Ngày đăng: 31/12/2012
Danh mục: Bài viết, cảm xúc
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
TRƯỜNG TRUNG HOC NÔNG LÂM SÚC - ĐỊNH TƯỜNG
Trường trung học Nông Lâm Súc Định Tường được thành lập theo Nghị định số 1398 – QDTN/PC/NĐ ngày 28/8/1968. Trụ sở trường đặt tại xã Tân Mỹ Chánh, cạnh tĩnh lộ 24 đường đi Mỹ Tho – Gò Công cách thành phố Mỹ Tho khoảng 3 km. Tổng diện tích 4 ha, do tỉnh Định Tường cấp trên nền đất ruộng lúa thuộc công điền.
Ban đầu trường vừa hoạt động vừa xây dựng cơ sở vật chất. Phải mất 3 năm từ năm 1968 đến 1971 mới cơ bản ổn định. Khóa học đầu tiên khai giảng năm học 1968 gồm 2 lớp 8. Vì chưa có phòng ốc, các em phải học nhờ lớp học của trường tiểu học Tân Mỹ Chánh. Ban điều hành đầu tiên chỉ có 3 người là thầy Nguyễn Công Bình (xử lý thường vụ ) thầy Nguyễn Trung Bình ( giám canh) và cô Hà Kim Phụng (phụ trách hành chính).
Sang năm học 1969 -1970 trường tuyển thêm 2 lớp 8, gồm tổng số 4 lớp. Thầy Nguyễn Tấn Phúc được bổ nhiệm hiệu trưởng, thầy Bình làm giám học. Đồng thời trường cũng được bổ sung nhiều thầy cô dạy chuyên môn và phổ thông.
Không may trường tiểu học Tân Mỹ Chánh đề nghị lấy lại lớp học. Thầy trò phải di đời đến ở đậu trường tiểu học Song Bình, cách đó 2 km. Các em học lý thuyết tại Song Bình, học thực hành tại khuôn viên trụ sở trường. Thầy trò phải luân phiên di chuyển liên tục, khá vất vả. Tuy nhiên trong khó khăn đã bộc lộ rõ tinh thần lạc quan chịu khó, dù vất vả thiếu thốn nhất định không bỏ cuộc,.
Đến niên khóa 1971-1972 trường mới xây xong. Gồm 2 dãy lớp, văn phòng, nhà kho, xưởng thực tập công thôn, trại chăn nuôi… Phương tiện thực hành khá đầy đủ gồm máy kéo, máy cày, xe cơ giới, nhiều dụng cụ cầm tay. Khu thực tập trồng trọt rộng khoảng 2 ha trải dài bên cánh phải đối diện khu văn phòng và lớp học, rất đẹp và thuận lợi.
Khó khăn cuối cùng là trường không được cấp kinh phí để làm đường đi, hàng rào bảo vệ, tôn tạo cảnh quan khuôn viên, sân bãi thể thao và giải trí cho các em học sinh.
Có lẽ do nhu cầu xã hội khách quan và tinh thần hào sảng hiếu học của người dân vùng đất nông nghiệp Mỹ Tho trù phú nên có nhiều mạnh thường quân đã thiết thực giúp đỡ gỡ khó cho trường kịp thời.
Đáng kể nhất là việc giúp đào một kênh nước rộng 6m dài khoảng 150m lấy dất đấp đại lộ chính ngăn đôi khu trường ốc và khu thực tập trồng trọt, đào ao nuôi thủy sản và xây trại thực hành chăn nuôi. Rồi đắp đường nối liền cổng trường tới tỉnh lộ 14, dài trên 100m. Rồi xây cổng trường, xây cầu bắt ngang kênh nối khu thực tập , xây cột cờ… Nếu không có được các hỗ trợ quý giá trên, việc xây dựng trường phải kéo dài thêm ít nhất 2 năm.
Các công việc tôn tạo lặt vặt khác thì rất nhiều, hầu hết do học sinh các lớp đóng góp công sức, giành nhiều thời gian đào đắp trồng tỉa, tưới tiêu… trong các giờ thực hành. Các em đã góp phần xứng đáng của mình để tôn tạo trường có bộ mặt khang trang, chu chỉnh.
Niên khóa 1972 -1973 trường có ban giám hiệu mới, thầy Nguyễn Thanh Vân thay thầy Phúc chuyển về Sài Gòn, các thầy Nguyễn Văn Lộc, Trương Công Lân lần lượt được bổ nhiệm làm giám học và tổng giám canh.
Tính đến niên khóa 1973 -1974 trường có 12 lớp với tổng số khoảng 600 học sinh :
1 Lớp 8; 2 lớp 9 ; 3 lớp 10, 3 lớp 11; 2 lớp 12
Tuy vần giữ một số lớp đệ nhất cấp, nhưng trường bắt đầu chuyển hướng chú trọng đào tạo đệ nhị cấp. Khi ấy đã có nhiều trường đệ nhất cấp xung quanh như Bến Tranh, Gò Công, Bến Tre… được thành lập và phát triển rất mạnh.
Một đặc điểm chung rất tiêu biểu của các trường trung học NLS là chương trình Kế Hoạch Sản Xuất nhỏ của từng cá nhân và tập thể nhỏ học sinh Nông Lâm Súc, và tổ chức Nông Gia Tương Lai
Trường có 4 chi đoàn NGTL:
1 2 chi đoàn Trí Dũng
2 1 Chi đoàn Trí Tâm
3 1 Chi đoàn Đồng Xanh (nữ)
Các chi đoàn NGTL đạt được nhiều thành tích nổi bật về sản xuất, thể thao và hoạt động xã hội. Hai chương trình này giúp trang bị cho học sinh tinh thần đồng đội, tự tin, tháo vát khi bước vào đời.
Sau năm 1975, do điều kiện khách quan lịch sử, trường Trung học Nông Lâm Súc Định Tường đã giải thể. Thầy Trương Công Lân thay thầy Vân làm hiệu trưởng từ niên khóa 1974-1975, là hiệu trưởng cuối cùng của trường. Trường đã đào tạo được cả thảy 6 khóa, với khoảng 1000 “ Nông Gia Tương Lai”.
Thầy Nguyễn Tấn Phúc
TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC - Trần Văn Hảo -
NHẪN NHỤC - NHÌN LẠI NHAU - Đặng Hoàng Minh sưu tầm -
ĐÔI DÒNG VỀ "NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ” CỦA NHÀ THƠ LÊ NGỌC PHÁI - Nguyễn Thị Tuyết Mai (Cựu Giảng viên ĐHKH Huế) -
Hạ Về - Dương Xuân Triêu -
Tấm lòng - T2 -
ĐỜI NGƯỜI KHÔNG QUAN TRỌNG DÀI HAY NGẮN - Hao Van -
Một người gốc Việt đoạt giải thưởng TJ Park POSCO - Nhựt Đăng -
CUỘC SỐNG Ở NHẬT BẢN - Nguyễn Trung Quân sưu tầm -
BA VÀ TÔI - Nguyễn Thị Diệu Anh - Trần Văn Hảo sưu tầm -
CẢM XÚC VỀ "NGÀY CỦA CHA” 18/7/2017. - Nguyễn Hưu Trí -