Nội dung
BÁT BÚN RIÊU - Nguyễn Trung Quân sưu tầm. -

Ngày đăng: 22/02/2015

Danh mục: Bài viết, cảm xúc

BÁT BÚN RIÊU

 

           Từ Auclair, theo đường Liên Tỉnh 53, ngược lên mạn Bắc là Salon Springs thì rẽ phải theo Hương Lộ “P” nhỏ hẹp ngoằn ngoèo lăn mình giữa những khu rừng phong ngút ngàn trùng điệp, tiếp tục thêm vào dăm vòng qua những lưng đồi thoai thoải dốc là tới thung lũng Nivagamond, Louisiana, trạm đặc khu của người da đỏ.

Trời vào Thu, rừng phong đã thay chiếc áo choàng màu hồng lựu. Hơn nửa giờ lái xe, không một bóng người ngoài tiếng gió thở dài, tiếng lá khô sào sạc, tiếng rừng cây trăn trở, không còn một âm thanh nào khác. Tôi cảm tưởng như lạc vào 1 hành tinh xa lạ không sinh vật. Đồi lại đồi liền liền tiếp nối nhau sau cùng tới Nivagamond. Nơi đây có Viện Dưỡng Lão Lakeview mà theo lịch trình thì mỗi năm tôi phải đến một lần để thanh tra y vụ.

Lần đầu tiên đến đây nên tôi không khỏi ngỡ ngàng tưởng dù hẻo lánh đến đâu ít ra cũng có xóm làng, một giáo đường nho nhỏ hay vài ngôi nhà be bé xinh xinh nhưng tuyệt đối không. Ngoài rừng phong đỏ lá chỉ có hồ nước trong veo xanh ngắt màu trời. Trung Tâm An Dưỡng Lakeview như tên gọi ẩn mình dưới tàng cây rợp bóng trên khu đất rộng.

 

 Quay lưng vô rừng thông nhìn ra mặt hồ phẳng lặng như gương, tôi ngẫm nghĩ, nơi đây có thể là điểm nghỉ ngơi lý tưởng cho những người quanh năm lao lực hoặc những ai muốn tìm sự quên lãng, còn chọn làm viện dưỡng lão thì hơi tàn nhẫn.

 

Tuổi già vốn đã cô đơn mà nơi đây lại hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Trừ y tá, y công và vài chuyên viên dịch vụ thì chẳng còn ai, người nào cũng bận bù đầu, rảnh rỗi đâu mà tán gẫu với những người già. Nhất là sau buổi cơm chiều khi hoàng hôn buông xuống, ai nấy đều đã về nhà thì bóng đêm chắc phải thật dài.

 

        Vừa đẩy cửa bước vào tôi đã giật mình vì gặp một hàng 6 chiếc xe lăn đang dàn chào. Trên mỗi xe là 1 lão ông hoặc lão bà độ bảy, tám mươi, mái tóc bạc phơ, mắt hom hem sau làn mục kính. Có người trông còn sáng suốt, người thì như xác không hồn. Họ chăm chú nhìn tôi từ đầu đến chân như quan sát một quái nhân đến từ hành tinh khác. Có lẽ vì tôi là người Á Châu duy nhất tới đây chăng? Cô y tá hướng dẫn như đoán được cảm nghĩ của tôi bèn nhoẻn miệng cười:

 

- Ông ngạc nhiên lắm sao?

Tôi ngập ngừng:

- Bộ họ biết hôm nay tôi đến đây nên hiếu kỳ muốn trông thấy mặt tôi.

Cô y tá khẽ lắc đầu:

- Mỗi ngày đều như vậy, sáng nào họ cũng ngồi đó để mong chờ.

- Chờ thân nhân tới đón?

 - Dạ thưa không.

- Vậy hay là chờ bạn bè đến thăm?

Cô y tá phì cười pha trò:

- Ông nghĩ già ngần ấy tuổi mà còn hẹn bạn gái sao?

- Không, ý tôi là bạn thông thường đấy.

- Nếu những người bạn ấy chưa nằm xuống thì cũng đang ngồi xe lăn như họ tại một viện dưỡng lão nào đó thôi, rồi ngậm ngùi họ mong chờ những hình bóng không bao giờ đến, xa xôi trong ký ức.

 

Rồi cô khẽ thở dài:

- Tôi làm việc ở đây hơn 10 năm, đã chứng kiến nhiều hoạt cảnh, tháng nào cũng có người mới tới và cũng có người vĩnh viễn ra đi.

- Chắc ít nhiều, lòng cô cũng có phần nào xao xuyến, phải không cô?

- Thật tình mà nói lúc đầu thì có đấy, nhưng mà bây giờ tôi đã quen rồi.

- Tôi nghĩ là cô rất mẫn cảm?

- Chỉ là do tập luyện thôi chứ bằng không thì sẽ ngã quỵ đó ông!

 

Chúng tôi vào thang máy lên tầng trên, một cụ già chống gậy tập tễnh vô theo. Cô y tá nhìn ông ta và hỏi:

- Ông đi lên thang máy hay là đi xuống?

Cụ đáp như cái máy, giọng nói khò khè yếu ớt khó nghe:

- Đi.. đi xuống, rồi đi.. đi lên, rồi đi.. đi xuống , đi lên.

 

Tôi nhận thấy ông ta chẳng nhìn ai cả, ánh mắt không hồn đang hướng về phương trời vô định. Dường như quá quen thuộc với những hiện tượng này, cô y tá thản nhiên nói:

- Vậy thì xin ông bước ra chờ chuyến sau sẽ có người đi với, chúng tôi đang bận.

 

Cô bèn nắm tay dẫn ông cụ ra ngoài rồi lạnh lùng khép cửa. Tôi thắc mắc:  - Nếu ông ấy lại tiếp tục bấm nút thang máy thì sao cô?

- Chúng tôi đã lượng trước được điều ấy cho nên tất cả nút cắt điện trong viện đều gắn rất cao người già không thể với tới.

- À thì ra vậy!

 

Công tác xong trời cũng về chiều, tôi từ giã, cô y tá tiễn tôi ra cửa. Đoàn xe lăn vẫn còn dàn chào.

 

Chợt trông thấy trong góc tối 1 ông lão độ trên dưới 80 đang cô đơn ngồi bất động trên xe lăn như pho tượng cũ. Điểm khác biệt khiến tôi chú ý là ông ta không phải người da trắng và cũng không hoà nhập vào toán dàn chào. Da ông màu đồng nâu có nhiều vết nhăn đậm nét thời gian hằn trên mặt. Mái tóc bạc phơ rủ loà xoà trên trán, vóc người bé nhỏ, mắt hom hem trân trối nhìn tôi như muốn nói điều gì. Tôi đoán chừng ông là thổ dân da đỏ. Hiếu kỳ tôi hỏi cô y tá:

- Và vị dưỡng lão này cũng là người Indian hở cô? Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của chính phủ liên bang chứ?

Cô ta ngạc nhiên:

- Ủa sao ông lại hỏi vậy?

Tôi trỏ ông lão ngồi xe lăn:

- Vậy không phải Indian là gì?

Cô y tá phì cười:

- Ông ta là người Á Đông đó ông ạ.

Tôi giật mình:

- Người Á Đông?

- Dạ phải, dường như là Việt Nam đó.

Thêm một lần kinh ngạc, tôi không ngờ nơi vùng đất hẻo lánh đìu hiu lạnh lẽo này cũng có người Việt cư trú. Tôi bèn hỏi dồn:

- Sao cô biết ông ta là người Việt.

- Dạ thưa ông hồ sơ có ghi đó ông ạ.

- Vậy thì ông ấy vào đây lâu chưa cô?

- Hơn 10 năm.

Rồi cô khẽ lắc đầu:

- Tội nghiệp, ông ta rất hiền lành dễ thương ai cũng quý mến cả. Nhưng hiềm chẳng nói được tiếng Anh cho nên suốt ngày cứ thui thủi một mình không có bạn.

- Vậy thân nhân ông ấy có thường xuyên tới thăm ông ấy không?

- Một lần cách đây lâu lắm, hẳn có uẩn khúc gì đây.

 

Không cam tâm làm ngơ trước người đồng hương đang gặp cảnh bẽ bàng nơi đất khách, tôi tự giới thiệu tôi cũng là người Việt Nam. Cô ta trố mắt:

- Ồ thế mà tôi cứ đinh ninh ông là người Trung Hoa.

Tôi cười:

- Trong mắt người Tây Phương, thì bất cứ ai da vàng cũng là người Tàu. 

 

Cô ta pha trò:

- Cũng đâu phải lạ, nhiều anh Tàu nhan nhản khắp nơi. Ngay trong xóm da đỏ hẻo lánh tít mù trên miền Bắc cũng có. Lần nào qua đó tôi cũng ghé mua cơm chiên, chả giò vừa ngon vừa rẻ nhưng phải cái là…..

Tôi nhoẻn miệng cười:

- Mỡ dầu và bột ngọt hơi nhiều phải không cô?

Cô ta cười xoà:

- Phải nói là nhiều quá mới đúng. Khổ công tập thể dục cả tháng, ăn một bữa cơm Tàu là đâu vào đấy, có khi còn thặng dư là khác.

Tôi quay lại vấn đề:

- Tôi muốn tiếp xúc với ông lão người Việt để mà chào hỏi làm quen, có thể ông ấy cũng đang cần nói chuyện vì lâu lắm chưa có dịp.

Cô y tá mừng rỡ:

- Hay lắm, đó cũng là điều tôi mong muốn. Vùng này hẻo lánh quá nên không tìm ra người thông dịch, nhân tiện nhờ ông hỏi xem ông ấy có nhu cầu hay đề nghị gì hầu chúng tôi đáp ứng không?

- Vâng, tôi sẽ cố gắng làm điều đó cô.

 

Thấy tôi đi tới ông lão ngước lên, nhíu đôi mắt hom hem nhìn chầm chập, vừa ngạc nhiên vừa thoáng chút ngại ngùng. Tôi gật đầu chào:

- Dạ thưa chào cụ ạ.

Nét mặt rạng niềm vui, giọng nói run run vì xúc động:

- Dạ chào, chào thầy, thầy người Việt à?

Giọng ông hơi nặng và chân thật. Tôi thân mật nắm tay ông.

- Thưa cụ cháu cũng là người Việt như cụ đấy ạ.

Ông lại nghẹn ngào:

- Cảm ơn Thiên Chúa, cảm ơn Đức Mẹ Từ Bi đã cho tôi gặp được ông.

Tôi kéo ghế ngồi bên cạnh và bắt đầu trò chuyện.

- Thưa cụ, vì sao cụ cho là cuộc gặp gỡ hôm nay là do Thiên Chúa và Đức Mẹ sắp đặt.

- Tại đêm nào tôi cũng cầu nguyện ơn trên cho tôi gặp được người đồng hương.

- Có chuyện gì khẩn cấp không thưa cụ?

- Để được nói chuyện bằng tiếng Việt mình thôi.

Cụ thở dài:

- Lâu lắm rồi tôi chưa được nói hay là nghe tiếng mẹ đẻ.

 

Nhức trong tim, tôi bùi ngùi thương cảm, một ước mơ thật đơn giản mà sao quá xa vời. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Ông kể:

 

Tên tôi là Tỉnh, Nguyễn Văn Tỉnh, trước kia ở Bình Tuy, làm nghề biển, có thuyền đánh cá. Tuy không giàu, nhưng cuộc sống cũng sung túc. Tôi có vợ, 3 con trai, đứa lớn nhất còn sống thì giờ này cũng đã gần 50. Năm 75, Cộng Sản tràn vào, cả nước kéo nhau chạy nạn, sẵn phương tiện trong tay tôi chở vợ con vượt thoát, nhưng chẳng may là sau 3 ngày lênh đênh trên mặt biển thì gặp bão lớn tàu chìm. Tôi và đứa con út lên 6 được may mắn đã gặp tàu Mỹ nó vớt, còn vợ và 2 đứa con lớn thì mất tích thầy ạ. Sau đó thì tôi được bảo trợ về Louisiana, nơi đây có đông người đồng hương nên cũng đỡ buồn. Tôi bắt đầu tái tạo sự nghiệp, hùn hạp với bạn bè mua tàu đánh cá làm việc ngày đêm, trước là để vơi buồn, sau là tạo dựng tương lai cho thằng Út, giọt máu cuối cùng còn sót lại của tôi. Tôi ước mong thằng bé sẽ theo cha mà học nghề biển nhưng nó thì không muốn. Nó chỉ thích làm bác sĩ, kỹ sư ngồi nhà mát thôi chứ không chịu dãi nắng dầm mưa như bố, thế nên thầy biết không, vừa xong trung học là nó quyết chọn trường xa để mà tiếp tục theo đại học”.

 

Ông ngừng lại một chút để dằn cơn xúc động rồi ngậm ngùi kể tiếp:

 

Tôi chỉ có mình nó, không thể sống xa con, nên quyết định là bán hết tài sản để mà dọn theo, bạn bè ai cũng ngăn cản thầy ạ, nhưng tôi quyết giữ lập trường, mang hết tiền dành dụm đến cái tiểu bang này mua 1 căn nhà nhỏ ở ngoại ô, còn chút ít thì gửi vào trong quỹ tiết kiệm lấy lời sống qua ngày. Hai cha con đùm bọc nhau, cuộc sống tuy chẳng sung túc nhưng chẳng nhẹ nhàng. Tuổi ngày một già thì sức khỏe càng yếu, năm ấy trời mưa đá, tôi bị ngã gẫy chân thầy ạ. Bác sĩ cho biết xương già thì không có lành được và phải vĩnh viễn ngồi trên xe lăn. Thằng Út ra trường có việc làm ở Nữu Ước.

 

Tự biết là khó có thể theo con và không muốn làm trở ngại bước tiến thân của nó nên tôi xin vào viện dưỡng lão. Tôi lên tiếng trước thầy ạ cho nó khỏi bị khó xử. Nó giúp tôi làm thủ tục và hứa là khi nào làm ăn yên ổn nó sẽ đón tôi về. Các viện dưỡng lão tương đối khá đều hết chỗ, may thay trong lúc đang bối rối thì có anh bạn học người da đỏ quen Út mách cho tôi nơi này. Thấy con tôi buồn tôi bèn an ủi nó: nơi nào cũng là quê người, cũng giống nhau thôi, thỉnh thoảng con về thăm bố là bố vui rồi. Thế là cả ngôi nhà lẫn tiền dành dụm phải trao hết cho viện dưỡng lão, dĩ nhiên là tôi được nhận.”

 

Ánh mắt xa xôi nhìn về phía chân trời đang có đàn chim chiều đang soải cánh ông chép miệng:

- Chà nhanh quá, mới đó đã 10 năm rồi.

- Thưa cụ, thời gian qua chắc là anh Út vẫn thường xuyên về thăm cụ chứ?

- Ừ, một năm thì nó cũng trở lại, nó khoe tôi hình cô gái Mỹ và nó nói, dâu tương lai của bố đó. Rồi thầy biết không, từ đó biệt tăm luôn.

- Cụ hoàn toàn không biết tin tức gì về anh ấy sao? 

- Không, mà thật tình tôi cũng không muốn biết nữa.

- Tại sao, anh ấy là con trai duy nhất của cụ mà? Cháu sẽ giúp cụ tìm anh ấy nhé?

 

Ông lão rơm rớm nước mắt:

- Tôi sợ lắm, thầy ơi, thà biền biệt như thế mà tôi vẫn tin tưởng là nó đang sống tốt với vợ con ở một nơi nào đó trên quả đất còn hơn là biết tin buồn. Quả tình tôi không kham nổi.

 

Tôi nghẹn lời nói không được, lát sau qua cơn xúc động, tôi bèn hỏi:

- Giờ đây cụ có còn ước nguyện gì thì cụ cho cháu biết, cháu sẽ hết lòng giúp với tất cả khả năng của mình thưa cụ.

Ông lão thở dài:

- Già rồi còn được mấy năm trước mặt hở thầy?

Ánh mắt chợt linh động, ông nhìn tôi và chép miệng:

- À, mà tôi thèm một bát bún riêu quá.

 

Hai tuần sau vào ngày Chủ Nhật, tôi nhờ chị bạn thân nấu giùm 2 bát bún riêu cua, bún nước để riêng, có đầy đủ chanh, rau, nước mắm, ớt hiểm tươi còn đặc biệt có thêm lọ mắm ruốc thật ngon. Tôi cho tất cả vào túi xách đem vào viện dưỡng lão Lakeview. Mất hơn 4 giờ, sau cùng tôi đã tới. Như lần trước, ông vẫn ngồi trên xe lăn gần cửa sổ cuối phòng.

 

Bất ngờ trông thấy tôi ông mừng rỡ kêu lên:

- Ồ kìa thầy, thầy lại về đây công tác hở thầy?

Tôi chạy tới nắm tay ông:

- Dạ thưa lần này thì cháu chỉ đến đây thăm cụ và cháu có một món quà đặc biệt mang biếu cụ đây.

Lộ vẻ cảm động ông cụ nhoẻn cười đôi mắt nhăn nheo:

- Bày vẽ làm chi hở thầy, đến thăm tôi là quý rồi thầy ơi.

Tôi xin phép ban quản lý đưa cụ ra vườn vì thức ăn nặng mùi mắm ruốc nên tôi phải mang theo 1 lọ cồn nhỏ để đun nóng ngoài trời. Cụ chăm chú nhìn tôi bỏ bún ra tô, trộn rau ghém, nêm mắm ruốc, chan nước dùng nghi ngút bốc hơi, rắc chút tiêu thơm trên lớp gạch cua nổi vàng trên mặt. Nặn hai lát chanh tươi và sau cùng là ba trái ớt hiểm đỏ thơm nồng cay xé lưỡi. Không nén được thèm thuồng, chốc chốc cụ lại nuốt nước bọt. Tôi đặt tô bún riêu trước mặt và mời cụ cầm đũa. Cụ run giọng:

- Cám ơn thầy, không ngờ hôm nay tôi còn được ăn bát riêu cua. Mời thầy cùng ăn cho vui ạ.

- Cám ơn cụ, cháu đã ăn xong ở nhà, xin cụ dùng tự nhiên, bún riêu còn nhiều, hết tô này cháu sẽ hâm tô khác.

Cụ trịnh trọng húp từng muỗng xúp, gắp từng đũa bún, cắn từng miếng ớt cay ngon lành như chưa từng được ăn ngon, chốc chốc cụ dừng tay để lau mồ hôi và luôn miệng khen tấm tắc:

- Trời ơi, bún riêu ngon quá mà mắm ruốc thơm quá thầy ơi.

Tôi cảm động đặt tay lên vai cụ:

- Thưa nếu cụ bằng lòng nhận cháu làm con, cháu sẽ thay anh Út và thường xuyên thăm viếng cụ nhé.

Cụ sững sờ nhìn tôi thật lâu như không tin ở tai mình rồi hai dòng nước mắt từ từ lăn dài trên đôi má hóp:

- Trời ơi, sao tôi có được diễm phúc như vậy sao trời!

Tôi yêu cầu ban quản lý ghi tên tôi vào danh sách thân nhân, và dặn dò khi có chuyện cần thì cứ gọi. Năm sau, còn một ngày nữa là Tết, tôi đã chuẩn bị xong quà cáp có cả trà thơm, mứt ngọt dự định sáng hôm sau Mồng Một đầu năm sẽ mang lên Lakeview mừng tuổi cụ. Đang ngon giấc, chợt có chuông điện thoại, tôi nhấc ống nghe, bên kia đầu dây tiếng cô y tá trực của viện dưỡng lão Lakeview:

 - Dạ thưa hỏi, có phải ông là ông Trần không?

- Dạ vâng ạ, là chính tôi đây .

- Dạ thưa ông, cụ Tỉnh đau nặng.

- Tình trạng thế nào có nguy không cô?

- À, đang nằm phòng hồi sinh bệnh viện ở thành phố đó thưa ông.

- Cám ơn cô rất nhiều, ngày mai tôi sẽ đến cụ.

- À ông nên đi sớm hơn đi là vì sợ không còn dịp nữa.

Tôi rụng rời, ngoài trời tuyết rơi càng lúc càng nhiều, trời trở lạnh, gió giật từng cơn, hoa tuyết bay nghiêng như ngàn vạn mũi tên bắn vào kính nghe rào rào như vãi cát. Không gian mờ mịt, rừng phong trắng xoá một màu, tuyết phủ lớp dầy trên mặt đất. Tôi rà thắng cho xe chạy chậm để khỏi rơi xuống hố. Sau cùng cũng tới được bệnh viện Hayward.

Cô y tá nhìn tôi ái ngại:

 

- Thưa ông, suốt đêm qua ông ấy cứ gọi tên một người nào đó. Không biết có phải là ông không ạ.

- Cô còn nhớ là ông gọi tên gì không?

- Chỉ một tiếng duy nhất, dường như là Work hay Út gì đó.

Tôi đã hiểu là thằng Út.

Tôi hé cửa lách vào trân trối nhìn ông rồi ngồi xuống bên giường, người ông khô đét, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở yếu ớt. Tôi nhẹ nhàng đặt tay lên vầng trán nhăn nheo. Ông chợt cử động rồi thều thào.. Út.. Út.

Nước mắt chực trào ra, giờ phút nầy tôi phải làm một điều gì để ông được mỉm cười khi vĩnh biệt. Tôi bóp nhẹ bàn tay gầy guộc và nghẹn ngào:

- Thưa cha, con đã về đây thưa cha.

Mi mắt ông động đậy, cố nhướng nhìn lên. Rồi kiệt sức nên từ từ khép lại nhưng môi còn mấp máy:

- Út.. Út, Út con.

- Phải thưa cha, con là Út đây cha. Con là đứa con bất hiếu đã quay về bên cha để xin cha tha thứ cho con.

Tôi cảm được các ngón tay khô gầy đang bắt đầu cử động trong lòng tay tôi, cố nắm giữ đứa con yêu đừng có xa rời. Nước mắt tôi vô tình rơi xuống làn môi khô nứt nẻ đang hé một nụ cười.

 

Gia tài ông để lại là một bọc vải nhỏ trong ấy có một tượng chúa Giê-Su bị đóng đinh trên cây thập giá và tấm hình đen trắng đã trổ vàng chụp gia đình 5 người đoàn tụ, đứa nhỏ nhất còn bế trên tay, tôi đoán nó tên là Út.

 

Tuổi xuân giờ đã đi đâu

Còn đây tóc bạc phai màu thời gian

 

Tác giả Ẩn Danh