GIÁNG
SINH-TẬT NGUYỀN !
Thủ mở cửa đẩy chiếc xe ra, chân anh đau như có ai
đó lấy kẹp mà kẹp cả bắp chân. Nhìn lề dường trước mắt đất đá lổm chổm, cao như
ngọn đồi mà ngao ngán. Con đường Quốc lộ đang đi lại được, tự dung cày ra, đổ
đá, đổ đất từng ụ cả năm nay rồi để vậy, không biết bao giờ mới chịu làm! Thùy
nhìn anh nhăn nhó, nói:
- Mười giờ đêm rồi, hay
để sáng mai lên thăm anh ấy cũng được, đằng nào cũng chết rồi!
- Tội nó quá!
Thủ nói rồi đẩy lùi chiếc
xe vào lại nhà.
Hơn hai mươi ngày nay,
chân phải anh đau kinh khủng, cơn đau bắt đầu từ bắp chân, lan lên tới mông,
mỏi như muốn kéo rị người anh xuống giữa nền nhà! Đêm nằm ngủ, phải ngủ nơi
salon, thòng chân phải xuống mới đỡ đau! Bác sĩ chẩn đoán là đau thần kinh tọa,
chích thuốc cả mười lăm ngày không giảm, bèn chích Terneurin vào bắp chân,
không giảm được cơn đau mà còn đau hơn!
Cuốc điện thoại vừa rồi
của Sáng, một người bạn thân báo tin Hướng vừa chết, có lẽ do trụy tim làm Thủ
nghẹn ngào. Mới chiều nay, Hướng ghé thăm anh, thất thểu bước vào nhà với túi
đồ nghề làm mộc, uể oải buông người xuống salon than thở:
- Cúp điện dài dài thế
này làm không đủ tiền nuôi con!
Thủ nhìn lên cái quạt
trần vẫn xoay:
- Đâu có cúp!
- Tao gắn cửa cho ông Tá
trong xóm, trong đó cúp toàn bộ. Mày đau sao vậy?
- Cái chân mấy năm nay
đau âm ỉ, mấy hôm nay trở nặng, thần kinh tọa hay sao ấy!
- Sao không đi châm cứu?
- Tao ghét cái màn nằm ẹp
chờ, ngày nào cũng vậy! Đang chích thuốc, không biết có đúng bệnh không mà
chẳng thấy khá hơn chút nào!
Hướng lấy cái mũ vải trên
đầu lau mặt, thở dài:
- Con với cái, hai đứa
đang học Cao đẳng, bỏ ngang thi lại Đại học, nói không chịu nghe. Nó đậu thì
mình chết!
- Sao vậy?
- Muốn vay lại tiền vay
dành cho sinh viên thì phải trả tiền vay cũ, sau đó mới được vay lại cho khoản
mới. Nó biết mình khổ, cứ học tạm Cao đẳng, sau này ra trường đi làm rồi liên
thông Đại học thì đỡ mình biết mấy!
- Nó cũng sỉ diện với bạn
bè, trả tiền cũ là bao nhiêu?
- Ba chục triệu hơn, cả
hai đứa!
Thủ nhìn bạn mà thương xé
lòng! Dĩ nhiên không vì một việc này mà Hướng bị trụy tim, nhưng cái nghèo, cái
lo âu lâu nay thường trực trong lòng làm cho con tim ngày càng yếu.
Trời vừa hửng sáng, Thủ
uống vội chén trà rồi cố kìm cơn đau, chạy xe lên nhà Hướng. Anh đứng ngay cửa
nhìn vào trong. Hướng nằm như đang ngủ trên chiếc giường kê giữa nhà, Khuyên,
vợ của Hướng và bốn đứa con ngồi khóc rấm rức. Anh ngồi xuống nền nhà, ôm xác
bạn mà khóc, anh hét lên: Hướng ơi, Hướng ơi!
Anh kêu tên bạn, trong
lòng anh như trút tất cả nỗi uất ức giận hờn lên sự nghèo khó!
Khuyên cùng bốn đứa con
nhào tới, ôm chồng, cha, khóc như mưa. Hướng vẫn nằm với gương mặt thanh thoát
vô ưu. Thủ cảm thấy được hơi ấm từ thi thể của Hướng, anh ôm ghì bạn, nói trong
thổn thức:
- Khốn khổ chi rồi cũng
qua được, như bao năm nay đã qua, sao mày không ráng thêm vài năm nữa hở Hướng!
Anh ngồi như thế, nói với
các con của bạn:
- Từ nay không còn Ba,
mọi khó khăn đổ lên vai mẹ, các cháu cố gắng chấp nhận thiếu thốn, vượt qua cho
được mấy năm học, Cao đẳng hay Đai học gì cũng được. Không có quyền chậm trễ
năm nào cả nhé!
Cả bốn đứa lớn nhỏ “Dạ”
rồi khóc. Đứa lớn nắm lấy cánh tay Thủ kéo anh dậy, dìu anh ngồi vào chiếc ghế
gỗ. Bạn bè hôm qua thức khua cùng Hướng, gần sáng chạy về nhà một lát giờ đã
lục tục kéo đến. Thủ cà nhắc ra ngồi với bạn.
Phùng, một người bạn hay
đùa, nói:
- May nhà nghèo! Không có
đồ đạc gì phải dọn dẹp bên trong, lát nữa gom mấy chậu bông ra sau nhà cho
trống chỗ này đi là được!
oOo
Hai ngày nay chân Thủ đau
hơn, nằm ẹp trong nhà, không lên thăm lại Hướng, sáng nay cũng không đưa bạn ra
nghĩa địa được, Thủ lẩm nhẩm:
- Mày đi đi, con cái nó
có số phần của nó, linh thiêng thì phù hộ cho nó khỏe mạnh. Mày đi sướng hay ở
lại như tụi tao sướng hơn, chỉ mày có thể biết! Hồi chưa đau cái chân, tao mơ
ước lo lắng đủ điều, giờ đau quá, tao mong đổi tất cả những gì có được, lấy cái
khỏi đau thôi Hướng ơi!
Thùy, vợ của Thủ sáng đi
đám tang, xong ghé thăm bên nhà ngoại về, vừa vào nhà vội vã hỏi:
- Chị Mai tới chích thuốc
chưa?
- Chưa, chắc phải đi Sài
gòn em ạ, anh đau lắm!
- Anh uống cái này xem có
bớt đau không đã rồi tính.
- Cái gì vậy?
- Có thể anh bị hơi. Mấy
người đi liệm xác chết về, thường xông và uống cái này.
- Ở đâu mà có vậy em?
- Em lên trên làng, nói
chuyện anh đau, họ cho đó.
Thùy với xem chai rượu,
còn một ít. Mấy ngày nay đau quá, anh bảo chị mua cho anh lít rượu. Khi đau thì
anh uống ực một ly, có khi hai ly nhưng cũng chỉ êm êm được một lát rồi đau như
cũ!
Chị trút gói giấy vào chai,
bột gì trăng trắng, lắc mạnh rồi rót ra ly đưa cho Thủ. Anh uống vào gờn gợn ở
lưỡi, có mùi như long não.
Thùy vào phòng thay đồ
xong, đem cho Thủ tô bún mua dọc đường, anh ăn chầm chậm, có vẻ ngon miệng,
không thấy ngán như mọi khi. Thùy cũng mừng.
Chưa được mười phút, anh
nôn thốc tháo ra giữa nhà. Chị vuốt lưng anh rồi ra múc đầy thau nước, nhúng
khăn lau mặt, lo lắng hỏi:
- Anh thấy trong người ra
sao, mệt lắm không?
- Không sao đâu em!
Thùy lại đi thay thau
nước, Thủ nôn nhiều hơn, anh với tay lấy chai dầu nhưng mắt hoa lên, không nhìn
thấy gì, vừa lúc Thùy trở vào, thấy tay anh quéo lại, mắt trợn trừng, chị hét
lên: Anh Thủ! Rồi chay ra xô mạnh hai cánh cửa hét lớn:
- Chương ơi, chị Lan ơi,
anh Thủ bị tai biến!
Chị hét như vậy, không
biết có ai nghe thấy không, hai tiếng “tai biến” làm chị liên tưởng tới bài đọc
cách sơ cứu người trong trường hợp này, chị vừa khóc vừa vào phòng lấy cái kim
may, đặt anh nằm xuống salon, chích mấy đầu ngón tay, ngón chân rồi hai dái
tai. Chị lại chạy ra cửa hét.
Chương là hàng xóm sát
nhà, nhưng là nhà sản xuất bánh kẹo nên lu bu đằng sau, nghe được liền chạy
qua, hắn không cần hỏi han, kêu lớn qua quán cà phê phía đối diện:
- Có đứa nào bên đó qua
phụ tao đưa anh Thủ đi cấp cứu với.
Hàng xóm và khách uống cà
phê chạy qua nhà, Chương bồng ngang người Thủ, nhảy lên xe của một thanh niên,
một người khác chở Thùy chạy theo.
Bệnh viện huyện xem qua,
Huyết áp 190/90. Họ cho anh uống thuốc, anh tỉnh dần, rồi chuyển về bệnh viện
tỉnh theo yêu cầu của Thùy với câu ghi: Nghi ngộ độc rượu, huyết áp tăng. (
người bệnh nhân nồng nặc mùi rượu!).
Oan cho anh, 17 năm không
uống rượu vì bị ngộp tim, hôm nay uống hai ly, bị ói, bệnh án ghi như anh là
một tay bợm!
Chân anh đau buốt, anh
nói với Chương khi xe còn đợi làm thủ tục chuyển viện:
- Mồi cho anh diếu thuốc
rồi bóp bắp chân cho anh với, đau lắm!
Chương mồi thuốc, vừa bóp
vừa vuốt bắp chân, tay Chương mạnh nên đau lắm nhưng anh không dám nói. Một
lát, nhớ là nhà không có tiền, anh nói với Chương:
- Chú về trước, chuẩn bị
cho anh mượn ít tiền, chừng mười triệu, xe đi ngang đưa cho chị!
- Có cần em đi theo xuống
bệnh viện không?
- Không cần, có gì thì
chị gọi về. Chú cho anh gởi nhà.
Chương dạ nhỏ rồi đi. Là
hàng xóm, sát vách nhau hơn hai chục năm, coi nhau như anh em. Chương làm ăn
khá hơn, thiêu thốn tiền nong Thủ mượn đỡ nơi Chương. Con của Chương thương Thủ
như bác ruột. Hồi các con của Thủ chưa vào Sài gòn học và đi làm, chúng như anh
chị em với nhau. Tối ngủ chung, râm ran chuyện trò. Mấy năm nay bốn đứa con anh
vào học và làm việc trong đó, ở nhà chỉ hai vợ chồng, anh dự tính năm tới chị
về hưu sẽ chuyển vào ở với con.
Khi xe dừng lại trước
nhà, Chương đưa tiền cho Thùy, Thủ nằm trong xe không thấy được nhưng anh nghe
nhiều lời chào, chúc anh mau khỏe, có lẽ hàng xóm và bạn bè cũng đợi chào anh.
Về đến Bệnh viên Tỉnh.
Bác sĩ, sau một hồi siêu âm tim và bụng, xem lại bệnh án hỏi:
- Chú uống có nhiều rượu
không?
- Chú chỉ uống hai ly,
không phải Huyết áp, Tim và ngộ độc đâu cháu. Chân phải chú đau lắm, hơn hai
mươi ngày các Bác sĩ trên phòng y tế chích thuốc mà vẫn đau. Cháu xem dùm chú
với!
- Đau chỗ nào chú?
- Đau nhất là bắp chân.
Bác sĩ trẻ siêu âm từ
dưới bụng, dọc theo chân phải, chân trái, kết luận nhanh chóng:
- Chú bị tắc nghẽn đông mạch
chi dưới rồi, chú hút thuốc nhiều không?
- Chừng hai gói mỗi ngày.
- Cũng nhiều nguyên nhân
gây tắc động mạch, nhưng chú coi bỏ thuốc lá đi. Chắc là phải chuyển chú vào
Sài gòn, trong đó mới điều trị hoặc phẫu thuật thông động mạch được chứ ở đây
không có đều kiện.
Lần đầu tiên Thủ nghe đến
bệnh này.
- Có nguy hiểm lắm không
cháu? Ý chú là có cần chuyển ngay không?
- Tính mạng thì không
nguy hiểm gì nhưng giải quyết sớm thì tốt hơn.
- Ngày mai Chủ nhật,
20/11. Các con chú về thăm mẹ và thầy cô giáo. Chú muốn về nhà gặp các cháu rồi
thứ Hai vào Chợ Rẫy cùng các cháu luôn được không, phương tiên chú tự lo?
- Cũng được, nếu đau quá
chú uống thuốc giảm đau. Bệnh này đau lắm!
- Chú cảm ơn cháu. Cháu
ghi cho chú loại giảm đau nào dùng được nhé.
oOo
Bệnh viên Chợ Rẫy sau khi
thăm khám, Thủ được đưa vào khoa “Lồng ngực và Mạch máu”, nằm ở lầu năm. Uống
và chích thuốc mười hai ngày nhưng không tiến triển gì. Các bước siêu âm và
chụp xi ti cũng đã làm xong nhưng cứ chờ làm Thủ chán nản! Cái mụt ở chân như
muốn lở to ra thêm. Tối lại, đau quá anh ngồi, gần như cả đêm không ngủ.
Sáng nay, khi đứa em đưa
anh đi vệ sinh về phòng, ngang qua bảng thông báo, anh thấy tên mình nằm trong
số bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật thông mạch máu. Khi bác sĩ vào thăm bênh buổi
sáng, anh hỏi:
- Chú phẫu thuật thông
hai chân hay một chân vậy cháu?
- Chắc hai chân, chú tắc
nhiều lắm. Hôm nay đi siêu âm tim lại.
Đã siêu âm tim một lần,
bây giờ lại siêu âm tim. Từ phòng siêu âm về, không có thông bào gì về tim mà
chỉ biết là chuẩn bị chuyển qua Khoa Tim, Thùy cùng các con anh lo lắng lắm
nhưng không biết hỏi ai.
Khoa lồng ngực mạch máu
ít bệnh nhân, qua khoa tim thì quá tải đến không có chỗ nằm, Thủ nằm chung
giường với hai bệnh nhân khác, Thùy nằm ở sàn nhà, dưới giường, trải tấm chiếu
nhỏ! Một bệnh nhân chung giường cho biết là có hai mươi lăm người bị tim ở bệnh
viện Trà Vinh chuyển lên, theo một chương trình gì đó, hai tuần rồi chưa mổ
được nên phòng chật. Họ có vẽ ốm nhưng không yếu, ăn uống, chuyện trò đùa cợt
râm ran, náo loạn cả phòng!
Gần chiều, một Bác sĩ trẻ
vào gọi tên Thủ rồi nói ngắn gọn:
- Chú chuẩn bị đóng 90
triệu, mai phẫu thuật.
Thủ ngạc nhiêu hỏi lại:
- Phẫu thuật tim hay chân
vậy cháu?
- Mổ tim.
Quá ngạc nhiên anh bật
cười nhìn bác sĩ không nói gì. Bác sĩ trẻ nhìn anh nói trước khi ra khỏi phòng:
- Sẽ có Bác sĩ lớn tuổi
đến nói chuyện với chú!
Lát sau, một bác sĩ trạc
50 tuổi, đến nhìn anh chằm chằm nói:
- Bệnh của anh thì đóng
90 triệu, mai mổ tim, sau đó cắt chân phải, hết!
Thủ cười gằn ngạc nhiên
với thái độ của vị lương y, không biết ông này đem nổi bực dọc ở đâu, đến đây
trút lên anh!
Một bệnh nhân trong số
chờ phẫu thuật lên từ Trà Vinh hỏi to, tức tối:
- Tụi tôi chờ nữa tháng
nay, đã nhổ răng, khám, siêu âm đủ cả rồi mà chưa mổ, chú này mới vào, đóng
tiền mai mổ là sao?
- Ông này một mình, còn
quý vị thì đông, lên lịch làm một lần nên phải chờ.
Bác sĩ đi rồi, Thùy nhìn
anh rươm rướm nước mắt:
- Chạy đâu cho ra ngần ấy
tiền đây anh?!
Nếu con đường trước mặt
nhà không làm lại, nâng cao lên, thì vợ chồng Thủ không đến nỗi thiếu thốn, 90
triệu hay nhiều hơn cũng có thừa để lo, nhưng vừa qua anh dốc tất cả những gì
dành dụm được lâu nay, sửa sang, nâng nền nhà lên cho bằng đường nhựa, thế là
hết. Nhà vừa hoàn tất đúng một tháng, anh trở bệnh! Thủ trấn an vợ:
- Em đừng lo. Chờ anh
chút.
Thủ gọi điện cho đứa cháu
ngoại, đang là bác sĩ khoa thần kinh bệnh viện Phan Thiết, nó tốt nghiệp hệ
chính quy cũng đã lâu, hôm nhập viện, nó muốn vào gởi gắm với các đồng nghiệp
nhưng anh không muốn. Nghe qua, cháu anh nói:
- Mổ tim khó khăn ở chỗ
hậu phẫu, xuất viện rồi cậu về lại Ninh Thuận xa quá, khó theo dõi, có gì vào
lại cũng quá chậm. Theo con, cậu bị thế này đã lâu. Tim cũng có thể đã thích
nghi, nếu giải quyết được các chỗ tắc nghẽn thì tim sẽ được cải thiện dần. Cậu
từ chối phẫu thuật tim rồi xin phẫu thuật thông mạch chân lại thử xem bênh viên
có chịu không!
Bênh viên không chấp nhận
yêu cầu của anh. Thủ có ý định đến các bệnh viện tư, hy vọng họ có thể giải
quyết, và dù tư nhân hay Chợ rẫy. cũng phải có thời gian để chạy khoản tiền quá
lớn đối với kinh tế của Thủ. Anh nói với Thùy:
- Em nói với con xin xuất
viện đi, về nhà rồi tính!
Đứa con gái lớn của anh
vào trọ học ở Sài Gòn mấy năm nay, rồi các em cũng vào, nó khá nhanh nhạy với
các việc gia đình, từ hôm anh vào viện, mọi thủ tục đều giao cho nó…Thùy nhìn
anh lo lắng:
- Lỡ có chuyện gì thì sao
anh?
- Chỉ có những cơn đau
chân là đáng lo, nhưng giờ anh biết là cứ thuốc giàm đau mà uống, có ảnh hưởng
về sau thì cũng chưa là bây giờ. Về ngoài mình, tính toán chuyện tiền nong rôi
vào lại sau em ạ.
Nói với vợ như vậy nhưng
trong lòng anh cũng lo lắng không kém. Với 90 triệu đồng cho ca phẫu thuật thì
chỉ có bán nhà đi chứ khó xoay xở đâu ra. Chương hay bạn bè có giúp, cho mượn
thì cũng chỉ vài chục triệu, tiền làm ăn có dư nhiều đâu. Còn chuyện trả lại
nữa! Bán cho được nhà thì biết đến bao giờ!
Từ hôm đi bệnh viện đến
nay, Trung, đứa em cột chèo giao việc nhà cho vợ, theo anh vào Sài gòn, túc
trực thường xuyên lo cho anh, từ chuyện vệ sinh đến đẩy xe đưa đi siêu âm…Không
có xe đẩy, Trung ẵm, cõng anh đi. Bây giờ sắp lễ Giáng Sinh, chú ấy lại là lo
việc Giáo xứ, không lẽ vì mình mà mất cả niềm vui. Thủ lại gọi cho con gái, bảo
con xin xuất viện!