Nội dung
NGƯỜI HỌC TRÒ ĐẠP XÍCH LÔ - Lê Khánh Mai -
Ngày đăng: 19/12/2016
Danh mục: Truyện ngắn
NGƯỜI
HỌC TRÒ ĐẠP XÍCH LÔ
Lê
Khánh Mai
Kết thúc đợt công tác ở Hà Nội, tôi trở
về trên chuyến tàu Thống Nhất, đến ga Nha Trang lúc 12 giờ đêm. Chị phát thanh
viên đón chào hành khách bằng cái giọng trầm khàn vọng vào đêm sâu làm cho cả
con tàu bừng tỉnh giấc. Niềm háo hức của người đi xa, về với nơi thân thuộc gắn
bó khiến bước chân tôi nhanh nhẹn lạ thường. Nhoáng một cái tôi đã ở ngoài phố.
Thật yên tĩnh: vườn hoa với những chiếc ghế đá trầm ngâm; con đường thoáng
đãng, mải miết chạy dài về phía biển. Tôi gọi xích lô để được về thật nhanh với
ngôi nhà ấm cúng, nơi có những đứa con kháu khỉnh, mà những ngày xa lòng tôi
nôn nao nhớ. Một người đạp chiếc xích lô tiến lại. Dưới ánh điện nhập nhoà, tôi
thấy đó là một thanh niên dáng dong dỏng, mặc chiếc áo sẫm màu vá nhiều miếng
to, chiếc mũ lá rộng vành sụp xuống mặt. Cậu ta còn quá trẻ - tôi đoán
vậy
- Về phố Cửu Long bao nhiêu em?
Tôi hỏi giá, vì nghe nói giá xe ban đêm
gấp đôi ban ngày, vả lại túi tôi đã cạn sau chuyến đi dài.
- Dạ mười ngàn .
Chàng trai đáp một cách từ tốn và rất
nhỏ. Tôi nghĩ, không phải đi bộ quãng đường hai cây số, mà chỉ mất chừng ấy
tiền thì không nên đắn đo. Nhưng tôi có quyền mặc cả cơ mà:
- Năm ngàn nhé!
- Dạ.
Tiếng "dạ” có vẻ nhỏ hơn. Tôi lên xe,
thầm nghĩ chàng trai này dễ chịu thật, loại người chăm chỉ đây, chắc hoàn cảnh
khó khăn nên mới phải làm lụng đêm hôm vất vả thế này.
Thành phố ngủ say. Không có tiếng động
nào ngoài tiếng xích xe nhịp đều đều theo đôi chân mải miết của chàng trai.
Những vòm cây, những mái nhà tôi đã bao lần đi qua, dừng lại, ngắm nhìn, vậy mà
trong đêm, tất cả trở nên lạ lẫm. Tất cả đột ngột hiện ra rồi lặng lẽ lùi vào
vắng vẻ.
Tôi yêu sự yên tĩnh này bằng một cảm
xúc mới mẻ như lần đầu tiên tôi nhận ra cái thơ mộng của phố xá lúc đêm khuya.
Tôi hít sâu vào lồng ngực, hưởng lấy chút không khí trong lành ẩm ướt hơi
sương. Chưa kịp nghĩ ngợi gì thì xe đã dừng lại trước cảnh cổng sắt sơn xanh ẩn
giữa bờ hoa giấy. Tôi trả tiền, chàng trai không nhận, chỉ vội vã quay xe, rồi
nói, vẫn cái giọng rất nhỏ:
- Cô về nghỉ ạ, em đi.
Bây giờ tôi mới ngẩn nhìn chàng trai:
- Phương!
Tôi thốt lên ngạc nhiên, ngỡ ngàng nhận
ra cậu học trò lớp 12A mà tôi đang chủ nhiệm. Không nói được gì thêm, tôi đứng
trân trân giữa đường nhìn theo bóng Phương lẫn vào phố vắng. Một cảm giác xấu
hổ làm tôi đau nhói. Tôi trách mình sao vô tình đến thế? Sao tôi không nhận ra
Phương. Phải vì em mặc chiếc áo vá nhiều miếng to? Tôi lại còn mặc cả tiền bạc
nữa chứ. Điều này có vẻ mâu thuẫn với những những gì hay ho mà tôi say sưa rao
giảng trên lớp. Những ý nghĩ xót xa dày vò khiến tôi đứng ngoài phố một lúc lâu
mới gọi người nhà mở cửa. Đêm ấy tôi trằn trọc cho đến khi đài phát thanh thành
phố truyền đi bản nhạc quen thuộc đầu tiên trong ngày.
* * *
Tôi đến lớp với tâm trạng buồn khó tả.
Câu chuyện hôm qua giúp tôi hiểu rằng không thể đánh giá học sinh một cách hời
hợt, nông cạn. Năm mươi học sinh ngồi đây là năm mươi thế giới bí ẩn. Tâm hồn
các em như cầu vồng bảy sắc mà ta bất chợt nhìn thấy nhờ những tia sáng mặt trời.
Phương vẫn ngồi kia, góc cuối lớp, nét
mặt không gì đổi khác, mà sao bây giờ tôi mới nhìn kỹ, cái mũi cao thẳng trên
khuôn mặt khôi ngô, đôi mắt luôn ngời lên ánh nhìn thông minh và ngay thật. Bao
giờ Phương cũng chỉnh tề với mái tóc gọn gàng, áo sơ mi tém trong chiếc quần
xanh ngay ngắn. Cái dáng cao và nước da trắng làm nên vẻ thư sinh, khiến tôi
không nhận ra em trong "vai” chàng trai đạp xích lô đêm qua.
Tôi nhớ lại những cuộc họp hội đồng
giáo dục, nhiều ý kiến phản ánh tình hình học sinh. Để tiếp tục cắp sách đến
trường đối với các em không đơn giản chút nào. Có em phải bán trứng luộc trên
tàu, bán hành rong ngoài bờ biển, gánh nước thuê, đạp xích lô… Tôi cho rằng đó
là những thực tế không tránh khỏi của miền Nam sau giải phóng, nhưng lại đinh
ninh rằng lớp tôi không có những trường hợp như vậy, bởi vì ánh mắt các em bình
thản, vô tư lắm. Hoá ra lâu nay tôi toàn nhận xét học sinh theo cảm tính. Tôi
có biết đâu, đằng sau tiếng cười hồn nhiên của các em là một cuộc sống đầy vất
vả, lo toan.
Tôi không thể làm ngơ trước một học trò
như Phương được. Tôi phải tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư của em, ý nghĩ đó thúc
bách tôi mạnh mẽ. Giờ nghỉ, tôi gọi Phương ra hành lang.
- Hôm qua cô có lỗi là không nhận ra
em. Cám ơn em đã đưa cô về nhà, nhưng tại sao em lại có vẻ tránh cô thế nhỉ?
- Thưa cô, Em thực sự không muốn cô
phải bận lòng nhiều vì chúng em…
- Sao em phải đạp xích lô ban đêm?
- Dạ, em thuê chiếc xích lô này. Chủ xe
đi ban ngày, ban đêm họ nghỉ, cho thuê.
- Đêm nào cũng vậy, còn thời gian nào
mà nghỉ ngơi?
- Thường lệ cứ 7 giờ tối, em đi các phố
đón khách, sau đó lên ga chờ khách xuống tàu. Em về nhà lúc 2 giờ sáng ngủ đến
5 giờ dậy, đi học.
- Ngủ ít vậy mà cô không thấy em
ngủ gật?
- Dạ, em quen rồi.
- Cô còn mắc nợ em đấy, chủ nhật cô đến
nhà thăm em được chứ?
Phương "dạ” một tiếng rồi đi vào lớp,
hoà trong đám học sinh đang gõ bàn hát ầm ĩ. Tôi nghĩ, em không thể sống vô tư.
* * *
Phương ở trong hẻm một khu phố lao
động. Căn nhà chật chội, với những đồ vật sơ sài sắp đặt không được hợp lý lắm.
Tất cả muốn nói rằng cái "hậu phương” của em chẳng có gì là vững chắc. Phương
kéo ghế, mời tôi ngồi, cử chỉ chững chạc, lễ độ và tự nhiên, không có sự khúm
núm mà tôi thường gặp ở một số học sinh. Vừa rót nước ra những chiếc ly thủy
tinh, em vừa kể:
"Bố em là lính, mất tích trước 1975. Mẹ
em cũng mới mất cách đây hai năm. Bệnh hen suyễn đã hành hạ bà suốt cuộc đời.
Cho đến giờ em vẫn không thể nào quên hình ảnh mẹ khô gầy, hố mắt trũng sâu,
đêm đêm không ngủ được, mẹ phải dựa lưng vào vách, há miệng ra thở những hơi
thở khò khè, nặng nhọc. Căn bệnh hiểm nghèo, nên mọi sự chữa chạy đều vô hiệu.
Mỗi lần lên cơn khó thở, mẹ co rúm người, vật vã khổ sở. Mẹ bảo chỉ mong chết.
Em ước mình là bác sĩ để cứu mẹ. Mẹ mất, cuộc sống chúng em càng khó khăn. Hai
đứa em nhỏ cũng đang tuổi ăn học. Mấy lần em tính bỏ học, đi làm kiếm tiền nuôi
các em, nhưng xa lớp, xa các bạn, nhớ quá, không chịu nổi. Mới lại em ước mơ
trở thành bác sĩ nên phải cố gắng cô ạ…”
Bây giờ thì tôi hiểu vì sao Phương học
giỏi. Mỗi sự vươn lên để chiến thắng hoàn cảnh, đều có một động lực bên trong.
Từ đó, mỗi khi giảng bài, tôi thường nhìn vào mắt em, ở đó niềm hy vọng đang
cháy lên và tôi như được tiếp thêm sức mạnh.
* * *
Bẵng đi một thời gian dài, dễ đến bảy,
tám năm, tôi đã là bà giáo thâm niên trong nghề. Bao nhiêu lớp học sinh đi qua
cuộc đời, bao nhiêu gương mặt lưu lại trong tâm trí, có những điều bị xoá nhoà,
lãng quên, có những niềm vui, nỗi buồn khắc sâu thành kỷ niệm. Tôi bắt đầu ngấm
mệt, bắt đầu cảm nhận những bất cập và cả nỗi buồn của nghề dạy học.
Một buổi sáng, sau khi dạy xong bốn
tiết văn, tôi bước ra khỏi lớp bỗng thấy đầu choáng váng mắt nhoà đi, cổ họng
đau cứng như có vật gì to lắm chẹn lại, ngực tức tựa hồ ai đem đặt vào đó một
tảng đá. Tôi ho rũ và khạc ra một cục máu đỏ bầm to bằng đầu ngón tay. Không
tin ở mắt mình, tôi nhìn kỹ lại, thì đúng là một cục máu. Tôi bàng hoàng kinh
sợ, nghĩ đó là dấu hiệu của bệnh "lao” và rùng mình nhớ đến những đồng nghiệp
của tôi đã chết vì lao phổi. Hai mươi năm cầm phấn, viết và nói, tôi đã hít
không biết bao nhiêu vi trùng. Những hạt bụi trắng, li ti mà những người làm
thơ, làm nhạc đã tha thiết ngợi ca. Tuổi trẻ vốn tin vào những gì đẹp đẽ. Tôi
cũng một thời thi vị hoá bụi phấn. Cứ để mặc cho phấn nhuộm trắng bàn tay
như một bông hoa huệ; Cứ để phấn bám đầy quần áo, rắc mịn màng lên tóc, bay vào
mũi, vào miệng, đó mới thật sự yêu nghề, xả thân vì đạo. Cứ gào lên mà giảng,
chẳng hề băn khoăn về hai lá phổi. Mấy lần thấy đau cuống họng, ngậm vài viên
ômai ngòn ngọt, dìu dịu lại nói rất say sưa. Có lúc mệt lử tự dặn mình đừng
hăng quá, phí sức, nói nhỏ lại, ít đi, chậm rãi hơn, nhưng gặp chỗ tâm đắc, hứng
lên, lại thao thao bất tuyệt. Chợt nhớ mình quá đà thì cổ họng đã sưng tấy lên
rồi.
Lần này không thể xem thường, tôi phải
đến bệnh viện. Phòng khám khá đông. Tôi lấy cuốn sách "Giáo dục con người chân
chính” của Xu-khôm-lin-xki ra đọc, chờ đến phiên mình.
- Chào cô ạ - Một người mặc áo bơ - lu
trắng, mang kính cận, nhìn tôi, cười:
- Thưa cô, cô khám bệnh ạ, cô có nhận
ra em không?
Trong giây lát, những gương mặt học trò
lần lượt hiện lên trong trí nhớ.
- A, Phương! – Tôi khẽ reo lên - Thế ra
bây giờ em không tránh cô như dạo trước nữa.
- Dạ. Sau khi tốt nghiệp đại học Y
khoa, em về làm việc bệnh viện này. Thưa cô, mời cô vào phòng khám.
Hôm ấy, chính Phương đã khám bệnh cho
tôi, đôi mắt em nheo lại, đăm chiêu dõi theo từng nhịp thở của tôi qua chiếc
ống nghe. Sự bình tĩnh và thành thạo của Phương làm cho tôi hoàn toàn tin cậy.
Tôi đâu còn là cô giáo của em như ngày nào trang nghiêm trên bục giảng. Tôi là
bệnh nhân, còn em là thầy thuốc. Phương đưa tôi đến phòng khám tai mũi họng,
khoa X quang chụp phổi. Cử chỉ của Phương khẩn trương, dứt khoát, tôi chỉ biết
phục tùng như một cái máy. Sau đó, tôi đến ghế đá vườn hoa giữa bệnh viện ngồi
chờ kết quả xét nghiệm. Một chiếc lá xanh non khẽ chạm vào tay tôi như một cử
chỉ dịu dàng. Chẳng có cơn gió nào giật đi chiếc lá như trong truyện của O.
Henry. Vây quanh tôi là muôn nghìn con mắt lá, tràn trề hy vọng. Ngồi ở vườn
hoa tôi có thể nhìn toàn cảnh bệnh viện. Một chiếc cáng đưa một bệnh nhân vừa
chết xuống Nhà vĩnh biệt, những tiếng khóc dữ dội đi theo. Một anh thanh niên
ngồi ở ghế đá bên cạnh nở một nụ cười sung sướng khi có người đến báo tin vợ
anh vừa sinh con trai đầu lòng. Ở đây sự sống và cái chết diễn ra trong khoảnh
khắc. Nếu có khi nào ta đứng trong khoảnh khắc ấy sẽ cảm nhận sâu sắc hơn hạnh
phúc và khổ đau. Những người thầy thuốc là những chiến sĩ gan góc, họ đang
chiến đấu âm thầm, giành lại sự sống, niềm hạnh phúc cho con người, mà sao bây
giờ tôi mới thấm thía điều này. Phải chăng, chỉ lúc nào ta là bệnh nhân, bị nỗi
đau thể xác dày vò, ta mới suy nghĩ về công lao của người thầy thuốc?
Chị bạn tôi là bác sĩ phàn nàn rằng
"nghề Y khổ sở lắm. Mổ bụng người, cắt cả khúc ruột thừa, mà tiền bồi dưỡng
không bằng tiền trả cho anh thợ ngồi ở đầu đường vá cái ruột xe”. Ồ, thế thì
nghề dạy học của tôi có hơn gì? Tiền bồi dưỡng cho một giờ dạy học ngoài tiêu
chuẩn, gọi là giờ phụ trội, chỉ mua được một quả chanh. những chuyện như thế
thật vô cùng, làm sao có thể ghi hết bằng vài trang truyện? Có điều là tôi, chị
và tất cả mọi người vẫn sống, vẫn làm việc. Chúng ta là những trí thức không
thể lạc quan theo kiểu A-Q nhưng chắc chắn còn có một sức mạnh vô hình nào
quyết định sự sống của ta. Bát cơm, manh áo, chẳng đơn giản chút nào, nó làm ta
chóng mặt. Nhưng đáng sợ hơn khi trái tim ngủ yên, bộ óc ngủ yên…
Có những lúc tôi tưởng mình sắp ngã
xuống giữa bục gíảng cao và vững chãi như cái điểm tựa kia. Nhưng rồi lòng tự
trọng đã buộc tôi phải đứng lên với một tư thế đàng hoàng. Mỗi giờ dạy thất bại
khiến tôi đau đớn hơn cả nỗi đau thể xác. Mỗi một giờ dạy thành công thì niềm
hạnh phúc ùa đến ngập tràn, như được hồi sinh. có khác gì niềm vui của người
thầy thuốc giành lại sự sống cho người bệnh từ tay thần chết…
Có lẽ tôi sẽ còn nghĩ ngợi miên man nếu
Phương chưa trở lại. Em cầm trong tay tấm phim to bằng trang giấy học sinh. Lần
đầu tiên tôi nhìn thấy một phần cơ thể của mình trên hình ảnh, hồi hộp, lo âu.
Chỉ một lời nói của Phương lúc này là quyết định phần đời còn lại của tôi. Nếu
tôi bị lao phổi có nghĩa là tôi phải vĩnh viễn rời xa bục giảng.
Phương giơ tấm phim lên, chỉ vào từng
vùng sáng tối giải thích:
- Thưa cô, kết quả xét nghiệm cho thấy
tình trạng sức khỏe của cô hiện thời không đáng lo ngại. Không có dấu hiệu bệnh
nguy hiểm. Cô chỉ bị yếu phổi. Hiện tượng ho ra máu là do viêm họng, xung
huyết. Cô cần được nghỉ ngơi ít ngày và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn, nếu thấy
trong người còn mệt cô trở lại đây.
Tôi run run đón lấy tấm phim từ tay
Phương, khẽ nói "cám ơn em” mà nỗi xúc động như muốn vỡ òa.
Phương tiễn tôi ra cổng bệnh viện.
Quãng đường ngắn không cho phép cô trò nhắc nhiều về kỷ niệm, nhưng hình ảnh
cậu học trò mặc chiếc áo vá nhiều miếng to, đạp xích lô và căn nhà chật chội
trong hẻm hiển hiện trong tâm trí tôi. Sực nhớ điều gì tôi hỏi:
- Hai em của Phương thế nào?
- Dạ, tốt nghiệp đại học hết cả rồi cô
ạ. Một đứa Bách khoa, một đứa kinh tế.
- Ôi trời ! Giỏi quá. Làm thế nào mà
nuôi nhau ăn học?
- Dạ, cũng tự lao động kiếm sống thôi
ạ. Chật vật, gian nan lắm, nhưng rồi cũng qua.
- Em làm cô bất ngờ quá đấy Phương ạ.
Sự thành đạt của các em là bài học làm người.
- Em vẫn nhớ, khi giảng bài, cô thường
nói: Hạnh phúc chỉ có thể đạt được bằng nghị lực vươn lên không ngừng.
Tôi tin Phương thành thật, vì em nói
điều đó sau những trải nghiệm của chính cuộc đời mình
Chia tay Phương, tôi ra khỏi bệnh viện
trong trạng thái nhẹ nhõm như chưa từng đau ốm. Phần vì Phương đã cho tôi biết
tôi không bị lao phổi, nhưng lý do quan trọng hơn khiến tôi trở nên khỏe khoắn
là vì tôi vừa được chứng kiến "thành quả” của mình. Người thầy giáo thường mang
tâm sự buồn vì nghề dạy học vất vả, âm thầm nhưng chẳng bao giờ được nhìn thấy
"sản phẩm”. Thì đây, sản phẩm của nghề dạy học là những con người, những thầy
thuốc, kỹ sư, nghệ sĩ, nhà kinh tế, nhà lãnh đạo…
Tôi sung sướng nhận ra, với tôi, không
có chỗ đừng nào tốt đẹp hơn chỗ đứng trên bục giảng.
Bài viết liên quan:
Happy Father’s day: Người Cha H.O. Thầm Lặng - Huỳnh Văn Công sưu tầm -
ĐỪNG BAO GIỜ… Truyện ngắn của Trần Dzũng Minh Dân
TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG - Lê Phát Chức sưu tầm -
NGƯỜI ĐƯA THƯ - Nguyên Nhung -
NGƯỜI HỌC TRÒ ĐẠP XÍCH LÔ - Lê Khánh Mai -
Hãy cảm tạ Thượng đế! Niềm hy vọng của cậu bé - Nguyễn Trung Quân sưu tầm -
Mẹ - Thiếu Kỳ -
TÌNH SÂU NGHĨA NẶNG - Nguyễn Trung Quân sưu tầm -
Tai họa - Thủy Điền -
Cây Trâm linh thiêng - Thủy Điền -
Happy Father’s day: Người Cha H.O. Thầm Lặng - Huỳnh Văn Công sưu tầm -
ĐỪNG BAO GIỜ… Truyện ngắn của Trần Dzũng Minh Dân
TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG - Lê Phát Chức sưu tầm -
NGƯỜI ĐƯA THƯ - Nguyên Nhung -
NGƯỜI HỌC TRÒ ĐẠP XÍCH LÔ - Lê Khánh Mai -
Hãy cảm tạ Thượng đế! Niềm hy vọng của cậu bé - Nguyễn Trung Quân sưu tầm -
Mẹ - Thiếu Kỳ -
TÌNH SÂU NGHĨA NẶNG - Nguyễn Trung Quân sưu tầm -
Tai họa - Thủy Điền -
Cây Trâm linh thiêng - Thủy Điền -
Comment