NGÀNH GIÁO DỤC NÔNG LÂM SÚC - Sưu tầm -

 NGÀNH GIÁO DỤC NÔNG LÂM SÚC

       Việt Nam là một quốc gia có sở trường về Nông Nghiệp với những tài nguyên thiên nhiên: Nào là vựa lúa miền đồng bằng sông Cữu Long, với hàng trăm ngàn cây số sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, hơn 2.200 cây số bờ biển và hằng triệu mẫu rừng thuộc miền cao nguyên Trung phần, là những kho tàng quí giá để nuôi sống dân tộc.Trên đường xây dựng đất nước, chánh phủ đã và đang đặt trọng tâm vào công cuộc sản xuất với nền tảng là Nông nghiệp đóng góp một phần quan trọng vào việc phục hưng phát triển kinh tế trong giai đoạn sau chiến tranh. Dân VN vốn hiền hòa, nhẫn nại,có tinh thần cầu tiến, dễ thích ứng với kỹ thuật Nông nghiệp tiến bộ, Để phổ biến đến đại chúng các kỷ thuật sản xuất Nông nghiệp, ngành giáo dục NLS bậc Trung học đã được Nha Học vụ NLS thuộc BỘ VHGDTN phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu thiết thực của nông dân, các con em của nông dân và thanh thiếu niên nông thôn.

      Ngành học vụ NLS đã trải qua những giai đoạn thăng trầm của đất nước, hãnh diện với vai trò  đóng góp nhân lực cho nền kinh tế nông nghiệp nước nhà.

      Trước Thế chiến thứ 2 (I939-45) số nhân viên chuyên môn về các ngành hoạt động NLS tạm đủ  để ứng phó với nhu cầu của các công sở và một số cơ sở khai thác tư nhân.Những trường hay nói cho đúng là những khóa huấn luyện đào tạo công chức cho các ngành này chỉ là những trường chuyên nghiệp đào tạo nhân viên cấp thừa hành gồm có:

-Một trường Cao đẳng Nông Lâm và một trường Cao đẳng Thú y.

-Hai trường Nông Lâm Thực hành: một trường ở Tuyên Quang (Bắc Việt) và một trường ở Bến Cát (Nam Việt).

-Một trường Nông Nghiệp Thực Hành ở Xà No (Cần Thơ), lúc đó người ta quen gọi là Trường Lúa Gạo Cần Thơ.

      Đến Thế chiến thứ 2 bùng nổ, để giúp số thanh niên trí thức có cấp bằng Tú Tài có cơ hội tiến thân nhà cầm quyền đương thời đã mở thêm nhiều ngành đại học như: Khoa học, Công chánh, Nông Lâm Mục và qua mấy năm sau cải danh thành Trường Cao đẳng Nông Lâm Mục có 2 Ban Pháp và Đông Dương. Trường này mở được tất cả là 6 khóa. Tuy nhiên trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến 1955 ngành học này đã ngưng hẳn trên mọi cấp.

- Năm 1955 Bộ Canh Nông đã chính thức thành lập Nha Học Vụ Kỹ thuật Canh Nông với các trường trực thuộc chung cho 3 ngành Canh Nông, Thủy Lâm và Mục Súc theo diễn tiến như sau:

- Năm 1955 thành lập Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục B’Lao với cấp Trung đẳng đào tạo tạo cấp Kiểm sự.

- Năm 1957 thành lập Trường Canh Nông Thực Hành ở Cần Thơ.

- Năm 1958 thành lập Trường Canh Nông Thực Hành Huế đào tạo cấp Huấn Sự.

- Cuối năm 1959 thành lập cấp Cao đẳng  tại Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Bảo Lộc đào tạo Kỹ sư các ngành NLS ( ngày nay trở thành Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp và sẽ được chuyển về Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức).

     Ngoài ra còn có những lớp ngắn hạn huấn luyện nông dân về kỷ thuật nông nghiệp, những lớp huấn luyện cán bộ như TÁ SỰ THÚ Y, CÁN BỘ KHUYẾN NÔNG…do các cơ quan Bộ Canh Nông tổ chức.

     Đến cuối năm 1961 tất cả cơ sở giáo dục nông nghiệp trên được chuyển qua thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc Gia Giáo Dục với danh xưng mới là NHA HỌC VỤ NÔNG LÂM SÚC đặt tại số 9 Mạc Đỉnh Chi Sài Gòn và tổ chức các cấp học được sửa đổi do 3 Nghị định ngày 24/6/1963 như sau:

- Cấp Cao đẳng Trường QGNLM đổi thành Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc đặt tại số 45 đường Cường Để Sài Gòn (khu thành Cộng Hòa cũ).

- Cấp Trung đẳng Trường QGNLM Bảo Lộc Trường Trung Học Đệ Nhị Cấp Nông Lâm Súc Bảo Lộc..

- Hai Trường Canh Nông Thực Hành Cần Thơ và Huế đổi thành hai trường trung học đệ Nhị cấp NLS Cần Thơ và NLS Huế.

       Trong các trường THNLS này còn có các lớp đào tạo Kiểm sự, Huấn sự các lớp bán thì, ngay cả các lớp huấn luyện ngắn hạn theo mùa.

       Đến niên khóa 1973-74 Nha Học Vụ NLS quản trị 40 trường THNLS gồm 23 Trường Trung học NLS đệ Nhị cấp và 17 Trường Trng học đệ Nhất cấp gồm 267 lớp (từ cấp 8 đến cấp 12), 1128 Giáo sư, 11.414 học sinh> Ngoài ra còn có 6 Tư Thục NLS thu nhận 1138 học sinh tư thục NLS. Dến niên khóa 1974-75 lần lượt Nha sẽ mở ra 2 Trường THNLS Kiểu Mẫu An Lạc , Trường Trung học NLS Trà Canh ngoài những lớp thông thường còn có những khóa huấn luyện Nông cụ cơ giới và 2 Trung Tâm lớp đêm THNLS Bà Triệu (Chợ Lớn) và Đồ Chiểu (Tân Định).

      Ban cao đẳng Sư phạm NLS hiện tại có 182 Giáo sinh và tại các Trường Trung học NLS đệ Nhị cấp Cần Thơ, Bảo Lộc, Huế, Bình Dương có 256 sinh viên lớp đào tạo chuyên viên Cao đẳng các ngành Túc Mễ, Rau Hoa, Hoa Màu Phụ, Nông Cơ, Kinh tế Nông thôn, Nuôi heo và Ngư Nghiệp. Trên các trường THNLS toàn quốc đã có 68 chi đoàn Nông Gia Tương Lai qui tụ trên 1.000 đoàn viên NGTLVN.

      Với những diễn tiến hoạt động vừa nêu trên thiết nghĩ ngành Giáo dục NLS bậc Trung học đã  đáp ứng theo đường hướng phát triển ngành Giáo dục Nông Nghiệp của Chính phủ.

      Việt Nam là một nước Nông Nghiệp. Trong công cuộc phục hồi và tái thiết xứ sở sau chiến tranh, Nông nghiệp vẫn là chìa khóa căn bản để giải quyết mọi vấn đề. Do đó việc đào tạo chuyên viên , cán bộ Nông Nghiệp và huấn luyện Nông Gia giỏi, tiến bộ là công việc tối cần thiết cho chương trình trực tiếp  hoặc gián tiếp yểm trợ tăng gia sản xuất và hoàn tất các dự án phát triển quốc gia và là một trong bốn công tác lớn mà Chính Phủ đã chính thức đề ra cho năm 1974.

TIẾN TRÌNH GIÁM ĐỐC NHA HỌC VỤ NÔNG LÂM SÚC:

1- Ông Lâm Văn Vãng.

2- Ông Lương Sĩ Chương.

3- Ông Đỗ Thúc Vịnh

4- Ông đặng Quan Điện.

4- Ông Hà Văn Thân.

TỔ CHỨC NHÂN SỰ NHA HỌC VỤ NLS DƯỚI ĐỜI GIÁM ĐỐC HÀ VĂN THÂN;

1- Ông Hà Văn Thân, Giám Đốc.

2- Ông Hứa Văn Túc, Chánh sự vụ Hành Chánh và Học vụ.

3- Ông Vương Quan Phước, Thanh tra viên.

4- Ông Vũ Quốc Dũng, Thanh tra viên.

5- Ông Trần Đắt Quới, Chủ sự phòng Hành chánh và Tài chánh.

6- Ông Châu Kim Lang, Chủ sự phòng Học vụ và Khảo thí.

7- Ông Phạm Hồng Hải, Trưởng Ban Khảo thí.

8- Ông Vũ Minh Yên, trưởng Ban Học vụ.

9- Cô Trần Kim Thạnh, Trưởng Ban đặc trách về các lớp chuyên viên và Cộng đồng.

10- Cô Trang Kim Phụng, Trưởng Ban Văn thư.

11- Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng Ban Lương bổng.

12- Ông Đỗ Hữu Kinh, Trưởng Ban Hành chánh.

13- Và Ông Phạm Đắc Tường, Trưởng Ban Tư thục.

 Theo KỶ YẾU NHA HỌC VỤ NÔNG LÂM SÚC Năm 1974


NHÂN VIÊN NHA HỌC VỤ NÔNG LÂM SÚC