Nội dung
TP. HCM công bố dịch Zika -

Ngày đăng: 24/10/2016

Danh mục: Thông báo

TP. HCM công bố dịch Zika
Thứ ba, 18/10/2016, 12:45 (GMT+7)
Trước diễn biến phức tạp của dịch do virus Zika, sáng 18-10, Sở Y tế TPHCM cho biết, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu vừa có văn bản công bố dịch bệnh do virus Zika quy mô xã, phường trên địa bàn TPHCM.
 
Theo đó, lãnh đạo UBND TP yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với các Sở - ngành liên quan thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, các đơn vị trên cũng phải quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh do virus Zika trên địa bàn TP, tiếp tục tăng cường vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng tại các khu dân cư và hộ gia đình và không để phát sinh các ổ dịch bệnh mới.
Trước đó, qua giám sát, Sở Y tế TPHCM vừa ghi nhận thêm 2 phụ nữ nhiễm virus Zika (một ở quận 2 và một ở quận 12). Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng 2 quận tiến hành điều tra dịch tễ tại nhà và xung quanh nhà bệnh nhân, phun hoá chất diệt muỗi trong phạm vi ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhân viên y tế dự phòng cũng trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân và người nhà về kết quả xét nghiêm và những việc cần làm để phòng bệnh trong gia đình. Đồng thời truyền thông nhằm chuyển tải thông điệp phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika cho người dân trong khu vực bệnh nhân sinh sống, lập danh sách và tư vấn phòng bệnh trực tiếp cho thai phụ trong phạm vi ổ dịch, giám sát phát hiện ca bệnh mới…
 
Truyền thông phòng chống dịch virus Zika tại sân bay Tân Sơn Nhất
 
Tại địa bàn quận 9, Sở Y tế TPHCM cũng ghi nhận một trường hợp nhiễm virus Zika.  Bệnh nhân là nữ, 28 tuổi, nội trợ,  khởi phát bệnh với triệu chứng phát ban kèm theo sốt, đau cơ, đau khớp. Trước khi bị bệnh, bệnh nhân không đi ra khỏi nơi ở. Trong nhà và xung quanh không ai bị bệnh tương tự…
Trước diễn biến phức tạp của dịch do virus Zika, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus Zika và đặc biệt tăng cường các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh do virus Zika trên toàn thành phố.
Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, thời gian qua, thành phố tiến hành giám sát dịch trọng điểm theo hệ thống tại 30 bệnh viện của thành phố; đã thực hiện lấy mẫu tầm soát dịch là 748 mẫu, kết quả đã phát hiện 2 ca dương tính với virus Zika ở quận 2 và quận 9. Theo đó, công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được tiến hành thường xuyên, trong đó có phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đánh giá người dân vẫn chưa nhận thức đúng về bệnh, nguy cơ lây nhiễm của bệnh nên còn hoang mang, lo lắng quá mức dẫn đến việc kỳ thị với người bệnh.
 Trước diễn biến phức tạp của dịch  do virus Zika, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, BS Nguyễn Hữu Hưng, yêu cầu các đơn vị trực thuộc liên quan tăng cường giám sát, truyền thông, đặc biệt tư vấn trực tiếp đến thai phụ, tập trung ở các phòng khám sản khoa.  Để bảo vệ sức khỏe người dân, cộng đồng trước dịch bệnh do virus Zika, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống như tăng cường hoạt động Văn phòng đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp (EOC), hướng dẫn, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, xử trí kịp thời, đẩy mạnh công tác truyền thông...; tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Mục tiêu của chiến dịch nhằm kêu gọi mỗi người dân, gia đình và cộng đồng cũng như các ban, ngành đoàn thể, tổ chức hãy nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Bộ Y tế đề nghị người dân, đặc biệt là phụ nữ có thai và dự định có thai cần thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng chống lây truyền bệnh cho cá nhân và cộng đồng.
Cũng trong ngày 18-10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đã trực tiếp xuống giám sát địa bàn quận 2- nơi đã xuất hiện 2 ca mắc do virus Zika. Theo BS Phan Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 2, tuần qua trên địa bàn quận đã ghi nhận thêm một ca mắc Zika, đó là cô gái 20 tuổi, ngụ khu phố 1, phường An Phú. “Hiện quận 2 có 3 khu vực có nguy cơ phát sinh nhiều muỗi, dịch Zika là phường Bình Lợi, An Phú và phường Bình An”, BS Phước quan ngại.
Với diễn biến nguy hiểm của dịch do virus Zika, Giám đốc Sở Y tế, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, cho biết đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng TP và các quận huyện quyết liệt giám sát, xử lý môi trường. Đồng thời, triển khai giám sát ngay tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân và kể cả nhà thuốc để phát hiện sớm các ca nghi ngờ. “Giám sát chặt chẽ, có triệu chứng là cho xét nghiệm ngay để phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, cái quan trọng là các quận huyện phải vệ sinh môi trường, không tạo điều kiện cho phát sinh lăng quăng, muỗi”, PGS Bỉnh nhìn nhận
Đánh giá cao sự chủ động của UBND quận 2, tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu lo lắng vì hiện trên địa bàn có quá nhiều công trình xây dựng, từ cơ sở hạ tầng đến dân cư. Để ngăn ngừa hiệu quả dịch do virus Zika cũng như dịch sốt xuất huyết, Phó Chủ tịch TP Nguyễn Thị Thu yêu cầu UBND quận 2 tập trung diệt lăng quăng, diệt muỗi. “Những nơi có nguy cơ phát sinh lăng quăng, muỗi phải vệ sinh ngay, không tạo điều kiện cho sinh sôi, phát triển”, Phó chủ tịch Thu chỉ đạo.
                                                                     Tin, ảnh: TƯỜNG LÂM
 
 
 

Gạo VN đứng trước nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ

Thứ Ba, ngày 04/10/2016 08:35 AM (GMT+7)
Trong thời gian qua, hàng nghìn tấn gạo của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã bị trả về do dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong gạo vượt mức giới hạn cho phép theo quy định của Mỹ.
Gạo VN đứng trước nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ - 1
Ảnh minh họa.
Theo thông tin từ trang cảnh báo của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dẫn lại cho biết, chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, đã có 95 container (tương đương với hơn 1.700 tấn) gạo của Việt Nam bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao.
Qua kiểm tra, FDA kết luận có 8 hoạt chất có trong gạo Việt Nam khi xuất sang Mỹ vượt mức giới hạn cho phép. Tuy nhiên, cả 8 hoạt chất đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Còn tại Mỹ, có 5 hoạt chất chưa có quy định giới hạn cho phép đối với hoạt chất bảo vệ thực vật trên thực phẩm.
FDA cũng cho biết thêm, tính từ năm 2012 đến tháng 8.2016, đã có tổng số 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này bị trả gạo về với tổng số 412 container, tương ứng với gần 10.000 tấn gạo.
Tình hình này đã dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Mỹ, thậm chí Mỹ có thể cấm nhập khẩu gạo Việt Nam.
Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ đầu năm đến nay, nhiều lô hàng gạo của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ đã bị trả về do dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong gạo vượt mức giới hạn cho phép theo quy định của nước nhập khẩu. Tình trạng này cũng xảy ra ở một số thị trường các nước phát triển khác.
Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra thông báo nhằm cảnh báo doanh nghiệp trước khi xuất khẩu. Theo Bộ này, doanh nghiệp phải kiểm tra, giám định kỹ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng, tránh để bị nước nhập khẩu trả về. Doanh nghiệp tái phạm nhiều lần sẽ bị cấm xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Đô cho rằng nếu không cảnh báo, lưu ý việc nhập khẩu của doanh nghiệp thì sẽ có nguy cơ đóng cửa thị trường Mỹ.
Mỹ được xem là thị trường gạo tiềm năng của Việt Nam, nhưng đây là thị trường yêu cầu chất lượng cao, có nhiều rào cản kỹ thuật. Do đó, đã có nhiều lô hàng gạo xuất khẩu sang Mỹ bị trả về do nhiễm các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vi phạm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2016, lượng xuất khẩu gạo của cả nước đạt 3,37 triệu tấn, giảm 16,6%, đạt giá trị 1,51 tỉ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.  
Trong đó, thị trường Mỹ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong xuất khẩu gạo Việt, với 22.084 tấn trong 8 tháng, đạt giá trị gần 12,2 triệu USD, giảm mạnh so với mức 33.000 tấn và 18,7 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.
Comment
Họ và tên : (*)
Email : (*)
Tiêu đề : (*)
Comment (*)