Nội dung
ĐÊM NẰM NGHE TIẾNG RAO HÀNG - HÀ VIỆT HÙNG -

Ngày đăng: 22/11/2016

Danh mục: Bài viết, cảm xúc

Nằm đêm nghe tiếng rao hàng


Hà Việt Hùng

rao_hang_dem

Cách đây vài năm, gia đình tôi về Sài Gòn sau những năm xa cách. Đêm đầu, tôi không sao ngủ được vì lạ nhà, vì nóng, vì thằng cháu nhỏ 7-8 tuổi, con cô em út, nằm xoay người đạp vào mặt, và vì…lung tung chuyện của người già.

Tôi có thói quen đi ngủ vào lúc 10 giờ đêm, nhưng đêm nào cũng cứ trằn trọc, suy nghĩ chuyện  đời đến 12 đêm, 1 giờ sáng hay hơn, mới ngủ được. Cũng may từ ngày “đổi mới”, nhà không có muỗi như trước đây. Không phải ngủ trong mùng ngột ngạt là thích rồi. Còn chuyện ngủ trong không khí oi nồng thì tôi xin chịu, không biết làm sao. Biết chúng tôi ở nước ngoài về, chồng cô em đã mở máy lạnh, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy nóng, chắc phải 1-2 tháng nữa mới quen lại. Tôi không dám nói, vì sợ là…“ở nước ngoài về làm phách”.

Đêm nay, cũng như bao đêm khác, tôi nằm mãi không sao ngủ được. Chợt có tiếng rao hàng từ đàng xa:

“Ai ăn chè đậu đen… nước dừa…đường cát không?…”

Tiếng rao quen thuộc, khắc khoải của người phụ nữ ở mãi xa, rơi vào lòng tôi, rồi mất hút ở đoạn cuối. Tiếng “không” cuối cùng ngân dài ra, vừa có vẻ mệt mỏi, vừa có vẻ chịu đựng. Ai còn ăn chè vào giờ này? Tôi tự hỏi, nhưng không sao tìm được câu trả lời. Có lẽ đây là văn hóa…gồng gánh bán bưng và ăn uống đặc thù của Sài Gòn. Có thể cảnh buôn bán thế này chỉ có ở VN.

Vế thứ hai của lời rao hàng “nước dừa”, theo tôi, mất chữ “cốt” nhưng không sao, vì ai cũng hiểu. “Chè đậu đen” là phải nấu với “nước cốt dừa”, chứ ai lại nấu với “nước dừa”.

Giờ này, có thể chồng bà và các con đã đi ngủ, đến mấy giờ mới bán xong gánh chè này, và tiền lời là bao nhiêu, có nuôi nổi một gia đình đông con trong một ngày, với bao nhiêu thứ tiền cần phải chi tiêu ra?

Thành phố này thay đổi khá nhiều so với ngày gia đình tôi đi. Nhà cửa mọc lên như nấm, cái cao cái thấp, cái ra cái vào, cái lớn cái nhỏ, và cái xanh cái đỏ trông rất XHCN. Đặc biệt phần lớn buôn bán tại nhà, bảng hiệu và bảng quảng cáo xanh đỏ lòe loẹt, nhìn nhức mắt.  Nhiều đường đã thay tên, đổi họ, không nhận ra.

Về để thấy đất nước của mình người thường dân làm chủ, rác rến đầy đường, bụi bẩn khắp nơi. Hôm qua, cậu em lấy xe van của nhà, chở chúng tôi từ sân bay Tân Sơn Nhất về, tôi ngồi ghế sau. Khi xe đang chạy trên đường Đồng Khởi cũ, tôi chợt thấy ông tài xế tương đối đứng tuổi, quay kính xe xuống (lúc đó bên ngoài trời nóng, xe mở máy lạnh), thản nhiên bóp và vứt chai nước nhựa đã uống cạn xuống mặt đường, rồi lại tỉnh bơ kéo kính xe lên. Tôi để ý thấy ông tài xế đưa mắt nhìn tôi, có vẻ thách thức là đằng khác. Hai vợ chồng cô em tôi vẫn “tỉnh bơ” như… chuyện thường ngày ở huyện.

Tôi thấy nhột nhạt, khó chịu, đưa mắt nhìn ông tài xế, nhưng ông ta chẳng nói gì, cứ tiếp tục lái. Đường đông người và xe cộ, tiếng còi xe ầm ĩ không nhường nhịn nhau vang lên, khói bay mù mịt cả mắt và mũi. Có những chiếc xe gắn máy hai bánh lạng lách, bất kể nguy hiểm. Sài Gòn là thế. Chen chúc nhau từng tấc đất một. Tự nhiên tôi nghĩ đến đám dòi lúc nhúc. Chúng đang lúc nhúc bên nhau, nhưng không thoát được.

“Ai ăn chè đậu đen… nước dừa…đường cát không?…”

Đúng y như tiếng rao trước, khắc khoải, chịu đựng, mượt mà, như tập nhuần nhuyễn từ trước. Tiếng rao vang trong đêm vắng lặng, buồn buồn.

Tiếng gõ “lóc cóc…lóc cóc…” nổi lên. Tiếng gõ thay cho lời rao. Có thể một người đi trước, gõ hai thanh tre ngắn vào nhau, làm phát ra những âm thanh ấm áp. Ai muốn mua, cứ gọi người  này vào dặn dò. Chỉ 5 phút sau là có một (những) tô mì nóng hổi, bốc khói, bay mùi thơm ngào ngạt. Có người thích “mì gõ” hơn mì bán trong các tiệm ăn sang trọng, kiểu cách.

Sài Gòn còn quá nhiều chênh lệch giữa giầu và nghèo. Người giầu thì quá giầu, không biết cất tiền ở đâu; đại đa số người nghèo thì quá nghèo, chạy ăn từng bữa một, cật lực mưu sinh.; số đại gia chính đáng đếm chỉ trên đầu ngón tay; vì có nhiều tiền, họ làm những điều lố bịch, gian xảo, nhiều khi làm băng hoại đạo lý, xã hội, chơi ngông cho “thiên hạ sợ chơi”. Nên có câu ca dao

“Ông Nỉnh, ông Ninh
Ông ra đầu đình
Ông gặp ông Nang
Ông Nảng, ông Nang
Ông ra đầu làng
Ông gặp ông Ninh…”

T


Bánh giò…”

Tiếng rao đàn ông vang lên ngắn ngủi, nặng trĩu, đi nhanh qua nhà, Tiếng rao nhanh quá đến nỗi tôi có cảm tưởng ông ta không muốn có người mua. Khoắng chân xuống giường tìm được đôi dép, người bán bánh đã đi xa, chưa kể khoác vội cái áo ngoài cho tươm tất, lịch sự. Có lẽ người đàn ông đi rao hàng bằng xe đạp, đạp qua nhà cô em út của vợ tôi. Tôi tưởng tượng cảnh ông ấy đèo thúng bánh nóng hổi và nặng, phía trước hay phía sau chiếc xe cũ, đạp ào qua từng nhà, hay luồn lách qua ngõ hẻm khác.

“Bánh giò…” 

Có lẽ bây giờ là 3 hay 4 giờ sáng. Có người đã thức giấc, chuẩn bị đi làm ca đầu.

Rồi đến tiếng rao của cậu bé bán báo rõ mồn một:

“Báo mới đây… Báo Công An, Lao Động, Pháp Luật, Thanh Niên, Tuổi Trẻ đây…”

Cậu bé rao một hơi những cái tựa báo như đã cố học thuộc lòng từ trước, và hình như cậu ta đã mang chân không, đôi chân bé bỏng không giầy dép gì cả.

Thì ra… tôi đã thức cả đêm nghe tiếng rao hàng. Biết bao giờ mới hết tiếng rao hàng ban đêm trên quê hương tôi?

Hà Việt Hùng
10-2016
Comment
Họ và tên : (*)
Email : (*)
Tiêu đề : (*)
Comment (*)