Đêm thánh vô cùng
Cách đây 25 năm, tôi viết truyện ngắn này. Giờ post tặng các bạn. Kèm lời chúc Giáng sinh yên vui và Năm mới 2016 an khương hạnh phúc nhé!
Đêm thánh vô cùng
Truyện ngắn NGUYỄN ĐÔNG THỨC
Đêm thật lạnh. Không cách gì ngủ được. Cổ quấn phula chân mang vớ dày, người mặc hai quần và hai áo kaki, ngoài lại khoác thêm chiếc áo jacket nhà binh của ba để lại, tôi cuộn tròn trong chiếc khăn kín mít trong tư thế cố thủ với cái lạnh. Vậy mà không hiểu sao nó vẫn len vào được. Lạnh nhất là từ bàn chân lên đến hai đầu gối, rồi bàn tay, rồi vùng thắt lưng và xương sống. Lạnh buốt. Như thể hơi lạnh đã lén lút xâm nhập vào người từ suốt ban ngày rồi đợi đêm về mới chui ra hoành hành. Chịu không nổi. Vài người bạn đã giăng võng ở gian ngoài, bên dưới gầy một lò sưởi nhỏ với những thanh củi rừng đã cháy hồng, tỏa hơi ấm giúp họ có thể ngủ vùi cho đến sáng.
Tôi không ngủ võng được. Và lại, đêm nay, dù trời không lạnh, tôi cũng sẽ không ngủ được. Đêm Noel đầu tiên tôi xa nhà, lên sống trên vùng rừng núi Xuyên Mộc này. Nhớ ơi là nhớ Sài Gòn, gia đình, và không khí Giáng sinh mà mười mấy năm qua tôi đã được hưởng. Tôi là người công giáo. Điều đó không cản trở tôi tham gia đội ngũ này. Đời sống của một cô học trò chỉ biết có mái trường và gia đình đột nhiên rẽ sang một hướng đời khác hẳn, có cực nhọc, vất vả hơn, nhưng cũng đầy ồn ào sôi động, chói loà ánh nắng và rộn rã tiếng cười. Cũng có đôi lúc thấy ngã lòng, nhưng rồi tự ái trước bạn bè và nghĩ tới mục đích việc ra đi của mình, tôi lại vượt qua. Vả lại, đôi lần về thăm nhà, cái không khí u buồn, trầm lặng và bế tắc cứ làm tôi thấy ngộp thở. Dường như trong tôi có một thiên tính gì đó mà chỉ sau khi đi vào đội ngũ này mới chợt nhận ra mình thích hợp biết bao với những khoảng không bao la và một cuộc sống tập thể lúc nào cũng diễn ra theo một nhịp điệu rầm rập, hối hả.
Tất nhiên, khi quyết định sẽ tiếp tục đi theo đồng đội lên Xuyên Mộc, tôi biết mình sẽ không còn được đi lễ hàng tuần nữa. Giữa rừng, làm sao có nhà thờ? Tôi có thưa chuyện với cha Truyền và cha nói con cứ đi, nếu con tin vào quyết định của con. Chúa sẽ vẫn ở bên con, nếu con còn tin Chúa. Cha ban phép lành cho tôi khi tôi từ biệt ông. Vâng, tôi đã ra đi với một niềm tin vào quyết định của mình. Tôi muốn cùng được chịu đựng gian khổ với ba, và san sẻ bớt cho người những gánh nặng đang mang. Trước những bữa ăn hàng ngày, tôi không còn làm dấu thánh. Nhưng hàng đêm tôi vẫn để hàng giờ cầu nguyện Chúa, với một niềm tin Người sẽ cứu giúp ba tôi được an lành và sớm trở về với mẹ tôi.
Tôi nhìn vào chiếc đồng hồ tay có mặt số dạ quang. Đã nửa đêm . Cả sam dường như đã say ngủ. Tôi se sẽ ngồi dậy, quấn mền lên người, bước xuống sạp và xỏ chân vào dép, thò tay vào túi áo kiểm tra một lần chót, rồi đi ra cửa, lần về phía nhà bếp. Những ngôi sao xanh biếc trên trời lấp lánh nhìn tôi. Một ngàn chín trăm bảy mươi sáu năm trước, đã có một ngôi sao thật sáng để ba vừa đi theo và tìm ra Chúa. Có ngôi sao nào đêm nay sẽ hướng dẫn tôi tìm gặp được Người? Gió thổi nghe ù ù và cái lạnh càng trở nên khủng khiếp. Tôi cắn răng lại. Có thể ba đang phải chịu lạnh hơn. Và chắc là ba đang buồn biết bao nhiêu. Tôi thấy nhớ ba hơn lúc nào hết. Tôi là con nhỏ được ba cưng nhứt nhà. Ba lâu lâu mới về nhà một lần, và từ bé, tôi nhớ luôn luôn việc đầu tiên khi ba bước vào nhà là ôm lấy tôi đưa bổng lên khỏi đầu, hôn tôi túi bụi vào má, vào cổ, và những sợi râu cứng của ba cứ đâm vào tôi nhột không chịu nổi. Hôm đi, ba buồn ghê gớm. Cả nhà cũng vậy. Không ai tin là mười ngày nữa ba sẽ về. Anh Tâm lấy xe chở ba đi. Tôi đòi đi theo, ba không cho. Rồi không hiểu nghĩ sao, ba cởi chiếc đồng hồ đeo tay có mặt số dạ quang ra đưa tôi. Câu cuối cùng ba nói khi bước ra khỏi nhà là nói với tôi: “Ba đi nghe bé Ti!”. Tôi mười tám tuổi mà ba cứ kêu tôi là bé Ti. Tôi khóc và má tôi cũng khóc.
Có ánh lửa và tiếng nói chuyện rì rầm trong bếp. Có lẽ là những người trực gác vào đây ngồi để tránh cái lạnh ngoài trời. Tôi đứng sững lại. Dự tính chọn nơi đây để thực hiện ý định của mình coi như không được nữa. Tôi nhìn quanh quất. Có lẽ chỉ còn có một nơi. Dãy nhà đang cất dở, chỉ mới lợp được một bên mái. Nó khá xa, nhưng càng tốt. Chắc chắn sẽ không có ai quan tâm đến nó. Tôi sẽ lựa một góc xa nhất. Còn ánh sáng của cây nến nhỏ, tôi sẽ dùng tấm chắn che kín lại, chắc sẽ không ai thấy. Buổi lễ nửa đêm của tôi sẽ không kéo dài lắm. Tôi chỉ cần thời gian đủ để đọc một bài kinh và cầu nguyện Chúa ban phước lành cho ba. Làm điều ấy ờ sam thì thật là kỳ quặc nếu có một ai tình cờ thức dậy và nhìn thấy. Tôi biết trong đơn vị cũng có một vài người cùng đạo, nhưng hoặc là họ đã từ chối, hoặc là rất che giấu điều đó. Còn tôi, tôi vẫn còn tin Chúa, và thật tình tôi cũng chẳng biết cầu xin ai để ba tôi được bình an và sớm trở về. Suốt cả tuần qua, tôi cứ thấy bứt rứt về một đêm Giáng sinh sắp tới lần đầu tiên không được đi lễ nhà thờ. Hôm kia, được theo chị quản lý đi ra chợ Đất Đỏ, tôi lén chị mua một cây đèn cầy nhỏ và một hộp diêm quẹt, khi chợt nảy ra ý nghĩ mình sẽ tự tổ chức lấy lễ nửa đêm cho mình. Chúa sẽ vẫn ở bên mình kia mà.
Một, hai, rồi ba cây diêm đã được quẹt đến bung đầu mà ngọn lửa vẫn chưa chịu cháy lên. Bốn, năm, rồi sáu, bảy, tám, chín, mười cây… Tôi muốn bật khóc trong chiếc mền trùm kín đầu. Thật bất ngờ, một giọng nói chợt vang lên sau lưng tôi:
- Làm gì vậy “cô bé bán diêm” dỏm? Định tự sưởi ấm hả?
Tôi cố trấn tĩnh nỗi sợ hãi và giở mền ra, quay lại nhìn. Chúa ơi, thì ra là anh Lộc, đại đội phó chính trị. Tôi nhận ngay ra anh vì anh rất tế nhị dựng ngược cây đèn pin trong tay lên cho một phần ánh sáng chiếu vào mặt mình, xong rồi mới rọi xuống chân tôi và nhìn thấy những que diêm vô dụng nằm trên mặt đất, quanh cây nến nhỏ đã được cắm thẳng đứng. Anh ngạc nhiên kêu lên:
- Mai định đốt đèn cầy? Để làm gì vậy?
Tôi vẫn là cô bé không biết nói dối:
- Em định ra đây đọc kinh nửa đêm.
Lộc nhìn sững tôi một lúc rồi mới hiểu ra:
- À, đêm nay là đêm Noel. Anh nhớ rồi, Mai là người có đạo.
Ngừng lại một chút, anh lại hỏi tiếp:
- Mai ngoan đạo như vậy, sao đi thanh niên xung phong làm gì?
- Bộ thanh niên xung phong cấm những người ngoan đạo được tham gia hay sao? - Tôi bướng bỉnh.
Lộc lắc đầu:
- Không cấm. Nhưng đời sống thanh niên xung phong sẽ rất không thuận tiện cho Mai.
- Em không thấy gì là không thuận tiện hết. Em chỉ cần có một đêm nay - Tôi vẫn bướng bỉnh.
Lộc nheo nheo mắt nhìn tôi. Anh hay có thói quen như vậy khi đang nói chuyện với người đối diện. Và bất chợt anh khẽ cười:
- Mà thôi. Coi chừng anh lại bị kết tội vi phạm đến quyền tự do tín ngưỡng. Đưa hộp diêm cho anh. Gặp thứ “diêm quẹt an toàn” này, phải biết cách trị nó mới chịu cháy.
Lộc chập lại một lần ba cây điêm và quẹt thật nhanh. Ngọn lửa bùng lên, rực rỡ. Anh châm vào cây nến. Ngọn nến bắt đầu cháy lên, soi sáng bộ mặt đượm nhiều nét phong trần, khắc khổ của anh. Anh đưa trả hộp diêm cho tôi:
- Nếu đèn cầy bị tắt, Mai cứ làm giống anh.
Tôi rụt rè:
- Anh cho phép em đọc kinh?
- Làm sao anh cấm được?
- Coi chừng người ta sẽ phê bình anh?
- Ai dám?
Lộc nói vậy thôi, nhưng tôi biết, trong tập thể này, sống với nhau rất bình đẳng và hồn nhiên, nhưng cũng có những giới hạn của nó. Mọi người rất chú ý nhau và luôn tìm dịp để “đóng góp cho đồng chí mình mau tiến bộ”. Một cô bạn có thói quen ít nói thì bị phê bình là không chịu sống hòa đồng tập thể. Một cô khác hay soi gương thì được nhắc là chưa từ bỏ nếp sống tiểu tư sản. Nếu mọi người biết chuyện đêm nay của tôi, họ sẽ có những ý kiến gì? Tôi sẵn sàng chấp nhận hết, nhưng tôi thấy ngạc nhiên về Lộc. Anh là một trong ba đảng viên của cái đại đội hai trung đội nam và một trung đội nữ này, lại là người phụ trách công tác chính trị, vậy mà...
Lộc đã định đứng dậy,nhưng rồi anh chợt nhìn thẳng vào mặt tôi:
- Mai sẽ cầu nguyện cho ai?
- Cho ba em.
Lộc vẫn nhìn tôi đăm đăm. Tôi biết anh đã đọc rất kỹ lý lịch của từng người chúng tôi. Nét mặt anh dịu lại rồi anh khẽ thở dài:
- Đừng lo. Rồi ba em sẽ trở về.
Anh đứng dậy rồi cười với tôi:
- Chút nữa xong, Mai qua nhà bếp ăn cháo cheo với tụi anh. Nấu với đậu xanh, ngon lắm. Hồi nãy, đứng trong bếp, anh nhìn thấy Mai trùm mền đi tới, tưởng nửa đêm đói bụng đi lục cơm nguội, ai dè....
*
Tôi yêu Lộc từ đêm ấy. Yêu mà không hề biết và không còn có thì giờ để biết. Năm 1978, anh qua bộ đội và hi sinh ở biên giới Tây Nam. Từ ấy đến nay, cứ mỗi đêm Noel là tôi lại đi lang thang và nhớ đến anh. Mặc dù tôi đã trở về thành phố và có một việc làm ổn định, ba tôi cũng đã được về sau mấy năm ở trại cải tạo và gia đình tôi đã lại đoàn tụ vui vẻ; mặc dù những đêm Noel sau này của tôi hết sức ấm áp và đầy đủ, với những quần áo đẹp và buổi lễ ở nhà thờ lớn sáng sực ánh điện cùng bữa ăn reveillon thật ngon lành..., suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên cái đêm Noel lạnh ngắt trên rừng ấy, buổi lễ nửa đêm với một cây nến nhỏ xíu chỉ có hai người biết và tô cháo cheo ngọt lịm bên bếp lửa hồng tí tách. Suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên người đã đốt cháy cây nến nhỏ đêm ấy cho tôi và nét mặt anh khi nói rồi ba tôi sẽ trở về. Anh sẽ vẫn ở bên tôi, mãi mãi.
(24-12-1990)