lành, thích thơ phú và vui tính này!
Trở về nhà, mẹ tôi kể chuyện lá xăm với bố tôi, ông liền đưa mẹ tôi lên tỉnh, nhờ một người bạn là bác sĩ, trong tỉnh ai cũng gọi ông là “Đốc tờ Hy”.
Sau khi thăm thai, Đốc tờ Hy trở ra nơi bố tôi ngồi, vui vẽ bắt tay bố tôi, nói:
– Thai bốn tháng rồì, mong là trời cho “xừ” một quý tử.
Bố tôi theo Tây học, ít khi tin vào tử vi bói toán, nhưng rôi cũng hoang mang với lá xăm!
Gần cuối năm thì anh tôi chào đời, cả nhà tôi, hai chị còn nhỏ, bố mẹ tôi và hai bên nội ngoại…hoan hỷ vui mừng. Nhưng mẹ tôi thì lo âu tùng ngày vì tin vào số mệnh, vị sư nói “vắn số” nhưng khống biết “vắn” là tại thế được bao lâu!!!
Nỗi lo âu thường trực trong lòng bà cho tới khi anh tôi qua đời!
Bấy giờ chúng tôi đã lớn, nhưng vì thương mẹ nên cũng ngồi nghe kể dù đã thuộc nằm lòng, thỉnh thoảng chen vào, hỏi mẹ một vài chuyện về anh, cũng đã nằm lòng, nhưng dù đã nằm lòng vẫn không khỏi khóc. Chẵng hạn như sau khi anh tôi được ba tuổi, mẹ tôi sinh thêm chị gái tôi, năm sau, giặc Tây càn, những trận càn liên miên thời đó. Mẹ bồng chị tôi, anh tôi chạy cùng hai chị, không may đạp nhằm cái gai tre xuyên qua bàn chân, đau lắm! Thấy anh tôi không chạy được, các chị cũng còn nhỏ không cõng nổi, mẹ tôi muốn bỏ lại chị tôi bên đường để cõng anh tôi. Nhưng anh tôi không chịu, khóc lóc, nhất định là: “Con đi được, mợ đứng bỏ em!” Rôi anh tôi tấp tểnh đi bằng gót chân non nớt! Chúng tôi luôn khóc về chuyện này, khi chị tôi đã lớn khôn, chị vừa khóc vừa gọi “Anh ơi !!!” làm chung tôi sụt sùi!
Thời gian này bố tôi đã bỏ việc ở Quảng Bình, thoát ly lên chiến khu Ba lòng, được một vài năm, ông bị Tây bắt phải nằm nhà lao mấy năm. Trở về, bố tôi nhớ lại lời của lá xăm, người nguyên xin ơn trên cho thêm đứa con trai nữa, trời cho thật, anh kế tôi ra đời vào năm Nhâm thin, bố tôi đặt tên là Trần Như Nguyện, nhưng vài năm sau, sinh thêm tôi khi mẹ tôi đã bốn mốt tuổi, bố tôi sáu mốt! Tôi thường bị trêu là con ông già. Vậy là gia đình tôi có sáu người con, ba trai ba gái.
Tản cư lên tỉnh, gia đình tôi nhờ ông Tỉnh trưởng giúp cho một chỗ ở, công việc sinh nhai là nấu cơm cho thợ hồ. thợ mộc xa nhà. Ăn ngày, ăn tuần, ăn tháng tùy…
Ông Tỉnh trưởng thường đến nhà tôi chuyện trò cùng bố tôi, ông từng là một thầy giáo dạy văn. Ông là tỉnh trưởng dân sự cuối cùng vì sau đó những tỉnh trưởng đều là Quân đội.
Có một lần, bố tôi đọc cho ông nghe câu đối mà bố tôi mới làm xong:
“Bán cháo, bán cơm, không bán nước,
Mua đồng, mua trự. chẵng mua quan.”
Ông Tỉnh trưởng khen rồi xin cắt nghĩa, bố tôi nói:
-Tôi tản cư lên tỉnh, nhờ ông Tỉnh trưởng giúp cho chổ ở, nấu cơm bữa cơm tháng sinh nhai, nên chỉ bán cháo bán cơm, còn nước thì lấy từ sông Thạch Hản lên, ai khát thì cho người ta uống chứ không bán. Nhà tôi nghèo, chỉ có tiền đồng tiền trự, chứ làm gì có tiền quan mà mua.( Lúc này tiền tệ không còn “trự” “quan”, Nhưng ông mượn đơn vị tiền tệ cũ để nói lên ý mình trong câu đối.
Tâm đắc với câu đối, ông Tỉnh trưởng về, hôm sau cho chở tới 10 bao gạo. rồi giới thiệu các công chức xa nhà đến ăn cơm, nhả tôi đông như quán cơm xã hội. Mẹ tôi đã vất vả càng vất vả hơn!
Vất vả bận rộn, nỗi lo về anh tôi cũng vơi đi phần nào. Cho đến một hôm, có một thầy chấm số Tử vi từ Huế ra, chuyên chấm tử vi cho những nhà giàu, quan chức trong tỉnh…đến ăn cơm, ông thầy đau bao tử nên hơi tái xanh, gầy. mẹ tôi chừa phần cơm thường bỏ thêm cho ông một miếng cháy bởi ông rất thich cơm cháy
Năm trước, anh tôi thi rớt tú tài phần nhất. găp lúc tòa hành chánh tính có tổ chức “Đoàn cán bộ hành chánh lưu đông”. Anh tôi được tuyển dụng.
Tôi còn bé nhưng cũng nhớ là đêm ấy là đêm mưa rét, bố tôi ngồi chuyện trò cùng thấy tử vi, ông ấy gọi anh tôi, bào vào trong phòng xem dưới hạ bộ có nốt ruồi đen hay không, anh tôi theo lời rồi ra xác nhận lả có. Ông cười bảo với anh không có gì, ông ngồi cùng bố tôi một lát rồi về nhà trọ.
Hôm sau ông lại đến ăn cơm, ông nói nhỏ với bố tôi:
– Ba mươi mốt tuổi nó hết số anh à!
Bố mẹ tôi buồn lắm, nửa tin nửa không muốn tin!
Ba mẹ tôi dấu không cho chúng tôi biết, nhưng cũng chẵng giấu được bao lâu, anh tôi và cả nhà đều biết, ai cũng cố không tin ông Thấy tử vi!
oOo
Lá xăm và lời thầy tử vi cũng chỉ là hé lộ mơ hồ về só phần của anh tôi, có vẻ như đã được định mệnh sắp đặt. Tin hay không tin cũng chỉ biết đợi chờ!
Những lắng lo xoay trở tạo cho mình có được một “cái gì đó” trước khi tuổi ba mươi mốt đến là ý nghỉ luôn hiện hữu và chi phối những chọn lựa của anh tôi!
Anh tôi thích thơ-văn, anh cùng hai người bạn ra một tập thơ mỏng chép tay, in roneo, lấy tựa là “Thi phẩm: Buồn hôm nay”, anh cũng gởi thơ cho các báo, một vài bài thơ của anh được đăng trên báo “Phổ Thông” và “Bách khoa”.
Anh vào lính, thi lại tú tài rối xin vào làm ở Đài Phát Thanh Quân đôi, ở Huế.
Năm sau anh cưới vợ, ở tuổi hai mươi mốt, mặc cho gia đình phản đối !
Làm ở đài phát thanh không bao lâu thì cuộc chính biến 1963 xảy ra cùng với chiến sự lan tràn, anh về làm lính tiểu khu Quảng trị, ở đó cho đến biến cố tết Mậu Thân.
Những đứa con ra đời, anh tôi lại có thêm nỗi lo kinh tế! Là lính tiểu khu, ngoài những giờ gác đêm, anh tôi được tự do, anh làm thông dịch cho những nhà thầu nơi các căn cứ Mỹ để kiếm thêm thu nhập, phụ vào đồng lương ít òi của anh binh nhì.
Ông Tỉnh trưởng dân sự ngày nào, sau khi thôi làm tỉnh trưởng, ông ứng cử Hạ nghị viện và lúc này đang là Bí thư hạ viện tại Sài gòn. Khi ứng cử nhiệm kỳ đầu, anh tôi đến các quận trong tỉnh để vận động cho liên danh của ông, trong lần về lại, gặp anh tôi, ông khuyên anh tôi vào trường Bộ binh Thủ đức, sau khi ra trường sẽ ứng cử Hạ viện như ông trước đây. Trong thời chiến, ứng cử viên là sĩ quan quân đội sẽ được cử tri quân nhân ủng hộ.
Năm 1970 bố tôi mất vì bệnh phế quản. Có lẽ là di chứng của những năm nằm nhà lao.
Theo lời khuyên của ông Tỉnh trưởng anh tôi vào trường sĩ quan Thủ Đức, khóa 3/70.
Mãn khóa, anh nằm trong số được chọn đơn vị. Chiến sự căng thẳng khắp nơi, bốn đứa con là động lực cho anh tôi chọn tiểu khu Phong Dinh vì nghĩ rằng Miền tây gạo và thức ăn rẽ! Chuyện ứng cử Hạ viện không còn trong tầm tay.
Anh vẫn viết, cộng tác với các nhật báo. Anh viết những bản tin, phóng sự, thỉnh thoảng đăng một vài truyện ngắn và thơ…đem lại một khoản tiền nhuận bút cho kinh tế của anh.
Văn thơ anh lúc này bi quan với những: “mộ phần, nghĩa trang, cái chết”, những gian truân đời lính, bên cạnh những bài thơ mang ước vọng hòa bình…
(Tôi còn nhờ vài câu:
“Đường đi vào nghĩa trang,
Buổi chiều nghiêng nắng đổ
Em cúi mình hỏi mộ
Mộ anh ở nơi nào?!
Hay như:
“Nếu một mai Quê hương tàn tiếng súng,
Anh giã từ vũ khí trở về em
Anh quên hết những oán hờn xưa cũ,
Gối đau thương trong giấc ngủ say mềm…"
Gia đình tôi vẫn ở Quảng Trị cho đến tháng 4 năm 1972. Quê tôi rực lên bởi đạn pháo. Chết chóc, ly tán…Gia đình tôi nhờ chạy trước nên không qua đoạn Quốc lộ 1, nơi được gọi là “Đại lô kinh hoàng”.
Anh tôi từ Cần Thơ đăng báo tìm “mẹ và em”, anh cho tôi địa chỉ một người bạn gái ở đường Võ Tánh Sài Gòn. Đến đó, anh sẽ đón mẹ và tôi đưa về Cần Thơ.
Anh kế tôi lúc này cũng đã vào trường Thủ Đức, khóa 4/71. Các chị tôi ở lại Đà Nẵng trong các trại tạm cư, chờ khi tái chiếm được Quảng Trị sẽ hồi cư.
oOo
Gặp lại anh ở Sài Gòn, mẹ tôi rơi nước mắt vì mừng mà cũng vì anh gầy và tái xanh, anh cười bảo là muỗi nhiều nên sốt rét. Anh muốn mẹ và tôi ở lại vài ngày ở Sài gòn để anh đưa đi thăm bà con nhưng mẹ tôi không muốn, bà nôn nóng về với các cháu, chị dâu tôi đang mang thai đứa thứ năm!
Ngồi trên chiếc xe về miền tây ở bến xe Chợ lớn, anh nói nhiều cho tôi biết về Cần Thơ, những bến Ninh Kiều, Phi trường Bình Thủy, Phà Cần Thơ rộng qua sông Cửu Long, Rạch Chanh nơi đơn vị anh đóng quân…Anh cũng nói đến Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, anh muốn nếu chết thì chôn anh ở đó! Câu nói như bất chợt ấy làm tôi nặng lòng!
Một cô gái mang một chồng sách lên xe bán dạo, tôi vui trở lại. Anh chọn bốn cuốn: “Chiến trường tồi tệ “ của Ngô Đình Vận, “Một chút mặt trời trong nước lạnh” của F. Sagan, bản dịch của Kiều Diễm Hồng, anh nói về nhà văn nữ người Pháp cho tôi biết, nói qua về trào lưu“Hiện sinh”…mua thêm cho tôi hai số nguyệt san“Văn Học”: Một số viết về nhà thơ Quang Dũng và số về Hoảng Cầm. Hình bìa số về Quang Dũng có in hình nhà thơ, anh tôi nói đó là áo của sĩ quan Hoàng Phố, nói cho tôi nghe về trường quân sự này, cũng nói thêm về Vũ Bằng và mấy cây bút trong những số này làm tôi háo hức đến Cần Thơ, nơi căn nhà mướn của anh để xem…
Căn nhà mướn chật chội làm tôi thương anh hơn, những ngày phép còn lại thật quý, anh em tôi ngồi chuyện trò về thơ, văn, nhạc…Tuy tuổi chênh nhau nhiều nhưng anh em tôi gần gũi nhau hơn các anh chị khác. Lúc này tôi mới mười sáu còn anh ba mươi mốt ! Vốn thơ tôi không quá cuốn “Việt Nam Thi Nhân” của Hoài Thanh. Nhạc thì tôi kha khá nhờ nghe nhiều, chúng tôi cùng sở thích. Nhạc Tiền chiến và Trịnh Công Sơn. Thời gian này băng nhạc “Như cánh vạc bay và Cỏ xót xa đưa” của Trịnh Công Sơn đang thịnh hành, trong những cuốn băng Cassete tôi mang theo được về Cần Thơ được nghe liên tục. tôi cũng mang theo được cuốn “Yêu nhau khi còn thơ và Khi loài thú xa nhau” của Lê Uyên và Phương, còn có một cuốn nhạc chọn lọc tôi rất quý vì tôi đã cất công vào nhà thu băng Hoa Đàm ở cửa Thượng Tứ, Huê. thu chọn những bài mà tôi thích “Trăng mờ bên suối” “Suối mơ” Chiếc lá cuối cùng” “Đêm đông”…Tôi chọn cho được giọng ca Thái Thanh và Sỹ Phú. Thu chọn bài đắt gấp ba lần thu nguyên băng, nhưng tôi vẫn kiếm tiền thu cho được.
Thế mà vài ngày sau tôi phải bán cái máy Cassete ấy! cái máy này tôi mang theo từ Quảng Trị. Khi hết phép, anh tôi về đơn vị nhưng không có tiền, tôi đề nghị bán chiếc máy, anh không cho, nhưng rồi cuối cùng cũng phải chấp nhân vì ngoài tiên mang theo về đơn vị, còn tiền ăn cho cả nhà! Tôi nghiệp anh, tự an ủi là lãnh lương sẽ mua lại cho tôi cái máy tốt hơn!
Hai anh em, tôi xách cái máy, anh tôi vác cài thùng loa shap, qua các phố Cần Thơ tìm chỗ bán. Mồ hôi đẫm chiếc áo lính của anh tôi, khi tới một tiệm sửa máy, đồng ý mua lại, anh tôi rút khăn lau mặt, không biết anh lau mồ hôi hay những giọt nước mắt, có lẽ cả hai!
Trước khi trở lại đơn vị, anh tôi xin cho tôi đi học. Tôi vừa xong lớp chín, muốn bỏ lớp mười để vào lớp mười một. anh tôi ngại tôi không theo kip, nhưng tôi hứa là sẽ cố gắng. Tôi vào lớp mười một trường Nông Lâm Súc Cần Thơ nhờ thầy Giám học cảm thông cho hoàn cảnh chiến tranh của Quảng Trị, không đòi hỏi hồ sơ lớp mười.
Sáng ngày anh về đơn vị, mẹ tôi đưa cho anh ba ngàn, trong số tiền bán cái máy, nhưng anh chỉ lấy một ngàn, nói là “con chỉ đi ba ngày rồi về”,
Những ngày ở nhà, anh thường hỏi tôi mấy giờ rồi, tôi sợ anh về đơn vị không biết giờ nên cởi cái đồng hồ hiệu Bulova bào anh mang theo, tôi ở nhà không cần, bởi anh nghĩ chỉ ba ngày rồi xin phép về nên cũng mang vào tay.
Có lẽ mẹ tôi đã đếm tùng ngày của năm Nhâm Tý, 1972 và mừng thấm vì đã đến tháng bảy! Anh tôi trở lại đơn vị hôm mồng một, mẹ tôi phấp phỏng âu lo, có những lúc tôi thấy bà ngồi lầm rầm khấn ông bà. Những lúc như thế, tôi thường nói rằng mẹ đừng lo lắng, anh đang bênh, là Đại đội phò thí anh ấy cũng chỉ ở hậu cứ chứ chết chóc gì!
Tôi cũng không buồn đi chơi đâu, dù rằng Cần Thơ là nơi tôi thường nghe tiếng là Tây Đô với nhiều cái đẹp, tôi nằm ngấu nghiến mấy cuốn sách vừa mua.
Đúng ba ngày từ hôm anh tôi đi, sáng sớm có một bà ở cuối lộ 19 bị trúng gió độc chết, bà cũng ba mươi mốt tuổi! Mẹ tôi bần thần như người mất hồn, đúng lên ngồi xuống, đi ra đi vào!
Chừng mười giờ sáng, có một anh lính đi ngang nhà, mẹ tôi bảo tôi chạy ra hỏi, tôi đi ra:
– Anh tìm nhà ai?
– Nhà Thiếu úy Dụng ở đâu ạ?
– Tôi là em anh Dụng!
Anh lính đứng im không nói thêm gì, mẹ tôi lao ra hỏi dồn dập:
– Thằng Dụng sao rồi, sao rồi?!
– Thiếu úy chết rồi ạ!
Mẹ tôi và chị dâu thét lên rồi lăn lóc giữa đường, tôi cố trấn tỉnh hỏi anh lính là anh chết lúc nào, hiện ở đâu?
– Ổng chết năm giờ sáng, xe của đơn vị đang ở đầu lộ chờ đưa thân nhân xuống nhà xác quân khu…
Mẹ, chị dâu và tôi đến nhà xác, xe vẫn chưa đưa xác anh về, hôm ấy mất điện, nhà xác ngập ngụa máu từ các ngăn lạnh chứa xác chảy ra! Chừng hai mươi phút sau, anh tôi về trên chiếc xe cứu thương, với một mãng mặt vở nát và ba vết đạn trên ngực và bụng !
Anh tôi bảo chỉ đi ba ngày rồi xin phép về, đúng ba ngày, anh tôi trở về như thế! Hôm ấy là ngày 03 tháng 7 năm 1972, anh tôi đúng ba mươi mốt tuổi như trong là số tử ví mà ông thầy chấm ngày nào!
Thẻ xăm và lá số tử vi khiến anh tôi lo lắng rồi có những chọn lựa sai lầm, đưa đến cái chết đúng như lá số tử vi, hay dù có làm gì chăng nữa, cũng không qua được số phần mà định mệnh đã đinh dặt cho cuộc đời ngắn ngủi của anh tôi?
Đó là câu hỏi luôn dằn vặt tôi cho đến bây giờ, không chỉ riêng định mệnh của anh tôi, mà tất cả những con người tồn tại trong cõi hiện sinh mong manh này.
Trạch An -Trần Hữu Hội
Tháng III, 2015