Nội dung
Dinh dưỡng khi bị Cao Huyết Áp. Bác sĩ Nguyễn Ý Đức - Nguyễn Đức Cao sưu tầm

Ngày đăng: 23/06/2013

Danh mục: SƯU TẦM

Câu Chuyện Thầy Lang

Dinh dưỡng khi bị Cao Huyết Áp.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Huyết áp là sức ép của máu vào thành động mạch khi tim bóp, đưa máu đi nuôi cơ thể.

Huyết áp lý tưởng là dưới 120/80mmHg.

Tiền Cao Huyết áp khi HA tâm thu từ 120-139 và HA tâm trương từ 80-90.

Khi HA từ 140-159 hoặc 90-99 là cao huyết áp.

Cao huyết áp thường không có triệu chứng, vì thế được coi như là “Tên Sát Nhân Thầm Lặng”, Silent Killer. Quá bán bệnh nhân cao huyết áp đều không điều trị. Mà không điều trị có thể đưa tới suy tim.

Ngoài dược phẩm, Cao huyết áp có thể kiểm soát được với một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh huyết áp cao do Uỷ Ban Đặc Nhiệm Chống Cao Huyết của Hoa Kỳ đưa ra vào tháng 4 năm 2004 là một chế độ đặt trọng tâm vào nhiều rau , trái cây; các loại sữa và pho mát đã bỏ bớt chất béo; thực phẩm ít béo bão hòa và cholesterol; nhiều chất xơ, khoáng kali, magnesium; và chất đạm dùng vừa phải.

Sau đây là vài ý kiến về vấn đề dinh dưỡng để kiểm soát bệnh Cao Huyết Áp.

1.Muối ăn.

Cách đây vài thập niên, khi chưa có dược phẩm để kiểm soát cao huyết áp thì giới hạn tiêu thụ muối là biện pháp chính. Trong một thời gian dài, thầy thuốc chỉ biết khuyên bệnh nhân hạn chế muối (ăn lạt) và vận động cơ thề để đối phó với cao huyết áp. Ngày nay, tuy việc giảm muối không còn là biện pháp chính, nhưng vẫn có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị cao huyết áp ở một số người.

Đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc giới hạn lượng muối ăn mỗi ngày.

Một số nhà nghiên cứu cho là muối không gây ảnh hưởng gì đối với người có huyết áp bình thường. Với người tăng huyết áp thì giới hạn muối chỉ hạ thấp một tỷ lệ rất nhỏ. Do đó các nhà nghiên cứu của nhóm này không tin tưởng nhiều vào công hiệu của tiết giảm muối trong việc trị cao huyết áp.

Trong khi đó lại có nhiều nghiên cứu khác quả quyết là có một sự liên hệ giữa cao huyết áp và dùng nhiều muối, đặc biệt là ở người trung niên và cao tuổi. Theo họ, giới hạn tiêu thụ muối là điều cần để chữa và phòng ngừa cao huyết áp.

Nhiều người rất nhậy cảm với một lượng lớn muối, khiến cơ thể giữ nhiều nước để cân bằng dung môi chất lỏng. Khi nước được giữ lại nhiều hơn thì dung lượng của dòng máu cũng tăng theo, mạch máu căng ra, làm huyết áp tăng lên. Trái tim và thận cũng phải làm việc nặng nhọc hơn để lưu hành máu phụ trội. Với những người này thì giới hạn muối là điều nên làm trước khi huyết áp lên cao.

Đồng ý là nhiều muối chỉ nâng cao huyết áp ở một số người (10-20%) nhưng đây cũng là con số đáng kể. Hơn nữa, quá nửa quý vị lão niên đều có cao huyết áp mà không biết. Có thể là do dùng nhiều muối trong lúc thiếu thời đã làm suy yếu sự bảo vệ của gene di truyền với bệnh này.

Nhận xét về cách ăn uống của một số sắc dân trên thế giới cho thấy rằng, nhóm dân nào dùng nhiều muối thì tỷ lệ cao huyết áp gia tăng và ngược lại, những nơi tiêu thụ ít muối thì tỷ lệ bệnh này cũng giảm xuống.

Theo các chuyên viên dinh dưỡng, ta chỉ nên dùng dưới 2000mg muối mỗi ngày, tương đương với một thìa nhỏ muối. Chú ý rằng đó là bao gồm toàn thể số lượng muối có trong thức ăn nước uống trong ngày. Bởi vì muối cũng có trong nhiều loại thức ăn, nước uống chứ không phải chỉ do chúng ta thêm vào khi nấu nướng.

Đa số thực phẩm làm sẵn như đồ hộp, thực phẩm đông lạnh đều có nhiều muối. Các nhà sản xuất đã cố gắng cắt giảm muối trong thực phẩm chế biến, nhưng vẫn còn khá cao. Lý do là khi thêm muối thì món ăn sẽ hấp dẫn hơn so với một món ăn nhạt. Vì thế, các vị cao niên thường dùng nhiều muối gấp hai người trẻ tuổi, mà thực ra chỉ là để thỏa mãn khẩu vị chứ không cần thiết cho cơ thể.

Để giảm muối cũng không khó khăn lắm, mà chỉ cần có sự quyết tâm:

-Khi nấu, nên cho muối hơi nhạt, rồi thêm vào đôi chút khi ăn nếu cảm thấy cần;

-Xả bớt muối trong rau đóng hộp;

-Lưu ý số lượng muối trong nước uống, vì nhiều nơi có lượng rất cao;

-Đọc kỹ nhãn hiệu thực phẩm để biết rõ số lượng muối trong món ăn.

2- Chất béo.

Chất béo trong máu nhiều quá sẽ làm các thành phần khác của máu kết dính với nhau, tim phải tăng sức co bóp để đẩy máu dính cục này vào động mạch và do đó áp suất động mạch tăng theo.

Một số nghiên cứu cho thấy khi giảm chất béo thì huyết áp cũng giảm theo. Có ý kiến cho rằng giảm chất béo làm hạ huyết áp tốt hơn là giảm muối. Một vài loại cá chứa nhiều béo omega- 3 lại làm hạ bệnh cao huyết áp.

3-Béo phì.

Rất nhiều kết quả nghiên cứu chứng minh sự liên hệ giữa mập phì và huyết áp cao. Người mập có nguy cơ bị cao huyết áp hơn người bình thường từ hai tới sáu lần. Theo một vài thống kê thì có tới 60% người cao máu đều mập.

Lý do là khi ta mập thì trái tim phải làm việc liên tục nhiều hơn để cung cấp đủ máu cho khối lượng tế bào lớn hơn của cơ thể.

Một lý do nữa là người mập dễ bị tiểu đường loại II, mà tiểu đường là một trong nhiều nguy cơ đưa tới cao huyết áp. Do đó, giảm cân thường là bước đầu trong việc trị cao huyết áp ở người mập.

Giảm tổng số năng lượng tiêu thụ, giảm muối, tăng vận động cơ thể là những phương thức hữu hiệu để giảm cân. Giảm cân cũng làm giảm cholesterol, giảm tiểu đường và cuối cùng là giảm các nguy cơ bệnh tim mạch.

4-Rượu.

Thống kê cho hay, từ 5 tới 7% người cao huyết áp đều tiêu thụ nhiều rượu bia các loại. Chỉ cần 100ml rượu là đủ để nâng áp suất mạch máu lên 3 mmHg.

Do đó, đề ngừa cao huyết áp, tốt nhất là không nên uống rượu bia. Và nếu có uống thì nên giới hạn mỗi ngày không quá hai lần, mỗi lần 50 cc rượu mạnh, 150 cc rượu vang và 350 cc bia.

5. Một số muối khoáng

Một số các muối khoáng như Kali (K), Magnesium, Calci cũng có vai trò tuy khiêm nhường nhưng tích cực đối với huyết áp.

Theo một số nghiên cứu, K giảm huyết áp bằng cách làm thư giãn mạch máu, lòng mạch máu rộng hơn, giảm sức cản thành động mạch; làm tăng sự bài tiết nước và muối natri ra khỏi cơ thể; làm giảm renin tiết ra từ thận. Kali có nhiều trong chuối, trái cam, trái bơ, khoai tây, hạt đậu...

Magnesium làm hạ huyết áp bằng cách làm giãn mở mạch máu, giảm lực cản động mạch. Mg có nhiều trong các rau có lá xanh, các loại hạt, thịt, cá, trứng...

Calci làm giảm cao huyết áp gây ra do ăn nhiều muối natri. Calci có nhiều trong rau lá xanh, sữa, phomát, sữa chua, cá hộp sardine, salmon...

6.Rau, Trái cây.

Thực phẩm thực vật cũng làm giảm cao huyết áp, đó là nhờ chất xơ trong trái cây và các chất chống oxy hóa như sinh tố C.

Các nhà dinh dưỡng đã đề nghị dùng nhiều loại rau, trái cây, các loại hạt khác nhau. Tỏi, rau cần tây, mướp đắng, đã được dân gian dùng từ nhiều ngàn năm để chữa cao huyết áp vì tính cách lợi tiểu của chúng.

Ngoài ra, để kiểm soát huyết áp, người bệnh cũng cần có một chương trình vận động cơ thể đều đặn, vừa sức mình. Người ít vận động dễ bị cao huyết áp hơn người vận động tới 30%. Sự vận động cơ thể đều đặn có thể làm hạ huyết áp tâm trương và tâm thu từ 6-7 mmHg.

Kết Luận

Mắc bệnh huyết áp cao mà không điều trị thì tuổi thọ chỉ còn khoảng vài chục năm kể từ khi triệu chứng xuất hiện. Khi đã có biến chứng mà không điều trị thì sống tối đa không quá dăm bẩy năm. Còn nếu điều trị nghiêm túc thì tuổi thọ sẽ kéo dài hơn.

Vì thế, sự lựa chọn là ở trong tầm tay của mọi người. Và những hiểu biết về dinh dưỡng góp phần đáng kể trong việc giảm nhẹ nguy cơ mắc bệnh cũng như làm chậm quá trình tiến triển khi đã mắc bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Comment
Họ và tên : (*)
Email : (*)
Tiêu đề : (*)
Comment (*)